alt=

Đôi mắt biết nói của làng điện ảnh Việt Nam"

Sinh năm 1941 tại Quảng Ngãi, từ nhỏ Trà Giang đã cùng gia đình nếm trải những đắng cay của cuộc sống khốn khó. Lên 5 tuổi, NSND Trà Giang đã biết thế nào là mùi vị chiến tranh.

Những năm tháng chiến tranh, cả gia đình Trà Giang thường xuyên phải di tản để tránh giặc càn. Khi đó cô bé Trà Giang cũng phải theo gia đình di chuyển hết từ nơi này đến nơi khác.

Thời gian đoàn văn công của cha Trà Giang giải tán, cán bộ đoàn phải về tăng gia sản xuất. Bữa đói bữa no, gia đình Trà Giang vì thế mà cũng đói no theo những vất vả, khó khăn của cả đoàn.

Sau năm 1954, theo gia đình các cán bộ miền Nam, Trà Giang cũng được đưa ra miền Bắc và theo học ở Trường Học sinh miền Nam (trường dành cho con em cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc). Những ngày đầu mới ra miền Bắc, chị thường nhớ miền Nam đến mức òa khóc.

12 tuổi tập kết ra Bắc, theo lời khuyên của cha, NSƯT Nguyễn Văn Khánh: “Con rất ăn hình, con nên theo điện ảnh”, Trà Giang đã thay đổi ước mơ.

Là người rất ăn ảnh và có đôi mắt biết nói, Trà Giang nhanh chóng lọt qua vòng thi tuyển sinh, trở thành lớp diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh, cùng lớp với thế hệ Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi….

17 tuổi thi đỗ vào trường Múa, nhưng Trà Giang đã chọn trường Điện ảnh Việt Nam là nơi chập chững bước đi đầu tiên vào con đường nghệ thuật, và Trà Giang cũng là diễn viên Việt Nam đầu tiên cầm Huy chương Vàng, diễn viên nữ xuất sắc nhất tại một Liên hoan phim quốc tế toàn cầu. Tên tuổi của Trà Giang dần được khẳng định và trở nên không thể thay thế. Bà trở thành sự lựa chọn số 1 của nhiều đạo diễn

Năm 1962, Trà Giang được chọn vào vai chị Tư Hậu. Hình ảnh một người phụ nữ miền Nam bình thường thời kháng chiến chống Pháp sau những mất mát khổ đau đã kiên cường đứng lên chống áp bức, giành quyền sống đã làm rung động triệu trái tim khán giả đương thời.

Nhớ về vai diễn, bà từng tâm sự: “Nghề diễn nó lạ thế đấy, mình còn trẻ lại vào vai chững chạc. Thật ra, để vượt qua những khoảng cách về lứa tuổi hay văn hóa vùng miền không phải là khó nhưng cái khó khăn hơn và cũng là bí quyết để vai diễn thành công là nghệ sĩ cần phải sống thật với vai diễn, với cảm xúc. Có lẽ, tình yêu quê hương của ba đã truyền lửa cho chúng tôi dành hết trái tim mình hướng về quê hương”.

May mắn được sống trong một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của dân tộc, bên cạnh những khó khăn, vất vả, thiệt thòi do chiến tranh, Trà Giang và những diễn viên cùng thế hệ với bà có được vốn sống phong phú và những cảm xúc rất chân thật, sống động cho vai diễn của mình. Đó chính là một phần lí do khiến những vai diễn của bà và nhiều đồng nghiệp đều có được sự thành công và gây tiếng vang lớn.

Sẽ không quá nếu nói rằng, cái tên Trà Giang đã gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Mối tình đầu tiên và duy nhất

Là một người phụ nữ đẹp, nhưng cả cuộc đời mình, NSND Trà Giang chỉ có duy nhất một mối tình. Người đàn ông may mắn đó là cố Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc.

Gặp nhau và yêu nhau như một sự tình cờ, mối tình nghệ thuật cứ thế kéo dài trong miền thương nhớ.

Đám cưới của Trà Giang – Bích Ngọc diễn ra vào một ngày yên bình năm 1967 - là một đám cưới giản dị đến bất ngờ. Một đám cưới ấm cúng, giản dị trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh ngặt nghèo.

Trà Giang khắc khoải: "Hồi ấy, tôi 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng, tôi đã gặp may khi lấy được anh ấy. Khi chồng tôi còn sống, tôi đã nói điều này với anh bởi tấm lòng, sự hiểu biết và sự hy sinh mà anh ấy dành cho mình.

