NĐT: Từ một tổng thầu xây dựng cho các doanh nghiệp FDI với thị phần top đầu miền Bắc, Giza hiện nay đã trở thành một tập đoàn công nghiệp với các ngành nghề tương hỗ trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm: Thiết kế thi công nhà xưởng công nghiệp, phát triển & vận hành bất động sản công nghiệp, sản xuất công nghiệp. Tầm nhìn của tập đoàn đối với hệ sinh thái kiềng ba chân này là gì, thưa ông?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Sau gần một thập kỷ hình thành và phát triển, Giza Group đang định hướng tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng. Trong đó, mảng xây dựng công nghiệp đã là nghề gốc của chúng tôi, từ những ngày đầu thành lập doanh nghiệp.

Đối với mảng bất động sản công nghiệp, xuất phát từ việc chúng tôi nhìn thấy nhu cầu của chính những nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Tôi đã nhiều năm làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư FDI và đưa họ đi khảo sát, tham quan hầu khắp các Khu công nghiệp trên cả nước, nên tôi hiểu được họ muốn gì và mình cần phải phát triển khu công nghiệp như thế nào để làm hài lòng các đối tác. Với lợi thế có công ty xây dựng nhiều năm kinh nghiệm có thể tư vấn tổng thể, triển khai xây nhà máy theo yêu cầu hoặc xây kho xưởng sẵn cho thuê, chúng tôi hướng đến việc rút ngắn được thời gian, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Mảng sản xuất là lĩnh vực mà chúng tôi mới đầu tư, tuy nhiên đang được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, có rất ít các nhà sản xuất công nghiệp đặc biệt là trong ngành công nghiệp phụ trợ thì có thể nói không những ít mà còn yếu. Đa phần doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam làm với quy mô nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc, thiếu nguồn vốn trong khi đó các ưu đãi của Chính phủ chưa đủ hấp dẫn.

Bên cạnh nhiều trở ngại, tôi vẫn thấy có những điều kiện tốt để phát triển lĩnh vực này.

Với 3 lĩnh vực đầu tư mang tính bổ trợ lẫn nhau, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái để cung cấp các dịch vụ ngày càng tiện ích, thuận tiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời chúng tôi cũng định hướng vươn lên trở thành một hãng sản xuất công nghiệp, có thể sánh vai với các tên tuổiFDI lớn đã đầu tư ở Việt Nam.

NĐT: Đầu tư vào một lĩnh vực khó và có nhiều rủi ro như sản xuất công nghệ, điều gì khiến ông và Giza Group tự tin đến vậy?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Đầu tư trong một lĩnh vực mới, tôi sẽ đặt câu hỏi “mình có gì?”. Thế thì thực tế, chúng tôi có gì

Thứ nhất là việc am hiểu khách hàng, am hiểu cách thức làm việc của nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình làm việc, chúng tôi đã được tiếp cận rất nhiều khách hàng là những nhà sản xuất rất lớn của của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, cả châu Âu và Mỹ, thông qua vai trò tư vấn đầu tư, xây dựng nhà máy cho họ. Có thời gian tôi đã nằm lại trong nhà máy của họ ở nước ngoài cả tháng trời, xem cách họ vận hành nhà máy, xem những gì họ có thể làm được, để ấp ủ cho Giza của hiện tại

Thứ hai, tập đoàn có công ty phát triển bất động sản công nghiệp nên chúng tôi có mặt bằng, không phải lo tìm đất đặt nhà máy ở đâu.

Thứ ba, chúng tôi có công ty xây dựng nên xây nhà máy rất nhanh, quá trình đầu tư nhà máy sản xuất đã rút ngắn được thời gian rất nhiều so với các nhà đầu tư khác.

Ví dụ một nhà đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam, từ khi có ý tưởng đến lúc đi tìm được mặt bằng, xây dựng nhà máy, chuẩn bị máy móc cho đến khi vận hành ra được sản phẩm, có thể phải mất đôi ba năm, chưa nói đến thời gian chạy thử và tìm đơn hàng. Trong khi đó, chúng tôi, vì có đất sẵn, có sẵn đội ngũ xây dựng, thế nên ước tính chỉ khoảng 6 tháng sẽ xong một nhà máy và có thể đi vào vận hành.

