Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Gần đây nhất, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới, đánh dấu một mốc quan trọng đối với công tác này. Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Mai Phan Dũng cùng phân tích với Người Đưa Tin về những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Kết luận 12 và việc phát huy vai trò của cộng đồng NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Người Đưa Tin (NĐT): Gần 2 năm thực hiện Kết luận 12, xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong việc triển khai công tác NVNONN?

Ông Mai Phan Dũng: Sau khi KL12 được ban hành, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết 169 ngày 31/12/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ trong công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026. Sau gần 2 năm thực hiện, công tác NVNONN đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với NVNONN tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động về nguồn theo hình thức trực tiếp đã được nối lại, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu to lớn của kiều bào. Bà con trở về được tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của đất nước, cảm nhận rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lại càng thêm gắn kết với đất nước, thêm niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Nhiều người trước đây còn có tư tưởng định kiến, nay đã có sự chuyển biển về nhận thức, tin tưởng và công khai ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trực tiếp phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái về tình hình đất nước.

Công tác chăm lo, hỗ trợ bà con được quan tâm và chú trọng hơn, nhất là tại những địa bàn khó khăn và phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gần đây là cuộc xung đột Nga-Ucraina.

thủ tướng phạm minh chính

Công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển đất nước được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Ủy ban Nhà nước về NVNONN cùng các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động với hình thức ngày càng đa dạng và quy mô, nhằm kết nối, thu hút nguồn lực doanh nhân, trí thức NVNONN đóng góp cho đất nước.

Công tác duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng có bước tiến mới. Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngày 08/9 hàng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Ủy ban Nhà nước về NVNONN hiện đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động cho Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Đồng thời, duy trì đều việc tổ chức hàng năm các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào; nhiều bộ giáo trình, chương trình dạy tiếng Việt online… cũng được các cơ quan liên quan thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau.

Công tác thông tin tới cộng đồng NVNONN tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới về nội dung, hình thức. Phương thức thông tin cho cộng đồng NVNONN được thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số để đồng bào ta trên toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.

Có thể khẳng định, công tác NVNONN đã và đang được triển khai toàn diện và mạnh mẽ như yêu cầu của Đại hội Đảng XIII, nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN – “bộ phận không tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

NĐT: Trong những năm qua, tinh thần, tấm lòng của NVNONN hướng về Tổ quốc đã có sự chuyển biến như thế nào? Vai trò và những đóng góp cụ thể của bà con đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay?

Ông Mai Phan Dũng: Những năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cầu nối quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Kiều bào ngày càng tự tin, tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam.

Cộng đồng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2022 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước nhận nhiều kiều hối nhất trên thế giới. Tổng lượng kiều hồi chuyển về nước trong những năm qua đang hướng tới mốc 200 tỷ USD, xấp xỉ với tổng số vốn FDI đã giải ngân.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, kiều bào đã có 385 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư theo các hình thức gián tiếp khác, hoặc đầu tư theo hình thức đầu tư trong nước. Trong lĩnh vực thương mại, doanh nhân NVNONN đã tích cực tham gia kết nối, mở đường cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, trí thức NVNONN đã và đang là lực lượng quan trọng giúp thực hiện các nhiệm vụ phát triển của đất nước. Trí thức NVNONN hợp tác ngày càng thường xuyên với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, trong các hoạt động nghiên cứu phát triển R&D, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Cộng đồng NVNONN là nguồn lực “mềm” tạo nên sức mạnh Việt Nam với vai trò “cầu nối” hữu nghị giữa Việt Nam và các nước ngày càng thể hiện rõ ràng. Với khoảng 5,3 triệu người đang sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng NVNONN đang không ngừng lớn mạnh, ngày càng nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng chính trị, phát huy vai trò quảng bá văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, hình ảnh đất nước…

NĐT: Việc kêu gọi, khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư kinh doanh, phát triển các dự án là một vấn đề rất quan trọng. Trong những năm qua, đầu tư của kiều bào về nước đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Xin ông cho biết, hiện nay vấn đề vướng mắc là gì? Cần thực hiện những giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?

Ông Mai Phan Dũng: Trong những năm qua, đầu tư của kiều bào về nước đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên kết quả này còn “khiêm tốn”, chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những khó khăn của kiều bào trong quá trình đầu tư, làm ăn trong nước thời gian qua mà báo chí đã phản ánh chủ yếu là việc thiếu thông tin cập nhật, thiếu sự hỗ trợ của trong nước.

Một số kiều bào cho biết trong quá trình đầu tư đã gặp một số thủ tục ở địa phương khó đáp ứng, không tìm được cơ quan, đơn vị tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc hoặc khi xảy ra khiếu kiện, khiếu nại thì quy trình xử lý phức tạp, kéo dài. Đây là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm, không chỉ doanh nghiệp kiều bào mà doanh nghiệp trong nước cũng gặp phải.

