Lời tòa soạn:

Đại sứ Phạm Quang Vinh là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam. Ông cũng được biết đến với vai trò Đại sứ thứ năm của Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014 – 2018).

Đại sứ Phạm Quang Vinh có nhiều năm công tác tại Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, đơn vị phụ trách về quan hệ với LHQ trên các lĩnh vực. Đại sứ Phạm Quang Vinh từng công tác hai nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York). Ông đã được phong Hàm Đại sứ bậc hai - hàm cấp ngoại giao cao nhất của Nhà nước Việt Nam.

Người Đưa Tin (NĐT): Nhắc tới ông người ta thường nhớ vai trò Trưởng SOM ASEAN, Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ hay Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhưng có lẽ ít người ngoài ngành biết ông có thời gian dài làm ngoại giao về đa phương, về Liên Hợp Quốc. Nhìn lại chặng đường đó, ký ức trong ông tại Liên Hợp Quốc là gì?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Vào ngành ngoại giao, có nhiều cơ hội làm về đa phương, về Liên Hợp Quốc (LHQ), đó là cái may và cái duyên của đời tôi.

Với hơn 38 năm trong ngành, thì quá 2/3 thời gian với 27 năm tôi thuộc biên chế của Vụ các Tổ chức quốc tế - đơn vị phụ trách về quan hệ với LHQ trên các lĩnh vực. Tôi cũng đã có 2 nhiệm kỳ công tác tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ ở New York, ngay từ khá sớm, nhiệm kỳ đầu là từ năm 1987-1990, nhiệm kỳ hai là từ năm 1996-1999.

Và ngay giữa 2 nhiệm kỳ đó, cũng được chứng kiến những sự khác biệt và phát triển rất lớn, về vị thế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – LHQ.

Nhiệm kỳ đầu, vào nửa cuối những năm 1980, khi đó Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, còn rất khó khăn nhiều về kinh tế và chuyển đổi mô hình phát triển. Đặc biệt, thời điểm đó, chúng ta cũng đang còn phải tìm cách phá vây, tháo gỡ các mối quan hệ quốc tế, bao gồm cả về bao vây cấm vận, về vấn đề Campuchia, hay về bình thường hóa quan hệ với các nước trong đó có cả láng giềng và các nước lớn.

Ngay như ở Đông Nam Á, khi đó khu vực vẫn còn phân cực, đối nghịch nhau, lại có các nước lớn bên ngoài kéo vào, nước mình khó khăn lắm. Tôi còn nhớ những nghị quyết về vấn đề Campuchia bấy giờ, đa số nước lớn trái ngược quan điểm với mình.

Nhưng ngay khi đó, chúng ta vẫn chủ động và duy trì đối thoại trong khu vực và với các nước, trong đó có sáng kiến tại LHQ về thúc đẩy khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác.

Hay câu chuyện xoay quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền, cũng nhiều phức tạp. Nhớ lại khi đó, các cuộc tranh luận qua lại về các vấn đề này quyết liệt và gay gắt lắm, chúng ta thường hay phải dùng quyền trả lời để phát biểu và đáp trả lại các nước tại các cuộc họp của LHQ.

Còn đến nhiệm kỳ hai, thì khác nhiều lắm. Khi đó là cuối những năm 1990, Việt Nam đã đổi mới được 10 năm, đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế - xã hội, cũng đã cơ bản “phá vây”, đã giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, tham gia ASEAN.

Quan hệ quốc tế của Việt Nam được mở rộng, bạn bè quốc tế đánh giá cao các bước đổi mới và hội nhập của Việt Nam, môi trường và công việc tại LHQ thuận lợi hơn rất nhiều. Ở nhiệm kỳ này, cái bắt tay với đại diện các nước đã dễ chịu và vui vẻ hơn trước.

Ở nhiệm kỳ tôi cũng được đảm nhận trọng trách lớn hơn khi là người thứ hai - Phó Trưởng đại diện, do đó cũng được tiếp cận và trực tiếp xử lý nhiều vấn đề quan trọng và thực chất hơn. Đó là những trải cá nhân rất quý đối với cá nhân tôi.

