Dùng một tài sản bảo đảm, “siêu lừa” được 2 ngân hàng giải ngân hàng trăm tỷ

Công Thư

“Siêu lừa” Dương Thanh Cường dù không có khả năng về tài chính nhưng thành lập nhiều công ty với vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, Cường thuê nhiều người làm giám đốc và chỉ đạo những người này lập nhiều hồ sơ để vay vốn ngân hàng. Với thủ đoạn dùng 1 tài sản thế chấp cho nhiều ngân hàng, Cường đã vay và sử dụng vào mục đích riêng hàng ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng.

Phi vụ vay hàng trăm tỷ của 2 ngân hàng

Ngày 23/7, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng TMCP Phương Nam (gọi tắt là ngân hàng Phương Nam – từ năm 2015, ngân hàng này sát nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank).

Cáo trạng truy tố Trầm Bê - Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Phương Nam cùng 8 đồng phạm khác, gồm: Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD ngân hàng Phương Nam); Ngô Văn Huổi (cựu Phó giám đốc, Ủy viên Hội đồng tín dụng(HĐTD) Sở giao dịch và Giám đốc trung tâm Xét duyệt tín dụng); Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế, Ủy viên HĐTD); Trịnh Bích Nga (cựu Trưởng phòng kinh doanh, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch); Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch); Phạm Trường Giang (cựu Phó phòng kinh doanh, Sở Giao dịch); Trần Quang Thắng (cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch) và Trầm Việt Trung (cựu Giám đốc trung tâm Xét duyệt tín dụng kiêm Ủy viên HĐTD) bị truy tố về cùng tội Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Riêng bị cáo Dương Thanh Cường, SN 1966, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Phát) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dương Thanh Cường đang phải thụ án có tổng hình phạt là chung thân với 9 bản án đã được các cấp tòa xét xử và tuyên phạt.

Dương Thanh Cường (trái) và Trầm Bê cùng bị truy tố chung trong một vụ án.

Theo nội dung vụ án, Dương Thanh Cường dù không có khả năng về tài chính nhưng thành lập nhiều công ty với vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, Thanh Cường thuê nhiều người làm giám đốc và chỉ đạo những người này lập nhiều hồ sơ để vay vốn ngân hàng.

Tháng 10/2007, Thanh Cường thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 700 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6. Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. TP.HCM.

"Siêu lừa" Dương Thanh Cường.

Sau khi tiếp nhận các hồ sơ vay vồn, Hồ Đăng Trung, SN 1953, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6 dù biết dự án Khu biệt thự nhà vườn mà Thanh Cường sắp triển khai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho công ty Thanh Phát nhưng vẫn phê duyệt cho công ty của Thanh Cường vay hơn 628 tỷ đồng.

Khi Agribank chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát vay, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Nam để vay vốn dưới hợp đồng tín dụng mang tên công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Phát.

Bị cáo Trầm Bê và các thuộc cấp dù biết việc xét duyệt cho công ty của Cường vay số tiền rất lớn khi chưa đủ điều kiện là trái quy định, nhưng vẫn thực hiện. Sau đó, chính bị cáo Trầm Bê nhiều lần cho Dương Thanh Cường vay các gói mới để đảo nợ, dẫn đến gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam.

Ba lần đảo nợ

Sau khi mượn được bản chính 23 giấy CNQSDĐ từ Agribank chi nhánh 6, Cường mang sang ngân hàng TMCP Phương Nam với ý định thế chấp vay tiền tỷ. Ngày 7/4/2008, Dương Thanh Cường với tư cách là Tổng Giám đốc công ty Bình Phát làm hồ sơ đề nghị ngân hàng Phương Nam cho vay 200 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 23 sổ đỏ nói trên.

Ngày 11/4/2008, Giám đốc sở giao dịch Nguyễn Thị Xuân Trang (hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã) đã chỉ đạo 2 cán bộ tín dụng báo cáo thẩm định đề xuất cho công ty này vay 190 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất này, Hội đồng tín dụng của ngân hàng Phương Nam, trong đó có bị cáo Phan Huy Khang đã họp và ký vào biên bản cho công ty Bình Phát của Cường vay, nhưng chỉ giải ngân 130 tỷ đồng. Biên bản này cũng yêu cầu Sở giao dịch phải thực hiện hang loạt các yêu cầu liên quan, trước khi thông qua hồ sơ của công ty Bình Phát.

Tuy nhiên sau đó, bị cáo Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty Bình Phát vay không điều kiện và không theo đề nghị của Hội đồng tín dụng.

"Ưu ái" cho Dương Thanh Cường, bị cáo Trầm Bê vướng tù tội.