Theo đó, ở góc độ các cơ quan tham mưu, việc xây dựng chính sách, pháp luật cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, đồng thời quan tâm lấy ý kiến của kiều bào để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn.

Các địa phương cần tích cực, chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin về tình hình địa phương và nhu cầu thu hút đầu tư, các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, cũng như các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư kiều bào; xây dựng cơ chế tiếp nhận, phản hồi nhanh chóng đối với các kiến nghị, khiếu nại thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết, hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị, tìm hướng tháo gỡ cho kiều bào.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục mở rộng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho NVNONN yên tâm trở về nước sinh sống, làm ăn. Đơn cử như vấn đề sở hữu nhà ở của kiều bào, Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành đã ghi nhận quyền sử dụng đất ở của NVNONN và quyền xây dựng nhà trên đất ở, tuy nhiên mới chỉ trong phạm vi các dự án phát triển nhà ở. Bộ Ngoại giao đang kiến nghị sửa đổi các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản theo hướng đồng bộ hóa, mở rộng quyền đối với đất ở và nhà ở của NVNONN.

NĐT: Đất nước đang đứng trước vận hội phát triển mới. Việc phát huy nguồn lực trí thức Việt Nam, trong đó có nhiều nguồn lực trí thức NVNONN đang trở nên cấp bách trước yêu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Hiện nay công tác này còn gì bất cập và thời gian tới nên làm gì

Ông Mai Phan Dũng: Trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài để phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước có vai trò quan trọng của việc huy động, phát huy nguồn lực trí thức NVNONN.

Những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các địa phương, cơ quan liên quan đã phối hợp xây dựng một số chương trình kết nối và thúc đẩy sự tham gia của trí thức kiều bào đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước. Thông qua những diễn đàn, cơ chế hợp tác này, chuyên gia trí thức NVNONN đã chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn hiệu quả cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.

Trong thời gian tới, để công tác phát huy nguồn lực NVNONN đạt hiệu quả cần tập trung vào một số nội dung chính.

Trong quá trình vươn lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam cần học hỏi không chỉ công nghệ mà còn văn hóa làm việc, tư duy quản lý của những quốc gia tiến tiến, có thế mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cần mạnh dạn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút những chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài, giao họ đảm nhiệm những vị trí quan trọng, những vị trí lãnh đạo trong các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp ở trong nước.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên công tác vào đối tượng kiều bào trẻ, là những người được sinh ra, lớn lên và được đào tạo trong môi trường văn hóa, giáo dục của nước ngoài, tiếp cận với tư duy, phương pháp, công nghệ mới, là thế hệ kế cận, sẽ chiếm vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng. Đây là nguồn lực tiềm năng khi mà ngày càng nhiều người thuộc thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam

Đặc biệt, quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam kết nối với các startup của NVNONN, cũng như các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp lớn, cơ sở nghiên cứu, quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp ở nước ngoài.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương trong nước cũng cần xác định rõ nhu cầu kết nối, sử dụng nguồn lực NVNONN trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, với những dự án hay bài toán cụ thể cần giải quyết, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng đóng góp của NVNONN trong lĩnh vực này.

NĐT: Hiện nay, bên cạnh những kiều bào có tấm lòng hướng về đất nước, vẫn còn một bộ phận mang tinh thần chia rẽ, hận thù quá khứ, thậm chí có những hành vi chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đánh giá vấn đề này như thế nào và sẽ có những hoạt động gì để hạn chế, thưa ông?

Ông Mai Phan Dũng: Nhưng năm qua, dù công tác đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc đã có những bước đột phá, tuy nhiên, một bộ phận nhỏ kiều bào còn định kiến về một số vấn đề của đất nước, cá biệt một số người còn có những hành động không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Điều này do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, các thế lực thù địch và các lực lượng người Việt cực đoan thường xuyên thay đổi hình thức chống phá, ngày càng tinh vi hơn; tăng cường lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước để lôi kéo, kích động bà con. Về chủ quan, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về NVNONN và công tác NVNONN có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và thống nhất, vẫn còn tồn tại tâm lý nghi kị, thành kiến, phân biệt đối xử với kiều bào.

Trước tình hình trên, công tác NVNONN thời gian tới cần thể hiện đầy đủ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm: Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ Ngoại giao sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động NVNONN, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó và hướng về quê hương, đất nước.

Kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng NVNONN trên cơ sở phù hợp pháp luật của nước sở tại và Việt Nam. Kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ đồng bào ta ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NĐT: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 30/04/2023 | 09:00