Cởi lòng trò chuyện với sếp ngày cuối năm

Cởi lòng trò chuyện với sếp ngày cuối năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
– Khi đã là sếp thì đổi ghế và đổi mồm, họ lần lượt bộc lộ tham vọng cá nhân. Không ít sếp coi cơ quan như nhà của mình, xum xoe nịnh bợ thượng cấp, mắng chửi nạt nộ thuộc hạ, tự cho mình cái quyền đương nhiên được hưởng những đặc ân về khen thưởng và bổng lộc.

Chuyện kể rằng khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập (tháng 8/1945), việc mời một số nhân sỹ trí thức có uy tín tham gia Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn. Riêng với cụ Huỳnh Thúc Kháng phải tới cuối năm 1945, sau 2 lần Bác Hồ gửi điện mời, cụ Huỳnh mời dè dặt ra Hà Nội gặp Bác.

Khi gặp, Bác chỉ nói gọn: Việc mời cụ ra nhậm chức bộ trưởng Bộ Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các Đảng phái trong đó có tôi, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm cụ.

Với khả năng cảm hóa siêu việt, chỉ mấy tháng sau cụ Huỳnh đã thành cộng sự thân tín của Bác Hồ trong Chính phủ và được Bác “nhờ cậy” làm Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô.

Xã hội - Cởi lòng trò chuyện với sếp ngày cuối năm

Ảnh minh họa

Suốt từ đó cho tới khi từ trần (tháng 4/1947), cụ Huỳnh hết sức ngưỡng vọng Bác Hồ và luôn trân trọng gọi Bác là Cha già dân tộc và trải lòng rằng dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc.

Rồi như Nghệ An những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế cũng đã để lại những tâm phục khẩu phục cho nhiều cộng sự nổi tiếng như bác Nguyễn Mạnh Cầm, Chu Mạnh, Dương Văn Dật, Nguyễn Tiến Chương, Trương Kiện, Nguyễn Bá… Câu chuyện Bb thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế đề đạt nguyện vọng không tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV (12/1976) để giới thiệu cán bộ trẻ nhằm tạo nguồn lãnh đạo lâu dài của tỉnh đang vẫn là bài học chí công vô tư cho nhiều thế hệ cán bộ.

Làm lãnh đạo cấp trên, khi được cấp dưới tâm phục khẩu phục như vậy thì điều khỏi bàn cãi là trăm sự sẽ trăm thành công.

Đảng ta là Đảng cầm quyền. Điều đó đồng nghĩa rằng các bí thư, giám đốc, các chủ tịch là do tổ chức Đảng phân công. Dĩ nhiên sự phân công phải dựa trên uy tín về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cán bộ.

Chỉ tiếc là trong cuộc sống có những lãnh đạo không ngộ ra điều đó.

Khi chưa là sếp họ còn giữ gìn ý tứ. Khi đã là sếp thì đổi ghế và đổi mồm, họ lần lượt bộc lộ tham vọng cá nhân. Làm sếp mà lòng tự trọng gần như không còn nữa thì cấp dưới làm sao mà tâm phục khẩu phục?

Nhưng điều không bình thường là ở nhiều cơ quan, thuộc cấp quá hiểu sếp vừa không tài giỏi gì về chuyên môn vừa yếu về tư cách phẩm chất. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ vài lần có cơ hội nhận xét về sếp, tuy sếp đã mở lòng cầu thị, xin thuộc cấp lời đánh giá về những thiếu sót để sửa chữa vậy mà không ai góp ý gì, thậm chí có khi bỏ phiếu kín sếp vẫn đạt phiếu cao đàng hoàng. Hỏi thì mới hay thuộc cấp không muốn dây vào chuyện của sếp, lợi đâu chẳng thấy không khéo lại mất oan nhiều thứ.

Đúng là với chế độ thủ trưởng như hiện nay thì sếp là quyền lực vô biên. Thân phận thuộc cấp phải lệ thuộc sếp đủ điều từ nâng lương, quy hoạch, đề bạt đến khen thưởng xếp loại thi đua... Vậy thì thượng sách nhất với sếp là tuy tâm không phục mà khẩu thì phải phục, hãy tự xem mình là kẻ vừa mù vừa điếc, càng tránh xa chuyện của sếp càng hay để sếp hài lòng và mình được chốn bình yên. Đến như Chi bộ Đảng là địa chỉ tin cậy nhất về quyền dân chủ, vậy mà Đảng viên sinh hoạt cũng lắm khi ngắc ngứ, bụng nghĩ tới sếp một đường mà miệng phải nói về sếp một nẻo.

Những việc đại loại như vậy giờ đang thành phổ biến ở nhiều cơ quan và nhiều cấp, ai cũng biết rất rõ nhưng không ai nói ra và không ai nói ra nhưng ai cũng biết rất rõ. Nguy hại của tâm không phục mà khẩu phải phục là làm đổ vỡ niềm tin, xáo trộn kỷ cương, tạo lối ứng xử giả tạo và thực dụng.

Đây cũng là cội nguồn của những trì trệ và hư hỏng trong hệ thống bộ máy công quyền.

Muốn loại trừ câu chuyện tâm không phục mà khẩu phải phục trong các cơ quan đơn vị thì bảo bối quan trọng bậc nhất vẫn là lựa chọn người chèo lái thật đúng tầm và thực sự có tâm, để thuộc cấp gửi trọn niềm tin cậy và thoải mái cống hiến trong niềm vui tâm quá phục và khẩu cũng rất phục.

Khánh Linh