Chàng trai trẻ Vũ Khoan không có ước mơ làm ngoại giao, nhưng bằng một “dấu phẩy” của cuộc đời – như cách ông gọi, ông đi làm ngoại giao và trở thành một trong những cây đại thụ của nền ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.

Nhà ngoại giao Vũ Khoan cũng không có ý định chuyển ngành, nhưng lại bằng một “dấu phẩy”, ông đi làm thương mại và cũng như cách ông thể hiện khi còn là một nhà ngoại giao, ông để lại những dấu ấn đậm nét trong thời gian ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Để làm được điều đó, có lẽ chính là nhờ tâm niệm của ông: “Làm việc gì cũng phải làm hết lương tâm, làm xong còn thấy lấn cấn nghĩa là chưa hết lương tâm, những tâm tư thiệt hơn khác tính sau”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan sinh ngày 7/10/1937, tuổi Đinh Sửu. Theo tử vi, tướng số, nhiều người bảo tuổi Đinh Sửu nhiều gian truân và chính ông cũng tự thừa nhận đời mình “long đong vất vả” nhất là về đường học hành.

Khi quân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông làm liên lạc viên cho chính phủ Việt Minh. Năm 1949, ông được đưa về Việt Bắc, theo học tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam và sau đó được cử đi học ở trường Thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc).

Cuối năm 1954, khi chưa học xong lớp 7, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học được 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch và bắt đầu sự nghiệp làm ngoại giao từ đó. Đến giữa năm 1961, ông được cử theo học tại Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), ngành Kinh tế Quốc tế, tuy nhiên, năm 1964, khi chưa tốt nghiệp, ông được điều về nước, công tác ở Bộ Ngoại giao.

Chẳng phải thế mà dù học nhiều nhưng xét ra ông không có mấy bằng cấp, ông từng nói vui rằng: “Tôi là người vô học nếu nói về bằng cấp”.

Nói là vậy nhưng những người đã từng tiếp xúc, làm việc với ông đều cảm nhận ông là một người uyên bác. Và để có sự uyên bác đó, ông nhờ phần lớn vào sự tự học. Ông học từ ngoại ngữ, đến kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm công tác. Mà sự tự học lại phần lớn đến từ yêu cầu, nhiệm vụ được phân công.

“Cả cuộc đời tôi là tự học, học thành hành chứ ít học văn phạm, ngữ pháp. Đó là ngoại ngữ, còn các chuyên môn khác thì cố gắng tìm kiếm đến chân tơ kẽ tóc việc mình được giao, chịu khó tham vấn các chuyên gia để họ dạy cho mình, đồng thời chịu khó rút kinh nghiệm sau mỗi đợt công tác để làm tốt hơn. Nói chung phải tò mò”, ông từng chia sẻ.

Ở ông là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, tự rút ra các kết luận, đánh giá của riêng mình cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Khi ngoài 80, ông vẫn là một trong các diễn giả "hot" được mời nói chuyện, tham gia hội thảo, trả lời phỏng vấn. Tôi từng có duyên được nghe ông nói tại nhiều sự kiện, phải thừa nhận được trò chuyện với ông, được nghe ông chia sẻ thì lòng luôn cảm thấy hứng khởi. Hứng khởi bởi một trí tuệ uyên bác nhưng luôn hóm hỉnh với thực tiễn cuộc sống, hứng khởi bởi một con người của một thế hệ tuyệt đẹp, đã sống và cống hiến trọn vẹn hết mình một cách vô tư, sẵn sàng lắng nghe và truyền lửa, trao tri thức cho những người trẻ.

Không chỉ trả lời phỏng vấn hay mà ông cũng hay viết. Ông viết gần như đến những ngày cuối cùng trước khi về cõi bao la. Mỗi lần nhận được thư điện tử (email) từ địa chỉ vukhoan…@yahoo.com, người ta sẽ lại sẽ nhận được một điều gì đó rất đáng đọc.

