Dịch Covid-19 được khống chế, nhưng người dân vẫn chủ quan

Thanh Lam

Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng, Việt Nam tiếp tục phải đối phó với làn sóng dịch thứ hai với tâm dịch là TP.Đà Nẵng. Theo các thông tin phản ánh, hiện Đà Nẵng bước đầu khống chế dịch Covid-19, đây được coi là tín hiệu đáng mừng. Vậy, chúng ta đang ở đâu trong đợt dịch mới này và người dân phải làm gì để tiếp tục phòng dịch?

Một bộ phận người dân còn thờ ơ

Ngày 10/8, bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 4 ca dương tính Covid-19 đầu tiên trên cả nước (kể từ khi dịch bùng phát trở lại vào ngày 24/7). Thêm nữa, hàng chục trường hợp nhiễm Covid-19 điều trị ở các bệnh viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 đến 3 lần.

Có thể nói, Đà Nẵng được xác định là tâm dịch ở thời điểm này. Dịch bệnh nhanh chóng lây lan với hàng trăm ca dương tính virus SARS-CoV-2, xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm đều có nguồn gốc từ 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng là bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Người dân ra đường nhưng "quên" đeo khẩu trang.

Mặc dù vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0), chỉ truy vết tiếp xúc gần (F1, F2) nhưng có thể thấy sự chủ động của Đà Nẵng đã bước đầu ngăn chặn, kiểm soát, khống chế được dịch bệnh.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của bộ Y tế tại TP.Đà Nẵng - cũng nhận định, dịch Covid-19 ở Đà Nẵng vẫn trong tầm kiểm soát. Việc dỡ bỏ phong tỏa, cách ly bệnh viện C của Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 8/8 là tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của TP.Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, một bộ phận người dân ở khu vực Hà Nội dường như vẫn còn khá thờ ơ trước dịch, ra đường không mang theo khẩu trang.

Một bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ, không mang theo khẩu trang (Ảnh: Phạm Tùng)

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Toàn (chợ Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi hàng ngày bán hàng ở đây, vẫn chấp hành đeo khẩu trang đầy đủ. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn một số người dân không chấp hành, cứ mặc nhiên không đeo khẩu trang ra đường mua đồ ăn. Tôi cho đó là không có ý thức”.

Tương tự, tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, bà Hương (người dân sinh sống tại đây) cũng phàn nàn: “Tôi thấy một số người dường như vẫn rất thờ ơ với dịch bệnh, ra đường không đeo khẩu trang, thậm chí vẫn còn túm tụm lại để ngồi cạnh nhau, trò chuyện. Nghĩ đến là tôi đã thấy sợ rồi”.

Trong khi đó, trao đổi với PV, bà Ánh Nguyệt (tiểu thương kinh doanh tại chợ Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy người dân ra chợ cũng đã chấp hành đeo khẩu trang. Tuy nhiên, cũng có một số ít người có thể do quên hoặc không sợ mà không đeo khẩu trang. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường nên tôi cho rằng mọi người cần có ý thức hơn trong việc phòng dịch theo khuyến cáo của bộ Y tế”.

Đang ở đỉnh dịch

Trao đổi với PV, PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho hay: “Chúng tôi chỉ nhấn mạnh rằng hiện nay chúng ta đang ở đỉnh dịch”.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu, vì Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đỉnh dịch nên người dân tuyệt đối không nên chủ quan, thờ ơ trước dịch bệnh mà cần phải có ý thức cùng nhau phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh.

PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu.

“Người dân cần thực hiện theo các khuyến cáo của bộ Y tế, ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. Không được thờ ơ, chủ quan trước dịch bệnh”, PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ThS. Phạm Thị Ngọc Dung - nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng, (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), người có nhiều kinh nghiệm trong việc chống đại dịch SARS 2003 - bày tỏ: “Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt ở các phường xã cán bộ cũng nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc giãn cách, đeo khẩu trang”.

Bà Dung cho hay: “Mọi người cũng có ý thức chấp hành đeo khẩu trang tự giác, tuy nhiên cũng có một số người chưa có ý thức chấp hành tuyệt đối”.

Người dân cần có ý thức hạn chế tụ tập nơi đông người (Ảnh: Phạm Tùng)

Để người dân đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác không thờ ơ trước dịch, bà Dung cho rằng: “Hiện nay, ai sử dụng điện thoại cũng đều được nhận tin nhắn cài đặt ứng dụng Bluzone từ bộ Y tế và nhắc nhở thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn… điều này là cần thiết, để mọi người dân đều có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc tuyên truyền phải được thực hiện liên tục, thường xuyên để nhớ nhở người dân, không được phép chủ quan trước dịch bệnh khi chúng ta chưa tìm ra được vắc-xin”.

Cùng với đó, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX – đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Quy định về xử phạt hành chính với người không đeo khẩu trang, không chấp hành việc giãn cách xã hội đã được nêu tại điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có hành vi lên tới 10 triệu đồng”. Bên cạnh đó, người nào làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cũng sẽ bị xem xét, khởi tố theo điều 240 Bộ luật Hình sự.

Theo Luật sư Lực, pháp luật quy định hành vi trên đã vi phạm vào điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 về ‘‘Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ quy định: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế. b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 10-12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. b) Làm chết hai người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Không được chủ quan

Mặc dù có các tín hiệu lạc quan nhưng Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vẫn đưa ra khuyến cáo, dịch bệnh khởi phát tại 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng và lây lan rất nhanh sang người bệnh, đặc biệt là người bệnh thuộc nhóm yếu thế (cao tuổi, tiền sử bệnh nền). Giai đoạn 1, Việt Nam không có ca dương tính nào tử vong nhưng ở giai đoạn này, tới nay đã có 15 ca là người cao tuổi hoặc có tiền sử nhiều bệnh nền tử vong do Covid-19. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan.

T.L