Đường phố lại đông đúc sau 1 tuần giãn cách xã hội: Hành động cẩu thả, tùy tiện của người dân như là tự sát tập thể!

Thanh Lam

Ngày hôm qua (9/4), người dân Thủ đô Hà Nội và TP.HCM lại đổ xô ra đường sau 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội, điều này khiến không ít người lo ngại dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Bày tỏ quan điểm, luật sư Quách Thành Lực Giám đốc công ty luật TNHH LSX - đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng hành động cẩu thả, tùy tiện của người dân như hành động tự sát tập thể.

Hệ luỵ trong công tác phòng, chống dịch

Thưa luật sư Lực, hôm qua hình ảnh người dân Thủ đô và TP.HCM lại đổ xô ra đường khiến anh có suy nghĩ gì và việc này, sẽ gây ra những hệ luỵ thế nào trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19?

Đây là vấn đề tôi rất quan tâm, có thể nói những hiểu biết về dịch bệnh Covid-19 với giới y khoa hiện nay còn nhiều hạn chế. Ngay cả những nước có nền khoa học, y tế tiến tiến nhất như Anh, Mỹ, Nhật còn phải bất ngờ trước những diễn biến vô cùng khó lường của dịch bệnh. Nước Mỹ từ việc nói không với sử dụng khẩu trang hôm trước thì hôm sau đã nhận ra sai lầm và yêu cầu công dân Mỹ phải sử dụng biện pháp phòng ngừa này. Báo chí trong nước vừa đưa tin tại thành phố New York đã phải đào những hố chôn tập thể trên đảo Hart. Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi tưởng đã ngăn chặn thành công dịch. Nước Anh có lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Ở Việt Nam Chính phủ đã nghiên cứu đánh giá điều kiện y tế, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế xã hội, khả năng đáp ứng về y khoa để ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội. Chúng ta không đủ nguồn lực về y tế, kinh tế như các nước tiến tiến để đủ sức bảo vệ tính mạng, sức khỏe của toàn bộ nhân dân khi dịch bệnh bùng phát- thực tế cũng không có bất kỳ cường quốc nào trong hoàn cảnh dịch bùng phát trong một thời gian ngắn có thể đảm bảo được.

Các nhà khoa học đã cảnh báo việc tự do đi lại, bất tuân Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong giai đoạn dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng, F0 không thể tìm được là hành động sẽ xóa bỏ toàn bộ thành tựu chống dịch vừa qua. Hành động cẩu thả, tùy tiện của người dân như hành động tự sát tập thể.

Theo luật sư, việc người dân đổ xô ra đường như vậy có đủ cơ sở để xử phạt?

Quy định về xử phạt hành chính với người không đeo khẩu trang, không chấp hành việc giãn cách xã hội đã được nêu tại điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có hành vi lên tới 10 triệu đồng.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là không có một lực lượng thực thi pháp luật nào đủ sức để lập biên bản hay xử phạt được cả triệu người dân không chấp hành quy định pháp luật. Do vậy trước mắt nên mở rộng các chủ thể được quyền lập biên bản vi phạm cho cả cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cá bộ xã phường… và đưa ra việc sẽ phân chia tỷ lệ % số tiền xử phạt đó về cho người tham gia công tác xử phạt.

Sau đó cần triệt để, giảm thiểu những hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu. Về phía người dân các chính sách hỗ trợ kinh tế trực tiếp với người yếu thế, không có thu nhập cần phải thực hiện nhanh hơn nữa để họ còn có lựa chọn ở nhà chống dịch.

Coi vấn đề người dân ra đường là tình trạng cấp bách

Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài phạt chưa đủ mạnh khiến người dân không sợ mà đổ ra đường ngày càng đông hơn?

Tâm lý chống dịch hiện nay của phần đông dân chúng giống như một người bị bệnh hay bị chấn thương bác sĩ khuyên ở nhà nghỉ ngơi 2 tuần thì mới đảm bảo. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan, cẩu thả coi thường yếu tố khoa học mới chỉ một tuần đã ra ngoài, đã vận động mạnh. Hậu quả là bệnh tái phát nặng hơn khó chữa trị; chấn thương nghiêm trọng hơn không thể khắc phục. Nếu dịch bùng phát thì sẽ là nhiều, rất nhiều mạng người mất đi.

Để thực hiện tốt giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu dựa vào ý thức của mỗi cá nhân người dân. Nhưng, những hình ảnh hôm qua khi người dân đổ xô ra đường thì ngược lại. Vậy theo anh, các cấp chính quyền cần phải làm gì để nâng cao ý thức của người dân?

Tôi rất mong Chính phủ, Chủ tịch thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia coi vấn đề người dân tụ tập trở lại, tùy ý đi ra ngoài hiện nay là một tình trạng cấp bách, phải có biện pháp ngăn chặn ngay lập tức.

Cần thiết chủ động ban bố tình trạng khẩn cấp, áp dụng lệnh phong tỏa ngay trong 1 đến 2 ngày tới nếu tình trạng này không được hạn chế mà không cần đợi tới số liệu người nhiễm bệnh tăng đột biến.

Nếu giả sử dịch bùng phát trên diện rộng, chúng ta không đủ sức đáp ứng thì hình ảnh ám ảnh chết chóc của một Vũ Hán hiện ra ngay trước mắt và những nấm mồ chôn tập thể, những cái chết không người thân đưa tiễn sẽ thành hiện thực ngay trên chính đất nước này chứ không còn là câu chuyện bên kia bờ Đại Tây Dương.

Xin cảm ơn luật sư!

T.L