Có cảm tưởng ở cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan không và chưa bao giờ "về hưu", bởi ông luôn coi mỗi buổi sáng khi thức dậy là những ngày cuối cùng của đời mình, nên vẫn say sưa làm việc, phổ biến và truyền đạt kiến thức cho xã hội, cho thế hệ trẻ.

Những năm 80 thế kỷ trước nước ta đối mặt với tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” với những thách thức ngặt nghèo. Khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, lạm phát lên tới gần 800% năm 1986; đất nước bị bao vây về chính trị, cấm vận về kinh tế trong khi các nước xã hội chủ nghĩa đều theo nhau rơi vào khủng hoảng và năm 1991 Liên Xô tan rã, Hội đồng tương trợ kinh tế và Hiệp ước Vác-sa-va giải thể.

“Khi đó Đảng ta đã phát động công cuộc Đổi mới. Nói là vậy nhưng mà mới chỉ là chủ trương thôi, chứ đường lối chưa rõ ràng, còn rất nhiều bỡ ngỡ. Vấn đề lạm phát lúc bấy giờ đang là vấn đề nóng bỏng nhất. Gia đình tôi cũng như nhiều người khác, rất thấm thía điều này.

Thời gian làm ở sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, hai vợ chồng tiết kiệm được một ít tiền, bèn mua một chiếc đạp xe đạp Fornix của Tiệp Khắc đem về.

Về nước, vợ chồng bàn nhau bán chiếc xe đạp đó đi rồi lấy tiền gửi tiết kiệm. Khi đổi tiền, toàn bộ số tiền đó gần như mất. Tiền bán chiếc xe đạp khi đó giờ chỉ còn bằng số tiền để mua chục quả trứng gà thôi”, ông kể về những ngày đầu Đổi mới.

Trước tình cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nhận thức rằng ngoại giao phải làm kinh tế, ông kiên quyết đặt ra cho Bộ Ngoại giao nhiệm vụ phải góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước.

“Ông Thạch nói với chúng tôi rằng người làm ngoại giao không chỉ có nhiệm vụ là làm ngoại giao thuần túy mà phải xem giữa các nhiệm vụ ngoại giao, chính trị, kinh tế đều có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ngoại giao phải phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của đất nước đó là phải làm cho dân giàu nước mạnh, mà muốn dân giàu nước mạnh thì rõ ràng phải lấy kinh tế làm trọng”.

Để hiện thực hóa quyết tâm ngoại giao làm kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho thành lập 3 vụ mới: Vụ kinh tế thế giới - chuyên nghiên cứu tình hình kinh tế thế giới; Vụ Hợp tác kinh tế - phụ trách phối hợp với các ngành thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế với các tổ chức quốc tế; Vụ tổng hợp kinh tế - phụ trách tổng hợp tình hình giúp Bộ trưởng nghiên cứu các vấn đề kinh tế của đất nước và góp phần vào việc giải quyết những vấn đề đó.

Và ông Vũ Khoan trở thành người được Bộ trưởng lựa chọn để đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế rồi Trợ lý Bộ trưởng, cũng phụ trách cả lĩnh vực kinh tế đối ngoại.

“Ở Bộ Ngoại giao, lúc bấy giờ tôi đang làm vụ trưởng phụ trách về tổ chức. Một hôm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gọi tôi lên và bảo giao cho tôi nhiệm vụ đi học kinh tế. Tôi ngạc nhiên lắm.

Tôi bảo với Bộ trưởng là tôi không biết gì về kinh tế cả. Đi học bồi dưỡng các môn khác thi cuối khóa tôi luôn được điểm 9, 10 nhưng riêng môn kinh tế thì tôi chỉ được điểm 6 thôi.

Tôi mới nói với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch điều đó và bảo anh nên chọn người khác sẽ phù hợp hơn. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bèn trả lời: “Vì cậu chỉ được có 6 điểm kinh tế nên tôi mới chọn cậu học kinh tế và làm kinh tế, chứ cậu mà được 9, 10 điểm về kinh tế như những người khác thì tôi chọn làm gì”.

