alt=

Ăn ngủ cả tháng trong chuồng hổ

Đã có kinh nghiệm 25 năm chuyên chăn nuôi thú dữ, anh Nguyễn Quang Phúc (48 tuổi), Tổ trưởng tổ Chăn nuôi thú dữ, xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1 chia sẻ: “Khi chăm sóc thú dữ thì loài nào cũng khó, mà dễ hay không là do mình tiếp cận, đối với thú dữ, tuyệt đối không được quát mắng, đánh đập.

Khi mới làm quen, hành động của chúng ta phải lưu ý hết sức nhẹ nhàng, từ tốn, nếu vội vàng hoặc làm thú giật mình, chúng sẽ phản ứng lại ngay lập tức”.

Anh Phúc cho biết: “Thực ra, gọi là thú dữ, nhưng chúng lại có những biểu cảm giống hệt con người.

Những người chăm sóc hàng ngày thì rất dễ quen với chúng, có thể vuốt ve như một loài thú cưng bình thường trong gia đình”.

Mỗi sáng, những người công nhân sẽ đánh thức, rải đồ ăn ở khu trưng bày, rồi mở cửa cho thú ra ngoài để vào dọn dẹp chuồng. Mỗi sáng, họ cũng không quên “chào buổi sáng”, trò chuyện, hỏi han những con thú như người thân.

Công việc của những người công nhân ở đây về mặt danh nghĩa thì theo ca kíp bình thường, nhưng chẳng mấy khi hết ca mà được ở nhà hoàn toàn.

Anh Phúc ví dụ: “Có những lần, giữa buổi đêm hôm, hai con gấu chung chuồng đánh nhau, anh em cũng phải can thiệp tách đàn, dù nguy hiểm nhưng đó là công việc bất khả kháng.

Chúng tôi phải mở cửa, kéo cửa, cầm vòi nước để tách gấu ra khỏi nhau, cần đến 2-3 người khá vất vả”.

Là người khá gần gũi với hầu hết các cá thể thú dữ trong công ty, anh Phúc chia sẻ: “Người công nhân làm công việc chăm sóc trực tiếp hàng ngày sẽ có thể phát hiện ra biểu hiện bệnh của từng loài.

Thú dữ rất ít khi ốm đau, nhưng một khi đã ốm là toàn thể anh em trong tổ đều mệt. Tôi phải khẳng định, thú dữ rất tình cảm nhưng cũng khá kén người”.

Vị Tổ trưởng tổ Chăn nuôi thú dữ nhớ lại: “Đầu năm ngoái, ngày sư tử cái sinh, tất cả chúng tôi không ai dám vào chuồng, chỉ dám quan sát qua màn hình camera đã được đặt sẵn.

Thấy sư tử cái rặn mãi mới ra mà sư tử con bị ngạt, nằm im, ai cũng nghẹt thở lo lắng. Sư tử mẹ liếm mãi, sư tử con mới có dấu hiệu sống sót, tôi cũng như mọi người, đều sung sướng, chảy nước mắt, bởi vì lúc đầu đã nghĩ nó không sống được. Thương lắm!

Dịp đó, chúng tôi ngồi theo dõi từng chút một, nhất cử nhất động, không ăn, không ngủ suốt mấy ngày đêm. Cả tổ nhìn chăm chăm vào màn hình, chỉ sợ, lỡ sư tử mẹ sinh con ra mà đè lên con thì phải vào can thiệp xử lý ngay”.

Một ấn tượng nữa trong suốt hơn 20 năm chăm sóc thú dữ của anh Phúc chính là kỷ niệm nuôi bộ hai chú hổ con: “Năm 2008, một con hổ sinh nhưng không chịu cho con bú. Chúng tôi phải đi mua một ổ chó đẻ về, chăm sóc thật tốt cho chó mẹ có sữa, để nuôi hổ bằng sữa chó. Sau khoảng 20 ngày, chó mẹ cũng hết sữa, chúng tôi phải đi mua thêm một ổ nữa về cho hai chú hổ bú tiếp.

Sau hơn 2 tháng, chúng tôi tập cho hổ con ăn sữa ngoài, đến độ 4-5 tháng thì tập cho ăn dặm bằng thịt băm.

Chúng lớn nhanh như thổi, đến tầm 50kg thì cho vào chuồng nuôi ở khu trưng bày. Hàng ngày, tôi cầm chai sữa nửa lít đưa vào chuồng, chúng chạy lại, hai chân trước giơ lên ghì chặt chai sữa như sợ tôi lấy mất vậy. Cảm giác lúc cầm chai sữa cho chúng bú cũng thực sự rất xúc động”.


Chuyện của những người ăn ngủ với thú dữ

Đối với người đàn ông 48 tuổi này, kỷ niệm in đậm nhất là với một chú hổ tên Bình Dương (anh đặt tên như vậy vì chú hổ được chuyển ra từ Bình Dương): “Khoảng năm 2007, 3 năm sau khi tiếp nhận, Bình Dương bị một vết thương ở bàn chân trước, bác sỹ thú y phải gây mê phẫu thuật.

Sau khi đưa vào cũi, tôi cùng mấy công nhân khác phải ăn ngủ cùng chuồng, kê một cái phản ở gần cũi để luân phiên trông chừng.

