“Địa đạo” dưới đình cổ Quán La: Lời giải nào cho những bí ẩn nghìn năm?

PHƯƠNG LY

Ít ai biết ngay dưới nền khu di tích đình Quán La (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) có một khu hầm rộng lớn với tuổi thọ gần nghìn năm. Người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về “địa đạo” bí ẩn nhưng chẳng mấy người dám vào sâu bên trong khám phá…

Khu “địa đạo” đặc biệt, 3 ngách đi 3 nơi

Những câu chuyện lạ về khu “địa đạo” bí ẩn đã dẫn lối PV ĐS&PL đến tận nơi để khám phá và tìm hiểu. Vòng vèo qua những con ngõ nhỏ và những khu chợ cóc, chúng tôi tìm được đến đình Quán La, ngôi đình chỉ cách Hồ Tây gần 1km.

Đứng trước ngôi đình cổ, chúng tôi khá bất ngờ vì trải qua bao năm tháng, đình Quán La vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, in đậm dấu ấn thời gian. Được biết, bên cạnh đình Quán La, cây đa khổng lồ và cây thị ngàn năm tuổi, nơi đây còn có một khu hầm bí ẩn nhiều ngách đã có từ rất lâu đời.

Từ lâu tại đình Quán La (Xuân La Tây Hồ, Hà Nội) đã tồn tại khu hầm ngầm cổ– Ảnh: Phương Ly

Để khám phá căn hầm cổ, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Lực, thủ từ đình Quán La, ông đã gắn bó với nơi đây cả chục năm nên tất cả những câu chuyện về hầm ngầm này ông đều nắm rõ. Theo chân ông Lực ra phía sau đình, một khu vực cây cối um tùm xuất hiện trước mắt chúng tôi, nhìn xuống dưới là một cái hố sâu hoắm, tối om, rêu bám quanh cửa hầm.

Hầm ngầm bí ẩn nằm dưới lòng đất, thông lên phía sau hậu cung của đình Quán La (Tây Hồ, Hà Nội) – Ảnh: Phương Ly

Ông Lực cầm một chiếc đèn pin dẫn chúng tối xuống khám phá hầm. Rêu phong bám đầy cầu thang nên ông liên tục nhắc nhở chúng tôi đi cẩn thận. Theo ánh đèn pin của ông Lực, chúng tôi nhìn thấy 3 cửa hầm xây hình vòm bằng gạch, gạch được in các hoa văn rất độc đáo. Ông Lực cho biết, gạch xây hầm là gạch dọc dừa có hoa văn trám, lối kiến trúc của khu hầm này có nhiều nét tương đồng với những ngôi mộ Hán. Điều đặc biệt là khu hầm này được xây bằng gạch cổ trộn với mật của cây mía theo hình vòm quấn. Trải qua bao nhiêu năm tháng, nó vẫn trường tồn với thời gian.

Ở phía dưới khu hầm ngầm có 3 đường hầm riêng rẽ – Ảnh: Phương Ly

Vừa soi đèn pin, ông Lực vừa giới thiệu với chúng tôi hiện tại khu “địa đạo” này có 3 ngách, theo lời các cụ kể lại thì một ngách đi Hồ Tây, một ngách đi Xuân Đỉnh và một ngách đi sông Hồng. Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai sâu khoảng 5m, đều bị bịt kín từ lâu. Cửa hầm thứ 3 vẫn mở và có thể nhìn rõ đường đi lối lại bên trong. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Lực, chưa một ai dám khám phá, khai thác sâu trong hầm đó là gì.

Cả 3 đường hầm đều được xây bằng gạch cổ với phần trên nóc hầm uốn cong hình vòng cung – Ảnh: Phương Ly

"Các cửa hầm đã bị bịt kín từ thời Lý, đến nay không ai dám phá cửa đi sâu vào bên trong. Hôm nào trời nắng, người ở dưới này rất khó thở, khỏe cũng chỉ được 1 phút là phải lên", ông thủ từ kể lại.

Những giai thoại bí ẩn

Khi được hỏi về các câu chuyện truyền thuyết ở nơi đây, ông Lực trầm ngâm kể, từ lâu nay có 3 giai thoại về các hầm ngầm này. Một số người cho rằng, nó là một ngôi mộ cổ của người Hán tại Việt Nam, có người lại khẳng định đây là lò luyện đan sa từ thời Lý, song cũng có nguồn tin nhận định đây là một phức hợp cất giấu của cải.

Tuy nhiên, những câu chuyện truyền miệng xung quanh địa đạo vẫn còn mang nhiều màu sắc huyền ảo, chưa rõ ràng. Theo lời các cụ cao niên trong làng, đình Quán La xưa kia nằm ngay sát sông Hồng nên vào mùa nước lên, khu hầm cũng bị chìm trong biển nước. Cách đây mấy chục năm, có một người trong làng đi mãi không hết hầm ngầm liền đợi mùa mưa, nước ngập thì thả quả bưởi có đánh dấu vào trong căn hầm. Sau khi nước trong khu hầm rút cạn, người này đã vớt được quả bưởi nổi lềnh bềnh ở Hồ Tây. Chính vì vậy, người dân Quán La khẳng định, căn hầm thông ra Hồ Tây.

Phía bên trong khu hầm bí ẩn này là gì, đến nay vẫn chưa được giải mã – Ảnh: Phương Ly

Theo lời các cụ truyền từ đời này sang đời khác, vào thời Pháp thuộc, người dân từng thấy có hai vợ chồng cưỡi ngựa vào trong hầm nhưng không thấy quay ra và sau sự việc ấy dân làng cũng bịt căn hầm lại. Tuy nhiên, ông Lực thì cho rằng, đây chỉ là câu chuyện mà nhiều người nghĩ ra. Ông phán đoán, khi tu sửa đình Quán La, “địa đạo” được những người tu sửa đình bịt lại để an toàn cho quá trình xây dựng và sự tồn tại của đình.

Chia sẻ với PV ĐS&PL ông Nguyễn Văn Ngư, Trưởng Ban quản lý di tích đình Quán La cho biết: “Chùa Khai Nguyên và đình Quán La hiện còn giữ được 18 đạo sắc phong viết bằng chữ Nho, sắc phong sớm nhất là sắc phong năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) đời Lê Thánh Tông, sắc phong cuối cùng là sắc phong Đồng Khánh năm 1887. Năm 1992, khu di tích đền Quán La được bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Lịch sử ra đời của khu hầm này không có sử sách nào ghi chép, nhưng theo lưu truyền thì ít nhất cũng có tuổi đời từ khoảng 700-800 năm. Theo nguồn tin từ viện Khảo cổ căn hầm này có thể là một căn hầm mộ dựng lên nhằm đánh lạc hướng để chôn của cải vật chất. Hiện nay, những lời đồn thổi về căn hầm cổ vẫn là một ẩn số chưa thể lý giải.

Trưởng Ban quản lý di tích đình Quán La chia sẻ với PV ĐS&PL – Ảnh: Phương Ly

Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã khảo cứu đình Quán La để có thêm giá trị đặc biệt được sáng tỏ, còn bà con trong vùng đã đồng tình không đào sâu thêm động để đề phòng đất ải dễ bị sập, sụt làm ảnh hưởng đến nền móng đình. Bởi, nếu khai quật thì sẽ rõ nhưng với đất trải qua hàng nghìn năm thì khó giữ được sự vững vàng cho ngôi đình bề thế trên mặt động này. Vì thế, hiện Ban quản lý di tích vẫn duy trì công tác kiểm tra, bảo quản nhưng không khai thác mà giữ nguyên bản”.

P.L