Dịch giả Dương Tường kể chuyện dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh ở tuổi 89 và tâm sự lúc gần đất xa trời

Lạc Thành

Là tên tuổi dịch thuật nổi tiếng, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương thế giới, tới khi gần 90 tuổi, Dương Tường dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh khiến nhiều người bất ngờ. Lúc bắt tay dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, Dương Tường bệnh zona, không nhấc nổi tay để đánh máy, mắt gần như mờ hẳn và sức khoẻ rất yếu...

Mỗi lần nhìn máy tính là phải tiêm thuốc trợ giác

Nhắc đến Dương Tường, giới văn chương thường dành cho ông sự ngưỡng mộ và kính trọng. Ông là dịch giả gạo cội của văn học Việt. Cần mẫn, miệt mài chuyển ngữ những tác phẩm hay, khó của văn chương thế giới sang tiếng Việt, ông được mệnh danh là “con ngựa thồ văn hóa”, “cây cầu nối” văn học. Nhiều cuốn sách do ông chuyển ngữ, được bạn đọc yêu thích như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cái trống thiếc, Kafka bên bờ biển, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất, Alexis Zorba, Người dưng, Phố những cửa hiệu u tối…

Dịch giả Dương Tường năm nay đã 89 tuổi.

Khi biết phóng viên hẹn phỏng vấn, dịch giả Dương Tường nói, bác có gì đâu mà lên báo. Sau một hồi thuyết phục, ông mới hẹn gặp tôi ở ngôi nhà trong ngõ nhỏ, phố Phan Huy Chú, Hà Nội để trò chuyện. Trong căn phòng rộng khoảng 40m2 trên gác hai của căn nhà cũ kỹ, ông kể cho tôi nghe về quá trình dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh với nhiều vất vả, khi sức khoẻ của ông không còn và đôi mắt gần như không nhìn thấy gì.

Mắt ông gần như mờ hẳn từ 2 năm nay.

“Tôi đã 89 tuổi. Gần 2 năm nay, tôi không ra khỏi Hà Nội. Chủ yếu là ở trên căn gác 2 này, mọi sinh hoạt là có bà xã phụ giúp. Thế nhưng, nhiều tác phẩm đã ra đời ở đây. Ai cũng bảo, tôi từng tuyên bố nghỉ dịch sách rồi sao mà vẫn “tham việc” thế. Lý do là tôi cảm thấy cuộc đời mình đã được tiếng Việt nuôi dưỡng, được làm nghề, sống với nghề nên muốn có một tác phẩm ghi dấu ấn cuối đời. Khi bắt tay vào dịch Truyện Kiều, tôi trải qua nhiều khó khăn, nhưng vì muốn có một tác phẩm hay nên tôi đã cố gắng rất nhiều, đó là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh của tôi…” dịch giả Dương Tường chia sẻ.

Dịch giả nổi tiếng cho hay, 2 năm trước khi bắt đầu dịch Truyện Kiều là ông đã mắc nhiều bệnh. “Chứng zona thần kinh khiến cơ thể tôi đau nhức, không nhấc nổi chân, tay, phải vào TP. HCM chữa trị một thời gian. Tôi gặp cản trở vì thị lực kém, mắt tôi đã gần lòa, nhìn người chỉ còn thấy bóng. Tôi làm việc trên một chiếc máy tính nối với màn hình lớn, phải phóng to đến mức cả màn hình chỉ chứa được vài dòng. Tôi mò mẫm, tỉ mẩn gõ từng chữ một. Người ta dịch xong vài trang có khi tôi mới dịch được một dòng. Nhiều buổi sáng, tôi mở máy và không nhìn ra nét chữ nào. Tôi hoang mang, sợ hãi vì nghĩ mình phải bỏ cuộc. Tôi phải tiêm thuốc trợ giác và khi đó mới nhìn được mờ mờ và dịch sách…”, ông kể lại.

Vì mắt bị mờ, nên ông dịch Truyện Kiều bằng trí nhớ của mình, ông nói mình thuộc tất cả 3.254 câu Kiều.

Dịch giả gần 90 tuổi cho hay: “Tôi dịch Truyện Kiều bằng trí nhớ của mình vì tôi không thể tra cứu từ điển hay các tài liệu. Thuở nhỏ, tôi ở với một bà dì. Bà không biết chữ nhưng nhớ như in Truyện Kiều, thường ngâm nga ru tôi. Vì thế, tôi đã thuộc làu làu tác phẩm. Thỉnh thoảng, học trò sang nhà tôi ngâm Kiều. Tôi trao đổi, giảng giải những đoạn Kiều tôi thích, giống như một giờ dạy Văn. Tôi cứ lẳng lặng dịch sách mà cũng không nói cho người nhà biết, vì sợ họ sẽ cản. Dịch xong cuốn này, tôi thấy bản thân chinh phục được “đỉnh núi Everest” của cuộc đời, mọi gánh nặng được trút bỏ. Nhiều lúc, tôi nghĩ mình không thể tiếp tục vì sức khỏe suy kiệt. Năm ngoái, khi dịch đến câu 3.254, tôi sung sướng quá, gọi điện thông báo cho bạn tôi - dịch giả Phạm Toàn. Ông Toàn là người động viên, đồng hành với tôi trong quá trình dịch. Bạn tôi đã mất, không thể nhìn thấy tác phẩm được in thành sách. Đó là điều tôi cảm thấy rất buồn...”.