Ngay cả câu chuyện bạn bè tại LHQ của tôi giữa hai nhiệm kỳ cũng có sự thay đổi. Trước đây, bạn bè chủ yếu ở nhóm XHCN và một phần chủ chốt trong nhóm các nước Không liên kết. Giờ thì bạn bè là rộng rãi các thành viên LHQ, ở các Châu lục, không phân biệt phe này phe kia.

Cũng có nhiều người, vốn trước đó trái ngược với chúng ta vì vấn đề Campuchia, giờ là những người bạn, không chỉ cùng khu vực Đông Nam Á, mà còn là cùng gia đình ASEAN. Sau này, khi tôi làm về ASEAN hay về Mỹ, vẫn thường gặp và làm việc với nhau. Và các quan hệ bạn bè đó, có nhiều người từ thời làm ở LHQ, vẫn còn giữ đến bây giờ, khi đã nghỉ làm rồi. Vẫn thân thiết lắm và cũng vẫn gặp nhau, cùng dự các hoạt động ngoài lề như tọa đàm, hội thảo. Chung riêng là vậy, cũng nhiều cái đáng ghi nhớ.

NĐT: Tôi đang thắc mắc là ông làm bạn với những người từng đối lập về mặt quan điểm thậm chí có thể nói là đứng hai bên trận tuyến như thế nào, tất nhiên tôi biết ông là một nhà ngoại giao?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Một nhà ngoại giao luôn có hai phần con người. Con người là đại diện quốc gia và con người là đại diện của chính mình, giữa hai phương diện đó có lúc có thể sự khác biệt bị mờ đi, nhưng cũng có những khoảng rất riêng.

Ví như khi thể hiện lập trường ở diễn đàn chính thức hay ở bàn đàm phán cần thể hiện theo lợi ích quốc gia hay những nguyên tắc đã được thống nhất, đó là điều bất di bất dịch nhưng khi bắt tay nhau, nói chuyện tại quán cà phê hay hút thuốc ở hành lang phòng họp thì chúng tôi lại đối thoại như những người bạn làm đối ngoại với nhau.

Nhưng đôi lúc việc này lại mang tính biểu tượng lắm, không thể nghĩ đơn thuần như thế. Ví dụ như vào thời điểm khi còn vấn đề Campuchia vào những năm 80, một nhà ngoại giao mà quốc gia họ đại diện không công nhận Chính quyền của Khmer Đỏ thì họ không thể bắt tay với đại diện của Chính phủ Campuchia Dân chủ được.

Ngoại giao không thể lúc nào cũng tách biệt, xóa nhòa 100% ranh giới giữa cá nhân và quốc gia. Khi không công nhận tính đại diện thì dù trong giờ nghỉ anh vẫn là nhà ngoại giao. Nhưng giữa những quốc gia không có thù địch và có sự công nhận ngoại giao lẫn nhau thì sẽ dẫn đến câu chuyện khi cầm giấy tờ trên bàn thương lượng thì anh là nhà ngoại giao nhưng khi ra ngoài đời anh là những người bạn.

NĐT: Có lẽ với 27/38 năm công tác làm về LHQ thì kinh nghiệm làm đa phương chi phối khá lớn về tư duy làm đối ngoại của Đại sứ? Đó có phải làm bước đệm để Đại sứ làm tốt những nhiệm vụ sau này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Phải nói LHQ là môi trường đỉnh cao của ngoại giao và ngoại giao đa phương. Thế mới nói, được làm về LHQ ngay từ khi bước chân vào ngành ngoại giao, đó là cái may mắn trong cuộc đời làm nghề của tôi. Từ trải nghiệm cá nhân, xin kể mấy điểm thế này, thực sự rất sâu sắc.

Trước hết, công việc tại LHQ giúp cho mình cách tiếp cận đa chiều và toàn cầu, không chỉ về những vấn đề của thế giới, mà cả về những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Ví dụ, ngay các vấn đề như về môi trường, xoá đói nghèo hay chỉ số phát triển con người, họ nhìn nhiều chiều lắm, mình có thể học từ đó, nhưng biết rồi thì lại có thể đóng góp được cái riêng của nước mình như kinh nghiệm của ta về tín dụng nhỏ, phổ cập giáo dục, y tế cơ sở và cộng đồng, hay kinh nghiệm ứng phó với ngập mặn, nước biển dâng.

