Trông giữ và trang điểm tử thi là công việc mà chỉ nghe nhắc đến nhiều người đã “xanh mặt” sợ hãi chứ đừng nói là tận tâm gắn bó suốt bao năm. Những người chấp nhận “gan lì” sống chung với tử thi mỗi ngày lại ít nhiều muốn giấu công việc này vì mặc cảm, có người làm ngót chục năm, vẫn không chia sẻ với gia đình, bạn bè.

sutit 1

Từng làm bảo vệ tại bệnh viện Thanh Nhàn, sau đó chuyển sang nhà tang lễ Thanh Nhàn từ 3 năm nay, ông Dương Đình Chiến (SN 1960) cho biết: “Hiện nay, nhà tang lễ có tất cả 29 người, trong đó, có 17 nhân viên trực tiếp làm công việc tiếp nhận, trông giữ và trang điểm tử thi.

Nghề nguy hiểm

Đặc biệt, công việc của 17 nhân viên đó, nữ không ai dám làm. Mỗi ca trực sẽ có 4 người luân phiên nhau làm toàn bộ các phần việc có liên quan. Mỗi ca đón nhận thi hài gồm 2 người, đón tử thi về rồi đưa vào tủ bảo quản”.

Ông Chiến bắt đầu câu chuyện một cách từ tốn: “Thực ra, phục vụ trong nhà tang lễ cũng là nghề “làm dâu trăm họ”, người tốt, người cảm thông cũng có mà người không hiểu, không chịu thông cảm cũng có. Vì vậy, chúng tôi thực hiếm khi muốn chia sẻ công việc này với mọi người, mặc dù đó cũng là việc làm để an lòng người đã khuất và đẹp lòng người thân của họ”.

Theo ông Chiến, mỗi năm cũng có từ 500 - 600 trường hợp tử vong tổ chức tang lễ tại nhà tang lễ Thanh Nhàn, mùa đông thường sẽ có nhiều người tử vong hơn, và đa số thường là người cao tuổi mất do thời tiết quá khắc nghiệt. Trong đó, có khoảng 5-7 trường hợp tử thi vô danh. Tại nhà tang lễ Thanh Nhàn, hiện đang có 6 tủ, mỗi tủ 2 ngăn, tổng cộng 12 ngăn chứa được 12 người.

“Đây là nơi tiếp nhận tử thi từ nhiều bệnh viện khác nhau: Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh viện Lao phổi Trung ương, bệnh viện hữu nghị Việt Xô… và những người dân sống trong khu vực muốn gửi gắm tử thi vào để tổ chức tang lễ”, ông Chiến cho biết.

“Đối với tất cả chúng tôi, khi người ta đã mất thì ai cũng như ai, không có trường hợp nào đặc biệt hơn trường hợp nào.

Gặp những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, mắc nhóm bệnh xã hội tiếp nhận tại các bệnh viện khác, tử thi đã được bên chuyên môn đóng gói, niêm phong sẵn trong túi chuyên dụng theo quy định của bộ Y tế, đảm bảo tránh lây nhiễm.

Còn đối với những trường hợp chủ động tiếp nhận tại gia đình, tôi vẫn luôn nhắc nhở anh em phải tiếp xúc đúng quy trình, có trang bị bảo hộ cẩn thận”, ông Chiến bày tỏ.

sutit 1

Sau khi tiếp nhận tử thi, nhà tang lễ Thanh Nhàn sẽ lưu trữ trong các tủ bảo quản, lập một ban thờ tạm trong phòng thờ, hàng ngày, người nhà sẽ đến thắp hương, chờ chọn được ngày khâm liệm và làm lễ viếng.

Nhân viên nhà tang lễ còn đảm nhận cả việc trang điểm tử thi. Họ được người nhà của người xấu số nhờ tắm rửa, thay quần áo, trang điểm cho thi thể hồng hào để người thân họ bớt đau lòng khi nhìn mặt lần cuối. Nhà tang lễ Thanh Nhàn sẽ chuẩn bị cho mỗi tử thi một bộ đồ trang điểm riêng.

Anh Hoàng Văn Thắng (SN 1987), một chàng trai đã gắn bó với công việc trong nhà tang lễ Thanh Nhàn hơn 7 năm chia sẻ: “Khi lần đầu bắt tay vào công việc trang điểm tử thi, tôi cũng cảm thấy hơi rùng mình, nhưng học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước và sau đó quen dần thì làm được.

trang điểm

Chúng tôi luôn luôn tâm niệm, làm thật sạch sẽ, cẩn thận để không có điều gì phải vướng bận”.

Anh Thắng bộc bạch: “Thực ra, tiếp xúc với người đã khuất thì ai cũng sợ. Nhưng sau khi chứng kiến nhiều người thân qua đời, ở bên cạnh người thân những giây phút cuối cùng rồi chỉ muốn nán lại thêm hồi lâu bên linh cữu, tôi chợt cảm thấy, khi làm được điều gì đó cho người thân thì thật thanh thản và ý nghĩa”.

Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên tiếp xúc với thi thể, anh Thắng không khỏi có chút nhăn mặt: “Sau quá trình đứng quan sát các đồng nghiệp đi trước, tôi mới dám trực tiếp chạm vào tử thi. Mặc dù đã đi găng tay, nhưng khi bắt đầu chạm vào chân tay người đã khuất, tôi vẫn không khỏi cảm thấy ớn lạnh.

trang điểm

Nhiệt độ tử thi đã thấp, lại được để trong tủ bảo quản với nhiệt độ âm, nên cái lạnh truyền đến xúc giác càng ghê gớm. Tôi rợn người. Tuy nhiên, sau một thời gianlàm nhiều thì cũng quen và đỡ sợ”.

Sau hơn 7 năm trong nghề, khó khăn nhất đối với anh Thắng vẫn là thay quần áo cho người đã khuất. “Đó là một khâu thực sự khó khăn, phải học hỏi kinh nghiệm lâu.Thi thể gầy và nhẹ thì còn dễ, có những người nặng gần hoặc hơn 100kg thì hai người chật vật mãi mới xốc lên để mặc được trang phục cho họ. Có những trường hợp, tử thi bị phù nề, trang phục mà người nhà đưa vào còn không mặc vừa, có lần bị bục cả chỉ vì chật.

Đối với những tử thi bị tai nạn giao thông hoặc bị rơi từ độ cao xuống đến biến dạng, không còn nguyên vẹn, tất nhiên không thể phục hồi lại được như ban đầu, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, lau chùi sạch sẽ, nắn chỉnh và sắp xếp ngay ngắn các vị trí, rồi khâu nối từng bộ phận cơ thể vào với nhau, sao cho hoàn chỉnh nhất”, anh tiết lộ.

Đây là những công việc mà nhân viên nhà tang lễ phải chịu áp lực nhất, cũng là động lực để hoàn thành tốt công việc, cố gắng để người nhà nạn nhân bớt đau thương.

Nhiều nhân viên trẻ hoặc mới vào nghề thậm chí có những ngày không ăn được cơm, bởi nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn quá, nên “cầm bát cơm lên bị nhớ lại thì thấy hãi mà bỏ cả cơm luôn”.

sutit 1

Chăm sóc tử thi ở nhà tang lễ có những đặc thù riêng, những người coi giữ và trang điểm tử thi có đóng góp nhiều cho xã hội nhưng họ không muốn nhiều người biết đến, thậm chí là ngại nhắc đến công việc của mình.

Mỗi ca trực của một nhân viên trong nhà tang lễ Thanh Nhàn kéo dài 24 tiếng, thường giao ban vào 7h30 sáng hàng ngày. Ban đêm ở đây thực sự trở thành một không gian tĩnh mịch đến lạ thường, nếu như không tiếp nhận trường hợp nào.

“Ban ngày ở đây còn có người ra vào, chứ đến ban đêm thì dường như vắng lặng tuyệt đối, không một âm thanh, bởi vì, theo quy định, sau 21h là hết giờ phục vụ”, anh cho biết.

“Nhiều người cho rằng làm công việc này là những người không bình thường, cũng có những người cho rằng chúng tôi tiếp xúc với tử thi cả ngày, đêm về sẽ mê mẩn lan man, nhưng thực ra, khép lại ca trực 24 tiếng liên tiếp, về đến nhà, tôi chỉ kịp ăn uống, tắm giặt là nằm vật ra giường mà ngủ một mạch, chả mơ mẩn gì nữa”, anh Thắng hóm hỉnh giải thích.

Ngay sau câu bông đùa vui vẻ, anh Thắng bỗng trầm nét mặt: “Hàng ngày, đối mặt với những xác chết đã sợ, nhưng những người trong nghề như chúng tôi còn sợ hơn khi phải chia sẻ về công việc của mình cho người ngoài.

Người không thấu hiểu sẽ sợ hãi và dần xa lánh. Không ít người trẻ vì làm công việc này mà mất luôn người yêu, bạn bè. Vì vậy, mặc dù công việc có áp lực và mệt mỏi đến mấy, cũng chẳng ai dám chia sẻ công việc của mình thậm chí với gia đình, người thân còn phải giấu”.

Công việc nơi nhà tang lễ là vì chữ “tâm”, chữ “phúc” mà phục vụ, vì câu “nghĩa tử là nghĩa tận” mà tươm tất, chỉn chu, nhưng các nhân viên lại tỏ ra rất ngập ngừng khi nhắc đến bản thân, dường như họ có một nỗi sợ mơ hồ về ánh mắt của mọi người xung quanh.