NĐT: 10 năm về trước, khi du lịch vẫn còn chưa quá nở rộ thì ông đã có suy nghĩ phát triển du lịch hướng tới bền vững. Thời điểm đó, đâu là lý do khiến ông dám nghĩ khác, làm khác?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Ban đầu, tôi mong muốn xây dựng đa dạng sản phẩm cho công ty. Khi làm phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng, tôi nhận thấy rằng, chúng ta có tài nguyên nhưng chỉ khai thác, chưa biết gìn giữ và bảo vệ. Nếu vậy, dễ bị mai một, và thực tế đã chứng minh điều này.

Tôi không thể ngồi yên khi nhận thấy những điểm yếu của du lịch Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm khi đó còn quá đơn sơ và thiếu tính sáng tạo. Tôi muốn gìn giữ, muốn để người dân thấy được cái cốt lõi của du lịch nông nghiệp, để thế hệ sau vẫn duy trì, tiếp nối từ những giá trị đó.

Khách du lịch đến là để trải nghiệm văn hóa địa phương, để trải nghiệm những thứ bình dị, cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, thuận theo tự nhiên và là điều rất tốt đẹp. Đơn giản như mỗi chúng ta thôi, đó là cuộc sống đồng quê, nhìn thấy con trâu, đồng cỏ. Từ những thứ bình dị đó tạo ra sản phẩm kinh doanh giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời là để nâng cao nhận thức của họ trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa bản địa.

NĐT: Du lịch nông nghiệp hiện nay đem lại nhiều lợi ích, vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá được sản phẩm của địa phương, lại vừa thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm để nâng cao thu nhập. Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của du lịch nông nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Sau đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp khẳng định được vai trò là nền tảng của kinh tế. Lấy kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, nông nghiệp được phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyển đổi, đổi mới sáng tạo.

Để nông nghiệp phát triển nhanh cần gắn liền với du lịch. Bởi, tất cả sản phẩm nông nghiệp khi gắn vào du lịch sẽ đem lại giá trị rất lớn và bền vững cho nền kinh tế. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có thể đa dạng sản phẩm.

Du lịch cộng đồng phát triển sẽ trở thành kênh xuất khẩu nông sản tại chỗ, giảm áp lực đầu ra, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Đồng thời, phát huy vai trò lan tỏa văn hóa bản địa đến khách du lịch, giúp phát triển kinh tế địa phương bền vững.

Với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, nếu không dựa vào nông nghiệp để phát triển sản phẩm du lịch thì sẽ rất khó để đẩy mạnh và phát triển ngành du lịch cũng như tạo sự khác biệt.

Để thấy du lịch nông nghiệp đúng nghĩa là một mũi tên trúng rất nhiều đích, vừa giúp người dân có thêm thu nhập từ du lịch nông nghiệp, vừa giúp ổn định thị trường, lại có thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đó là những giá trị bền vững.

Rộng ra nữa về du lịch cộng đồng, tôi luôn mong muốn phát triển mô hình này theo hướng không cạnh tranh mà phải là chuỗi giá trị mỗi nhà có một sản phẩm riêng. Tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, không ai cạnh tranh với ai như vậy sẽ tạo ra một cộng đồng hạnh phúc, chia sẻ nguồn lợi với nhau.

NĐT: Dù có nhiều tiềm năng nhưng những dấu ấn của du lịch nông nghiệp còn khá mờ nhạt. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, theo ông, những khó khăn, hạn chế của du lịch nông nghiệp là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đã từng đến nhiều tỉnh thành đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, vấn đề vẫn là ở cơ chế chính sách: Làm sao để có thể kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp? Đây là điều mà những người nông dân muốn phát triển du lịch nông nghiệp rất băn khoăn trong cách thức chuyển đổi đất đai.

Về chính sách hỗ trợ, hiện đã có chính sách phát triển du lịch nông nghiệp trong chương trình nông thôn mới. Nhưng để có được hỗ trợ, các hộ dân phải có ý tưởng trình bày cụ thể, phải xử lý được thủ tục đất đai nên mất rất nhiều thời gian.

Thời gian qua, Đồng Tháp đã thống nhất xây dựng được mô hình du lịch trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để nhân rộng ra nhiều tỉnh thì còn rất nhiều vấn đề bởi việc này còn đòi hỏi sự tham mưu, hướng dẫn liên quan của rất nhiều bộ, ban, ngành.

