Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Đại sứ, chúng ta đang sống trong những ngày tháng tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 48 năm chiến thắng 30/4/1975. Từ độ lùi của gần nửa thế kỷ, ông nghĩ gì về ý nghĩa lịch sử của ngày giải phóng?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bản thân một sự kiện khi diễn ra càng có độ sâu và chiều dài của lịch sử, chúng ta càng nhìn nhận rõ ràng hơn, sáng hơn, đầy đủ hơn. Nhìn lại 48 năm từ sau sự kiện 30/4/1975, đã có nhiều nhận định, riêng tôi xin được đánh giá ý nghĩa ở 3 phương diện.

Trước hết, đối với dân tộc Việt Nam, sự kiện 30/4 vừa là sự kết thúc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, vừa đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa mở ra chương mới của nhân dân ta. Miền Nam đã được giải phóng, non sông đã liền một dải, đất nước có được hòa bình – đó là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam. Sự kiện này mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, thống nhất mà kết quả là một Việt Nam phát triển vươn lên và hội nhập mạnh mẽ như ngày nay.

Đối với khu vực, sự kiện 30/4 đánh dấu sự kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và rộng hơn là ở 3 nước Đông Dương, làm dập tắt lò lửa chiến tranh, mối nguy bất ổn ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời tạo điều kiện và cũng mở ra chương mới cho việc nhân dân 10 nước ASEAN bắt tay, hòa hợp với nhau cùng xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển như ngày nay.

Đối với thế giới, chiến thắng của nhân dân Việt Nam là chiến thắng của chính nghĩa và của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, chấm dứt một cuộc chiến tranh ác liệt nhất của thế kỷ XX, đóng góp vào nỗ lực hòa bình, ổn định ở bình diện toàn cầu; đồng thời lan tỏa ra toàn thế giới, trở thành niềm tự hào lớn của nhân loại tiến bộ, là ngọn đuốc rực sáng và truyền cảm hứng sâu sắc cho phong trào hòa bình, độc lập, tự quyết và giải phóng dân tộc, trên toàn thế giới.

Chiến thắng của Việt Nam đã trả lời cho dân tộc ta, cũng như đã cho thế giới một bài học rằng: Một dân tộc, dù đất không rộng, người không đông, song một khi đoàn kết chặt chẽ và kiên quyết đấu tranh, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược.

phong-van.mp4

NĐT: Đại sứ vừa chỉ ra một bài học rất quan trọng từ chiến thắng 30/4, nói một cách rộng hơn đó là bài học trong quan hệ nước nhỏ - nước lớn trong thế giới hiện nay. Nếu xét ở phương diện này, chiến thắng của người Việt Nam đã cho thấy điều gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Do vị trí địa chính trị của mình mà Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn. Bài học lịch sử cũng cho thấy các nước lớn thường có ảnh hưởng đối với môi trường an ninh và phát triển của khu vực, liên quan tới vận mệnh và sự thịnh vượng của Việt Nam.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại những bài học lớn và sâu sắc về cách ứng xử với các nước lớn. Rất nhiều điều thấm thía cho tới ngày nay, như: kiên quyết về nguyên tắc độc lập tự chủ, nhưng lại luôn hòa hiếu, hợp tác, láng giềng, đi cùng với linh hoạt, sắc bén trong sách lược. Đó là bài học mà ngày nay chúng ta vẫn luôn tâm niệm về “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Đã có thời, khi thắng rồi, cha ông chúng ta vẫn cử sứ giả, vẫn cầu hòa, trao quà, cốt để giữ cho được hòa bình, tự chủ và ổn định lâu dài cho đất nước. Soi lại, mới càng nhận thức rõ, có những cái sách lược khôn khéo của người xưa, khi nói về “trong xưng đế, ngoài xưng vương”, là vậy.

