Khi Kentaro Yokobori chào đời cách đây gần 7 năm, người dân ở ngôi làng Kawakami, quận Sogio coi sự xuất hiện của cậu là phép màu. Họ liên tục kéo đến nhà cậu để chia vui với gia đình trong suốt một tuần liền.

“Các cụ già ở đây rất vui khi nhìn thấy Kentaro. Có cụ già yếu không leo được cầu thang nhưng cũng đến để bế con tôi bằng được”, cô Miho, mẹ của Kentaro nhớ lại.

Niềm vui của dân làng Kawakami không khó lý giải, bởi Kentaro là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại đây sau gần 25 năm.

Dân số trong làng đã giảm từ 6.000 người cách đây 40 năm xuống chỉ còn vẻn vẹn 1.150 người, vì người trẻ tìm đường lên thoát li lên thành phố, còn người già ở lại nhưng cũng qua đời. Nhiều ngôi nhà ở đây đã bị bỏ hoang, một số thậm chí trở thành nơi thú hoang sinh sống.

Kentaro Yokobori là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại làng Kawakami sau 25 năm. Ảnh CNN

Kawakami chỉ là một trong vô số những làng quê bị lãng quên khi những người Nhật trẻ tuổi lên thành phố tìm việc làm. Hơn 90% người Nhật hiện đang sống ở các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka và Kyoto, nơi có hệ thống tàu cao tốc Shinkansen chạy qua.

Điều này khiến các khu vực nông thôn và các ngành nông, lâm nghiệp thiếu lao động trầm trọng. Khi lực lượng lao động già đi, tình trạng này thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Đến năm 2022, số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở Nhật Bản giảm xuống còn 1,9 triệu người so với 2,25 triệu người của 10 năm trước đó.

Tuy nhiên, Kawakami chỉ là một ví dụ cho một vấn đề vượt xa khỏi vùng nông thôn Nhật Bản: ngay cả người dân ở các thành phố trên đất nước này cũng không muốn sinh con.

Ông Kaoru Harumashi, một người thợ mộc tại làng Kawakami. Dân số già khiến nhiều nghề thủ công truyền thống Nhật Bản bị mai một. Ảnh CNN

Nhật Bản đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có tiền lệ, với tỉ lệ sinh hàng năm lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 800,000 vào năm 2022.

Quốc gia Đông Á có 799.728 ca sinh vào năm 2022, con số thấp nhất từng được ghi nhận và chỉ bằng già nửa số ca sinh vào năm 1982 (1,5 triệu), Bộ Y tế Nhật Bản công bố cuối tháng 2.

Tỉ lệ sinh hàng năm ở Nhật Bản lần đầu giảm xuống dưới 800.000 sau 40 năm vào năm 2022. Ảnh NHK

Tỉ lệ sinh của quốc gia này đã giảm xuống còn 1,34, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,07 để duy trì dân số ổn định. Nếu tình trạng này tiếp diễn, dân số Nhật Bản có thể giảm xuống còn 88 triệu vào năm 2065.

Tổng dân số của đất nước mặt trời mọc tính đến ngày 1/1 là 124,77 triệu người, giảm 0,43% so với 125,31 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu tạm thời của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Số lượng học sinh, sinh viên ở Nhật Bản ngày càng giảm, khiến nhiều công ty cung cấp dụng cụ học tập phải đóng cửa. Ảnh Japan Times

Tỉ lệ sinh giảm là mặt trái của một xu hướng đáng báo động không kém, đó là dân số già. Nhật Bản là một trong những nơi có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới, với gần một trong 1.500 người từ 100 tuổi trở lên trong năm 2020.

Năm ngoái, có khoảng 36,21 triệu người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản, chiếm 29% tổng dân số. Trong khi đó, số trẻ em trong độ tuổi từ 0-14 chỉ ở mức 14,45 triệu, chiếm 11,6% dân số.

Số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) là 74,5 triệu người, tương đương 59,4% toàn bộ dân số và tỉ lệ phụ thuộc (tỉ lệ người già và trẻ em chia cho tổng dân số trong độ tuổi lao động) là 68,5%.