Bên cạnh đó, một rào cản là sản phẩm nông nghiệp chưa có sự đầu tư bài bản, liên kết chặt chẽ với ngành du lịch để tạo ra 1 mô hình du lịch nông nghiệp bền vững. Với những tài nguyên sẵn có, việc cần làm là tận dụng những thế mạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp có bản sắc và chiều sâu tạo ra 1 mô hình du lịch đặc trưng cho Việt Nam.

Đặc biệt, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ, thuốc tăng trưởng dùng tràn lan và đã đến mức phụ thuộc vào phân thuốc, dẫn đến nguồn đất không phù hợp để làm nông nghiệp hữu cơ cũng như phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững.

Cho nên, ngành du lịch và ngành nông nghiệp phải ngồi lại với nhau để thấu hiểu, tìm ra phương án xây dựng chính sách hỗ trợ những khởi nghiệp về du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, việc quy hoạch sản phẩm du lịch vùng cực kỳ quan trọng và liên quan đến quy hoạch tổng thể từ đó phân ra các lĩnh vực, trong đó du lịch.

NĐT: Vậy lợi ích của nông dân ở đâu trong bức tranh chung của du lịch nông nghiệp?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Hiện nay, nhiều người trẻ vẫn bị cuốn vào một vòng xoáy đô thị, tức là nhất định phải sinh sống ở những thành phố lớn dù không có nhiều cơ hội cho mình. Tôi nghĩ rằng, nếu không có cơ hội tốt thì hoàn toàn có thể về quê, làm việc, phát triển từ quê hương.

Thời gian dịch bệnh Covid-19 đã làm rõ hơn mệnh đề trên, nhiều người trở về quê và đó hoàn toàn là lựa chọn đúng đắn. Có rất nhiều người đã trưởng thành và có cuộc sống rất tốt ở quê hương nơi mình sinh ra. Và phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những bàn đạp để giúp cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện.

Làm du lịch nông nghiệp cần phải có niềm tin. Khi người dân có niềm tin rồi họ sẽ trở về quê hương để tạo ra những giá trị cho địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thật ra, phần nhiều người vẫn nghĩ cánh đồng lúa, vườn trái cây họ thấy hằng ngày quá đỗi bình thường. Họ không nhận ra những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt ấy lại có giá trị lớn với du khách, khi họ tìm về với thiên nhiên và văn hoá bản địa.

Mọi người thường nói với tôi không biết bắt đầu từ đâu, tôi thường nói vui là: “Tiền xung quanh chúng ta, không khí cũng là tiền”. Nhưng thực tế đúng là vậy, tại sao người ta tìm đến nông thôn, là vì cần tìm không khí trong lành. Chẳng qua mình chưa biết cách khai thác.

Bên cạnh nghề nông nghiệp, khi khách du lịch đến, người dân sẽ có thêm thu nhập từ du lịch. Ngoài ra thì đó cũng là cơ hội để người nông dân được giao lưu, gặp gỡ với du khách từ nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.

Hiểu đơn giản, thay vì chỉ làm vườn, người nông dân có thể hướng dẫn du khách cùng trồng cây, chọn giống, bắt sâu, hái quả,... Như vậy, vừa có thu nhập từ tiền hướng dẫn, sau đó lại có thu nhập từ bán nông sản cho du khách. Và đương nhiên, khoản thu nhập đó sẽ cao hơn so với việc bán buôn nông sản cho thương lái.

Ngoài ra, khi có nguồn khách ổn định thì nông dân không cần phải bán cho thương lái, du khách sẽ tự tìm đến để mua nông sản bởi họ đã biết nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

NĐT: Thay đổi một thói quen không phải là điều dễ dàng. Để người nông dân chuyên quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” làm thêm cả du lịch, chắc chắn có nhiều rào cản. Ông tiếp cận như thế nào với họ? Làm thế nào để người nông dân đồng hành cùng ông trong câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp bền vững?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi tôi bắt đầu các dự án du lịch cộng đồng của mình. Người dân ở đây rất chân thành và hào sảng. Ban đầu người ta cũng chưa tin tôi đâu. Nhưng tôi cứ đưa tay ra, giúp họ, cùng họ làm và không có mục đích, tư lợi cá nhân. Tôi có gì thì tôi mang cho họ, từ khách hàng đến cách làm, tôi đều sẵn sàng chia sẻ. Dần dần, khi họ thấy được rằng việc kết hợp du lịch với nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập thì họ mới tin tưởng và làm theo.

