Khi nào trường chuyên trở thành bất công?

Cẩm Mịch

Những ngày gần đây, đề xuất bán trường chuyên đang dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận. Trong khi nhiều người với những lý lẽ riêng cho rằng, hoạt động của trường chuyên không còn phù hợp trong tình hình mới, nên chăng cần phải xã hội hóa; thì cũng có không ít ý kiến phản biện với những đánh giá tích cực về sứ mệnh không thể phủ nhận trong hệ thống giáo dục.

sutit

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn - nhận định: “Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khi phát triển đất nước, điều quan trọng nhất là chú trọng nguồn nhân lực. Và muốn phát triển tốt, nguồn nhân lực này phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Không phải chỉ Việt Nam mới cần, các nước trên thế giới Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ,... muốn phát triển đều phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù công nghiệp hóa, hiện đại hóa với máy móc, công nghệ 4.0 như thế nào, con người vẫn phải là nhân tố quyết định, đặc biệt, vẫn phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đào tạo chất lượng cao là một trong những nội dung rất quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với bậc đại học, đó là hệ tài năng, hệ tiên tiến, hệ đẳng cấp quốc tế... còn đối với bậc THPT, đó chính là các trường chuyên. Các trường THPT chuyên chính là nơi ươm mầm tài năng, tạo ra đầu vào cho các trường đại học chất lượng cao”.

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường đại học FPT, bất cập hiện tại của nền giáo dục chính là định hướng đào tạo giống nhau, chung một chương trình cho cả tập thể, trong khi bản chất mỗi cá nhân là cá thể độc lập, có sở thích khác nhau và sức học khác nhau.“Việc đào tạo chung một nội dung, một phương pháp, một chương trình cho tất cả đối tượng học sinh giống như sản xuất một cỡ giày để phục vụ tất cả mọi người. Đó là một mâu thuẫn. Chính vì thế, trường chuyên sẽ góp phần giải quyết một phần mâu thuẫn này. Hàng chục năm nay, trường chuyên vẫn thể hiện được vai trò, khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống giáo dục Việt Nam...”, ông lý giải.

Trách nhiệm xã hội của trường chuyên

Chia sẻ quan điểm trước những ý kiến cho rằng không công bằng xã hội trong chính sách đối với học sinh trường chuyên, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Hoãn - nguyên Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội, Chủ tịch hội Khuyến học TP.Hà Nội - bày tỏ: “Tôi cho rằng, những chủ trương như vậy là phù hợp trong hoàn cảnh và điều kiện của đất nước hiện nay, nguồn lực chưa mạnh nên chưa thể đầu tư tràn lan. Chính vì vậy, xác định đầu tư cho những đối tượng cần được chăm sóc hơn cũng là cần thiết!

Học sinh chuyên đoạt giải quốc tế

Trong khi đó, kinh phí Nhà nước bỏ ra đầu tư cho trường chuyên hiện nay cũng chưa hẳn là quá chênh lệch, chỉ hơn khoảng vài ba lần so với các trường không chuyên”.

“Không thể để học sinh giỏi mà lại phải có nhiều tiền mới được học trường chuyên, sẽ gây lãng phí tài năng. Đối với những học sinh nghèo, không đủ tiền học phí mà có đủ năng lực thì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo nhu cầu học tập”, TS. Lê Trường Tùng khẳng định.

“Khi nào thì trường chuyên trở thành bất công? Sẽ chỉ mất công bằng khi việc tuyển chọn đầu vào ở các trường chuyên không minh bạch, không công bằng, những người có ưu thế có thể “chạy suất” vào trường chuyên bằng tiền, bằng quyền lực, bằng mối quan hệ. Nếu tổ chức kỳ thi tuyển sinh nghiêm túc, minh bạch thì sẽ không lo bất công.

Sẽ xảy ra mất công bằng khi trường chuyên thu phí cao hơn trường bình thường, trở thành một dạng trường dịch vụ cho những ai có khả năng chi trả học phí cao hơn bình thường, loại bỏ những học sinh không thể trả mức học phí đó. Nhưng những trường hợp đó đã có chính sách của Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Nếu vậy thì đâu phải lo lắng về sự bất công”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Hoãn phân tích.

