Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Thủ lĩnh robo và đam mê thời thơ ấu

Người tiên phong và cũng là thủ lĩnh tâm huyết của nhóm Robot Bank, cũng là người giữ lửa cho dự án robot “siêu to, khổng lồ” này chính là anh Lưu Tuấn Khanh (SN 1989, Hà Nội).

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Tốt nghiệp đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp năm 2013, anh ở lại trường làm giảng viên, nhưng niềm đam mê với robot trong anh ngày càng lớn, anh quyết định rời giảng đường, tạo lập một môi trường cho chính bản thân có điều kiện nghiên cứu và phát triển.

Niềm đam mê với robot của Tuấn Khanh đã được nhen nhóm từ khi anh còn là một cậu bé bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh.

“Nghe bố kể lại, tôi đặc biệt thích xem những chương trình về robot và chơi với những mô hình có khi cả ngày không biết chán. Hồi lên 5 tuổi, khi bắt đầu biết cầm bút vẽ, tôi đã nguệch ngoạc hình ảnh những chiếc ô tô, những chú robot thật hoành tráng,…

Thậm chí, tôi vẽ nhiều tới mức có hẳn một “tuyển tập siêu xe và robot” thời mẫu giáo, mà tôi vẫn giữ đến tận bây giờ”, cứ mỗi lần nhắc đến là anh lại không giấu nổi nụ cười.

Hơn 20 năm trôi qua, cậu bé năm nào đã trưởng thành, đam mê ấy ngày một lớn hơn, thôi thúc anh từ bỏ sự nghiệp “trồng người” nơi giảng đường đại học.

Cũng chính vì điều đó mà bố mẹ anh luôn luôn phản đối niềm đam mê của anh. “Bố tôi giận vì sắp hơn 30 tuổi mà tôi còn “lông bông”, bỏ một công việc ổn định để chạy theo đam mê, vừa đầu tư tốn kém mà lại chẳng kiếm ra tiền”, anh chia sẻ.

Thoáng một phút suy tư, anh ngập ngừng thừa nhận: “Thực tình, đúng là hiện tại tôi đang sử dụng nguồn vốn tự lực, chính là khoản tiết kiệm mà tôi dành dụm trước đây. Không ít lần thiếu thốn kinh phí, tôi đã phải tìm mọi cách, kiếm hợp đồng làm thêm giờ để tiếp tục sống cùng đam mê”.

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn. Khi xem và tham gia các chương trình về robocon, bỗng một ngày, anh Khanh bắt đầu băn khoăn câu hỏi vì sao Việt Nam không chế tạo những robot có bản sắc riêng mà cứ mãi đi theo hình dáng, đặc điểm của các nước khác.

Rồi những vấn đề về bảo vệ môi trường ngày càng nhức nhối trên khắp các tin tức thời sự lại khiến anh nảy ra một ý tưởng về vật liệu tái chế từ “xác” xe máy, ô tô. Tuấn Khanh đặt niềm tin, đây cũng là một cách để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường một cách rộng rãi và hấp dẫn hơn.

Trước đó, chàng thủ lĩnh cũng đã thử nghiệm với nhiều mô hình robot cỡ nhỏ hơn, một trong những mô hình khiến anh tâm đắc chính là robot dáng người, một sản phẩm từ năm 2013. Chính đặc tính linh hoạt của robot dáng người cũng khiến anh trăn trở để robot “siêu to, khổng lồ” cũng có thể di chuyển.

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Thủ lĩnh Robot Bank cũng tiết lộ, anh từng thực hiện lắp ráp một robot với chất liệu gỗ bọc bên ngoài, nhưng vì gỗ có những vân thô và việc chạm khắc cũng khó tạo hình đẹp như nhựa, vì thế, anh hướng đến một chất liệu dễ tạo đường nét hơn, đó là phế thải từ những chiếc xe.

Anh Khanh và cả nhóm đang kỳ vọng, có thể thiết kế, lắp ráp thêm thật nhiều robot cỡ đại, nâng cấp nhiều hơn trở thành robot trí tuệ, phục vụ đời sống con người và đặc biệt, có thể tìm ra được loại vật liệu tái chế nào sẵn có và dễ tạo hình hơn.

Chiến dịch “khai sinh” Robot One”

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Dự án robot “siêu to, khổng lồ” từ phế liệu xe máy, ô tô đã được lên ý tưởng từ tháng 11/2018, tuy nhiên, phải đến tận đầu năm 2019, những chàng trai, cô gái đến từ đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp mới chính thức bắt tay vào hiện thực hóa.

Mới đầu, nhóm có 7 thành viên, nhưng sau một vài tháng hoạt động, cũng chỉ còn lại phân nửa. Anh Khanh cho biết: “Vì dự án này hoàn toàn là phi lợi nhuận, nên các anh em cũng khó có thể gắn bó dài lâu được. Chúng tôi chỉ làm vì đam mê, lấy đam mê để nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, nên nhiều bạn trẻ đang phải chịu áp lực cuộc sống và mưu sinh cũng khó lòng gắn bó được”.

