NĐT: Là Founder cho nhiều dự án phát triển các tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ, tôi đã từng nghĩ bạn sẽ xuất thân là một IT chính hiệu nhưng thực ra bạn tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Kinh tế phát triển của Đại học Kinh tế quốc dân. Tôi đang tò mò không biết công nghệ có sức hấp dẫn như thế nào để bạn chấp nhận làm việc "trái ngành”?

Nguyễn Huyền My: May mắn được lớn lên trong thời đại CNTT bùng nổ trên các phương tiện truyền thông đã khiến tôi tò mò về lĩnh vực này. Tôi nhận ra CNTT có thể giúp san phẳng được khoảng cách địa lý, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế và xã hội - những lý thuyết chuyên ngành mà tôi được học để giải quyết chúng khi còn trên ghế nhà trường.

Quá trình tìm hiểu về việc phát triển công nghệ, tôi cũng phát hiện ra là giữa người có nhu cầu sử dụng, ra đề bài công nghệ (khách hàng, doanh nghiệp) và người thực thi (lập trình viên) có một khoảng cách rất lớn về sự hiểu nhau, ngôn ngữ của hai nhóm đối tượng này.

Thế nên, tôi nghĩ rằng đó sẽ là cơ hội của mình, tôi sẽ đóng vai trò là người đứng ở giữa, để thấu hiểu cả hai bên, tư vấn giải pháp tổng thể nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong việc giải quyết những vấn đề họ đang vướng mắc và năng lực, khả năng của đội ngũ xây dựng.

Chuyên ngành mà tôi theo học là Kinh tế phát triển, đó là việc tìm cách sử dụng tri thức hoặc tìm kiếm một công cụ nào đó để giải quyết các vấn đề phát triển của doanh nghiệp, cộng đồng, vùng, quốc gia đang gặp phải nhằm mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm giải quyết các vấn đề xã hội.

Và trong trường hợp của bản thân, tôi sử dụng công nghệ như một công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề. Thế nên lĩnh vực tôi đang theo đuổi ban đầu tưởng chừng là trái ngành nhưng thực ra lại hoàn toàn hợp lý và có khả năng tận dụng triệt để những kiến thức và kỹ năng được học tập tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

NĐT: Khác với nhiều bạn trẻ ở độ tuổi, tôi cảm nhận khá rõ ở bạn sự kiên định. Bạn xác định rất rõ mục tiêu của mình, kiên định với sự lựa chọn đó và chấp nhận vượt qua khó khăn để đi đến cùng với sự lựa chọn của mình. Đó có phải bí quyết để dẫn đến những thành công của bạn không và làm sao để bạn giữ được sự kiên định đó?

Nguyễn Huyền My: Thực ra, cũng giống như nhiều người, những năm 18, 20 tuổi, tôi chông chênh, mông lung đi tìm câu hỏi “Mình là ai, mình muốn làm gì trên cuộc đời này?”.

Tôi không phải lựa chọn những sự sắp xếp sẵn có mà luôn tò mò, hào hứng với việc tìm mình trong sương mù. Bởi chọn con đường khó, tôi hiểu rằng bản thân phải luôn nỗ lực để có thể làm chủ cuộc đời của mình, để mỗi quyết định là thực sự của bản thân mà không bị ảnh hưởng bởi những rào cản hay bị vướng bận bởi lý do này, lý do kia, bởi người này bởi người kia.

Tôi nghĩ đó là lý do duy nhất vì sao mình có thể kiên định và bình tĩnh với những việc mình đang làm.

NĐT: Như bạn chia sẻ, bạn thích đi trong sương mù, chọn con đường khó. Phải chăng bạn có thấy mình là một cô gái mạnh mẽ, quyết liệt và cá tính? Bạn nghĩ tính cách đó đã giúp bạn như thế nào trong hành trình trở thành nữ sáng lập của mình?

Nguyễn Huyền My: Tôi nghĩ dù là nam hay nữ cũng sẽ có những góc khuất, những điểm mạnh hay yếu đuối từ trong chính mình. Tôi không dám nhận mình mạnh mẽ vì đôi khi, trong nhiều tình huống và bối cảnh tôi cũng rất biết ơn khi có bên cạnh những người đồng đội sát cánh, ủng hộ, tin tưởng một cách vô điều kiện.

Tôi nghĩ điều tôi may mắn có được đó là sự lắng nghe, đồng cảm cùng mọi người. Tôi luôn đau đáu, sẵn sàng và cố gắng có thể đem lại lợi ích cho những người xung quanh mình. Tôi tin, tinh thần đó sẽ là yếu tố quyết định trong bất kỳ hành trình nào. Với tôi, con người luôn là trung tâm và tôi luôn ước mơ tạo ra nhiều tập thể hỗ trợ, học hỏi và phát triển, tự do cùng nhau.

