Ông Đỗ Quang Vinh: “Chuyển đổi số cần phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải có kết quả” Ông Đỗ Quang Vinh: “Chuyển đổi số cần phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải có kết quả”

Sinh năm 1989, ông Đỗ Quang Vinh tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ ngành tài chính, cùng nhiều vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức tài chính nước ngoài.

Năm 2020 được coi là năm bản lề của SHB, khi ngân hàng chuyển đổi mạnh mẽ từ chiến lược, mô hình kinh doanh, tổ chức bộ máy, đến quản trị rủi ro, hiện đại hóa ngân hàng, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hàng đầu. Đây cũng là lúc ông Đỗ Quang Vinh bắt đầu hiện diện nhiều hơn tại SHB.

Sự tham gia điều hành của vị Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB được coi là “luồng gió mới” cho ngân hàng, và là động lực thúc đẩy của SHB trong tiến trình chuyển đổi số.

SHB tập trung đầu tư phát triển công nghệ, kiện toàn hệ thống, thúc đẩy chuyển đổi số với định hướng “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, chuyển đổi vì khách hàng và đưa ra những sản phẩm, công nghệ số hữu ích, thân thiện với người dùng. Sở hữu những lợi thế nhất định về nguồn lực, con người và hệ thống, ông Đỗ Quang Vinh, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối ngân hàng số SHB nhận định: “Nhờ bước chắc, chúng tôi có thời gian quan sát, trải nghiệm và đánh giá tình hình thị trường, xu thế, thói quen sử dụng của khách hàng một cách khách quan, chính xác nhất, từ đó định vị chiến lược rõ ràng và phương pháp cụ thể ngay từ đầu, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải có kết quả trong quá trình chuyển đổi số”.

Người Đưa Tin (NĐT): Qua 2 năm đại dịch, câu chuyện chuyển đổi số ngày càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết khi thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp đã có những chuyển biến lớn. Là người trong cuộc, ông đánh giá quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng đang diễn ra như thế nào?

Ông Đỗ Quang Vinh: Đại dịch Covid-19 đã tạo một cú hích mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành ngân hàng.

Chuyển đổi số góp phần khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng, đưa con người kết nối gần với nhau hơn bằng tương tác qua các kênh số. Chúng tôi cũng đã thực hiện khảo sát và kết quả cho thấy các giao dịch trên nền tảng số đã tăng đáng kể trong hai năm vừa qua, khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi giao dịch với ngân hàng qua các kênh số, và dự báo họ sẽ tiếp tục thói quen này sau dịch. Điều đó cho thấy khách hàng của chúng ta đang thay đổi hành vi lên các kênh trực tuyến.

Nhận thức được điều đó, các ngân hàng, trong đó có SHB, cũng đã bắt đầu công cuộc số hóa của mình. Chúng ta có thể thấy rõ cuộc đua số hóa mạnh mẽ trong ngành ngân hàng, thể hiện trong việc các ngân hàng sẵn sàng mạnh tay đầu tư hơn cho các dự án chuyển đổi số. Phạm vi chuyển đổi số tại các ngân hàng cũng đang mở rộng nhanh chóng, không chỉ dừng ở 1 vài dự án thí điểm nhỏ lẻ, mà đang lan rộng ra toàn bộ các phòng ban trong ngân hàng, và thậm chí mở rộng đến cả các lĩnh vực phi tài chính.

NĐT: Chuyển đổi số rõ ràng là câu chuyện không của riêng ai nhưng mỗi doanh nghiệp lại có cách đi và những đích đến riêng. Và cũng cần khẳng định chuyển đổi số không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Với SHB, khó khăn lớn nhất khi bước chân vào quá trình chuyển đổi số là gì?

Ông Đỗ Quang Vinh: Khi đầu tư vào một hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin hiện đại, chắc chắn đều gặp phải những trở ngại nhất định bởi đầu tư về công nghệ sẽ rất tốn kém và đôi khi không hiệu quả.

Song khó khăn lớn nhất trong thời điểm này chính là con người. Cụ thể, khi chuyển đổi số còn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, để tìm được những người có tư duy và năng lực đổi mới thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Việc thu hút được nhân tài chuyển đổi số là một khó khăn, nhưng việc giữ được họ và giúp họ phát huy tối đa sức mạnh của mình cùng tổ chức lại khó khăn gấp nhiều lần.

Trước những thách thức đó, SHB đã và đang tập trung xây dựng môi trường làm việc cởi mở với những tư tưởng, cách làm việc mới, đồng thời vẫn tiếp tục kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp của ngân hàng từ trước đến nay. Với chúng tôi, thành công của chuyển đổi số không chỉ thể hiện ở những chỉ số tài chính vượt trội, mà còn phải được thể hiện ở sự hài lòng, niềm tự hào của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng khi cùng tham gia công cuộc chuyển đổi chung của SHB.

Chính chiến lược xây dựng văn hóa như vậy đã giúp chúng tôi thu hút được rất nhiều người tài sẵn sàng chung tay phát triển số hóa với ngân hàng SHB. Tôi tin tưởng trong tương lai, tôi và đội ngũ cán bộ nhân viên SHB giàu nhiệt huyết sẽ tiếp tục cùng nhau đồng hành chinh phục những thách thức và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số thành công.

Thực tế, trước SHB cũng đã có khá nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Vậy nhưng SHB không e ngại, thậm chí còn hướng tới mục tiêu đưa SHB trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất vào năm 2027. Cơ sở nào khiến ngân hàng đặt mục tiêu tự tin như vậy?