Cái hay ở LHQ là kết hợp toàn cầu, phải biết về sự khác biệt và song trùng về mặt lợi ích, không chỉ của hai bên, ba bên, mà là rất nhiều bên khác nhau. Vậy nên, nhà ngoại giao cần có cái nhìn toàn cầu, đa chiều, kết hợp với cách nhìn và lợi ích quốc gia mà mình đại diện, về một vấn đề hay câu chuyện nào đó.

Thứ hai, LHQ là nơi hội tụ của những nhà ngoại giao và chuyên gia thuộc hàng tinh hoa của thế giới, đó cũng là tri thức và cách ứng xử. Do vậy, trao đổi hợp tác hay cọ sát ở LHQ đòi hỏi cao lắm, về tri thức và ứng xử.

Thứ ba, vì là đa chiều, đa ý kiến, nên đây cũng là nơi giúp cho người ta trau dồi mọi mặt, trong rèn luyện về bản lĩnh đối ngoại và nghệ thuật đàm phán, điều không thể thiếu đối với người làm ngoại giao.

Cuối cùng, là về ngoại ngữ và ngôn ngữ đối ngoại, đây cũng là mặt thuận lợi khác khi làm việc với LHQ. Như vậy, sẽ là trải nghiệm rất bổ ích nếu được tiếp cận và đào tạo trong môi trường đa phương ở LHQ, nhất là với thế hệ trẻ, những người mới vào ngành.

Nhân đây, cũng muốn nói thêm, ngoại giao đa phương là sự kết hợp, vừa cộng hưởng vừa hết sức phức tạp, của ít nhất hai thứ: Vừa là của nhiều song phương cộng lại, nhưng cũng có những thứ rất đặc thù của đa phương. Thực tế, có vấn đề khúc mắc không thể thương lượng trên bàn đa phương mà chúng ta cần phải tiếp xúc, giải quyết qua song phương. Nhưng tiếp xúc song phương rồi đến đa phương, khi đó lại đòi hỏi nhà ngoại giao phải biết kết hợp giữa tính nhiều bên và tính chất của tổ chức liên quan, bao gồm cả hiểu biết về thủ tục, cách thức tổ chức, vận hành của từng thiết chế, môi trường đa phương, để từ đó có sự vận dụng phù hợp và hiệu quả. Thường thì hai mặt này luôn song hành và đan xen với nhau.

NĐT: Sau khi nghe Đại sứ nói, tôi cảm tưởng làm ngoại giao về đa phương, về LHQ không hề dễ dàng, tuy cho nhà ngoại giao nhiều cơ hội để rèn dũa và trưởng thành nhưng cũng đòi hỏi ở nhà ngoại giao bản lĩnh và năng lực rất lớn. Ở góc độ này, ông có bao giờ nghĩ tại sao mình lại được “chọn mặt gửi vàng” không?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cả cuộc đời làm đối ngoại của tôi, phấn đấu thì đúng rồi, nhưng đó cũng là rất nhiều dấu cộng của sự may mắn và đây cũng là một trong những sự may mắn đó.

Xin kể riêng thế này. Khi chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, tôi muốn lựa chọn một đề tài nào đó về lịch sử quan hệ quốc tế. Thế nhưng, khi mình gặp báo cáo thầy cô, thì mới biết rằng mình đã bị chậm chân, vì môn này đã có nhiều bạn đăng ký và cần chọn môn khác. Vì thế, trong số các đề còn lại, tôi đã chọn đề tài “Vai trò của LHQ và Hiến chương LHQ trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”, một đề tài thuộc môn luật, nhưng có vẻ là quốc tế nhất.

Do vậy, khi tốt nghiệp, tôi đã được nhận về Vụ các vấn đề chung, sau này là Vụ các Tổ chức quốc tế, đều chuyên về LHQ. Và thế là tôi bắt đầu chặng đường tổng cộng 27 năm tính từ khi ra trường năm 9/1980 làm về đa phương, về LHQ như thế.

