Cô giáo Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, giáo viên tiếng Anh của trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Năm 2020, cô là một trong 10 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 do Quỹ Varkey có trụ sở tại Luân Đôn, đối tác của UNESCO ghi nhận, đồng thời là giáo viên nhận giải thưởng giáo viên xuất sắc Đông Nam Á do công chúa Thái Lan và Bộ giáo dục Thái Lan trao tặng.

Sau một năm, cô tham dự Kỳ họp Quốc hội đầu tiên trong vai trò là một đại biểu dân cử.

Lời tòa soạn:

Trường THPT Hương Cần nơi cô Phượng công tác là một ngôi trường có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô giáo 9X này đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Cô Hà Ánh Phượng cũng dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ. Bên cạnh đó, cô Phượng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh trong và ngoài nước, xây dựng thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh...

Năm 2020, cô Phượng đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên đồng thời cùng năm cô được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft (MIE Expert). Tháng 11/2020, cô 9X người Mường này được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Tháng 6/2021, cô Hà Ánh Phượng là 1 trong 25 cán bộ, giáo viên, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Có thể tôi là người hơi cổ hủ, lo xa

Người Đưa tin (NĐT): Sau 2 năm trở thành giáo viên toàn cầu xuất sắc do tổ chức giáo dục Varkey Foundation vinh danh và 1 năm trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV, dưới cương vị của mình cô có những trăn trở gì với ngành giáo dục hiện nay ?

Cô Hà Ánh Phượng: Xuất thân là giáo viên người dân tộc ít người vậy nên những câu chuyện về cuộc sống khó khăn của giáo viên, nhất là những thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa. Hay việc làm thế nào để đảm bảo chất lượng dạy học, những phương pháp giảng dạy nào giúp phát triển kỹ năng cho học sinh, bảo vệ các em trên không gian mạng là những vẫn đề mà tôi luôn đau đáu mang đến nghị trường.

Tuy nhiên, ngoài đóng góp ý kiến, bản thân tôi vẫn đang thực hiện các dự án để có thể phần nào giải quyết những vấn đề mà mình quan tâm.

NĐT: Những dự án mà cô nhắc tới là gì, cô có dự định sẽ nhân rộng mô hình lớp học trực tuyến của mình đến các địa phương khác hay không ?

Cô Hà Ánh Phượng: Trong thời gian hiện tại tôi và học sinh đang thực hiện dự án liên quan đến tâm lý học đường và nâng cao nhận thức về an ninh mạng. Khi đồng hành với các em, chúng tôi nhận những vấn đề khó nói mà học sinh gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, và đưa cho các em sự giúp đỡ, tư vấn. Khiến các bạn nhỏ cảm nhận được sự chia sẻ của các thầy cô và các chuyên gia. Dự án cũng cho ra đời hệ thống AI Chatbot để hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc của các bạn học sinh mọi lúc, mọi nơi.

Trong năm học tới, dự án bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở quê tôi cũng sẽ được thực hiện. Ý tưởng của chương trình bắt nguồn khi tôi nhận ra có nhiều em học sinh người dân tộc Mường không biết nói tiếng Mường. Việc giao thoa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa bây giờ khiến tôi sợ các bạn trẻ sẽ đam mê nhạc Hàn Quốc, Âu Mỹ mà quên đi những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Có thể bạn sẽ thấy tôi hơi cổ hủ và lo xa nhưng dự án sẽ giúp có thêm cái nhìn, bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho các em.

Về mô hình lớp học trực tuyến vẫn đang được lan tỏa suốt thời gian qua, đến nay có rất nhiều thầy cô giáo thực hiện rất hiệu quả mô mình lớp học xuyên biên giới chứ không chỉ riêng tôi. Qua đợt Covid-19, có thể thấy các trường học ở Việt Nam đã và đang thực hiện lớp học kết nối quốc tế rất tốt, tôi nghĩ rằng nó là một xu hướng dạy học để giúp học sinh đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới đồng thời phát triển năng lực phẩm chất của người học trong thế kỉ XXI.

Đau đáu trở về mang con chữ đến với các em

NĐT: Việc giảng dạy theo cách truyền thống cho học sinh vùng cao đã là rất khó khăn, vậy những ngày đầu khi mang lớp học trực tuyến đến với các em cô đã gặp những cản trở gì? Vì đâu cô lại có ý tưởng xây dựng một lớp học trực tuyến như vậy?

Cô Hà Ánh Phượng: Khi trở về trường THPT Hương Cần vào năm 2016 tôi nhận ra rằng học sinh ở trường rất dễ mến và ham học. Nhưng điều các em thiếu chính là cái môi trường học tập ngoại ngữ hiệu quả và động lực học.

Quê tôi là vùng kinh tế khó khăn, địa lý phức tạp nên rất khó để cho các em giao lưu và học hỏi với thầy cô giáo nước ngoài. Chắc việc sinh ra tại mảnh đất như vậy vừa là cơ duyên và nhưng cũng là động lực để giúp tôi có thể mở các lớp học xuyên biên giới.

Nhờ có lớp học mà cô trò cùng nhau học tập, giao lưu với bạn bè quốc tế. Từ đó các em có nhiều kinh nghiệm hơn, mở rộng thế giới quan của mình rất nhiều về thế giới xung quanh.

Khi mới bắt đầu cũng có hạn chế về cơ sở vật chất, năng lực đầu vào tiếng Anh của các em khá thấp so với những học sinh ở thành phố. Nhưng dưới sự hỗ trợ tích cực của Ban giám hiệu và những đồng nghiệp chúng tôi đã dần vượt qua những khó khăn.

NĐT: Theo cô đâu là những điểm hạn chế trong việc đảm bảo bình đẳng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số ?