Để thấy rằng, một trong những khó nhất khi bắt tay với du lịch nông nghiệp là làm sao để thay đổi nhận thức của người dân về làm du lịch cũng như xây dựng kỹ năng thực tế cho người dân phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch nông nghiệp hay cộng đồng thì đều phải cần đến con người. Hướng dẫn viên tôi chọn đều là người địa phương. Tôi tin, những người sinh ra ở đây mới có thể truyền tải hết niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Và cũng bởi vì, tôi luôn mong muốn sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình.

Nhờ vậy mà người dân dần hình thành cách đối xử với khách hàng từ trái tim, giữ được chất lượng dịch vụ tốt. Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp dần dần cũng được lan rộng và được học hỏi. Tôi nhận thấy rằng, quan trọng nhất không phải là mình làm tốt mà là cách mình lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.

Tôi không muốn những gì mình làm ra phải khác biệt, tôi chỉ muốn đó là thứ tốt đẹp, mọi người có thể lan tỏa và nhân rộng, góp phần củng cố nền du lịch Việt Nam.

Còn việc tại sao lại là ĐBSCL thì tôi nghĩ đó là cái duyên, vùng đất chọn mình, chứ mình không chọn vùng đất. Khi mới vào ĐBSCL, tôi chỉ có tinh thần khởi nghiệp, nếu không có những hộ dân trong đó, tôi cũng không biết phải dựa vào ai.

NĐT: Thời gian gần đây xuất hiện nhiều mô hình kết hợp du lịch nông nghiệp, tuy nhiên do thiếu sự liên kết dẫn đến các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phát triển nóng, dễ đem lại những hệ lụy. Phát triển được du lịch nông nghiệp là điều rất tốt nhưng làm thế nào để việc phát triển này được bền vững, lâu dài?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: Phát triển tự phát chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy. Bởi khi làm du lịch nông nghiệp tự phát thì mọi người sẽ không hiểu được bản chất bền vững.

Lấy ví dụ như ở làng rau Trà Quế. Đây là một làng nghề truyền thống, từng rất nổi tiếng và rất đông khách nhưng hiện nay không có nhiều khách thăm quan. Lý do là bởi sản phẩm không được đổi mới và người dân vẫn phun thuốc sâu cho rau. Rau rất ngon nhưng chỉ 1 vài hộ dân phun thuốc sâu và thuốc tăng trưởng, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và niềm tin của khách hàng.

Chính vì vậy mà Thành phố Hội An đang có đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và làng nghề thủ công truyền thống.

Mà muốn phát triển hữu cơ thì phải thay đổi rất nhiều thứ. Nếu chỉ 1-2 hộ trồng thì rất khó để kiểm soát, từ cách canh tác, đến đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu cứ làm nhỏ lẻ, không tập trung sẽ không đủ mạnh để xây một thương hiệu cho phát triển du lịch nông nghiệp, mà phải làm cùng nhau. Cùng nhau thì mới phát triển được mô hình lớn, hiệu quả.

Chính vì vậy, bên cạnh câu chuyện nguồn nhân lực, du lịch nông nghiệp còn phải chú trọng vào phát triển sản phẩm.

Điển hình trong đó là câu chuyện quả dừa. Một quả dừa ở miền Tây chỉ có giá khoảng 4-5 nghìn. Nếu chỉ giữ nguyên cách bán quả dừa tươi hoặc dừa nguyên liệu, kinh tế sẽ không thể phát triển bền vững. Vậy nên chúng ta không chỉ bán quả dừa mà phải bán sản phẩm làm từ quả dừa, cao hơn nữa là câu chuyện về trái dừa. Thực sự đó mới là thứ mà cần hướng đến, bởi quả dừa liên quan đến câu chuyện lịch sử của dân tộc, đồng hành cùng nhân dân ta qua bao năm tháng chiến đấu gian khổ.

Khi đến xứ dừa, chúng ta có thể kể câu chuyện đó, đó là câu chuyện văn hóa trong các sản phẩm nông nghiệp. Câu chuyện là những thứ vô giá, không chỉ từ giá trị của trái dừa mà còn từ những gì lịch sử để lại.

NĐT: Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 15/02/2024 | 08:00