Ngày nay, một thời đại mới và một Việt Nam mới, vừa nằm trong sự phát triển chung của lịch sử văn minh nhân loại, vừa thể hiện vị thế mới của dân tộc, dựa trên những nguyên tắc tiến bộ của quan hệ quốc tế, mà trước hết là nguyên tắc độc lập, tự chủ và bình đẳng chủ quyền, như đã được ghi trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Cùng với đổi mới, phát triển và hội nhập, Việt Nam ngày nay không chỉ có vị thế mới, mà còn tạo ra được không gian địa chiến lược mới, cả trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Ngày nay, chúng ta không còn phải bó hẹp và đã bỏ xa thời kỳ phải sách lược “trong đế, ngoài vương”, để vươn xa và hợp tác chung, bình đẳng, ở khu vực và trên thế giới.

Xin đơn cử, chúng ta hiện nay đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết 193 nước thành viên LHQ, đã có các khuôn khổ hợp tác ổn định với các đối tác chủ chốt, trước hết là các nước khu vực, các nước lớn và quan trọng, đã tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế, bao gồm cả các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, như ASEAN, APEC, LHQ, WTO, hay các khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do, như AFTA, CPTPP, RCEP, EVFTA.

Đó là thành quả của lịch sử dựng nước và giữ nước, của độc lập 1945, của chiến thắng 1954 và 1975, của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian vừa qua.

Đó cũng chính là nền tảng để chúng ta chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, hội nhập, làm bạn, đối tác tin cậy trong quan hệ với các nước và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

NĐT: Thưa Đại sứ, vậy quan hệ nước lớn – nước nhỏ ngày nay đã có những thay đổi gì và hiện nay mang đặc điểm như thế nào?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cường quyền của các nước lớn vốn là điều tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử thế giới. Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng, các động thái của các cường quốc luôn có tác động tới khu vực và thậm chí trên toàn cầu. Thực tế từ lịch sử cho đến hiện tại cho thấy hệ lụy của cường quyền luôn luôn là câu chuyện mà nước nhỏ gánh chịu.

Điều này đặt ra bài toán cho các nước này rằng cần làm gì, xử lý như thế nào, để khỏi bị kẹt vào bẫy cạnh tranh nước lớn, trong khi vẫn có thể tranh thủ được các cơ hội cho an ninh và phát triển của đất nước mình. Vậy thì cần phải nhìn nhận rõ được cục diện thế giới ngày nay.

Trước hết, nhìn lại thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, thực sự đã có những thay đổi rất sâu sắc. Trước hết, đó là về các nguyên tắc rất cơ bản của luật pháp quốc tế, nền tảng điều chỉnh trong quan hệ quốc tế trong suốt gần 8 thập kỷ vừa qua, như độc lập, tự quyết, bình đẳng chủ quyền, phản đối chiến tranh xâm lược, tự do lựa con đường phát triển, chế độ chính trị xã hội của mỗi quốc gia.

Thứ hai, đó là sự phát triển của hệ thống các thiết chế quốc tế, bao gồm cả các tổ chức khu vực, nhằm mở rộng hợp tác giữa các quốc gia dựa trên các nguyên tắc này. Thứ ba, đó là sự ra đời của hàng loạt quốc gia mới giành được độc lập, tham gia vào các mặt của đời sống chính trị - kinh tế quốc tế, càng thúc đẩy các xu hướng tiến bộ này. Thứ tư, nhu cầu các nước đẩy mạnh hợp tác các mặt, trong một thế ngày càng tùy thuộc, đan xen lợi ích. Cuối cùng, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, vừa tạo thêm các cơ hội cho hợp tác và phát triển, nhưng cũng mang theo những thách thức mới với các nước.

Về cục diện thế giới hiện nay, trước hết, dù có phức tạp, nhưng xu thế chung vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển. Thứ hai, trong cạnh tranh nước lớn, vừa có phức tạp của cường quyền và sức ép chọn bên, nhưng cũng vừa có cơ hội, hợp tác, do họ vẫn phải cần tranh thủ các nước khác. Thứ ba, ngày nay, các nước lớn cạnh tranh, dù là cạnh tranh chiến lược, nhưng sẽ không và không thể phân tuyến thành hai hệ thống đối đầu và biệt lập như thời chiến tranh lạnh Mỹ - Xô trước đây. Thứ tư, vì vậy, các nước vẫn có điều kiện và không gian để giữ quan hệ, với các nước lớn, và với các nước khác, mà vẫn tránh được việc bị kẹt vào thế chọn bên. Cuối cùng, dựa vào độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá và luật pháp quốc tế, các nước có đủ điều kiện để thúc đẩy quan hệ và hợp tác, vì lợi ích của mình, cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển chung.