NĐT: Trong cuốn sách "Sống như ngày mai sẽ chết", tác giả Phi Tuyết đã nói thế này: “Tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi”. Bạn nghĩ gì về trải nghiệm của người trẻ và thực tế trải nghiệm với tuổi trẻ của bạn diễn ra như thế nào?

Nguyễn Huyền My: Khi mình còn trẻ rất ít người thực sự biết được mình thực sự muốn gì. Do vậy, tôi nghĩ rằng sự trải nghiệm là điều cần thiết và nên làm để tìm được đam mê mà mình muốn theo đuổi.

Nhưng cũng có nhiều mức độ trải nghiệm. Có bạn lựa chọn trải nghiệm đóng vai trò như một quan sát viên, nên có thể đôi khi chưa kịp hình dung hết về thứ mình đang trải nghiệm, họ kết luận và tìm kiếm một thứ trải nghiệm khác.

Với tôi, sự trải nghiệm phải gắn với tinh thần làm chủ cao, làm hết mình để thực sự hiểu thứ mình đang làm. Và không quan trọng là gắn bó một tháng, hai tháng hay bao lâu mà quan trọng là trải nghiệm đó giúp xây dựng tư duy và nhận thức của mình như thế nào và bản thân mình học được những gì, hay tạo ra ảnh hưởng, giá trị ra sao.

Do đó, khi đến với một công việc, tôi luôn xác định rằng, mình đã có kĩ năng nào, cần học những kỹ năng gì, bản thân muốn làm gì và tầm nhìn của mình.

Trước khi đến với công nghệ, tôi cũng đã trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác chứ không đơn thuần là đam mê “rơi” vào cuộc đời. Và để tìm được đam mê đó, thì bản thân thực sự nỗ lực và cháy hết mình trong thời gian trải nghiệm.

NĐT: Trong quá trình gây dựng sự nghiệp và theo đuổi đam mê, bạn đã khi nào cảm thấy rơi xuống “đáy” chưa? Và bạn vượt qua nó như thế nào?

Nguyễn Huyền My: Chắc chắn là có rồi. Và một trong những câu phỏng vấn kinh điển khi tôi tuyển dụng nhân sự đó là: “Em đã bao giờ trải qua thất bại hay khó khăn lớn nhất trong cuộc đời hay chưa? Và em đã đối diện với nó như thế nào?”. Hỏi như vậy bởi tôi nghĩ rằng khi người ta rơi vào trạng thái khó khăn nhất thì cũng sẽ nhìn ra được những tố chất của con người đó.

Đã có lúc tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, có những quyết định sai lầm để mà số vốn mình tích góp đã mất trắng hoàn toàn. Rồi những người đồng đội dần rời bỏ, bản thân trở nên đơn độc. Cuộc đời tôi như đi đến đến tận cùng, áp lực và cảm thấy tất cả khó khăn đang rủ nhau ập đến.

Sau khi lao đao, thay vì tiêu cực, tôi dành thời gian để tự vấn lại bản thân, suy nghĩ, chiêm nghiệm về nguyên nhân vấn đề, nếu được làm lại thì sẽ sửa chữa như thế nào, học được bài học, rút ra được kinh nghiệm qua những chuyện đã xảy ra.

Và cũng ở thời điểm đó, tôi nhận ra rằng tài sản lớn nhất của mình không phải là có bao nhiêu tiền mà là khả năng của mình tạo ra của cải như thế nào? Nên tôi vui vẻ, tích cực vì đã học thêm nhiều bài học và tự cảm thấy “giàu có” hơn.

NĐT: Đánh giá ở thời điểm hiện tại, bạn có cảm thấy mình đang thành công không?

Nguyễn Huyền My: Trước hết cần phải định nghĩa thành công là gì đã vì tôi cho rằng đối với mỗi người thì lại có cách nhìn nhận về thành công khác nhau. Đối với tôi, thành công là sự tự do, tự lo và hạnh phúc.

Tôi hạnh phúc vì hiện tại có thể làm những gì mình muốn, được tự do ra quyết định, tự do lựa chọn nơi sống. Tôi trân trọng tất cả những người bên cạnh và dành thời gian cho mình. Tôi luôn trân trọng và biết ơn khi mỗi sáng thức dậy có sức khỏe, có công việc, có những người tin tưởng đồng hành cùng mình. Với những gì mình đang có hiện tại thì đó là một thành công lớn đối với bản thân, may mắn mà cuộc đời dành cho mình.

Và tôi thực sự háo hức với những hành trình tiếp theo mà bản thân được tiếp nhận, sẽ có những lúc không hề màu hồng, sẽ có những ngày lao đao và rơi xuống vực thẳm. Nhưng chỉ cần mình còn sức lực, sức khỏe và niềm tin thì dù thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ vượt qua. Theo thời gian, mọi thứ sẽ luôn tốt lên!

