“Cửu vạn sách” ấp ủ mang tri thức về nông thôn

Thủy Tiên - Quang Trường

Với khát khao mang tri thức về nông thôn, người đàn ông với biệt danh “Cửu vạn sách” bước vào hành trình tặng sách, xây dựng tủ sách, khuyến đọc và dành ngọn lửa đam mê với những dự án ý nghĩa, trở thành thành viên tích cực của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam.

Ý tưởng sách hóa nông thôn

Từng mang tiếng “vác tù và hàng tổng” khiến gia đình, người thân lo lắng, nhưng với bản lĩnh và nhiệt huyết thanh xuân, “Cửu vạn sách” vẫn miệt mài gieo mầm văn hóa đọc trên mỗi nẻo hành trình, dần chinh phục những ánh nhìn nghi ngờ từ những người xung quanh.

Đó là một quãng gian nan trong câu chuyện của anh Đỗ Tiến Thành (sinh năm 1979, ở Hà Nội). Hiện đang là Phó Giám đốc trung tâm Hạ tầng kỹ thuật của một công ty xây dựng, nhưng anh được mọi người biết đến với biệt danh “Cửu vạn sách” cùng những dự án khuyến đọc nhiều hơn.

Mở đầu câu chuyện, người đàn ông 41 tuổi lý giải về biệt danh “Cửu vạn sách” của mình: “Đơn giản chỉ là mô tả công việc đưa sách về nông thôn, cũng là mong muốn của cá nhân tôi, sẽ đưa được nhiều vạn cuốn sách đến cho trẻ em. Tôi may mắn có những người bạn đồng chí hướng. Chúng tôi chọn những cái tên rất đơn giản và gần gũi như “Ăn mày sách Nguyễn Quang Thạch”, “Giáo sư bán sách rong Nguyễn Quốc Vương”, “Cửu vạn sách Đỗ Tiến Thành”… gắn liền với một công việc đơn giản nhưng với tình yêu, sự bền bỉ có thể đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội”.

Là người con sinh ra giữa hồn quê văn hiến Hưng Yên, và đúc kết từ chính những trải nghiệm của bản thân, anh tâm niệm: “Để nuôi dưỡng văn hóa đọc trong mỗi con người, hãy giúp những đứa trẻ đọc sách từ ấu thơ”.

“Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hai cuốn sách mà mình có được từ khi còn rất nhỏ. Đó là cuốn Không gia đình mà mẹ tôi mua tặng và cuốn Con chim mồi bằng gỗ vốn là phần thưởng cho 3 tháng đi sinh hoạt hè năm 1986, khi tôi học lớp 2. Những câu chuyện chứa đựng sự nhân văn và lòng yêu thương đã đi theo tôi đến lúc trưởng thành, nuôi dưỡng mong muốn đưa sách đến cho các em nhỏ ở nông thôn và khắp nơi trên cả nước”, anh Thành bồi hồi nhớ lại.

Ước muốn giúp trẻ em đọc sách đã đưa người kỹ sư xây dựng đến với chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do người bạn Nguyễn Quang Thạch khởi xướng. Đồng cảm với nhau ở góc nhìn khi thấy trẻ em ở nông thôn hiện nay thiếu sách, không có thói quen đọc sách, anh cùng bạn bè của mình đã bền bỉ gieo mầm văn hóa đọc trên mỗi nẻo hành trình.

Năm 2014, hành trình của “Cửu vạn sách” bắt đầu bằng việc tự bỏ tiền ra mua những cuốn sách hay như Khuyến đọc, Totto chan… tặng các bạn sinh viên, bạn bè, đồng nghiệp và bắt đầu chia sẻ với mọi người về chương trình sách hóa. Năm 2015, anh cùng nhóm của mình làm những tủ sách lớp học đầu tiên cho các trường học tại quê hương.

“Vạn sự khởi đầu nan”, anh Thành không tránh khỏi việc đối mặt với những khó khăn trên những chặng đường đầu tiên. “Một phần do cá nhân tôi chưa đủ uy tín, lại vừa phải tranh thủ làm những việc “bao đồng”, vừa lo công việc, gia đình nên nhiều khi cũng khá áp lực. Làm tủ sách, đồng nghĩa chúng tôi phải đi về các trường, phòng GD&ĐT các địa phương để vận động mọi người cùng áp dụng mô hình. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà không có lợi ích vật chất. Đôi khi, chúng tôi cũng nhận được một số ánh mắt dò xét, nghi ngờ từ bên ngoài”, anh không ngần ngại giãi bày.

Tuy nhiên, kiên định với tình yêu sách, cái tên “Cửu vạn sách” dần được khẳng định trong cộng đồng.

Khát khao đưa thật nhiều sách đến với các em nhỏ, trong ngày sinh nhật của mình, Đỗ Tiến Thành không ngại đăng lên Facebook, kêu gọi mọi người thay lời chúc bằng việc quyên góp 25.000 đồng để mua sách cho trẻ em.