Cô Hà Ánh Phượng: Có nhiều điểm hạn chế trong việc đảm bảo bình đẳng giáo dục vùng cao, mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề này. Như đã nói ở trên, vấn đề về kinh tế - xã hội, yếu tố địa lý khiến các em khó có điều kiện học tập tốt như các bạn thành phố. Không được tiếp cận được những dịch vụ giáo dục đa dạng như ở thành phố. Nhiều em học sinh, sau giờ học ở trường còn dành thời gian giúp đỡ cha mẹ việc nương rẫy, đồng áng…Ở một số địa phương các hủ tục đã được dần gỡ bỏ như vấn đề tảo hôn, trọng nam, khinh nữ… , nhưng nhận thức của người dân còn chưa đồng đều, điều quan trọng nhiều phụ huynh quan điểm học xong cho con “đi công nhân” đảm bảo cuộc sống chứ chưa hiểu được tầm quan trọng của giáo dục sau phổ thông hay các chương trình giáo dục kỹ năng mềm cho các em.

NĐT: Đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc, làm thế nào để cô có thể cân bằng được giữa công tác chuyên môn và các hoạt động của Quốc hội ?

Hà Ánh Phượng: Khi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi có phần bận rộn hơn, nhưng được sự giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện bố trí số lớp học phù hợp với thời gian giảng dạy, bên cạnh đó là được hỗ trợ đắc lực từ phía gia đình vì vậy tôi cân bằng được công việc và cuộc sống.

Nhưng quan điểm của tôi khá cầu toàn, muốn làm tốt được cả hai việc chứ không vì một việc để ảnh hưởng đến việc còn lại. Chính vì vậy bàn thân không quá ôm đồm mà chỉ tập trung vào những thứ cần phải giải quyết hàng đầu.

Tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ ngày nay

NĐT: Trong quá trình triển khai đổi mới Chương trình GDPT 2018 tới đây, vai trò của người thầy có bị hạ thấp, đưa người thầy xuống trở thành người quan sát, chứng kiến hoạt động của trò hay không ?

Cô Hà Ánh Phượng: Tôi không nghĩ vai trò của người thầy bị hạ thấp vì sự thành công của lớp học hay của người học không thể thiếu bóng dáng người thầy.

Mặc dù lấy người học làm trung tâm nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn so với trước kia. Giờ đây, vai trò của người thầy không chỉ là người truyền tải kiến thức mà lúc này thầy sẽ phải là người bạn, người huấn luyện viên, người học sinh, người kiểm tra đánh giá… Vai của người thầy đa dạng hơn, chứ không đơn thuần chỉ là người truyền tải kiến thức. Điều này đòi hỏi các thầy cô luôn luôn phải sáng tạo, làm mới mình, trau dồi và phát triển chuyên môn hơn vì vậy vị thế của người thầy được nâng lên chứ không phải làm thấp đi.

NĐT: Thưa cô, người Việt có những điểm mạnh và hạn chế gì trên con đường trở thành công dân toàn cầu ? Làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc Việt ?

Cô Hà Ánh Phượng: Toàn cầu hóa đang là xu hướng ở nhiều quốc gia. Người Việt có rất nhiều điểm mạnh như cần cù, chịu khó, tư duy sáng tạo, được bạn bè quốc tế đánh giá là hiếu khách, thân thiện, dễ mến và những công dân lạc quan…Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn hạn chế, các bạn trẻ đang dành thời gian cho smartphone thay vì cùng nhau hình thành văn hóa đọc, văn hoá chia sẻ, đây cũng là vấn đề lo ngại trong quá trình hình thành phẩm chất và kỹ năng của công dân toàn cầu.

Tôi thường nói với các học sinh của mình rằng “Các em hòa nhập chứ đừng hòa tan”, chúng ta tiếp thu những tinh hoa, phát minh tiến tiến của thế giới nhưng vần cần mang trong mình những nét riêng, cái riêng đó chính là bản sắc dân tộc.

Điều đáng mừng, trong Chương trình GDPT mới hiện nay rất chú trọng vấn đề này, vì vậy tôi tin rằng bên cạnh hình thành những phẩm chất năng lực cần thiết của công dân thế kỷ 21 thì các em sẽ không quên được những giá trị văn hóa dân tộc mình.

NĐT: Có quan điểm cho rằng, các bạn trẻ hiện nay được sinh ra trong thời đại khoa học, công nghệ, luôn đề cao cái tôi và muốn khẳng định bản thân, có phong cách sống khác biệt với thế hệ đi trước, cô có những suy nghĩ gì về quan điểm này ?

Cô Hà Ánh Phượng: Cá nhân tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, các bạn trẻ Việt Nam rất năng động, sáng tạo và nhanh nhạy với sự phát triển của công nghệ.

Ngại cống hiến có thể đúng với số ít nhưng có rất nhiều các bạn trẻ hiện nay đang tạo ra những giá trị tích cực. Vì được sinh ra trong thời đại mới, nên cách các em cống hiến cho cộng đồng cũng khác với thế hệ trước, họ có cách làm riêng, sáng tạo nhưng rất có ý nghĩa.

Hằng ngày tôi đọc được rất nhiều câu chuyện như bạn Quang Linh Vlog đem được bản sắc văn hóa Việt Nam sang Châu Phi hay anh Hoàng Hoa Trung với dự án “Nuôi em” trên cả đất nước …Đó là những việc làm không hề đơn giản với những bạn 9x.

Từ những câu chuyện của các bạn trẻ Việt Nam khiến tôi có niềm tin vào thế hệ ngày nay.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của cô!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 03/09/2022 | 07:00

<% include googleAnalystic %>