Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 9 tháng đầu năm 2022, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

"Nền kinh tế Việt Nam đã bật dậy và vững vàng trước sóng gió", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã chia sẻ với PV Người Đưa Tin về những kết quả chúng ta đã đạt được thời gian qua nhờ những chủ trương đường lối đúng đắn của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, đối diện với nhiều áp lực từ lạm phát cao những thàng cuối năm và những rủi ro khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng chúng ta cần làm nhiều hơn thế.

NĐT: Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước và trên thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Xin ông đánh giá về vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của cộng đồng doanh nghiệp Việt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua?

TS. Vũ Tiến Lộc: Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, xung đột về địa chính trị, chiến tranh thương mại… giờ đây, thế giới cũng đang rơi vào biến động chưa từng có, áp lực lạm phát, chi phí đầu vào tăng lên. Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng.

So với tương quan các nước trong khu vực và trên thế giới, nước ta vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp. Có thể nói, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu khi vẫn duy trì được lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng mức độ cao.

FDI của toàn cầu giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì được xuất khẩu, FDI Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng, các nhà đầu tư coi Việt Nam như điểm đến hàng đầu. Suy cho cùng, bức tranh kinh tế của đất nước được quyết định bởi sức mạnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã có những nỗ lực vượt bậc để trụ vững trong bối cảnh Covid-19.

NĐT: Theo ông, đâu là những thách thức, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước ở thời điểm này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, doanh nghiệp đang khôi phục lại quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các vấn đề về nguồn vốn, khả năng thanh khoản, nguồn lao động, tình trạng thiếu lao động trầm trọng, thiếu nguồn nhân lực… khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.

Mặc dù chúng ta có Hiệp định Thương mại tự do, nhưng trong bối cảnh các thị trường lớn nhất, đối tác chiến lược đang trong quá trình giảm tốc độ tăng trưởng, giảm nhu cầu nhập khẩu, vì thế việc xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp những khó khăn về thủ tục hành chính trong kinh doanh, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, sự chồng chéo trong các quy định về kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà.

NĐT: Việc chậm trễ trong thủ tục hành chính sẽ có những tác động, ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Nhưng trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn chưa minh bạch, có sự chồng chéo, còn khoảng trống, tôi nhận thấy đang có tình trạng sợ trách nhiệm của cán bộ công chức, của các ngành, các địa phương.

Hiện nay, chi phí thời gian cho việc triển khai các dự án đang trở nên nặng nề hơn, vì quá trình giải quyết các thủ tục dường như đang chậm lại.

Một loạt các doanh nghiệp đang bị chậm trễ do thủ tục hành chính, tôi lấy ví dụ như thị trường nhà ở căn hộ, bất động sản tăng rất cao là do các dự án không được phê duyệt, thủ tục chưa thực sự minh bạch. Không đẩy nhanh được thủ tục thì rất khó để triển khai các dự án, kể cả đầu tư công và đầu tư tư.

Trong nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chúng ta nói nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cố gắng đưa các gói hỗ trợ vào cuộc sống… Bên cạnh những vấn đề cấp bách nổi lên cần phải làm, tôi cho rằng tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện cải cách thể chế là việc không thể coi nhẹ.

NĐT: Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian qua, cũng không ít doanh nghiệp sai phạm bị phanh phui như: Tân Hoàng Minh, FLC… Theo ông, nguyên nhân có phải từ hệ thống pháp luật còn kẽ hở?

TS. Vũ Tiến Lộc: Việc một số doanh nghiệp sai phạm thời gian qua xuất phát một phần từ thể chế bao gồm: Hệ thống pháp luật và bộ máy để thi hành pháp luật.

Thể chế hiểu theo nghĩ rộng bao gồm cả hệ thống pháp luật, cơ chế vận hành bộ máy để vận hành cái nền kinh tế. Trong trường hợp thể chế thiếu minh bạch, còn chồng chéo, mâu thuẫn thì sẽ tạo những khe hở để trục lợi, doanh nghiệp cũng tìm cách trục lợi từ những khe hở đó.

Như vụ Tân Hoàng Minh và các vụ khác là vi phạm trắng trợn các quy định của pháp luật. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật của chúng ta chưa đủ nghiêm và còn thiếu.

Theo tôi, trong việc xây dựng pháp luật, đội ngũ xây dựng luật của các bộ, ngành và ngay cả Quốc hội cũng có trách nhiệm trong vấn đề này.

Thêm nữa, việc thực thi pháp luật còn có những kẽ hở khiến cán bộ, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi.

Có thể nói, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, đạo đức công vụ của một bộ phận không cao, vì thế mới gây ra những cái những sự việc đáng tiếc.

NĐT: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để gỡ vướng trong các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?

TS. Vũ Tiến Lộc: Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ đánh giá rất cao về những lợi thế của chúng ta, về vị thế kinh tế, địa chính trị, quy mô, tiềm năng thị trường, sự ổn định kinh tế vĩ mô… Tuy nhiên, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật và chuẩn mực thể chế còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thủ tục hành chính là rào cản gây trở ngại đối với các nhà đầu tư.