“Tôi muốn làm một việc gì đó ý nghĩa trong ngày sinh nhật của mình nên đã nảy ra ý tưởng áp dụng công thức của Sách hóa nông thôn sử dụng để kêu gọi mỗi cá nhân chia sẻ những cuốn sách đến trẻ em khó khăn, 25.000 đồng tương đương với một cuốn sách. Và thật bất ngờ! Hàng trăm cuốn sách đã được mọi người ủng hộ bằng cách gửi tặng 25.000 đồng, nhiều trẻ em đã được nhận những cuốn sách hay từ tấm lòng của những người chưa quen”, giọng anh hào hứng hẳn lên.

Tặng sách online

Bên cạnh việc tặng sách, khuyến đọc, anh Thành còn vận động cha mẹ, thầy cô tích cực đồng hành dạy dỗ, đọc sách cùng trẻ. “Giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, một số chương trình tặng sách, giao lưu với các trường học và phụ huynh đành hoãn lại, vì vậy, tôi dự định sẽ làm các chương trình tặng sách online”, anh nói thêm.

Tâm đắc với câu danh ngôn “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”, “Cửu vạn sách” không giấu nổi niềm trăn trở: “Những quốc gia văn minh, phát triển như Âu, Mỹ, Nhật, Israel… đều có tỉ lệ người dân đọc sách rất cao, họ có hệ thống thư viện và ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ từ nhiều thế kỷ trước.

Đọc sách chính là quá trình tự học, tự trải nghiệm, vượt qua khuôn khổ thời gian và không gian, ranh giới của sự giàu nghèo. Trong khi đó, theo thống kê của ngành xuất bản, tỉ lệ sách đọc tại Việt Nam chỉ khoảng 0,8 - 1 cuốn/người/năm. Đây là con số rất thấp so với thế giới và chúng ta cần nỗ lực cải thiện văn hóa đọc”.

Không riêng anh Thành, mà cả những người bạn cùng đam mê cũng cảm thấy lo lắng trước thực trạng đáng báo động hiện nay, trẻ em ngày càng xa rời sách vở, bị cuốn theo điện thoại thông minh, trò chơi điện tử, mạng xã hội…, những mối đe dọa ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ.

Đồng hành cùng chương trình Sách hóa nông thôn, anh nhận thấy: “Hệ thống thư viện tập trung trong trường học, đặc biệt là các trường công còn yếu kém, nghèo nàn. Đọc sách chưa được coi trọng như một môn học, thủ thư trường học phần lớn không được đào tạo chuyên môn, bài bản, chưa được đãi ngộ hợp lý”.

“Để cải thiện văn hóa đọc trong môi trường học đường, chúng tôi mong muốn ngành giáo dục áp dục mô hình tủ sách lớp học (theo hình thức xã hội hóa), kết hợp với thư viện trường học để tăng thời lượng đọc/mượn sách của học sinh. Đọc sách cần được coi trọng như một môn học thay vì chỉ chú trọng đến sách giáo khoa.

Ngoài ra, ngành văn hóa cũng cần đẩy mạnh mô hình tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng. Chỉ cần mỗi gia đình Việt Nam đều có tủ sách thì đất nước sẽ có hàng chục triệu tủ sách, và rất nhiều trẻ em được đọc sách từ nhỏ”, đôi mắt anh ánh lên niềm hy vọng.

Trong thời đại kỹ thuật số, “Cửu vạn sách” cho rằng, sách giấy không thể thay thế bằng sách điện tử, mà cần phải song hành. “Sự kết nối trực tiếp giữa người với người đang dần bị mất đi, thay vào đó là sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. Cho dù có nhiều vật chất nhưng con người đang cảm thấy thiếu hạnh phúc hơn.

Điều đó cho thấy, đọc sách giấy, cũng như những hoạt hoạt động trải nghiệm, lao động gắn với thiên nhiên là không thể thiếu. Sách giấy, cùng với sách điện tử nên là sự bổ sung và lựa chọn khác nhau cho con người. Quan trọng là văn hóa đọc được phát triển mạnh mẽ”, đó là những điều người “cửu vạn sách” muốn nhắn nhủ trước khi kết thúc cuộc trò chuyện.

Tri ân y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Với mong muốn chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong mùa dịch Covid-19, “Cửu vạn sách” cùng Giám đốc dự án “Mọt sách Mogu” Lê Hiền, đã thực hiện chương trình “Tặng sách cho con em y, bác sĩ - mang bình an đến cho mùa dịch Covid-19”. Chương trình đã đưa sách đến rất nhiều bệnh viện tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc và nhận được sự đồng hành tích cực của nhiều cá nhân, đơn vị trong cộng đồng Việt Nam và Nhật Bản.

“Chúng ta đã đi qua cuộc chiến dịch chống dịch Covid-19 giai đoạn 1. Nhớ lại những ngày đầu năm đầy lo lắng, sợ hãi, có rất nhiều y bác sĩ, chiến sĩ đã phải căng mình ở tuyến đầu để chống dịch, không được về nhà, không có thời gian dành cho con cái, gia đình. Đó là một sự cống hiến, hy sinh đáng trân trọng. Chúng tôi, những người làm khuyến đọc, nhận thấy mình cũng phải có hành động gì đó để tri ân… Vì vậy, chúng tôi đã mang những cuốn sách gửi tặng cho con em các y bác sĩ, các bệnh nhân nhỏ tuổi ở các bệnh viện trên cả nước”, anh Thành chia sẻ.

T.T-Q.T