Trên thực tế, tỉ lệ sinh giảm và dân số già là thách thức kép mà nhiều nước phát triển khác đang phải đối mặt, bởi nó là hệ quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, cũng như sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vấn đề này nghiêm trọng hơn đối với Nhật Bản do nhiều nguyên nhân.

Người già có thu nhập thấp được chăm sóc tại viện dưỡng lão Nishimizue no Mori ở phường Edogawa, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh Japan Times

Nguyên nhân đầu tiên là chính sách hạn chế người nước ngoài cư trú dài hạn tại Nhật Bản. Quốc gia này ưu tiên sự đồng nhất xã hội hơn là lợi ích kinh tế mà người lao động nước ngoài sẽ tạo ra.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và dường như đang tìm cách thu hút những người nước ngoài có thể đóng góp cho nền kinh tế, nhưng điều này cần nhiều nỗ lực hơn là chỉ điều chỉnh chính sách thị thực.

Nguyên nhân thứ hai và quan trọng hơn là phụ nữ Nhật Bản ngày càng thích cuộc sống độc thân hoặc không muốn chịu những gánh nặng khi làm vợ, làm mẹ. Họ muốn tự làm chủ cuộc sống và có vai trò bình đẳng hơn với nam giới trong công việc và gia đình.

“Kết hôn chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Ổn định sự nghiệp và tận hưởng sự tự do của mình quan trọng hơn nhiều so với việc lập gia đình và sinh con”, Chika Hashimoto, một cô gái 23 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Temple ở Tokyo cho biết.

Nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản muốn tập trung vào sự nghiệp thay vì kết hôn. Ảnh Japan Insider

Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, trung bình phụ nữ đã kết hôn và có con nhỏ dành hơn 7 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc gia đình và nội trợ không được trả công, gấp khoảng 4 lần so với nam giới.

Nhật Bản cũng có tỉ lệ phụ nữ trung niên không có con cao nhất (27%) trong số các quốc gia phát triển, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Những lo ngại về gánh nặng kinh tế là lý do chính khiến nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản khác suy nghĩ về việc kết hôn. “Nuôi một đứa trẻ thực sự tốn rất nhiều tiền. Phụ nữ ở Nhật Bản rất khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình bởi vì chúng tôi sẽ phải lựa chọn một trong hai””, một phụ nữ Nhật Bản 23 tuổi chia sẻ.

Tỉ lệ các bà mẹ Nhật Bản tham gia lực lượng lao động đã tăng lên đáng kể từ 20% năm 2004 lên đến 76% vào năm 2021. Ảnh Japan Today

Nhật Bản là quốc gia có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tốn kém thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong một cuộc khảo sát năm 2021, 53% số người được hỏi cho rằng chi phí nuôi con, bao gồm cả chi phí giáo dục, là lý do họ không có hoặc có ít con hơn, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản. Trong khi đó, 40% cho biết họ đã quá lớn tuổi để sinh thêm con cái.

Trở lại với ngôi làng Kawakami, hầu hết người dân trong làng đều đã qua tuổi nghỉ hưu. Trong những năm qua, họ đã chứng kiến những người bạn lớn tuổi qua đời, và nhiều nghề thủ công cũng như truyền thống cộng đồng lâu đời từ từ mai một.

“Không có đủ người để duy trì các lễ hội hay hoạt động cộng đồng nữa. Chúng tôi đành bất lực”, cô Miho, mẹ cậu bé Kentaro buồn bã nói.

Điều đáng tiếc này đang diễn ra tại nhiều làng quê Nhật Bản. Một số khu vực thậm chí còn phải phải vật lộn để tìm đủ cử tri cho các cuộc bầu cử địa phương.

Trong khi đó, ở thành phố Osaka, công ty cung cấp dụng cụ nghệ thuật Tsuboyone cũng phải đóng cửa sau 7 thập kỷ kinh doanh. Số lượng sinh viên ngày càng giảm của Nhật Bản đã dần thu hẹp thị trường bảng màu, gọt bút chì, xô đựng cọ và các sản phẩm khác mà công ty này cung cấp cho các trường học và cao đẳng nghệ thuật.