Khi thời gian được rút ngắn thì chi phí về vốn sẽ được giảm thiểu xuống, cộng thêm những mạng lưới khách hàng đã từng phục vụ cũng đã tạo ra những đơn hàng đầu ra cho chúng tôi.

Chưa kể, nhờ vào mạng lưới đối tác đó, chúng tôi được tiếp thu về kinh nghiệm quản lý vận hành sản xuất, hỗ trợ khâu huấn luyện, đào tạo đội ngũ quản lý nhà máy, huấn luyện công nhân. Đó là những việc các nhà sản xuất thông thường không phải dễ dàng mà có được.

NĐT: Ông vừa nói về định hướng vươn lên trở thành một hãng sản xuất công nghiệp. Điều đó làm tôi nhớ đến một nỗi lo mà gần đây không ít người nhắc đến về một nền kinh tế rỗng ruột ở Việt Nam, tức là nền kinh tế chỉ có FDI, khi mà FDI rút ra thì chúng ta không có gì. Là một doanh nghiệp chủ động sản xuất, theo ông, đó có thực sự là điều đáng lo và khuyến khích một nền kinh tế sản xuất liệu có phải là xu hướng trong tương lai mà chúng ta hướng đến?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Hiện tại ở Việt Nam, liên quan đến hoạt động sản xuất gần như là nước ngoài làm hết. Một ví dụ rõ để thấy, riêng lượng xuất khẩu của Samsung có thể gấp cả chục lần tất cả các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cộng lại. Vậy rõ ràng công nghiệp của Việt Nam đang rất nhỏ bé.

Người ta có thể là lập ra các báo cáo hàng xuất khẩu công nghiệp Việt Nam đi nước ngoài với những con số rất ấn tượng, nhưng về cái lõi thì vẫn chủ yếu là hàng các các hãng điện tử nước ngoài sản xuất ở Việt Nam như Samsung, Apple, LG,...còn những sản phẩm của chính chúng ta thì gần như rất thấp, hoặc là thô sơ, gia công cơ khí giản đơn hoặc là không có hàm lượng chất xám cao, giá trị lớn. Đó là một nền kinh tế chưa đủ mạnh mẽ và tự chủ.

Về vốn đầu tư của xã hội hiện nay thì đa phần là ở bất động sản, thời gian qua, gần như ai cũng làm bất động sản và họ kiếm được nhiều tiền, giàu lên thậm chí trở thành tý phú nhờ bất động sản. Đó trở thành mô-típ làm giàu khá phổ biến ở Việt Nam, thậm chí “công nghệ phân lô bán nền” trở thành bí quyết kinh doanh. Những công ty bất động sản sẽ lấy một khu đất ở các tỉnh khoảng vài hecta xong rồi phân ra các lô bán kiếm tiền, lời khoảng vài chục tỷ là không khó. Hay người dân vào Đà Lạt hay Nha Trang mua mảnh đất 1-2 tỷ đồng, đợi vài ba năm lên 3-4 tỷ đồng, bán kiếm lời.

Rõ ràng, tiền ở dân chúng đang chạy vào bất động sản quá nhiều nhưng thực chất là tiền chuyển túi người này sang túi người kia chứ không tạo ra giá trị gia tăng gì. Thế nên, điều này cũng dẫn đến việc có nhiều người giàu lên thì cũng có rất nhiều người nghèo đi.

Nguy hiểm hơn, chính từ những nguồn thu nhập quá dễ, dẫn đến mọi người giảm động lực trong lao động sản xuất, phấn đấu khi đi làm. Từ đó, sẽ mất những lợi ích dài hạn, phát triển thực chất và chỉ tập trung vào những lợi ích ngắn hạn. Rồi chúng ta vẫn cứ mãi trong vòng luẩn quẩn thế thôi chứ chẳng tạo nên giá trị gì.

Nói trở lại với việc sản xuất, người ta thấy rằng làm bất động sản dễ hơn rất nhiều so với việc làm công việc mang tính chất công phu nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như sản xuất. Ngành sản xuất công nghiệp buộc chúng ta phải bỏ quá nhiều vốn, sau đó phải mất khoảng 4-5 năm để tạo lập, chuyển đổi hệ thống và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất thật trơn tru mới bắt đầu có thể kiếm tiền.

Chẳng hạn, những nhà máy của chúng tôi đầu tư có thể hàng trăm tỷ đồng, bằng với số tiền đó, tôi có thể đi vài miếng đất, rồi sau đó vài năm tôi có thể kiếm được hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng mà ai cũng làm như vậy thì việc sản xuất tạo giá trị thực, sẽ không có ai làm.