Như vậy, cần phải thấy rõ mặt thuận nghịch trong một thế giới đan xen phức tạp, nhiều chiều, giữa cơ hội và thách thức, trong đó có quan hệ quốc tế chung và quan hệ với các nước lớn.

NĐT: Bối cảnh quốc tế rõ ràng đã có nhiều thay đổi nhưng thực tế cường quyền nước lớn vẫn là không thể loại bỏ và như chính Đại sứ cũng vừa khẳng định hệ lụy của cường quyền luôn luôn là câu chuyện mà nước nhỏ gánh chịu. Xin hỏi Đại sứ, liệu xung đột Nga - Ukraine - tâm điểm chú ý của cả thế giới trong suốt hơn 1 năm qua, có phải là một ví dụ về hệ lụy như vậy hay không?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng là thế giới đã rất thay đổi, quan hệ quốc tế cũng đã thay đổi, nhất là việc xuất hiện những xu thế tích cực và tiến bộ phát triển mạnh mẽ, về hòa bình, hợp tác và phát triển. Cường quyền nước lớn, nếu theo dõi những thập kỷ gần đây, cũng có những biểu hiện, dưới nhiều dạng, hình thái khác nhau.

Vẫn có những can dự, cạnh tranh nước lớn ở các khu vực, ở Trung Đông, Châu Phi hay ngay cả ở Châu Á – Thái Bình Dương. Vẫn có những cuộc xung đột như ở Afghanistan, Iraq, hay Syria. Rồi như chính ở Biển Đông. Câu chuyện rộng hơn liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế như đã được đề ra trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trở lại câu hỏi về câu chuyện Ukraine, đây rõ ràng là vấn đề rất phức tạp, nhiều chiều, cả về yếu tố lịch sử, quan hệ hay các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nó có câu chuyện cả nghìn năm về nền văn minh Kiev-Rus, có câu chuyện trăm năm Liên bang Xô viết, có câu chuyện mấy thập kỷ không gian hậu Xô viết từ 1991, mà trong đó có việc Tây lấn Đông, rồi những bất cập trong cấu trúc an ninh - kinh tế Châu Âu, cũng như có chuyện quan hệ qua lại giữa Ukraine và Nga. Đó là một cuộc khủng hoảng phức tạp, nhiều chiều, cũng đã và đang có hệ lụy phức tạp và nhiều chiều tới không chỉ Châu Âu, mà cả trên bình diện thế giới, về chính trị, an ninh, kinh tế và các mặt khác.

Vì thế, thế giới cũng đã và đang có phản ứng phức tạp và nhiều chiều đối với cuộc khủng hoảng này. Nhưng có một số nguyên tắc căn bản ở đây. Đó là việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết hòa bình các tranh chấp; bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Chiến tranh và vũ lực là điều không thể biện minh. Giờ là lúc cần phải tìm kiếm các biện hòa bình và chấm dứt chiến tranh, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Rõ ràng, rất phức tạp. Bài học không chỉ với châu Âu, mà còn với các khu vực khác. Còn hỏi về cường quyền nước lớn, xin trả lời gọn lại, là nó có cả quan hệ cọ sát và đa chiều phức tạp, giữa các nước lớn với nhau và giữa các nước lớn với các nước nhỏ, rất nhiều chiều, chứ không chỉ đơn giản chiều này, chiều kia. Hơn bao giờ hết, cái cốt yếu ở đây, đó là tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc xử lý các mối quan hệ và ngăn chặn không để chiến tranh xảy ra.

