Thông tin ban đầu từ lực lượng chức năng, chiều tối 18/5, bà T.T.T.T. (ngụ tại phường Bình Thắng, Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mở lồng, thả con chó pitbull nặng khoảng 30kg ra ngoài, không rọ mõm. Sau đó, mẹ của bà T. là bà cụ Đ.T.V (82 tuổi) trong nhà nói vọng ra ngoài, liền bị con chó lao vào tấn công.
Khi con chó tấn công bà V., người nhà đã lao vào can thiệp, kéo con chó ra những bất thành. Do tuổi già, sức yếu cộng với những vết thương nặng do con chó pitbull gây ra, bà V. đã tử vong sau đó.
Theo Dân Việt, thực tế đã có không ít vụ chó pitbull tấn công người gây tử vong. Chiều 27/7/2022, một con chó pitbull nặng khoảng 30kg đã tấn công một bé trai 8 tuổi, ngụ tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Vụ tấn công đã khiến bé trai 8 tuổi tử vong thương tâm.
Ngày 28/8/2022 tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một người phụ nữ 64 tuổi bị con chó pitbull nặng khoảng 40kg tấn công trong khi đang cho con chó ăn. Hai ngày sau, người phụ nữ đã tử vong dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại Long An, vào ngày 20/5/2021, anh H. (37 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) dắt hai con chó pitbull đi đến xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để uống cà phê với bạn. Trong lúc nói chuyện, bạn của anh H. thường quơ tay, quơ chân.
Sau đó, con chó đứng cạnh đó lao đến tấn công, cắn nam thanh niên này tử vong tại chỗ. Anh H. cố can ngăn cũng bị con chó này cắn với nhiều vết thương, phải cấp cứu tại bệnh viện.
Giống chó Pitbull nguy hiểm thế nào?
Theo Animalsaroundtheglobe, trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì Pitbull xếp số 1.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ở Mỹ, mỗi năm nước này có khoảng 10.000 vụ chó tấn công con người. 59% số vụ do chó pitbull gây ra, 82% số vụ dẫn đến tử vong là do pitbull và một nửa nạn nhân là trẻ em.
Nhiều nghiên cứu và khảo sát chỉ ra rằng, 85% số vụ tấn công nhằm vào trẻ em là từ chó trong gia đình hoặc gần gũi với gia đình.
Theo lý giải khoa học, sở dĩ chó Pitbull đặc biệt nguy hiểm và khó thuần hóa là bởi bản tính hung dữ, hiếu chiến, gan lỳ của chúng đã có từ rất lâu. Theo đó, ban đầu người ta lai tạo giống chó này chỉ nhằm mục đích tạo ra dòng chó chiến để phục vụ những cuộc chiến đẫm máu. Bởi vậy, một khi "cơn điên" đã nổi lên, chúng sẽ tiêu diệt mục tiêu bằng được, cho dù đó là chủ nuôi hay bất cứ ai.
Theo trang Outdoor Dogfun, Pitbull có tổ tiên là một giống chó dữ tợn và hiếu chiến, Pitbull ngày nay đã được lai tạo để có một bộ hàm rất khỏe. Cụ thể, lực cắn từ hàm của một con chó Pitbull có thể rơi vào khoảng 235 psi (1 psi tương đương 6.895 N/m2).
Một số người cho rằng, với lực cắn như vậy, chó Pitbull có thể cắn gãy xương đùi của bò chỉ bằng một nhát cắn. Ngoài lực cắn mạnh, tác động của vết cắn từ chó Pitbull còn phụ thuộc vào 2 yếu tố.
Thứ nhất là cắn chặt kèm lắc mạnh. Kory Nelson, luật sư có nghiên cứu về chó Pitbull ở thành phố Denver, Mỹ, cho biết: "Vết cắn của chó Pitbull thường gây ra vết thương nghiêm trọng hơn các giống chó khác. Loài này có xu hướng tấn công vào các cơ nằm sâu trong cơ thể, cắn chặt và lắc qua lắc lại để làm rách các mô".
Chó Pitbull là loài có thân hình to lớn, kết hợp với việc vừa cắn chặt vừa lắc mạnh sẽ khiến vết thương ngày càng nặng.
Yếu tố thứ hai khiến Pitbull trở thành loài đáng sợ đó là chúng không nhả ra sau khi cắn. Cơ hàm cực khỏe giúp Pitbull cắn và giữ chặt không cho đối phương thoát ra.
Một ví dụ về sự "lì lợm" của Pitbull đó là trường hợp xảy ra ở thành phố Alton, bang Illinois, Mỹ năm 2018. Một cảnh sát bị chó Pitbull tấn công khi tới hiện trường. Các đồng đội buộc phải bắn chết con Pitbull để giải cứu viên cảnh sát. Nhưng ngay cả khi đã chết, con chó Pitbull vẫn ngọam chặt tay của viên cảnh sát. Điều này chưa từng xảy ra trong các vụ tấn công của những loài chó khác.
Nhiều quốc gia cấm chó Pitbull
Theo VietNamNet, vì sự nguy hiểm của Pitbull, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm giống chó này hoặc ban hành các hạn chế nhất định với việc nuôi chúng. Theo trang Petolog, có nhiều quốc gia hoặc một số tỉnh/bang của quốc gia cấm nuôi chó Pitbull.
Trong số này có Pháp, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Romania, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Malta, Anh, Ireland, Venezuela, Puerto Rico, Ecuador, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Belarus, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Singapore.
Một số khu vực tại các nước Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản cũng cấm nuôi giống chó này.
Minh Hoa (t/h)