Số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 29% tổng dân số Nhật Bản vào năm 2022. Ảnh longreads.com

Các doanh nghiệp như Tsuboyone phải đối mặt với doanh số bán hàng và triển vọng tuyển dụng giảm sút do trung bình 430 trường công lập đóng cửa vĩnh viễn mỗi năm trong suốt một thập kỷ cho đến năm 2020.

Công ty nhỏ này được thành lập vào năm 1949, khi Nhật Bản ghi nhận kỷ lục 2,69 triệu ca sinh sau chiến tranh, cao gấp hơn 3 lần số ca sinh ở Nhật Bản vào năm 2022.

Đối mặt với thực tế phũ phàng này, cộng với chi phí vật liệu nhựa tăng cao và tác động từ đại dịch Covid-19, công ty 12 thành viên phải ngừng hoạt động từ cuối tháng 3.

Nhật Bản là nơi có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Ảnh Japan Insider

Ở quy mô lớn hơn, một xã hội già hóa rõ ràng sẽ có những tác động đáng kể lên nền kinh tế. Những khó khăn mà chủ một doanh nghiệp phía bắc Nhật Bản đang đối mặt là minh chứng cho điều này.

Ông Hidekazu Yokoyama đã dành 30 năm để gầy dựng một doanh nghiệp logistic trên hòn đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Năm 2022, ông quyết định nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già.

Tuy nhiên, con cái của ông không ai muốn tiếp quản công ty, và các nhân viên của ông cũng vậy. Những người có tiềm năng ở các khu vực khác lại không muốn chuyển đến khu vực xa xôi, lạnh giá như Hokkaido.

Phần lớn nhân viên của ông Yokoyama đều đang ở độ tuổi 50-60. Ảnh NY Times

Dù đã lên kế hoạch nghỉ hưu 6 năm nay, nhưng ông không nỡ đóng cửa công ty, bởi nếu làm vậy, nhiều hộ nông dân trong khu vực sẽ mất đi miếng cơm, manh áo.

Việc các công ty vừa và nhỏ ngừng hoạt động khi dân số giảm là điều không thể tránh khỏi, nhưng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại rằng nếu hàng loạt công ty đóng cửa vì chủ của họ đã quá lớn tuổi, đất nước có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong một bài thuyết trình năm 2019, Bộ Thương mại Nhật Bản dự đoán rằng đến năm 2025, khoảng 630.000 doanh nghiệp Nhật Bản có thể đóng cửa dù đang làm ăn có lãi, gây thiệt hại cho nền kinh tế 165 tỷ USD và ảnh hưởng đến 6,5 triệu việc làm.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tăng trưởng chậm, các nhà chức trách Nhật Bản đã nhanh chóng bắt tay vào hành động với hy vọng ngăn chặn thảm họa.

Quá trình tìm người kế nghiệp quá khó khăn khiến ông Hidekazu Yokoyama đứng trước nguy cơ phải đóng cửa công ty sau 30 năm làm ăn thuận lợi. Ảnh NY Times

Các chiến dịch được vạch ra để hướng dẫn các chủ sở hữu lớn tuổi về các lựa chọn tiếp tục kinh doanh sau khi nghỉ hưu, và các trung tâm dịch vụ được thành lập để giúp họ tìm người tiếp quản tiềm năng. Nhiều khoản trợ cấp lớn và ưu đãi về thuế cũng được đưa ra cho chủ sở hữu mới.

Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn những thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc tìm kiếm người kế nhiệm là truyền thống, ông Tsuneo Watanabe, giám đốc Nihon M&A Center, một công ty chuyên tìm kiếm người mua cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có giá trị cho biết.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những người lớn tuổi, thường muốn con cái hoặc một nhân viên đáng tin cậy tiếp quản công ty của mình. Họ không muốn bán công ty mà họ dành cả đời gây dựng vào tay người lạ, đặc biệt là đối thủ cạnh tranh của họ.