NĐT: Thưa Đại sứ, liệu có “mặt khác” của cường quyền nước lớn hay không bên cạnh những hệ lụy?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi nhắc tới cường quyền, thì trước hết, đó là điều trái với luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Cần phải kiên quyết bác bỏ. Bây giờ chuyển qua nói về câu chuyện quan hệ và xử lý quan hệ với các nước lớn. Phải khẳng định, đây là một góc độ hoàn toàn khác.

Nói về quan hệ với các nước lớn, chắc chắn sẽ có cả mặt cơ hội và mặt thách thức. Xin nhấn thêm mấy điểm như thế này. Thứ nhất, các nước lớn đều là các đối tác quan trọng về tất cả các mặt, chắc chắn các nước đều cần tranh thủ. Thứ hai, nếu tạo ra được các khuôn khổ hợp tác ổn định, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, chắc chắn sẽ đóng góp hiệu quả vào môi trường thuận lợi cho phát triển và an ninh của quốc gia. Thứ ba, nếu làm tốt quan hệ với các nước lớn, và với khu vực, sẽ giúp tốt hơn cho việc triển khai đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá và hội nhập quốc tế.

Đương nhiên, trong quan hệ với các nước lớn, chắc chắn có thách thức, nhưng cũng cần nhìn nhận các thách thức đó ở các chiều khác nhau, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp. Đó có thể xuất phát từ sự khác biệt, bao gồm cả về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hay lợi ích khác nhau. Cái khác ở đây cần được xem như một phần của hợp tác và điều quan trọng là phải mở rộng và nhân lên các song trùng về lợi ích, trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết và hai bên cùng có lợi.

Các khác biệt sẽ lớn hơn khi các nước lớn cạnh tranh nhau, do vậy nên có cách tiếp cận khác nhau khi quan hệ với các nước, về nhiều vấn đề, cả song phương, khu vực và quốc tế. Chủ trương ở đây là không chỉ không chọn bên, mà còn phải chơi tốt được với các nước.

Có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chủ chương quan hệ tốt với các nước lớn, dựa trên lợi ích quốc gia, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trên cơ sở hợp tác, hai bên cùng có lợi. Thứ hai, cần phát huy tự chủ chiến lược, đi đôi với hội nhập, đa dạng hoá, đa phương hoá và mở rộng quan hệ với các nước khác. Thứ ba, cùng hợp tác, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực, thế giới, trong đó chú ý phát huy hợp tác thông qua các thể chế đa phương, ở khu vực và toàn cầu. Thứ tư, trong hợp tác chung và với các nước lớn, cần tiếp tục tích cực đóng góp vào việc củng cố và xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo và các qui tắc ứng xử, phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Cuối cùng, đương nhiên, khi có những phức tạp nảy sinh, đụng chạm tới lợi ích quốc gia, kể cả do cạnh tranh và cường quyền nước lớn, thì “dĩ bất biến ứng vạn biến” tiếp tục là nguyên tắc căn bản.

NĐT: Vậy thưa Đại sứ, đứng trước cả cơ hội và thách thức như vậy, những nước nhỏ và vừa như Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ mình, bảo vệ hòa bình và tối ưu hóa lợi ích?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dù bối cảnh thế giới cơ hội và thách thức đan xen phức tạp, nhưng nhìn chung, với chúng ta, mặt thời cơ, cơ hội và thuận lợi nhiều hơn. Trước hết, do tiềm lực, vị thế và chính sách đối ngoại của chúng ta. Thứ hai, chúng ta hiện đã xây dựng được các khuôn khổ hợp tác ổn định với các đối tác chủ chốt, các nước láng giềng và khu vực, trong đó có 30 đối tác toàn diện và chiến lược. Thứ ba, các nước trong đó có các nước lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực, đều coi trọng và có lợi ích đan xen trong quan hệ hợp tác với chúng ta. Cuối cùng, tại khu vực, xu hướng chủ đạo tiếp tục là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Điều quan trọng là, làm sao có thể tranh thủ kịp thời, không bị chậm trễ và để lỡ cơ hội. Ở đây, có cả câu chuyện đối ngoại và câu chuyện đổi mới, phát triển và chuẩn bị trong nước, như về ba khâu đột phá liên quan đến khung chính sách, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, như chúng ta đã đề ra.