Với tâm huyết dành cho dự án, các thành viên chẳng quản ngại thời gian làm việc. Những buổi trưa nắng nóng, các chàng trai vẫn miệt mài nghiên cứu trong một gian phòng nhỏ, mồ hôi ướt đầm lưng áo vẫn tập trung hàn gắn, ghép nối và sơn sửa ngoại hình của robot.

Thời gian cũng không ngăn nổi sự say mê của các thành viên trong nhóm. Nhiều hôm, trưởng nhóm còn ngồi bên chiếc máy tính và say sưa lập trình từ 7h sáng hôm trước, liên tục và mải mê đến tận 6h sáng hôm sau mới chịu nghỉ ngơi. Với anh cũng như các thành viên khác, một khi đã làm việc đều muốn chuyên tâm, tỉ mỉ.

Robot One chính là tên của robot thông minh “siêu to, khổng lồ” mới được Robot Bank “khai sinh”. Robot One nặng hơn 100kg, cao tầm 3m, sải rộng cánh tay có thể lên tới 2m, có thể xoay chuyển được thân trên và đặc biệt, được lập trình để tự giới thiệu bản thân.

“Xin chào các bạn! Tôi là Robot One. Tôi đến từ Việt Nam. Tôi được thiết kế và sáng chế bởi nhóm Robot Bank. Tôi là phiên bản đầu tiên được chế tạo từ các vật liệu tái chế”, chú robot vừa phát ra tiếng nói vừa xoay người và giơ tay khá linh hoạt.

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Anh Khanh tiết lộ, những vật liệu được sử dụng để “khai sinh” Robot One chính là những bộ phận được lấy từ “xác” xe máy, ô tô; từ yếm, còi, đèn, giảm xóc, bánh xe,… của hàng loạt các hãng khác nhau.

“Chúng tôi vừa thực hiện lên hình dáng cho Robot One vừa đi thu gom thêm, bởi phế liệu từ xe trông thì có vẻ nhiều nhưng kỳ thực, không phải ở đâu cũng có thể dễ dàng kiếm được. Chúng tôi huy động người đi tìm kiếm và xin hoặc mua thường xuyên”, anh cho biết.

Sau khi gom được các vật liệu tái chế xếp đầy một gian nhà, cả nhóm bắt tay thực hiện dần từng công đoạn. Robot One cũng có một bản vẽ kỹ thuật, nhưng để lắp ráp trên thực tế lại khá khó khăn, bởi các mảnh vật liệu là phế liệu từ xe, không phải mảnh nào cũng có thể vừa vặn với vị trí định ghép nối, các thành viên cũng đã phải dày công cắt gọt.

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu

Vì vậy, các công đoạn thực hiện lắp ráp cơ học cũng khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Trước tiên, các thành viên sẽ hàn một khung sắt có hình dáng cơ bản, là “xương” của robot, sau đó phải chọn lựa từng mảnh vật liệu cho phù hợp, với những mảnh lồi lõm thì phải cạo và bả matit.

Sau khi lắp tạm thời mô hình, sẽ tiến hành sơn nền rồi gỡ ra, sơn màu rồi lại lắp vào. Hoàn tất các bước tinh chỉnh hình dáng thì mới sơn bóng một lớp ngoài cùng để tạo sự thu hút. Các phần mềm lập trình được cài đặt sẵn và đưa vào robot và tích hợp với bộ điều khiển.

Tay phải của Robot One còn có một nòng súng có thể điều khiển xoay tròn như một robot đại chiến thực thụ, nhưng mới chỉ dừng lại ở vai trò tăng tính độc đáo cho mô hình.

Hô biến phế liệu xe thành đại robot thông minh

“Robot One ra đời chỉ trong không gian vỏn vẹn gần 50m2, nhưng chủ yếu diện tích đó được sử dụng để chứa vật liệu và lập trình; còn không gian để gia công phần cứng của robot lại chỉ chiếm khoảng 10m2 phía trước nhà.

Sau khi hoàn thiện robot, để di chuyển được “người bạn khổng lồ” vào phía trong gian phòng, chúng tôi đã phải tháo dỡ phần hông của robot để chia hai phần và vận chuyển”, anh Đỗ Danh Phong (SN 1996, Bắc Ninh), một trong những thành viên gắn bó lâu nhất cùng Robot Bank chia sẻ.

Khi dựng xong và hoàn thiện robot, nhóm phải “tẩu tán” hết những vật liệu thừa, bởi không gian để tập kết quá nhỏ hẹp. Anh Khanh nhắc đến gian phòng này trong giai đoạn lắp ráp robot như một “bãi chiến trường” ngồn ngộn phế liệu.

Mặc dù khá vất vả, bữa trưa có thể bắt đầu lúc 14h, hoặc bữa tối có thể bắt đầu lúc 22h, vì công việc đang dang dở, nhưng những thành viên của Robot Bank vẫn luôn thường trực nụ cười. Có lẽ, với họ, niềm hạnh phúc đơn giản chính là khi được thực sự sống với đam mê và truyền tải những thông điệp ý nghĩa.

Giải mã robot “khổng lồ” thông minh làm từ phế liệu