Cái may nữa, đó là chủ trương của Bộ Ngoại giao, khi đó bác Thạch (Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch) có chủ trương rất mạnh về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên trong đời làm ngoại giao của tôi là vào 1983. Khi đó nếu tính thời gian tôi vào ngành thì là ba năm, nhưng trong đó có tới 2 năm tôi đi bộ đội theo Lệnh tổng động viên, tới cuối năm 1982 mới về lại Bộ mà đến tháng 9/1983 tôi đã được cử tham gia vào đoàn Việt Nam đi dự Đại hội đồng LHQ tại New York.

Lúc đó kinh phí khó khăn, các đoàn đi nước ngoài phải tính toán chặt chẽ và tiết kiệm lắm. Còn nhớ, khi đó, bác Thạch là Trưởng đoàn đã chia đều vé máy bay hạng nhất do LHQ trợ giúp (dành cho Trưởng đoàn Việt Nam, một nước thuộc danh sách LDC - nghèo nhất - của LHQ), để mua vé cho nhiều người và chính bản thân bác xuống đi hạng thường cùng với mọi người trong đoàn.

Vậy mà một người như mình, mới vào ngành, lại được tham gia vào một đoàn quan trọng là đi dự Đại hội đồng LHQ, mà đoàn đi năm đó cũng chỉ có 5 người, ngoài bác Thạch, còn lại đều là cấp vụ cả. Nói vậy để thấy, đó là điều thực sự may mắn, nhờ vào chủ trương của Bộ với lớp trẻ, đã có từ khi đó, rất sớm.

Sau này, tôi có thêm hai nhiệm kỳ công tác tại LHQ ở New York, rồi cũng được đề bạt Vụ phó Vụ các Tổ chức quốc tế, cũng chính trong môi trường đa phương này. Nói phấn đấu thì chắc chắn rồi. Nhưng đó còn là các dấu cộng của sự may mắn. Và tôi đã đến với LHQ như thế.

NĐT: Từ góc nhìn của người trong cuộc Đại sứ đánh giá về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – LHQ trong chặng đường 45 năm vừa qua? Và đâu là yếu tố cốt lõi đã gắn kết mối quan hệ giữa hai bên?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy quan hệ Việt Nam – LHQ đã phát triển rất nhiều mặt sau 45 năm, hai bên có sự đồng hành với nhau ở những mục tiêu chung của thế giới, của khu vực và của Việt Nam, mà nổi lên đó chính là hòa bình, hợp tác, phát triển và công lý. Nhưng để đạt được kết quả đó là cả một hành trình dài với sự nỗ lực của cả Việt Nam, LHQ và nhiều bên liên quan.

Nhìn lại hành trình 45 năm, có thể thấy rằng, giữa Việt Nam và LHQ đã có sự đồng hành xuyên suốt, ngay từ ngày đầu khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của LHQ, cho đến khi Việt Nam mạnh lên rồi, hội nhập rồi và có vị thế rồi, thì Việt Nam trở lại và đóng góp ngày càng tích cực và trách nhiệm vào các mục tiêu của LHQ.

Còn nói về sự gắn kết giữa Việt Nam và LHQ thì không chỉ bắt đầu từ năm 1977, mà nhìn ngược lại dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng nó đã có từ lâu rồi, cách đó hơn 30 năm về trước, khi LHQ mới được thành lập. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nước Việt Nam mới gửi thư đến các cường quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với các mục tiêu của LHQ, mong muốn được hợp tác với các nước và nguyện vọng được tham gia tổ chức đa phương này.

Đương nhiên như chúng ta biết, vào thời điểm đó nhiều cơ hội lịch sử đã qua đi nhưng điều đó cho thấy ngay từ rất sớm những mục tiêu, nguyên tắc của LHQ đã có sự song trùng với những mục tiêu, nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 45 năm qua, Việt Nam đã luôn kết hợp hài hòa giữa bảo đảm lợi ích quốc gia với việc đóng góp một cách tích cực và trách nhiệm vào các công việc chung của LHQ. Đó là một bộ phận trong chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam và cũng là bài học trong quá trình tham gia LHQ, hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam.