Trước hết, đó là việc kết hợp nội lực và ngoại lực, thì nội lực là cái nền tảng, ngoại lực là cái hỗ trợ. Nhưng cũng cần phải nêu thêm. Nội lực, tức là sức mạnh tổng hợp, từ đó không chỉ bảo đảm ổn định và phát triển, mà còn bao gồm cả việc tạo điều kiện để có thể mở rộng hợp tác và hội nhập. Còn ngoại lực, nó có tính tích cực và chủ động riêng, tạo thêm động lực cho các bước phát cao hơn, chất lượng và bền vững hơn.

Bên cạnh đó là câu chuyện đối ngoại tiên phong và bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa. Trong việc này, điều quan trọng là xây dựng và làm sâu sắc các khuôn khổ quan hệ hợp tác ổn định, cùng có lợi và đan xen lợi ích với các nước, trước hết là với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác chủ chốt.

Ngoài ra, chủ động và tích cực tham gia vào thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, bao gồm cả về thông qua các thể chế đa phương, xây dựng các cơ chế, chương trình hợp tác và các qui tắc ứng xử chung. Vai trò của Việt Nam trong tham gia ASEAN hay LHQ đã thể hiện rõ điều này, vừa nâng cao vị thế, vừa tạo điều kiện tranh thủ nguồn lực cho đất nước.

Đặc biệt phải nắm rõ tình hình, cùng các cơ hội và thách thức, để từ đó có các quyết sách phù hợp, vừa ngăn ngừa được rủi ro, mà vẫn vừa tranh thủ được các cơ hội.

Cuối cùng, đó là việc kết hợp các kênh đối ngoại, từ đó tạo sự nhịp nhàng, đồng bộ và tranh thủ tốt nhất các điều kiện bên ngoài, trong đó bao gồm các kênh đối ngoại đảng, nhà nước và nhân dân, giữa các bộ ngành, giữa trung ương, địa phương và các doanh nghiệp.

Tóm lại, ở đây, có ba câu chuyện: Một là, bảo đảm độc lập tự chủ, lợi ích quốc gia; hai là, mở rộng hợp tác, hội nhập và tranh thủ cơ hội; ba là, phòng ngừa các rủi ro, bất lợi. Tựu chung lại là cần làm sao xử lý tốt các cặp vấn đề này, kết hợp cả đối ngoại và trong nước, sẽ chắc chắn hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu như nêu trên.

NĐT: Nhiều nước vừa và nhỏ đã luôn chọn một phương thức ngoại giao “đi dây”, nghĩa là khéo léo tồn tại giữa lợi ích của các nước lớn, cùng chơi với các nước lớn trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và phục vụ lợi ích cốt lõi của quốc gia mình. Nhưng, thưa Đại sứ, nếu trường hợp có tình huống xấu nhất, thế giới biến động tới mức các nước lớn tạo ra những tình huống bắt buộc các nước nhỏ phải chọn phe thì sao?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có mấy câu chuyện cần lưu ý. Trước hết, không có chuyện “đi dây”, hay “đu dây”, vì nói như vậy là nhắm về phía các nước lớn, còn chúng ta là dựa trên lợi ích quốc gia và đan xen hai bên cùng có lợi. Chúng ta nói “không chọn bên”, nhưng luôn đi cùng với chọn chính nghĩa và lợi ích quốc gia, đó là cái chủ động hợp tác với các nước, dù giữa họ có cạnh tranh, dựa trên sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích chung và luật pháp quốc tế.

Cạnh tranh nước lớn, thực tế có sức ép chọn bên hay không? Có chứ, đó là điều luôn luôn xảy ra! Các nước lớn, như Mỹ hay Trung Quốc đều nói là không buộc các nước phải chọn bên, nhưng thực tế, như ở khu vực này, các nước vẫn thấy đâu đó có cái sức ép cạnh tranh đó. Đơn cử, khi các nước này có các sáng kiến khác nhau, hay có những quan điểm khác nhau về các vấn đề ở khu vực. Vậy thì cần xử lý thế nào. Thế thì, cần căn cứ vào các nguyên tắc, lợi ích của ta và của chung, như nêu ở trên, mà xử lý cho phù hợp.