Tôi biết ơn tiếng Việt đến suốt đời…

Khi được hỏi, vì sao ông lại đặt tên sách là Kiều in Dương Tường's version? Ông cho hay: “Tên của tác phẩm là cái duyên của tác giả dịch. Bản dịch là cách hiểu của tôi về Truyện Kiều, trong đó có 100% của Nguyễn Du và 100% của Dương Tường. Tôi quan niệm người dịch là đồng tác giả, phải đưa vào cái “tôi” và sự sáng tạo. Điều này được thể hiện rõ ngay trong câu đầu tác phẩm. Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Tôi dịch rằng: "In the one-hundred-year span of a human life. Destiny implacably sets upon Talent", hàm ý tài sắc luôn là nạn nhân của định mệnh. Bởi tác phẩm cho thấy tài sắc luôn chịu sự chi phối của định mệnh. Nếu có gì thay đổi được "mệnh", đó chính là "đức", sống có đức để "đức năng thắng số" mà thôi".

Dù sức khoẻ yếu, mắt mờ nhưng ông đã làm việc không ngừng nghỉ gần 2 năm để dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

"Điều tôi hối tiếc nhất khi dịch Kiều là sau khi hoàn thành tác phẩm, tôi đã sức cùng lực kiệt, không thể rà soát lại một lượt. Trong dịch thuật, khâu hậu kiểm vô cùng quan trọng. Thế nhưng tôi đã già yếu quá rồi. Giờ tôi không thể lên mạng. Tôi không biết và cũng không để tâm người ta nói gì về bản dịch của mình. Tất nhiên, bản dịch nào cũng có sai sót”, ông thành thật bộc bạch.

Dịch giả Dương Tường chia sẻ, ông có mối quan hệ thân thiết với nhiều văn sĩ của Việt Nam. Những tên tuổi lớn như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trịnh Công Sơn, Hoàng Lập Ngôn, Bửu Chỉ, Lưu Công Nhân, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Tuấn, Trần Lương, Hà Trí Hiếu... đều là bạn tâm giao và đã vẽ chân dung Dương Tường. Được anh em nghệ sĩ nhiều thế hệ yêu quý, Dương Tường không chỉ như viên gạch nối giữa các thế hệ văn nghệ sĩ mà còn là viên gạch nối duyên dáng giữa các ngành nghệ thuật, từ văn chương tới kịch, hội họa, âm nhạc...

Chân dung Dương Tường qua tranh của Bùi Xuân Phái.

Dịch giả 89 tuổi cho hay, ông trở thành dịch giả cũng là một sự tình cờ. Ông từng là con của một nhà thầu khoán, nhưng mới học xong vài lớp thì ông đi bộ đội, sau đó thì giải ngũ. Kể từ đó, ông bắt đầu ngày ngày lui tới hai thư viện lớn nhất ở Hà Nội (Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học xã hội). Những tri thức Đông - Tây và vốn ngoại ngữ Anh, Pháp của ông đã được tích lũy từ hành trình bất tận: Thư viện - phố - nhà, rồi lại nhà - phố - thư viện. Lúc đang làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam, sau vài năm miệt mài ở thư viện, ông đã dịch những cuốn sách đầu tiên: Tập truyện ngắn của Nga Cây tường vi và kịch Chim hải âu của Chekhov. Đó cũng là cái duyên cho cái tên ông đặt cho con trai đầu lòng của mình: Hải Âu.

Chân dung Dương Tường qua tranh của đạo diễn Doãn Hoàng Giang.

Từ năm 1961 đến nay, ông đã dịch trên 50 tác phẩm, xuất bản 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung) và cả tập tạp văn Chỉ tại con chích chòe. Chia sẻ bí quyết tự học để trở thành một dịch giả của nhiều tác phẩm lớn, Dương Tường nói “ngón nghề” của ông chỉ là ông không bao giờ làm những việc dễ mà luôn chọn làm, dịch những cuốn sách khó hơn khả năng của mình một chút.

Bìa sách "Kiều in Dương Tường's version".

“Đời làm dịch giả của tôi cũng vui lắm. Một tác phẩm dịch hay chứa trong đó hồn cốt ý tưởng của người dịch. Tôi đã có một đời làm nghề sôi động và nhiều ý nghĩa, có những người bạn tốt và văn minh. Cả đời tôi ăn lộc văn chương, tôi biết ơn tiếng Việt suốt đời. Tôi dịch Truyên Kiều này là “sự báo hiếu” với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Nhờ có tiếng Việt mới có Dương Tường như ngày hôm nay”, ông tâm sự.

L.T