Với thực trạng của Việt Nam như vậy, tôi nghĩ rằng có thể chấp nhận bỏ qua những cơ hội về về kiếm tiền nhanh chóng từ bất động sản để dành vào việc phát triển bền vững và lâu dài hơn.

Tuy nhiên, như đã nói về chiến lược kiềng ba chân, chúng tôi cũng đầu tư một phần vào phần bất động sản nhưng là bất động sản công nghiệp. Điều này đi đúng vào trọng tâm, vào ngành nghề của chúng tôi, hơn là đi trái ngành, đầu tư vào bất động sản dân dụng, nghỉ dưỡng…

NĐT: Còn lý do gì để ông quyết tâm chuyển hướng, dồn lực cho sản xuất công nghiệp không, ít nhất về tính thời điểm vì tôi biết khi quyết định đầu tư lĩnh vực này, không ít ý kiến nghi ngại thậm chí khuyên ông đừng làm?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Thực ra xét về lợi thế cá nhân, bản thân tôi cảm nhận rằng nếu mình làm bất động sản sẽ không quá xuất sắc. Đối với ngành công nghiệp, ít nhiều tôi còn am hiểu khách hàng, có chuyên môn và mạng lưới, mối quan hệ với các đối tác để hỗ trợ.

Thế nên, tôi muốn dồn tâm huyết cũng như nguồn lực vào sản xuất công nghiệp, tương lai thành công hay không thì chưa biết, nhưng chúng tôi có niềm tin vào hướng đi bền vững này..

Tất nhiên chúng tôi cũng không phải là những đơn vị đầu tiên làm sản xuất công nghiệp, có rất nhiều đơn vị đã làm rất lâu rồi. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng mình sẽ trở thành một trong những đơn vị cùng chung sức với các hãng sản xuất công nghiệp ở Việt Nam, để tạo thành các mạng lưới lớn và có sự đoàn kết giống như các công ty của Trung Quốc hay Đài Loan.

Mặc dù họ cũng đi sau so với thế giới, nhưng bây giờ họ đã có những hãng sản xuất quy mô, chiếm lĩnh toàn cầu. Việt Nam muốn làm được như như họ thì cũng phải cần mất một thời gian, ít nhất là 10 năm khó khăn và vất vả để khẳng định mình. Nhưng tôi cũng tin rằng nếu tận dụng được cơ hội, chúng ta có thể đi nhanh và rút ngắn được nhiều thời gian chậm trễ so với các nước

Hiện nay cũng đang là thời cơ tốt khi các vấn đề giữa Trung Quốc với quốc tế đang gặp khó khăn. Vậy bây giờ chính là thời điểm vàng, các doanh nghiệp cần tận dụng nhanh và tăng tốc để thu hút nguồn đầu tư và tạo ra các quan hệ sản xuất giữa Việt Nam với các nước. Ở giai đoạn sau, khi Trung Quốc khôi phục lại hoạt động sản xuất và cung ứng, Việt Nam sẽ rất khó khăn và ít cơ hội.

NĐT: Rõ ràng việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất không thể thiếu vắng vai trò đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên có lẽ những điều đã có chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và tạo nên động lực phát triển cho ngành. Ông cho rằng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang cần gì?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Hiện tại, chúng ta đang tập trung nhiều vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, tất nhiên lợi ích của nó là không bàn cãi. Do đó, các ưu đãi của chúng ta với các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều, thậm chí phải nói là quá tốt. Trong khi đó lại chưa trọng tâm và để ý đến nguồn lực cho các nhà đầu tư sản xuất trong nước.

Ông Ngô Hữu Tiệp: Theo tôi, bây giờ là lúc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để gia tăng chuỗi cung ứng, điều đó vừa hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vừa sẽ làm lợi cho quốc gia, cho nền kinh tế.

Bản thân tôi cũng tham gia vào rất nhiều hiệp hội công nghiệp ở Việt Nam, tôi hiểu đó là mong mỏi của hầu hết các doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần những sự hỗ trợ về vốn, về vấn đề kết nối với các hãng sản xuất tiên tiến, các hãng thương mại trên thế giới hoặc nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng được nguồn đầu ra.