Rồi Bộ trưởng tiếp: “Những người khác được 9, 10 điểm môn kinh tế là vì họ nói theo sách, không có phản biện. Còn cậu chỉ được 6 điểm là vì cậu không nói theo sách, mà cậu dám nói ngược với họ. Kinh tế của chúng ta hiện nay như thế nào thì cậu biết rồi đấy, rất cần những người nói ngược như cậu, tôi không cần nghe người nói xuôi đâu”.

Bằng phương châm tìm người “điểm kém”, “nói ngược” đó của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, mà khi tiến hành công cuộc Đổi mới, từ ngoại giao, ông Khoan ngậm ngùi “đi làm kinh tế”. Những năm đó, ông đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm chống lạm phát các nước trên thế giới, tình hình trong nước để hiểu nguồn gốc của nạn lạm phát. Rồi lại cùng anh em trong Bộ lần mò xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để hiểu rõ hơn tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ. Kết hợp những kiến thức thực tế trong nước và trên thế giới giúp Bộ Ngoại giao đề xuất những giải pháp thích hợp giải quyết vấn đề cấp bách nhất của khủng hoảng kinh tế - xã hội đất nước lúc bấy giờ.

Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Với những tư tưởng đổi mới, năng động, ông có đóng góp trực tiếp và quan trọng trong quá trình phá thế bao vây cấm vận những năm 90 thế kỷ trước, bình thường hoá quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc,… và sự nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam như việc Việt Nam gia nhập ASEAN, WTO…

Đầu năm 2000, khi đang giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao thì ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Nhưng quả thật, trong lịch sử hành chính Việt Nam, hiếm có Bộ trưởng nào lại như ông, bởi người ta chỉ bảo “được làm Bộ trưởng” chứ chưa có ai lại bảo “bị làm Bộ trưởng” như cách ông vẫn hay nói.

Chuyện là tháng 1/2000, ông Khoan tham gia đoàn đi thăm CHDCND Triều Tiên. Khi từ Triều Tiên bay sang sân bay Bắc Kinh để trở về Việt Nam thì người bạn, khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc ra sân bay đón và nói: “Anh Khoan đã biết tin gì chưa, anh được thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Thương mại rồi đấy”. Ông Khoan ngạc nhiên lắm, hỏi lại thì mới biết Quốc hội đã phê chuẩn và báo chí trong nước đăng tin hết cả rồi.

“Quả thực, nghe tin này tôi ngạc nhiên lắm. Vì trước đó có thấy ai nói gì với tôi về chuyện sẽ giao tôi nhận công tác mới đâu. Tôi được bổ nhiệm nhưng thành ra tôi lại người biết tin cuối cùng”, ông kể.

Sau khi biết tin này là chính xác, ông băn khoăn là khi về nước thì nên về trụ sở Bộ Ngoại giao hay là sang trụ sở Bộ Thương mại. Lúc trên máy bay là nghĩ thế đấy. Nhưng khi xuống đến sân bay Nội Bài thì ông quyết định rất nhanh, đó là đi thẳng về nhà.

Đầu tuần mới, ông đến Bộ Thương mại nhận nhiệm vụ Bộ trưởng bằng cách cũng chẳng giống ai, không quyết định, không lễ ra mắt. “Mãi hơn tháng sau, tôi mới có quyết định chính thức làm Bộ trưởng” và ông bắt đầu nhiệm kỳ làm người đứng đầu ngành Thương mại kéo dài 2 năm, 192 ngày như vậy.

“Từ cuộc đời mình, tôi chiêm nghiệm ra rằng tương lai phía trước là do mình tạo ra, nhưng tương lai là thứ rất khó đoán định. Bởi thế hãy sống thật tốt với hiện tại, đừng nên so đo, xét nét nhiều quá làm gì, mà hãy thích nghi với nó để mà sống cho thoải mái vì cuộc sống thì vốn dĩ muôn hình, muôn màu”, ông tâm sự.