NĐT: Bản thân là một người trẻ cũng như có cơ hội làm việc và đồng hành với các bạn trẻ nhất là thế hệ Gen Z, bạn đánh giá như thế nào về thế hệ này? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của những người Gen Z?

Nguyễn Huyền My: Bây giờ, xã hội rất phẳng, san bằng và có nhiều cơ hội, mọi người tôn trọng sự bình đẳng. Các bạn Gen Z được sống trong một xã hội phát triển và đầy đủ nên có nhiều cơ hội hơn so với ngày xưa.

Về điểm tốt, các bạn Gen Z cực kỳ năng động, thông minh, xán lạn và có khởi đầu tốt, chịu khó và ham học hỏi, tập trung thu nhập kiến thức và phát triển bản thân. Bên cạnh đó, có những điểm hạn chế, đôi khi có những lúc khó khăn, các bạn trẻ còn thiếu sự kiên định và có nhiều hơn những áp lực đồng trang lứa với với các thế hệ trước. Có thể cũng do hiện tại, các bạn có nhiều hơn sự lựa chọn so với thế hệ trước.

Vậy nên tôi nghĩ cần những người hướng dẫn giúp các bạn thêm niềm tin, kiên định trên hành trình theo đuổi đam mê của mình.

NĐT: Các bạn trẻ hiện nay, nhất là Gen Z, nhìn chung có những khát vọng rất lớn, họ muốn khẳng định giá trị của bản thân và ưa thích đa dạng trong trải nghiệm. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều bạn không kiên định với lựa chọn của mình thậm chí bị đánh giá là mơ hồ, “đứng núi này trông núi nọ”. Bạn nghĩ gì về vấn đề này?

Nguyễn Huyền My: Tôi nghĩ rằng đối với người trẻ, cái bắt đầu của trải nghiệm đó là hiểu chính bản thân mình. Các bạn có thể quan sát và hiểu mình thông qua những nhiệm vụ, sở thích và phản ứng trong các tình huống, bạn sẽ dần nhận ra nét tính cách và xu hướng phù hợp của bản thân đối với công việc.

Khi đã hiểu rõ chính mình, có kế hoạch rõ ràng cho lộ trình sắp tới, thời gian hợp lý, dù ai đó có không tin tưởng hay phán xét thì bạn cũng sẽ không bị lung lay vì bạn đã hiểu chính mình, con đường mình đang đi, đo lường được những khó khăn, thuận lợi sẽ gặp phải. Có lẽ đó là giải pháp tối ưu để có thể tách bản thân ra khỏi lời bình luận của mọi người hay cái “áp lực đồng trang lứa” như nhiều bạn trẻ đang gặp phải.

Hơn nữa, trải nghiệm không phải là màu hồng, có những lúc cực kỳ thăng hoa nhưng có những lúc lao đao. Những lúc khó khăn như vậy thì đừng vội phá bỏ, hãy “nằm yên” ở đó để quan sát và tìm kiếm vấn đề và bình tĩnh giải quyết, bởi đôi khi những khó khăn thử thách đang đến với mình, nó chỉ là đang thử xem tính kiên định của mình đến đâu. Ngày mai mặt trời lại sáng và mọi thứ sẽ bình ổn trở lại.

Vậy nên, theo tôi tinh thần của những người có khả năng thành công là ngưng so sánh, kiên định, bền bỉ và biết chấp nhận. Khó khăn đến chỉ giúp bạn mạnh lên.

NĐT: Hiện nay, nhiều bạn trẻ rơi vào những trạng thái mông lung, như ông lung chọn ngành học, rồi mông lung chọn làm gì? Với các bạn trẻ đang mông lung với lựa chọn của mình, bạn có lời khuyên gì không?

Nguyễn Huyền My: Vẫn là quá trình hiểu mình, làm như nào, khi nào thì bắt đầu và làm được bao lâu. Cái quan trọng nhất ở đây vẫn là cách trải nghiệm đúng, mình không nên cố gắng nghĩ là mình hiểu bản thân 100%, chỉ cần mình hiểu 10% là đã có một “chìa khóa” để khai thác. Từ 10% ấy có thể tăng thêm qua nhiều trải nghiệm, dần dần số phần trăm tăng lên thì mình sẽ hiểu bản thân hơn.

Vậy nên các bạn trẻ hãy tiếp tục nghiêm túc với trải nghiệm của bản thân, đừng e ngại khi chưa tìm được đam mê của mình. Qua thời gian, từ quá trình trải nghiệm và kiên định của mình, các bạn sẽ tìm được con đường chân ái của riêng mình.

NĐT: Cảm ơn Huyền My đã dành thời gian để chia sẻ những quan điểm quý báu!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 09/09/2022 | 07:30

<% include googleAnalystic %>