Một việc quan trọng nữa đó là sự khéo léo của Chính phủ Việt Nam đối với việc giúp cho các hãng sản xuất trong nước hợp tác và có sự chuyển giao công nghệ với các hãng nước ngoài hoặc ít nhiều được các hãng sản xuất nước ngoài hỗ trợ về mặt quản lý, tổ chức sản xuất.

Tất nhiên tôi hiểu rằng việc chuyển giao công nghệ của các hãng nước ngoài đối với Việt Nam khá khó khăn. Chúng ta chỉ có thể đi mua công nghệ chứ để được chuyển giao là rất khó hoặc là với một cái giá rất đắt.

Như hiện tại việc sản xuất các thiết bị, đồ dùng điện tử trong nhà như là tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy rửa bát, ... thì hoàn toàn chúng ta có thể làm được. Chỉ tồn tại một vấn đề lớn là làm để bán cho ai? nguồn vốn bước đầu để triển khai ở đâu? Chính phủ cần quan tâm giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn định hướng xuất khẩu.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phát triển về R&D (nghiên cứu và phát triển) để tạo ra những công nghệ nguồn do chính Việt Nam sở hữu. Rất nhiều nước, có những trung tâm R&D vô cùng lớn, nghiên cứu và phát triển những công nghệ mà khoảng 10 năm nữa mới áp dụng.

Chính phủ các quốc gia này đầu tư rất nhiều vào công nghệ nguồn, họ mời gọi những giáo sư hàng đầu thế giới đến để nghiên cứu và tạo ra những công nghệ đó. Hiển nhiên, kết quả của quá trình này sẽ trở thành tài sản quốc gia của họ. Sau đó, các nước sẽ áp dụng dần dần từng công nghệ theo nhu cầu thế giới, áp dụng một cách có chiến lược chứ không ồ ạt đưa ra thị trường.

Những quốc gia như vậy cho thấy sự khôn ngoan trong việc quản lý đầu tư cũng như ứng dụng R&D trong phát triển đất nước - điều mà Việt Nam chúng ta nên học hỏi.

NĐT: Giza Group đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025 và sở hữu 25 nhà máy trên cả nước. Ông có nghĩ đây là một mục tiêu tham vọng đối với một hệ sinh thái mới được chuyển đổi như Giza? Giza đã chuẩn bị những gì cho kế hoạch lớn kể trên?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Đó chắc chắn là một mục tiêu rất là tham vọng, tôi nghĩ rằng là không nhiều đơn vị dám đặt ra một mục tiêu như thế. Nhưng mà đối với chúng tôi cũng quen việc đó, phải đặt mục tiêu thật nặng để mình phấn đấu, bởi nếu mục tiêu quá dễ thì sẽ không cố gắng, nỗ lực được. Nhưng mà chúng tôi cũng có những cơ sở để đặt ra những mục tiêu như vậy.

Với việc có thể phát triển một số khu công nghiệp thuộc quyền sở hữu trực tiếp của Giza Group, mỗi khu công nghiệp như vậy chúng tôi sẽ đặt một vài nhà máy và kết hợp với việc xây để cho thuê hoặc nhượng quyền sở hữu cho các đơn vị khác.

Ngoài tạo lập các cơ sở sản xuất của mình, chúng tôi hướng đến việc mời các đối tác khác đến sản xuất ngay trong khu công nghiệp mà mình phát triển. Đó là lý do khiến tôi muốn phải có rất nhiều nhà máy như vậy. Bởi nếu mở nhiều nhà máy để làm riêng phần sản xuất, thì tôi nghĩ là không cần thiết. Nhưng cái chúng tôi muốn là tạo ra một môi trường chung để lôi kéo tất cả các nhà đầu tư vào Việt Nam hoặc các nhà sản xuất phụ trợ của nước ngoài đến cùng làm với chúng tôi và chúng tôi như một điểm tập kết với nhiều điểm nút.

Tôi đã từng chứng kiến những công ty của Trung Quốc làm được như vậy, họ làm rất khôn ngoan, không phải họ chỉ mở nhà máy ra sản xuất riêng mà còn lôi các hãng ở Châu Âu hay của Mỹ đến đặt nhà máy. Có khi khu công nghiêp 10ha mà nhà máy sản xuất lắp ráp của họ chỉ khoảng độ 2 ha, còn lại 8ha còn lại dành để lôi kéo nhiều công ty khác vào cùng tham gia. Đó là chiến lược để có thể nhân rộng nhà máy, gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.