Cũng với trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay như lần đầu, tháng 5/2008, bị cáo Trầm Bê duyệt cho công ty của Cường vay thêm một số tiền khác bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới. Dương Thanh Cường đã dùng số tiền được giải ngân lần 2 gồm hơn 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng (tổng cộng là 221,3 tỷ đồng) để tất toán khoản vay trước, dùng 32 tỷ đồng trả lãi; Còn lại hơn 57 tỷ đồng, Cường sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đến ngày 4/6/2009, đến hạn thanh toán hợp đồng vay lần 2, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Trầm Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần 3.

Đến hạn trả nợ cho ngân hàng Phương Nam, Cường và đồng phạm không có khả năng chi trả nên gán luôn 23 quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng Phương Nam, dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị thiệt hại.

Tính đến thời điểm 5/1/2010, tổng dư nợ gốc, lãi tạm tính của công ty Bình Phát tại ngân hàng Phương Nam là 81,7 tỷ đồng và hơn 9.205 lượng vàng SJC.

Khi vụ án bị phát hiện, cơ quan điều tra đã kê biên đối với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để đảm bảo thi hành án cho ngân hàng bị thiệt hại.

Cáo trạng xác định, bị cáo Trầm Bê và các đồng phạm dù biết rõ công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn để xuất, phê duyệt cho công ty Bình Phát vay, dẫn đến việc ngân hàng Phương Nam bị thiệt hại 505 tỷ đồng.

“Siêu lừa” Dương Thanh Cường: “Tôi không nhớ có gặp Trầm Bê hay không”

Khai tại tòa, bị cáo Dương Thanh Cường cho rằng, 23 Giấy CNQSDĐ được Cường mang thế chấp để vay hang trăm tỷ tại ngân hàng Phương Nam. Tuy nhiên, số tài sản bảo đảm này chưa được đăng bộ sang tên cho công ty Tập đoàn Bình Phát.

“Thời điểm mua 23 bất động sản này (23 Giấy CNQSDĐ – PV), bị cáo không hề xác minh thông tin quy hoạch. Đến khi làm hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo mới biết khu đất không thể sang tên sở hữu đất. Cũng tại thời điểm này, chính quyền địa phương có chủ trương thực hiện dự án khu đô thị chứ chưa hề cấp phép thực hiện dự án”, Cường trình bày.

Dương Thanh Cường cho biết, không biết có gặp Trầm Bê khi đến đề nghị vay tại ngân hàng Phương Nam hay không.

Cũng theo Cường, khi mang 23 Giấy CNQSDĐ sang ngân hàng Phương Nam làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, Cường không nói cho ai biết việc những tài sản này đã thế chấp để vay hàng trăm tỷ tại Agribank chi nhánh 6. Bị cáo Cường cũng nói không nhớ rõ đã gặp những ai trong lần đầu đến ngân hàng Phương Nam, do thời gian đã quá lâu rồi.

Về việc có gặp Trầm Bê khi đến ngân hàng Phương Nam hay không?, Dương Thanh Cường nói không nhớ. “Bị cáo chỉ nhớ đã vay hàng trăm tỷ từ ngân hàng Phương Nam. Khi không trả được nợ, bị cáo lại đảo nợ, dùng tiền vay lần 2 trả gốc, lãi cho lần vay thứ nhất. Số tiền còn lại, bị cáo mua thêm đất…”, Dương Thanh Cường thừa nhận.

Bị cáo Trầm Bê: “Dương Thanh Cường không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại”

Khi được gọi thẩm vấn, bị cáo Trầm Bê khẳng định, ngân hàng không thiệt hại gì. “Bị cáo xin được móc tiền túi nộp 171 tỷ đồng khắc phục thiệt hại cho ngân hàng”, bị cáo Trầm Bê nói.

Theo bị cáo Trầm Bê, số tiền 171 tỷ đồng này là tiền bị cáo thay Dương Thanh Cường trả cho Agribank chi nhánh 6. Đồng thời, Trầm Bê đề nghị tòa tuyên giao 23 Giấy CNQSDĐ này cho Sacombank để khắc phục hoàn toàn thiệt hại. Bị cáo Trầm Bê cũng lên tiếng bênh vực Cường khi cho rằng, Dương Thanh Cường không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại.

Khai về hành vi đồng ý cho vay sai quy định, dẫn đến bị khởi tố, bị cáo Trầm Bê cho rằng, khi xét duyệt cho vay đã không biết 23 Giấy CNQSDĐ mà Cường mang sang thế chấp đã thế chấp cho ngân hàng khác trước đó. Vì hồ sơ cho vay được cấp dưới trình lên, có tài sản bảo đảm nên Trầm Bê xét duyệt cho vay chứ không xem xét các yếu tố khác. Từ đó, bị cáo Trầm Bê mong tòa xem xét, chiếu cố cho mình.

C.T