Lưỡi hổ rất sắc, vết thương mọc da non rất mỏng, chỉ cần liếm là sẽ bị đứt chỉ, dẫn đến nhiễm trùng, hễ thấy nó liếm vào vết thương là chúng tôi phải gõ vào cũi để nó ngừng lại”.

Anh còn kể: “Phẫu thuật xong Bình Dương không chịu ăn uống, cứ quay đầu đi nên phải truyền mất 2 ngày, mà không ăn được nó sẽ yếu nên sang ngày thứ 3, tôi phải đích thân vào dỗ dành, bón thịt cho Bình Dương. Mọi ngày, một suất của Bình Dương là 5 cân thịt cứ vứt vào là nó đánh chén chỉ trong 3 phút là xong, nhưng tôi phải cắt nhỏ ra, sau đó, vừa cho ăn vừa nịnh, hết hơn 1 tiếng sau mới ăn hết chỗ thịt. Sau khi cho ăn được, Bình Dương cũng nhanh chóng khỏe lại.

Đợt đó, chúng tôi phải thay phiên nhau ăn ngủ cùng Bình Dương cả tháng trong chuồng. Vì yêu nghề nên không nề hà gì, lúc Bình Dương khỏi lại, tôi cũng mừng mà rưng rưng nước mắt”.

“Có những giai đoạn phải “ở lì” lại đây theo dõi tình hình sức khỏe của thú dữ, nhưng tôi may mắn có người vợ thấu hiểu và cảm thông, thấy tôi “san sẻ” cho thú dữ cũng không “giận hờn” gì”.

Ngày mới kết hôn, tôi vắng nhà suốt thì chắc vợ tôi cũng tủi thân, nhưng chẳng thở than gì, có lẽ cũng một phần vì vợ tôi là nhân viên thú y cùng công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, nên càng hiểu đặc thù công việc của tôi cần như vậy.

Con tôi khi còn nhỏ cũng có buổi nhớ bố quá, mỗi khi tôi về là chạy ùa lại ôm cổ tôi, thầm thì: “Thế bố không về nhà tắm giặt ạ? Con nhớ bố!”.   

Tôi cười với con: “Đồng nghiệp của bố ở lại, nên bố cũng ở lại để sát cánh với các cô chú và để có thể chứng kiến các bạn thú khỏe lại. Bố với các cô chú sẽ tắm giặt, sinh hoạt ngay tại công ty”.

Nghe vậy, con tôi cũng sốt sắng hỏi thăm sức khỏe của bạn thú và quên “hờn” bố”, anh Phúc cười sảng khoái khi nhắc đến gia đình.

Trải nghiệm làm mẹ của sư tử con

Người đã có trải nghiệm như người mẹ thứ hai của chú sư tử con chính là chị Trần Thị Ngọc (44 tuổi), đã gắn bó với công việc chăm sóc thú dữ gần 20 năm.

Chị chia sẻ, giữa chị và chú sư tử con kia có một tình cảm đặc biệt, quấn quýt như mẹ con. Sau hơn một năm với vai trò người mẹ thứ hai, chị Ngọc đã có khá nhiều kỷ niệm với cậu con trai “khổng lồ”.

Chị tâm sự: “Khi Chăm (tên chú sư tử con) tiêm phòng mệt mỏi, không ăn được gì, trong lòng tôi cũng thương, hết giờ làm, về nhà còn cảm thấy nhớ như nhớ con mình.

Sau khi Chăm được đưa vào chuồng, tôi cũng nhớ và có cảm giác như đang đưa con mình đi học mẫu giáo vậy. Nhìn thấy Chăm nằm ủ rũ trên phản mà tôi cũng chảy nước mắt”.

“Sau một tuần Chăm quen chuồng mới, nhưng sáng nào tôi cũng muốn vuốt ve, hỏi han: “Chăm hôm nay có ngoan không? Yêu Chăm lắm!”. Mỗi lần nghe tôi cất tiếng gọi là Chăm lũn cũn chạy tới, dụi đầu vào song sắt nũng nịu”, người mẹ thứ hai của chú sư tử chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi làm quen với công việc, chị Ngọc giãi bày:“Hồi đó, khi nghe tiếng kêu lớn của thú dữ, tôi còn giật mình thon thót. Lúc làm vệ sinh đứng gần song sắt, tôi cứ có cảm giác lo sợ bị thú dữ vồ bất ngờ, nhưng sau đó cũng quen dần, có sự cảnh giác cao và làm việc gì cũng đảm bảo nội quy an toàn lao động”.

“Đối với chúng tôi, chăm sóc thú dữ là công việc vất vả nhất nhưng làm nhiều thành quen thì không còn cảm nhận nỗi vất vả nữa. Thú dữ cũng như con người, có biểu cảm âu yếm nhưng cũng có lúc gầm gừ cáu giận.

Tùy thời kỳ và giai đoạn, chúng có biểu cảm khác thường, đôi khi cũng khó “chiều”. Một người nếu không yêu động vật thì cũng không có đủ sự kiên trì, tâm huyết để làm những công việc ấy hàng ngày”, người công nhân với gần 20 năm kinh nghiệm giải thích.