Rồi ông Vũ Khoan làm Bộ trưởng cũng bằng một phong cách đặc biệt. Ông được giao làm Bộ trưởng và chỉ mình ông đến Bộ Thương mại nhận công tác, không thư ký, trợ lý, anh em văn phòng đi theo phục vụ. Tất cả đều sử dụng nhân sự tại chỗ của Bộ Thương mại. Khi hỏi ông vì sao không cử anh em cán bộ đi cùng, với vị trí và nhiệm vụ công việc của ông thì đó là điều không khó. Ông chỉ cười bảo: “Mình đã khổ rồi, đừng kéo thêm ai khổ cùng nữa”.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông và Đại diện Thương mại Mỹ Barshefsky là người trực tiếp đặt bút ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), bước đột phá quan trọng để Việt Nam thuận lợi đàm phán song phương với các quốc gia thành viên WTO và chuyển sang đàm phán đa phương.

Từ tháng 8/2002, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan được bổ nhiệm giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế đối ngoại. Trên cương vị mới, ông tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong vai trò trực tiếp chỉ đạo Bộ Thương mại hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Dù làm được nhiều điều, đảm nhận những cương vị quan trọng, nhưng ông luôn cảm nhận được sự nhỏ bé của mình, không phải vì khiêm tốn, mà vì ông cảm nhận rõ được vị trí, vai trò của mình trong bức tranh của thời đại.

“Tôi rất ngượng khi ai đó gọi tôi bằng những mỹ từ như “ông nọ ông kia”…Không phải vì khiêm tốn mà tôi nói thế đâu, mà là vì tôi biết rất rõ rằng mỗi một công việc lớn của đất nước luôn quy tụ trí tuệ của rất nhiều người. Mỗi cuộc đàm phán có sự tham gia của rất nhiều ngành, của hàng chục người chứ đâu chỉ có một người? Vả lại, bao giờ cũng vậy, đằng sau mọi sự việc có một bức tường vững chắc là cả một dân tộc? Nếu bảo rằng một người nào đó có công trạng này hay công trạng khác là điều không nên”.

Và cũng vì như vậy, mà ngay cả những việc mình làm, ông chọn cách cư xử hết sức chừng mức: “Tôi thường nói với gia đình và bạn bè rằng: “Lên” thì không nên biết cách “lên”, nhưng “xuống” thì cần biết thời điểm và cách “xuống”. Đấy là cái tôi tâm niệm và cố làm như vậy. Có việc gì mình làm chưa xong thì hãy để người khác làm tiếp, có khi họ còn làm tốt hơn mình. Đến tuổi nào đó thì mình nên lùi ra để thế hệ khác tiếp theo,…. Cuộc sống là không ngừng, bao giờ cũng có những việc không xong”.

Giống như những người cùng thế hệ - một thế hệ, ông là người giàu tự trọng và đề cao sự tử tế. Ông coi đó là lẽ sống của đời mình. “Giá trị sống thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng, nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người, trong đó tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng. Tôi sợ nhất, thậm chí ghê tởm nhất những người không biết tự trọng, quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu lợi cho mình. Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế”.

Và cũng vì sự tử tế đó mà chính ông lại đau đáu với những vấn đề của cuộc sống, những vấn đề của thời đại của ngay chính chúng ta. “Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.”

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một người như vậy, minh triết, sắc sảo nhưng cũng vô cùng khiêm tốn. Với tinh thần dấn thân, tiên phong đổi mới, ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong suốt thời kỳ phá thế bao vây cô lập và hội nhập quốc tế.

Ngày 21/6/2023, mội trái tim nhiệt huyết đã ngừng đập. Vậy là nhà số 9 Lê Thánh Tông lại phải chia tay thêm một người tử tế, nhưng có lẽ di sản mà sự tử tế và tận tụy hết lương tâm mà ông để lại sẽ còn mãi tỏa sáng. Người ta sẽ còn nhớ đến ông, không phải vì những chức vụ hàm cấp ông mang trên mình mà là bởi sự tử tế của ông: Bất luận thế nào "mình vẫn là mình", tự trọng, không quỵ lụy luồn cúi. Như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh".

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 24/06/2023 | 07:32