Về tâm lý khách hàng, các hãng nước ngoài khi vào Việt Nam, họ cũng thích những công ty đã có sẵn mặt bằng và có sẵn cơ sở sản xuất để hợp tác. Họ không muốn đợi để mất 2-3 năm đi tìm đất, xây nhà máy vì có thể làm mất cơ hội kinh doanh và lắm phiền hà. Vậy nên cách làm của chúng tôi là phải mở ra trước rồi lôi kéo, thu hút đối tác, khách hàng

Việt Nam đương nhiên là có nhiều khó khăn hơn nhưng không phải là không làm được, cái chính là phải cố gắng, nỗ lực hơn. Nếu làm được điều đó thì doanh thu 1 tỷ USD tôi nghĩ là không có gì khó. Tất nhiên, vừa rồi cũng có nhiều vấn đề biến động, ảnh hưởng đến kế hoạch này nhưng chúng tôi hy vọng rằng kinh tế sẽ phục hồi và phát triển trên toàn cầu, từ đó chúng tôi sẽ sẽ chạy nước rút và làm được.

NĐT: Có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi số, cách mạng 4.0 thực chất cũng chính là cuộc cách mạng về tư duy quản lý và chính sách. Là người đứng đầu doanh nghiệp, ông thấy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Đúng là thế! Vấn đề này, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều phải có, đều phải quan tâm và đều phải thay đổi. Vì xã hội thay đổi hằng ngày và biến chuyển của thế giới càng ngày càng nhanh. Nếu chúng ta giữ tư duy lạc hậu mà không kịp thời đổi mới thì sẽ rất nguy hiểm.

Rõ ràng đây là câu chuyện “tất lẽ dĩ ngẫu” mà ai cũng phải tiến chuyển. Không chỉ về góc độ doanh nghiệp, mà một cá nhân, tổ chức hay cả một quốc gia luôn cần lao lên phía trước.

Đối với doanh nghiệp, điều này càng quan trọng vì yêu cầu của khách hàng càng ngày càng cao và cạnh tranh thị trường càng ngày càng lớn. Việc thay đổi về tư duy chính là để tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

NĐT: Qua cách điều hành công việc và việc dũng cảm dấn thân vào lĩnh vực khó, tôi cảm giác ông khá quyết liệt trong việc kinh doanh, có thể nói là có một chút liều lĩnh. Điều này có đúng?

Ông Ngô Hữu Tiệp: Sự nghiệp của tôi từ khi lập nghiệp đến nay, có thành công hay không đều do liều lĩnh. Tôi liều lắm, không đợi mà nói là làm luôn. Bởi như tôi đã nói, thị trường bây giờ chuyển động từng giây, từng phút và thậm chí càng ngày càng mau lẹ hơn, mỗi sự chần chừ sẽ đồng nghĩa với rủi ro bởi sự cạnh tranh với đối thủ khác, không ít lần tôi đã chứng kiến việc suy tính quá cầu toàn mà dẫn đến cơ hội lọt vào tay người khác, đó là thị trường.

Nhiều người nghĩ dịch vụ, công nghệ thì mới cần nhanh còn sản xuất công nghiệp thì có độ trễ của nó. Nhưng bạn thấy đấy Iphone, Samsung trong một năm họ có thể cho ra đời vài dòng sản phẩm mới, mà mỗi sản phẩm đó nó có cấu trúc, linh kiện, phụ tùng tương ứng khác nhau. Thế thì sản xuất có trễ nữa không?

Tất nhiên cái liều tôi cũng phải có sự cân nhắc, tính toán, phân tích cán cân cơ hội – rủi ro, biết rõ năng lực của bản thân, nhu cầu và tính cạnh tranh thị trường chứ không phải là liều theo kiểu ném tiền qua cửa sổ. Phải tạo ra lợi thế cho mình bằng việc khi vào một cuộc chơi thì phải biết rằng so với các đối thủ thì chúng ta yếu và mạnh hơn họ ở điểm nào. Đó là cơ sở giúp tôi đưa ra quyết định và khi đã quyết thì tôi tin vào sự lựa chọn của mình. Thậm chí, tôi lúc tôi liều đến mức chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ một ít để tạo quan hệ với cả đối tác.

Bạn thấy đấy, tôi liều thật, nhưng là liều có cơ sở.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 13/10/2022 | 10:00