Đại án ngân hàng Phương Nam: Ông Trầm Bê phản ứng thế nào trước giờ tòa tuyên án?

Công Thư

TAND TP.HCM đang xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng TMCP Phương Nam (gọi tắt là ngân hàng Phương Nam – từ năm 2015, ngân hàng này sáp nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank).

Trong vụ án này, bị cáo Dương Thanh Cường, SN 1966, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Phát) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dương Thanh Cường đang phải thụ án có tổng hình phạt là chung thân với 9 bản án đã được các cấp tòa xét xử và tuyên phạt.

Ngoài ra, bị cáo Trầm Bê - Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Phương Nam; Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD ngân hàng Phương Nam), cùng 7 đồng phạm khác cũng bị đưa ra xét xử chung trong vụ án này về cùng tội Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trầm Bê: “Làm việc có ích vậy mà VKS nói bị cáo nguy hiểm cho xã hội”

Trải qua nhiều ngày xét xử, các bị cáo trong vụ án đều thành khẩn khai báo, tuy nhiên họ không đồng tình với cáo trạng truy tố, bởi cơ quan công tố xác định số tiền thiệt hại thực tế cao hơn nhiều so với con số tính toán của các bị cáo, khiến có bị cáo phải thốt lên: “Nếu bắt các bị cáo phải bồi thường 505 tỷ đồng thì chỉ biết khóc hết nước mắt”.

Tại phiên tòa, bị cáo Trầm Bê cho rằng, khi ký duyệt cho Dương Thanh Cường vay, bị cáo thấy hồ sơ đầy đủ, có tài sản bảo đảm nên về quy trình thì không sai. Khi biết 23 giấy CNQSDĐ (23 sổ đỏ) là tài sản bảo đảm này trước khi thế chấp cho ngân hàng Phương Nam, đã thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 để vay hàng trăm tỷ. Điều này khiến ngân hàng Phương Nam thiệt hại và cũng chỉ là nạn nhân.

Bào chữa cho bị cáo Trầm Bê, luật sư của bị cáo cho rằng, trong vụ án này, hành vi của ông Bê là thứ yếu, không gây thiệt hại cho ngân hàng. Ngoài ra, số tiền thiệt hại của ngân hàng Phương Nam là không chính xác. Con số thiệt hại thực tế chỉ 331 tỷ đồng chứ không phải 505 tỷ đồng như phía Sacombank (Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank từ năm 2015) là không chính xác.

Lý giải thêm, luật sư của ông Trầm Bê cũng cho rằng, khoản thu tăng thêm là do tỷ giá vàng tăng, không liên quan gì đến hành vi phạm của ông Bê và thuộc cấp. Bên cạnh đó, ngân hàng Phương Nam chưa thiệt hại vì khối tài sản bị cáo Dương Thanh Cường để lại vẫn chưa được xử lý để ngân hàng thu hồi nợ. Cho dù thiệt hại có xảy ra, thì giá trị của 23 sổ đỏ vẫn đủ để khắc phục thiệt hại cho Agribank và Sacombank. Từ đó, luật sư đề nghị tòa miễn trách nhiệm hình sự cho ông Bê.

Bào chữa bổ sung, ông Trầm Bê bật khóc: “Tui làm việc có ích cho xã hội nhiều, được 100 giấy khen, mua đất cất nhà cho bà con, xin giấy phép luôn, rồi sợ bà con bán đi, tui giữ 1.000 sổ hồng để bà con không bán nhà... Vậy mà VKS nói tui gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, cần cách ly xã hội. Hàng loạt cơ quan cấp cho tui 100 bằng khen, giấy khen các loại, nếu mà VKS nói tui cần cách ly khỏi xã hội 1 thời gian thì tui xin Tòa hủy giùm tui 100 bằng, giấy khen đi, với lại từ nay tui không làm điều gì có ích cho xã hội nữa đâu”.

Bị cáo Trầm Bê cho rằng mình không gây nguy hiểm cho xã hội.