Chẳng hạn như việc chúng ta ủng hộ và tham gia các sáng kiến của ASEAN, trong đó có kết nối với cả các nước lớn, với Mỹ, với Trung Quốc, như về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, chuyển đổi số, hay ngay cả về an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển đông, dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS và DOC. Lựa chọn hàng hóa, sản phẩm hay dịch vụ, ta căn cứ vào lợi ích và tiêu chuẩn của chúng ta để lựa chọn cho phù hợp và tốt nhất, không thể coi đó là chọn nước này hay nước kia.

Do vậy, bài toán đặt ra là cần tránh bị kẹt bẫy cạnh tranh nước lớn, nhưng cũng không phải vì thế mà quá ngại bên này, bên kia, cẩn trọng nhưng cũng vẫn cần tranh thủ được các nước, nhất là các sáng kiến có lợi cho quốc gia và khu vực. Bài học về độc lập tự chủ, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế càng có ý nghĩa và quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay. Thực tế con đường Việt Nam lựa chọn trong nhiều năm qua cũng đã chứng minh điều đó.

NĐT: Vậy chúng ta lựa chọn cách ứng xử như thế nào đối với những vấn đề của thế giới như cuộc xung đột Nga – Ukraine chẳng hạn, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Như trên, chúng ta đã bàn về câu chuyện này, một câu chuyện phức tạp, nhiều chiều. Các nước trên thế giới cũng có sự khác biệt nhau rất nhiều trong quan điểm về cuộc xung đột này, cũng như về xử lý các hệ lụy của nó. Việt Nam cũng đã phải cân nhắc thận trọng và nhiều chiều, liên quan đến lợi ích quốc gia, đến các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác, đến bối cảnh, lịch sử phức tạp của khủng hoảng, vừa phải tính đến quan tâm chính đáng của các bên.

Và, chúng ta cũng đã thể hiện điều đó tại các dịp bàn về vấn đề này tại LHQ. Do đó, khi nhìn nhận thái độ ứng xử của Việt Nam, thì chắc chắn phải nhìn tổng thể, tất cả các chiều. Trước tiên là lá phiếu tại LHQ, nhưng chỉ như vậy thì hoàn toàn không đủ, lá phiếu cũng chỉ là một phần thể hiện thái độ của Việt Nam.

Thứ hai, đó là các phát biểu, tuyên bố chính sách của Việt Nam tại LHQ cũng như các diễn đàn khác, bao quát các nguyên tắc, các chủ trương, các cân nhắc của Việt Nam trong đó nhất quán ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi chấm dứt xung đột, kêu gọi đối thoại, tìm giải pháp hòa bình, giúp đỡ nhân đạo. Vì vậy, khi thấy ta bỏ phiếu trắng, thì cũng cần đặt trong các quan điểm nguyên tắc, cùng các phát biểu chính sách của Việt Nam.

Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, các Nghị quyết đưa ra bỏ phiếu ở LHQ thường do một bên khởi xướng và soạn thảo, cho nên ngoài các bên nguyên tắc chung, đâu đó vẫn có thể có những khía cạnh mang tính quan điểm của bên khởi xướng. Do vậy sau khi cân nhắc nếu các dự thảo không phản ánh đầy đủ, thì sẽ phải bỏ phiếu trắng, xem xét lá phiếu thì đồng thời luôn phải xem nội dung cụ thể của dự thảo như thế nào, là vì vậy. Đó là cách xử lý phù hợp, cân nhắc kỹ lưỡng và dựa trên các nguyên tắc.

Về xử lý của Việt Nam thời gian qua tại LHQ liên quan tới vấn đề Nga - Ukraine, chỉ xin khái quát chung những nét lớn như vậy, còn khi vận dụng cụ thể, trong mỗi tình huống, trên thực tế, chắc chắn còn nhiều điều phức tạp và còn khó khăn hơn nhiều.

NĐT: Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 01/05/2023 | 09:30