Đồng quan điểm đó, TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh: “Trách nhiệm của Nhà nước có thể không hỗ trợ được toàn bộ đối tượng học sinh, nhưng ít nhất có hai nhóm học sinh cần được bảo trợ, một là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hai là học sinh giỏi, tài năng. Đặc biệt, không thể để học sinh giỏi mà lại phải có nhiều tiền mới được học trường chuyên, sẽ gây lãng phí tài năng. Đối với những học sinh nghèo, không đủ tiền học phí mà có đủ năng lực thì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo nhu cầu học tập. Giống như ở bậc đại học, Nhà nước ưu tiên những nhóm ngành thực sự cần thiết phải đầu tư, hỗ trợ để phát triển trong giai đoạn này, hỗ trợ sinh viên được học tập”.

sutit

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH khóa XII, XIII) - cho hay: “Hệ thống trường chuyên ở Việt Nam đã tồn tại nhiều năm nay, với nhiều cấp độ khác nhau. Trong những giai đoạn vừa qua, trường chuyên đã phát huy hiệu quả rất tốt. Các trường chuyên góp phần đào tạo nhân tài, bồi dưỡng các đội tuyển thi đấu tại các kỳ thi quốc tế, đào tạo nhiều thủ khoa, là những hạt giống nhân tài của đất nước.

Ông Lê Như Tiến

Tuy nhiên, vì sao người ta lại đặt vấn đề nên xóa bỏ trường chuyên? Đó là bởi, thời gian qua, một số trường chuyên không còn tính chuyên nữa mà hoạt động gần như một trường phổ thông bình thường. Theo tôi, mỗi tỉnh vẫn nên có một trường chuyên, cung cấp dịch vụ cao hơn, để đó là môi trường đào tạo những tinh hoa đúng nghĩa. Nếu bỏ trường chuyên thì môi trường giáo dục khó có thể đào tạo đội ngũ tinh hoa để làm mũi nhọn, làm lực lượng nòng cốt của đất nước”.

“Nếu bàn đến chuyên tư nhân hóa hay bán trường chuyên, thì phải thật thận trọng. Tôi ủng hộ xã hội hóa trong giáo dục, đa dạng mô hình để phụ huynh rộng đường lựa chọn, nhưng không nên tư nhân hóa trường chuyên. Nhà nước vẫn cần có một tỉ lệ chi phối nhất định để kiểm soát, quản lý hoạt động của trường chuyên. Nếu “thả” cho xã hội hoàn toàn sẽ dễ phát sinh những hệ lụy mà chúng ta không thể lường trước”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội khẳng định.

Học sinh chuyên đoạt giải quốc tế

Phân tích về những biểu hiện tiêu cực làm “méo mó” hình ảnh trường chuyên, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cũng đánh giá: “Trong quá trình mở ra các trường chuyên, có một số vấn đề, mà nguyên nhân sâu xa là chạy theo thành tích, một số phụ huynh muốn lấy “mác” con mình học trường chuyên để “sĩ diện”. Chính vì những suy nghĩ ấy nên ở đâu đó mới có chuyện xin suất vào trường chuyên.

Để có những trung tâm đào tạo chất lượng cao, các cơ quan quản lý phải làm nghiêm, các cơ sở giáo dục phải tuân thủ quy định, theo quy chế, không thể “bỏ lọt” vì quan hệ hay tiền tệ mà cho vào trường. Như thế trong giáo dục chính là giết chết con người, bởi vì học sinh đó không có đủ năng lực, vào trường chuyên lại phải nhồi nhét, mà có khi nhồi nhét cũng chẳng tiếp thu được. Cho dù thầy cô có “quan tâm”, cho điểm ưu ái thì khi tốt nghiệp THPT, thi lên đại học, lại không có kiến thức. Suy cho cùng, đó là đang giết chết những mầm non ấy...”.

Học sinh chuyên nghiên cứu

“Tôi mong các bậc phụ huynh có thể thẳng thắn nhìn nhận thực lực của con đến đâu, cân nhắc, tính toán kỹ và không o ép nguyện vọng của các con. Bản thân mỗi nhà trường cũng nên có những buổi gặp mặt và tư vấn trước tuyển sinh, trò chuyện, lắng nghe ý kiến phụ huynh, ý kiến học sinh, ý kiến xã hội để kịp thời giải đáp và có những lời khuyên và định hướng rõ ràng, phù hợp với năng lực và tốt cho tương lai của các em”, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn nhắn nhủ.

Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cũng thể hiện rõ sự e ngại trước mô hình và nội dung giảng dạy ở một số trường chuyên: “Tôi cho rằng, các trường chuyên hiện nay cần phải thay đổi cách hoạt động, mới có thể phát triển và đào tạo được những “thế hệ vàng”. Hiện tại, một số trường chuyên vẫn còn hiện tượng quá chăm chú vào việc đào tạo môn chuyên mà bỏ quên những môn khác, bỏ quên kỹ năng sống, bỏ quên tu dưỡng đạo đức, trau dồi cảm xúc... Đó là biểu hiện sai định hướng giáo dục, tạo ra những con người “méo”. Đặc biệt, đối với những học sinh “lọt” vào trường chuyên qua sự lo lót, qua “bao thư” của bố mẹ thì quá trình học tập trong trường chỉ là những áp lực, những sự nhồi nhét vô nghĩa...”.

Khép lại vấn đề, TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh: “Nếu có tồn tại những tiêu cực ở khía cạnh nào thì cần xem xét bản chất làm chưa được ở đâu, để thay đổi, để khắc phục. Giả sử cứ một trường chuyên có vấn đề mà đề xuất đóng cửa toàn bộ các trường chuyên thì không thể được. Giống như khi có một cây phượng đổ trong khuôn viên trường học thì các trường khác đua nhau chặt hết cây phượng đi. Đó không phải là giải pháp!”.

sutit

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT cho biết: “Mô hình trường chuyên đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo và được thể chế hoá trong luật Giáo dục. Năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, trong đó có yêu cầu về “bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông”. Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Thông báo kết luận số 242 của Bộ Chính trị, và hiện nay là luật Giáo dục 2019 nêu rất rõ: Trường chuyên là những trường dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông. Có thể thấy vấn đề trường chuyên, về quan điểm, đã được thể chế hóa trong luật. Do vậy “Không thể nào xã hội hóa trường chuyên. Để bồi dưỡng tài năng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì các nước cũng phải đầu tư và làm như vậy. Các phần khác có thể xã hội hóa được nhưng riêng với hai đối tượng là tài năng và người yếu thế thì Nhà nước vẫn phải đầu tư và chăm lo”.

“Bộ GD&ĐT hiện đang yêu cầu các địa phương báo cáo về quá trình phát triển hệ thống trường chuyên, qua đó sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên trong các giai đoạn khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để xác định đến giờ, mô hình này đã đạt được những gì, phát hiện điều gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới, phân tích bài bản và xác định hướng đi phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Đừng quá hẹp hòi làm thui chột tài năng!

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật xung quanh câu chuyện chưa có hồi kết này, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Hoãn - nguyên Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội, Chủ tịch hội Khuyến học TP.Hà Nội - đã có những chia sẻ thẳng thắn: “Hiện nay, có nhiều ý kiến “tấn công” đến một bộ phận học sinh được đào tạo từ trường chuyên ra, được ưu ái hơn thì sau này phải có nghĩa vụ cống hiến cho Nhà nước. Theo tôi, có những học sinh quá giỏi, quá xuất sắc, thậm chí, trong cuộc sống không hề nghĩ đến vật chất, mà chỉ mong muốn có một môi trường để được cống hiến đúng khả năng. Tuy nhiên, nhiều khi, sự phát triển về cơ sở vật chất, về công nghệ... trong nước chưa đáp ứng được để những cựu học sinh chuyên đó hành nghề và thể hiện bản lĩnh của mình”.

Ông cũng cho rằng, nhiều người đang là giáo sư, cống hiến trong một lĩnh vực nào đó ở nước ngoài, nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Một khi, trong nước có thể đáp ứng điều kiện để có thể phát huy năng lực thì luôn sẵn sàng quay về phục vụ. Vì vậy, tôi cho rằng, những lời lẽ “tấn công” kia đang thể hiện một quan điểm quá... hẹp hòi, khắt khe.

“Chúng ta phải nhìn nhận khách quan hơn, những người giỏi cần môi trường phù hợp để phát triển, chứ không đơn giản là về nước nhưng lại làm ở những viện nghiên cứu chưa đáp ứng được để phát huy tài năng. Sinh sống và làm việc tại bất cứ đâu nhưng vẫn đóng góp cho quê hương, đất nước, đều là tốt! Không nên bắt buộc nhân tài về nước để rồi làm thui chột tài năng”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Hoãn nhấn mạnh.

C.M