Theo ông Bê, theo quy định của ngân hàng thì không được mang các tài sản thế chấp ra khỏi ngân hàng. Trong khi Agribank chi nhánh 6 lại cho Dương Thanh Cường mượn 23 sổ đỏ (bản chính) rồi mãi 3 năm sau mới đòi lại. Như vậy lỗi đầu tiên thuộc về Agribank chi nhánh 6, dẫn đến việc ngày hôm nay ông và nhóm bị cáo thuộc cấp phải hầu tòa.

“Nếu Agribank không cho mượn, hoặc cho mượn chừng một tháng thì thu hồi thì làm sao ông Cường thế chấp bên ngân hàng tui được. Chúng tôi cho vay nắm đằng cán, có trong tay 23 sổ đỏ, có kiểm tra tài sản, còn Agribank thì mang 23 sổ đỏ đưa lại cho ông Cường, từ đó Cường mới lừa chúng tôi”, ông Bê trình bày.

Ông Bê cũng khẳng định ông và thuộc cấp không gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam. Việc ông nói dùng 171 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại cho Agribank thay cho Dương Thanh Cường là bởi muốn lấy lại 23 sổ đỏ để xử lý tài sản bảo bảo, lấy tiền khắc phục hậu quả cho cả 2 ngân hàng.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trầm Bê khẳng định bản thân không gây nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo trình bày rằng, trước đó có quá lời khi đề nghị toà hủy 100 giấy khen của mình do VKS nói mình nguy hiểm. Tuy nhiên, sau đó đại diện VKS đính chính rằng, VKS đánh giá hành vi của bị cáo trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội, chứ không nói bị cáo là người nguy hiểm. Bị cáo Trầm Bê cảm ơn đại diện VKS đã đính chính.

“Siêu lừa” Dương Thanh Cường đề nghị được tự xử lý 23 sổ đỏ

Cùng quan điểm với luật sư của bị cáo Trầm Bê, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thanh Cường cũng cho rằng, việc VKS xác định con số thiệt hại là 505 tỷ đồng là không có cơ sở. Theo luật sư của bị cáo Cường, khi không thể trả khoản nợ vay tại ngân hàng Phương Nam, bị cáo Cường đã chủ động gán 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng Phương Nam để cấn trừ nợ.

Dương Thanh Cường đề nghị tòa cho mình kết hợp với cơ quan thi hành án để xử lý 23 sổ đỏ.

Ngân hàng Phương Nam đã chấp nhận đề nghị này của bị cáo Cường và quy đổi từ vàng ra tiền để tính tổng giá trị khoản phải thu (gồm cả gốc và lãi thời điểm năm 2010) là 331 tỷ đồng. Lỗi dẫn đến việc ngân hàng bị thiệt hại do chênh lệch tỉ giá vàng không phải do ông Cường.

Về phần dân sự, luật sư đề nghị giao 23 giấy CNQSDĐ cho ông Cường để ông này phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý tài sản để khắc phục thiệt hại cho cả Agribank chi nhánh 6 và ngân hàng Phương Nam.

Bị cáo Dương Thanh Cường không tham gia bào chữa bổ sung, nhưng trong lời nói sau cùng, bị cáo này khẳng định, các khoản nợ của công ty bị cáo Cường đã được tất toán vào năm 2010 bằng việc bị cáo gán 23 sổ đỏ cho ngân hàng Phương Nam. Khoản nợ vào thời điểm này là 331 tỷ đồng như bị cáo và ngân hàng Phương Nam đã thống nhất, nên Sacombank và VKS không thể nói khoản nợ chưa được tất toán mà chỉ “treo” tại ngân hàng Phương Nam nên tăng thành 505 tỷ đồng và bắt các bị cáo phải bồi thường thêm khoản chênh lệch này được.