“Việc sáp nhập và mua lại (M&A) không được đánh giá cao. Rất nhiều người cảm thấy rằng thà đóng cửa công ty còn hơn là bán nó đi. Mặc dù nhận thức về ngành đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều doanh nhân thậm chí không biết rằng họ có thể sáp nhập công ty của mình với một công ty khác”, theo ông Watanabe.

Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, vào năm 2021, các trung tâm trợ giúp của chính phủ và 5 trung tâm dịch vụ mua bán và sáp nhập hàng đầu chỉ tìm được người mua cho 2.413 doanh nghiệp. Vẫn còn 44.000 doanh nghiệp không tìm được người mua, và 55% trong số đó vẫn đang làm ăn có lãi khi đóng cửa.

Với dân số trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm dần, Nhật Bản phải đối mặt với một câu hỏi cơ bản: liệu có thể đảo ngược tình trạng suy giảm này không? Câu trả lời cho Nhật Bản cũng sẽ là đáp án cho một loạt các quốc gia Đông và Đông Nam Á đang đối mặt với tình trạng tương tự.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 23/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang “trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” do tỉ lệ sinh giảm.

Chi phí sinh con trung bình ở Nhật Bản dao động vào khoảng 473.000 yên. Ảnh weforum.org

Vị Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề phải giải quyết “bây giờ hoặc không bao giờ”, và Nhật Bản “không thể chờ đợi lâu hơn nữa”. Một cơ quan chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 4 tới để tập trung vào vấn đề này.

Ông Kishida hy vọng sẽ thay đổi xu hướng nhân khẩu học bằng hàng loạt những biện pháp “chưa từng có” nhằm khuyến khích các cặp đôi lập gia đình, đồng thời tạo ra một mô hình kinh tế xã hội ưu tiên trẻ em và đảo ngược tỉ lệ sinh.”

Kế hoạch của ông Kishida nhằm tăng gấp đôi ngân sách cho chính sách nuôi dạy trẻ em, tập trung vào 3 trụ cột: hỗ trợ kinh tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em và cải cách phong cách làm việc, ông chia sẻ.

Thủ tướng Fumio Kishida muốn áp dụng những biện pháp chưa từng có nhằm tăng tỉ lệ sinh ở Nhật Bản. Ảnh news24.com

Mặc dù chi tiết về các biện pháp này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng trụ cột đầu tiên cho thấy sẽ có sự mở rộng về hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như các khoản trợ cấp cho các hộ gia đình có trẻ em.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang trợ cấp 10.000 đến 15.000 yên (1,8-2,7 triệu đồng)/tháng cho mỗi đứa trẻ cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở (15 tuổi), với một số hạn chế đối với các gia đình có thu nhập cao hơn.

Các quan chức chính phủ cho biết trụ cột thứ hai có nghĩa là tăng cường số lượng và chất lượng chăm sóc trẻ em, bao gồm dịch vụ chăm sóc sau giờ học và các dịch vụ dành cho trẻ em bị bệnh, cũng như mở rộng các dịch vụ sau sinh.

Trụ cột thứ ba có thể liên quan đến việc cải thiện chế độ nghỉ phép của cha mẹ và các bước khác nữa nhằm tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi hơn cho việc sinh con.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo đã áp dụng những biện pháp riêng của mình, bao gồm khoản trợ cấp hàng tháng 5.000 yên cho mỗi trẻ em đến 18 tuổi bắt đầu từ tháng 1/2024, không phân biệt thu nhập hộ gia đình.

Mỗi gia đình ở Tokyo sẽ nhận khoản trợ cấp hàng tháng 5.000 yên cho mỗi trẻ em dưới 18 tuổi bắt đầu từ tháng 1.2024, theo bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo. Ảnh SCMP

“Các cuộc khảo sát khác nhau cho thấy, lý do khiến mọi người ngần ngại sinh con là vì chi phí quá tốn kém, bao gồm cả chi phí giáo dục. Tôi nghĩ rằng nếu chính quyền thành phố hỗ trợ họ nuôi con trong giai đoạn từ 0 đến 18 tuổi, xu hướng này sẽ được đảo ngược”, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hỗ trợ về tài chính không thể giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề, bởi tỉ lệ sinh thấp ở Nhật Bản là hệ quả của nhiều yếu tố xã hội khác nhau.

Chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu sự hỗ trợ chăm sóc trẻ em ở các thành phố của nước này khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn. Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường sống xa gia đình, nơi có những người có thể hỗ trợ họ.

Biểu đồ dân số Nhật Bản dự kiến đến năm 2027 (Đơn vị - triệu người). Ảnh statista.com

Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng cấu trúc xã hội và sự phân công lao động truyền thống trong một hộ gia đình Nhật Bản – đàn ông là trụ cột, đàn bà làm nội trợ – sẽ không hỗ trợ lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

“Tôi nghĩ thật kỳ lạ khi chiến lược chính trị hiện tại của Nhật Bản nhằm tăng tỉ lệ sinh lại được dẫn dắt bởi những người đàn ông lớn tuổi, những người ủy thác việc chăm sóc con cái cho vợ của họ,” Maki Kitahara, một phụ nữ 37 tuổi cho biết.

“Chúng tôi cần nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh ngồi vào chiếc bàn đó để chúng tôi có thể ngồi lại cùng nhau nói chuyện và lên kế hoạch cho tương lai của mình”, bà nói thêm.

Bà Yuko Kawanishi, giáo sư xã hội học tại trường Đại học Lakeland ở Tokyo, tin rằng hệ thống việc làm của Nhật Bản, bao gồm seiki (nhân viên toàn thời gian) và hiseiki (nhân viên hợp đồng), là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng dân số hiện nay ở “xứ sở hoa anh đào”.

Nhiều người tin rằng cấu trúc xã hội và sự phân công lao động truyền thống trong một hộ gia đình Nhật Bản – đàn ông là trụ cột, đàn bà làm nội trợ – sẽ không hỗ trợ lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tỉ lệ các bà mẹ tham gia lực lượng lao động đang tăng lên đáng kể, lên đến 76% vào năm 2021, cao hơn 20% so với năm 2004. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số họ là làm việc lâu dài.

“Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô rất nghiêm trọng bởi vì nhiều phụ nữ trẻ đang lo lắng về việc không có việc làm cố định”, giáo sư Kawanishi cho biết. “Xét về mức ổn định, phúc lợi và mức lương, có một sự bất bình đẳng trầm trọng giữa công việc của seiki và hiseiki”.

Mặc dù giáo sư Kawanishi thông cảm với mối lo ngại về nhân khẩu học của Nhật bản trong tương lai, bà tin rằng cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết tình trạng này.

“Quy mô dân số là cơ sở của mọi vấn đề trong xã hội. Có nhiều việc chúng ta có thể làm nhưng chưa có cách nào hiệu quả. Tôi không nghĩ chính sách mà Nhật Bản ủng hộ trong những tuần vừa qua đã thực sự quyết liệt để thay đổi cục diện”, bà Kawanishi nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Fujinami từ Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI), quốc gia này sẽ rất khó đạt được sự phục hồi hình chữ V về số ca sinh mới. Kịch bản lạc quan nhất có thể là duy trì mức sinh ở năm 2022 hoặc cao hơn một chút trong một số năm tới.

Nhật Bản có cơ hội tạm thời ngăn chặn xu hướng giảm tỉ lệ sinh nhờ vào mức sinh 1,2 triệu ca mỗi năm được ghi nhận trong những năm 1990. Thế hệ này hiện đang ở độ tuổi 20-30 (độ tuổi sinh đẻ), theo ông Fujinami.

Sau một thập kỷ, số người trong độ tuổi sinh đẻ dự kiến sẽ giảm nhanh hơn. “Một số người có thể nói rằng đã quá muộn, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng thập kỷ tới là hy vọng cuối cùng”, ông Fujinami khẳng định.

Trẻ em vui chơi tại công viên Komazawa Olympic Park, ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh Savy Tokyo

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 08/04/2023 | 09:00