NĐT: Thực tế kể từ khi gia nhập LHQ đến nay Việt Nam đã có bước chuyển mình lớn trong việc phát triển đất nước và khẳng định vị thế quốc tế. Với những kết quả đó, Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với bạn bè quốc tế và ở diễn đàn LHQ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỗi nước chắc chắn có mỗi hoàn cảnh phát triển khác nhau nhưng từ trường hợp của Việt Nam có thể thấy rất rõ 2 vấn đề, đó là tự mình phát triển vươn lên và hội nhập quốc tế.

Tự mình phát triển là gì? Với trường hợp của Việt Nam là từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại, thì rất cần hoà bình và phát triển. Chúng ta nhất quán với ưu tiên cao nhất là giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển, trên cơ sở phát huy nội lực, đổi mới và hội nhập, từ từng bước đến toàn diện và sâu rộng. Mà muốn làm được điều đó và để có môi trường thuận lợi như vậy, chắc chắn chúng ta phải thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trước hết là đối với láng giềng, khu vực, với các đối tác chủ chốt và mở rộng hơn nữa quan hệ ra với quốc tế. Và muốn thế thì không còn cách nào khác là phải hòa bình, hữu nghị và hợp tác và các bên phải cùng có lợi.

Câu chuyện tiếp theo, như chúng ta vẫn thường hay nói, đó là việc kết hợp nội lực với ngoại lực. Chúng ta phải tự mình vươn lên, tự mình xây dựng và tìm con đường phát triển tốt nhất cho đất nước mình, đó là điều chắc chắn phải làm. Nhưng đồng thời chúng ta vẫn kết hợp với quốc tế, không chỉ đơn giản là kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ, mà quan trọng hơn, đó là tạo môi trường thuận lợi và tham gia hội nhập để thu hút được nhiều hơn sự đầu tư, và cơ hội hợp tác từ các nước. Mà muốn hợp tác quốc tế lâu dài và hiệu quả thì không thể chỉ dựa vào tình cảm thông thường mà ở đó cái chính là phải có sự đan xen lợi ích, mình có lợi nhưng họ đến với mình, họ cũng phải có lợi.

NĐT: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương” trong đó nhấn mạnh vai trò của LHQ. Thực hiện tinh thần này, việc tham gia của Việt Nam tại LHQ sẽ có gì thay đổi?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việc nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia sâu rộng hơn vào các cơ thế đa phương, nhất là LHQ là chủ trương lớn, phản ánh sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, cũng là chủ trương đối ngoại nhất quán của Việt Nam thời kỳ mới.

Đây là cơ hội cho Việt Nam tranh thủ hợp tác tốt hơn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Việt Nam đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của thế giới, qua đó nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nhưng cũng cần phải nhận thức rõ nâng tầm đối ngoại đa phương như thế nào? Trước hết chúng ta đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm vào những công việc chung. Lâu nay chúng ta đã đóng góp, đã rất tích cực rồi, điều đó cần phải tiếp tục và hơn nữa.

Lúc này, cần chú ý mấy điểm nguyên tắc.

Thứ nhất, làm thế nào cho đúng và xứng với tầm, vị thế của Việt Nam. Thứ hai, làm sao đề cao được lợi ích quốc gia, kết hợp hài hoà với cái chung. Thứ ba, xử lý phù hợp và đúng nguyên tắc các mối quan hệ, vì giờ cạnh tranh, quan hệ phức tạp lắm. Thứ tư, phải nhấn mạnh Hiến chương, Luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, từ đó mà thúc đẩy đối thoại, hợp tác. Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh và tham gia sâu rộng hơn, bao gồm cả vào các cơ quan lãnh đạo của LHQ. Theo đó, chúng ta vừa thúc đẩy hợp tác chung, vừa tranh thủ và vừa nâng tầm vị thế Việt Nam, trong đó có đóng góp vào việc định hướng, xây dựng các chương trình nghị sự và các chuẩn mực ứng xử, luật chơi phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng cần phải phối hợp, kiên quyết thúc đẩy hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và vai trò của LHQ với tư cách là thiết chế quan trọng hàng đầu trong đời sống quốc tế vì thượng tôn pháp luật; thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và công bằng chung trên thế giới, bao gồm cả giữa nước lớn và nước nhỏ; hợp tác để ứng phó với những thách thức toàn cầu.

NĐT: Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 24/09/2022 | 08:00