Ngoài ra, bị cáo Cường mong tòa cho bị cáo kết hợp với cơ quan thi hành án để xử lý 23 sổ đỏ nhằm bồi thường thiệt hại cho Agribank. Còn khoản tiền lãi 146 tỷ đồng tại Sacombank, Cường xin được tự chịu trách nhiệm và sẽ hoàn trả.

Bị cáo Cường cũng mong tòa chiếu cố vì hiện sức khỏe yếu, tuổi đã cao, bị cáo đang thi án tù chung thân được 8 năm rồi còn 4 năm nữa thì bị cáo được xét giảm án.

Cả Agribank và Sacombank đều muốn tự xử lý 23 sổ đỏ

Được xác định là bị hại trong vụ án, đại diện Sacombank cho rằng, Dương thanh Cường thế chấp 23 sổ đỏ để vay vốn và tài sản này chưa được thanh lý, nên các khoản vay của Cường đến nay vẫn chưa được tất toán. Đại diện Sacombank đề nghị HĐXX giao 23 sổ đỏ cho ngân hàng để giải quyết hậu quả của vụ án.

Ngoài ra, đại diện Sacombank cũng khẳng định, bị cáo Dương Thanh Cường đã lừa lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng Phương Nam nên phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về các thiệt hại. Thực tế, ngân hàng Phương Nam cho vay có tài sản thế chấp, hiện vẫn đang giữ 23 sổ đỏ, nếu có sai thì chỉ là một số thiếu sót về thủ tục, chưa tới mức xử lý hình sự. Từ đó, đại diện Sacombank mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho 9 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng Phương Nam trong vụ án này.

Trong khi đó, đại diện Agribank (được xác định là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) không đồng ý giao 23 sổ đỏ cho Sacombank. Đại diện Agribank cho rằng, 23 sổ đỏ được thế chấp tại ngân hàng này. Sau đó, Dương Thanh Cường mượn 23 sổ trên đi thế chấp tại ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, bị cáo Cường đã chiếm đoạt 23 sổ đỏ của ngân hàng chứ không phải chiếm đoạt 171 tỷ đồng. Từ đó, đại diện ngân hàng đề nghị HĐXX xác định 23 sổ đỏ trên là tang vật của vụ án và giao cho Agribank quản lý, xử lý.

VKS đề nghị án tù giam với tất cả các bị cáo

Trước đó, đại diện VKS trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đã cho rằng, hành vi của các bị cáo bị truy tố trong vụ án này đủ yếu tố cấu thành tội danh như cáo trạng quy kết. Theo đó, bị cáo Dương Thanh Cường sau khi thế chấp 23 sổ đỏ vay của Agribank chi nhánh 6 hàng trăm tỷ, lại tiếp tục dung tài sản này để thế chấp vay của ngân hàng Phương Nam. Hành vi này của Cường là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với bị cáo Trầm Bê và các đồng phạm, VKS đánh giá các bị cáo đã không tuân thủ các quy định của ngân hàng, phê duyệt cho vay trái quy định, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam hơn 500 tỷ đồng.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường 18 – 20 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với các bản án trước là chung thân, buộc Cường bồi thường 185 tỷ đồng cho Sacombank, đồng thời liên đới bồi thường 319 tỉ với 9 bị cáo trong vụ án cho Sacombank.

VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trầm Bê 6 – 7 năm tù giam. Phan Huy Khang bị đề nghị 5 – 6 năm tù. Nhóm 7 bị cáo còn lại là thuộc cấp của bị cáo Trầm Bê bị đề nghị phạt mức án từ 3 năm đến 5 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành 171 tỷ đồng của Dương Thanh Cường cho Agribank chi nhánh 6. Sau khi trừ đi 171 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được dùng để khắc phục hậu quả cho Sacombank trong vụ án này. Ngoài ra VKS đề nghị HĐXX buộc 9 bị cáo liên đới bồi thường cho Sacombank 319 tỷ đồng.

15h chiều nay (30/7), tòa sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo.

C.T