CII sai phạm nghìn tỷ tại các dự án BOT ra sao?

CII sai phạm nghìn tỷ tại các dự án BOT ra sao?

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 4, 23/08/2017 06:00

UBND TP. HCM nhiều lần chỉ định CII làm chủ đầu tư các dự án BOT lớn. Những dự án này chiếm phần nhiều số tiền sai phạm bị kiến nghị xử lý bởi Thanh tra Chính phủ.

Bất động sản - CII sai phạm nghìn tỷ tại các dự án BOT ra sao?

CII tự nâng phê duyệt điều chỉnh dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội thêm 1.400 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại sáu dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP. Hồ Chí Minh.

Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.Hồ Chí Minh xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỉ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỉ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỉ đồng. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến sai phạm tại các dự án BOT và BT nêu trên.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp liên quan, CTCP Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã chứng khoán: CII) bị nêu tên ở hai dự án với số tiền sai phạm lên tới hơn 1.400 tỷ đồng.

Tự phê duyệt điều chỉnh tăng 1.400 tỷ đồng

Cụ thể, tại dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội được thực hiện theo hình thức BOT. UBND TP. Hồ Chí Minh không tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ định CII làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 2.422 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 3.822 tỷ đồng, gồm 20% vốn chủ sở hữu và 80% còn lại đi vay.

Theo Thanh tra Chính phủ, CII đã tự phê duyệt điều chỉnh dự án khả thi từ 2.422 tỷ đồng lên 3.822 tỷ đồng (chênh lệch 1.400 tỷ đồng, chủ yếu gồm chi phí xây dựng 398 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 667 tỷ đồng, chi phí dự phòng 304 tỷ đồng) là vi phạm pháp luật khi thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án khả thi phải là UBND TP. Hồ Chí Minh, trái quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 12/2009 và Khoản 5, Điều 12, Nghị định 108/2009.

Về phê duyệt chi phí tổng mức đầu tư, CII đã phê duyệt phương án khả thi, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, trong đó bổ sung 10 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi không được chấp nhận của UBND TP. Hồ Chí Minh; bổ sung 1.400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi chưa có phương án giải phóng mặt bằng được phê duyệt; chi phí quản lý dự án không đúng quy định của bộ Xây dựng, dẫn đến tăng chi phí 11,7 tỷ đồng là vi phạm Điều 4, Nghị định 99/2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Nhiều sai phạm tại dự án Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu II

Ở dự án cầu Bình Triệu II, UBND TP. HCM tiếp tục không thực hiện đấu thầu rộng rãi mà chỉ định CII làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.717 tỷ đồng. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy CII đã thu vượt phương án tài chính nhưng chưa được cơ quan Nhà nước phê duyệt là 13,7 tỷ đồng, đồng thời trong phương án tài chính tự lập đã đưa ra khoản ứng vốn 49 tỷ đồng không thuộc hợp đồng.

Trong khi đó ở dự án Xa lộ Hà Nội, đối với việc chuyển nhượng quyền thu phí giao thông của dự án này cho CII, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 3,3 tỷ đồng chi phí tiền thuê nhà chưa được hạch toán theo đúng quy định. Về công tác duy tu, bảo dưỡng và trùng tu, CII và sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã quyết toán chênh lệch tăng giữa duy tu thực tế và khoán là 5,8 tỷ đồng, chênh lệch tăng giữa chi phí trùng tu theo phương án và thực tế là 12,8 tỷ đồng.

Đối với việc chuyển nhượng quyền quản lý thu phí giao thông của dự án Xa lộ Hà Nội để trả cho xây dựng cầu Rạch Chiếc, Thanh tra Chính phủ kết luận chi phí nhân công trong quyết toán tăng sai 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 10 tỷ đồng chi phí duy tu, bảo dưỡng chưa được CII chuyển cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 theo quy định hợp đồng.

CTCP Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - CII được thành lập năm 2001 với các cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP. HCM (HFIU – nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ XNK Thanh niên TP. HCM (VYC) và CTCP Đầu tư và Dịch vụ TP. HCM (INVESCO).

Mục tiêu hoạt động của CII là hình thành một tổ chức đầu tư tài chính lớn, huy động vốn trung và dài hạn để thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tới cuối quý II/2017, CII đang đầu tư trực tiếp vào 9 công ty con và 4 công ty liên doanh, liên kết, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tổng tài sản của CII tới cuối tháng 6/2017 đạt 19.465 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.656 tỷ đồng, trong đó 2.798 tỷ đồng vốn điều lệ.

Các dự án Xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu được xem là những “mỏ vàng” đối với CII và góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh không ngừng của doanh nghiệp này.

Nghi Điền

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.