Ông Đỗ Quang Vinh: SHB tuy không có lợi thế của người dẫn đầu song lại có thế mạnh khi được tiếp cận với các xu hướng mới, học tập tinh hoa và bài học kinh nghiệm của các ngân hàng bạn, từ đó tìm được hướng đi “phù hợp nhất”, định vị được chiến lược rõ ràng và phương pháp cụ thể ngay từ đầu, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ, rút ngắn quá trình triển khai.

Việc khoanh vùng và hợp tác với các đối tác công nghệ số nằm trong top đầu thế giới đã, đang và sẽ giúp SHB tạo ra bước đột phá về nền tảng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số. Bên cạnh đó, SHB cũng đã làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới như BCG, IBM, Ernst & Young để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 5 năm, 10 năm và chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước.

Trong nội bộ, đến nay toàn bộ quy trình hoạt động của SHB đều được cải tiến mạnh mẽ nhờ công nghệ số, nâng cao hiệu quả công việc.

Khi cùng lúc vừa hoàn thiện nội tại bản thân, vừa có công cụ nắm bắt rõ nhu cầu khách hàng, SHB đã và sẽ “thiết kế” nên những chương trình kinh doanh, các sản phẩm tiện ích phù hợp nhất, đem lại lợi ích tối đa cho từng nhóm khách hàng.

NĐT: Việc đẩy mạnh chuyển đổi số chắc chắn đã giúp ngành ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Tại SHB, sự thay đổi lớn nhất tại đây kể từ khi ngân hàng thực sự bước vào giai đoạn chuyển đổi số là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Vinh: Sự thay đổi lớn nhất và có thể cảm nhận được rõ ràng nhất là số hóa và công nghệ số đã tích hợp vào mọi lĩnh vực trong hoạt động ngân hàng. Mọi công việc tại SHB từ họp nội bộ, làm việc với đối tác cho đến kết nối giữa ngân hàng và khách hàng đều thông qua các kênh online, các khách hàng tương tác trực tiếp trên các nền tảng số, mobile app của ngân hàng…

Khách hàng gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt và các giao dịch trực tuyến, các dịch vụ tài chính, tư vấn qua các kênh online của ngân hàng cũng hoạt động tốc lực… Chuyển đổi số đã thực sự đi vào cuộc sống và công việc hàng ngày của mỗi chúng ta.

NĐT: Một câu nói được coi là kim chỉ nam cho hành trình chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là ngành ngân hàng đó là “lấy người dân làm trung tâm”. Vậy cụ thể khách hàng của SHB đã được hưởng lợi những gì?

Ông Đỗ Quang Vinh: Không chỉ riêng Chuyển đổi số, “Lấy khách hàng làm trọng tâm” là phương châm trong mọi hoạt động của SHB. Trong thời gian qua, ngân hàng không ngừng cải tổ mạnh mẽ, đổi mới mô hình kinh doanh, chú trọng chuyển đổi số, cải tiến quy trình, thủ tục nhanh gọn, tối giản…

Những sự chuyển đổi đã mang tới cho khách hàng của SHB các sản phẩm, dịch vụ thiết thực với chất lượng tốt nhất. Cụ thể, chỉ trong năm 2022, SHB đã triển khai thành công hơn 30 sản phẩm, tiện ích trên nền tảng Ebanking, đem lại trải nghiệm số tốt hơn với nhiều lợi ích cho KHCN và KHDN.

Trong thời gian tới, dự án hiện đại hóa và chuyển đổi số tại SHB sẽ “luôn lấy khách hàng làm trọng tâm", tạo nên những sản phẩm số cho xã hội, đem lại giá trị bền vững cho khách hàng, ngân hàng và cộng đồng.

NĐT: Ông đánh giá việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nói chung và SHB nói riêng có tác động như thế nào tới nền kinh tế?

Ông Đỗ Quang Vinh: Chúng ta có thể nhận thấy hiện nay hầu hết các ngân hàng đang tăng tốc trển đường đua chuyển đổi số và gia tăng đáng kể mức tương tác với khách hàng trên tất cả các nền tảng số. Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, việc hệ thống ngân hàng bao gồm SHB chuyển đổi số nhanh chóng đang thúc đẩy chuyển đổi số các ngành nghề khác, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số.

NĐT: Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Điều này có đặt ra áp lực gì với SHB nói riêng và ngành ngân hàng nói chung trong “cuộc đua” chuyển đổi số không, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Vinh: Thực tế từ trước đó, bản thân SHB cũng đã đưa chuyển đổi số trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển ít nhất 10 năm tới. Khi nhu cầu của khách hàng thay đổi, áp lực thị trường tác động đến mọi ngành nghề trong đó có lĩnh vực ngân hàng bắt buộc phải chuyển mình, phải phát triển hơn, phải chuyển đổi số.

Với SHB, và tôi tin rằng với ngành ngân hàng nói chung, đó chính là nhiệm vụ sống còn. Vì vậy, quyết định 749 của Chính phủ một lần nữa đã khẳng định hướng đi của chúng tôi là đúng đắn. Áp lực và trọng trách tuy nặng nề, song luôn đi đôi với cơ hội và phát triển.

Chúng tôi sẽ phải thử nghiệm rất nhiều khi các khung chính sách và quy định có thể vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và mở rộng. Nhưng ngược lại khi được Chính phủ quan tâm, hướng dẫn và chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời, đó lại trở thành lợi thế, là động lực để các ngân hàng bứt phá. Nên tôi thấy áp lực này là cần thiết.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 25/02/2023 | 09:00