Tôi cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất quan trọng. Cải cách thể chế và đổi mới mô hình kinh doanh vừa giúp doanh nghiệp vượt khó khăn ngắn hạn, vừa đảm bảo sự phát triển về mặt dài hạn.

Cải cách thể chế sẽ là dư địa, nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Bởi vì, chính cải cách thể chế sẽ giúp cho doanh nghiệp huy động, khơi dậy được các nguồn lực khác.

NĐT: Nhìn từ câu chuyện 100 container điều của doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại Ý vừa qua, ông có đánh giá như thế nào về nỗ lực giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt của các thương vụ, đồng thời theo ông doanh nghiệp Việt cần rút ra bài học gì đối với việc xuất khẩu ra các nước?

TS. Vũ Tiến Lộc: Rất hoan nghênh các cơ quan đã vào cuộc kịp thời, Hiệp hội Điều, các cơ quan thương vụ, các cơ quan của Bộ Công thương, Công an cũng đã tham gia đồng bộ.

Vụ việc này cũng là một sự cảnh báo, thể hiện sự yếu kém của các doanh nghiệp trong hiểu biết về pháp luật, kinh doanh quốc tế.

Bài học rút ra đối với doanh nghiệp Việt xuất khẩu ra các nước đó chính là phải kiểm tra thị trường, đối tác và phương thức ký kết hợp đồng…

Cần phải kiểm tra kỹ thị trường đối tác, cùng với đó những vấn đề pháp lý về hợp đồng, phương thức thanh toán, phương thức giao hàng phải rất chú ý vì có rất nhiều sơ hở.

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, rủi ro khó lường thì các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ pháp lý. Việc sử dụng các dịch vụ pháp lý trong quá trình ký kết, hợp tác kinh doanh là vô cùng quan trọng, kể cả trong nước và kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, khả năng thích ứng và chống chịu cũng rất quan trọng. Muốn nâng cao khả năng chống chịu thì phải có phương án quản trị rủi ro trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân cũng như trong doanh nghiệp.

Chúng ta không thể quản trị được sự thay đổi ở thế giới bên ngoài thì phải thay đổi cách quản trị từ bên trong, để nâng cao khả năng chống chịu, khi rủi ro xảy ra chúng ta có phương án để xử lý.

Điều quan trọng nhất trong xử lý tranh chấp là cố gắng trên cơ sở lợi ích dài hạn, bởi vì đối với các nhà doanh nghiệp thì giữ vững được quan hệ bạn hàng, đặc biệt những đối tác chiến lược là vô cùng quan trọng. Có thể thương lượng và hòa giải nhờ đến trọng tài.

NĐT: Từng là Chủ tịch của VCCI và nay trên cương vị mới là Chủ tịch VIAC đều gắn với doanh nghiệp, cảm nhận của ông về hai vị trí này có gì khác biệt?

TS. Vũ Tiến Lộc: Dù làm ở VCCI hay VIAC thì tôi vẫn có duyên phận với cộng đồng doanh nghiệp, bởi trọng tài vẫn là phương thức xử lý tranh chấp có hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp.

Khi còn ở VCCI, chúng tôi nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình làm ăn, xúc tiến, thúc đẩy. Còn nay, ở VIAC thì chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh an toàn.

Làm sao bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chữ “hòa” trong kinh doanh và giữ được quan hệ bạn hàng, thị trường, đấy là điều quan trọng.

Đồng thời, chúng tôi cũng tham gia đóng góp trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo chúng ta có một môi trường kinh doanh an toàn hơn và thuận lợi hơn.

NĐT: Theo ông, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt hiện có nhiều thách thức, thời gian tới cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp cần phải làm gì để phát triển một cách an toàn và bền vững?

TS. Vũ Tiến Lộc: Các doanh nghiệp Việt đã qua thời kỳ phát triển theo chiều rộng, sống trong cơ chế xin – cho. Có nghĩa thay vì phát triển bằng cách tận dụng những nguồn lực hữu hạn như: tài nguyên, đất đai, lao động với chi phí thấp thì nay sẽ chú ý đến đổi mới sáng tạo, kinh doanh một cách bền vững.

Hệ thống pháp luật và đời sống kinh tế của chúng ta đang chuyển dần sang hướng xóa bỏ cơ chế xin-cho, cùng với đó phát triển dựa vào sự đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng hơn.

Cuộc cách mạng rất quan trọng trong cải cách thể chế của chúng ta là xóa bỏ cơ chế xin-cho, khi xoá bỏ được thì sẽ gúp giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng, tiêu cực, trục lợi.

Trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, khi mọi thứ được số hóa, được ứng dụng công nghệ thì tôi cho rằng tiêu cực sẽ giảm đi.

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống thể chế, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, còn một việc rất quan trọng đó là công tác quy hoạch. Trong những năm qua, những thông tin về quy hoạch không rõ ràng nên mới dễ trục lợi.

Tôi cho rằng, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội. Nếu chuyển đổi được theo hướng bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 14/10/2022 | 15:30