Yêu và lấy nghệ sĩ, anh ấy phải đối diện với nhiều điều ra tiếng vào, kể cả những đồn đại trong giới nghệ sĩ. Nhiều người hỏi anh, có ghen không? Ai mà không ghen, nhưng đã xác định vợ là nghệ sĩ rồi mà.

Tôi đã được gặp một người chồng bao dung, đức độ và thương vợ hết lòng. Tôi sinh được duy nhất một người con gái là Bích Trà, ghép tên đệm của mẹ và cha. Bích Trà đã theo nghiệp đàn của bố.

Thời bao cấp, nhà nghèo nhưng chúng tôi cũng dành dụm tiền mua đàn piano cho con, nhắc nhở con học hành đến nơi đến chốn và không được lùi bước. Chỉ tiếc là anh Bích Ngọc đã không được chứng kiến thành quả của Bích Trà sau 26 năm xa Tổ quốc và lập nghiệp nơi đất khách, không tận hưởng được hạnh phúc mà anh ấy luôn mơ về con gái mình…".

Với NSND Trà Giang, điều khiến bà yêu và cảm phục nhất ở chồng mình chính là ý chí bền bỉ và sự đồng điệu về tâm hồn giữa hai con người.

Nhìn hình ảnh Trà Giang qua các thước phim, người xem như hình dung rõ diễn biến của một phần cuộc đời diễn viên. Từ hình ảnh tươi trẻ thiếu nữ trong bộ phim đầu tiên, đến đàn bà hơn, bi kịch hơn, bắt đầu vào vai những người vợ, người mẹ.

Thời gian chảy qua những thước phim nhưng có những năm tháng mãi mãi dừng lại ở đó, trên màn ảnh và trong trí nhớ của khán giả. Và chợt hiểu rằng, diễn viên là một nghề đáng để theo đuổi.

Khoảng lặng bình yên sau bão tố

Ngày đó đời sống nghệ sĩ vô cùng khó khăn. Ngay cả Trà Giang – một nữ diễn viên nổi tiếng cũng không phải ngoại lệ.

Sau khi cô con gái Bích Trà – con gái đầu lòng và cũng là duy nhất của vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc chào đời, cuộc sống của gia đình Trà Giang càng thêm vất vả.

Muốn mua cho con một cây đàn dương cầm, nhưng phải dành dụm rất nhiều năm, vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc mới có đủ số tiền để thực hiện ước mơ đó. Thế nhưng tất cả những khó khăn đó không làm cho tình yêu của vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc thay đổi.

Đến cuối đời, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm yêu thương, chân thành và say đắm.

Sự đồng điệu về tâm hồn đã khiến họ gắn bó suốt mấy chục năm trời, cho đến khi Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Bích Ngọc ra đi vì bạo bệnh cách đây hơn 10 năm.

Đến giờ nhắc đến chồng mình, nhớ đến những kỉ niệm về chồng, nhớ đến sự quan tâm của người chồng quá cố, bà vẫn rơi nước mắt.

Sự ra đi của Bích Ngọc đã để lại trong lòng Trà Giang một nỗi trống vắng không thể bù đắp được.

Con gái Bích Trà – kết quả của tình yêu giữa Trà Giang và Bích Ngọc đã trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng, là niềm tự hào vô cùng của “Chị Tư Hậu” ngày nào.

Bích Trà cũng là “nhân vật” quen thuộc trong các tác phẩm hội họa của Trà Giang, là tình yêu và niềm an ủi của Trà Giang sau khi người bạn đời đi xa.

Lạ lẫm hơn hình ảnh Trà Giang áo sơ mi và quần jeans xắn gấu cao đều rộng thùng thình, ngồi vẽ trong một góc nhà bừa bộn.

Người nghệ sĩ già tìm đến với hội hoạ như là cách để giải toả bớt đi nỗi buồn, nỗi cô đơn trống trải trong lòng. Mỗi lần tìm được gam màu chuyển tải cảm xúc là một lần bà tìm được một niềm vui nho nhỏ mà ngay chính bà cũng khó cắt nghĩa.

Bà vẽ, để nhận ra “mình vẫn còn niềm đam mê nghệ thuật” . Nhưng, đây là niềm đam mê mới, với màu sắc chứ không phải với việc đứng trước ống kính.

Bà bảo: “Tôi chỉ là diễn viên vẽ thôi. Vẽ và bán tranh lấy tiền làm từ thiện chứ đâu theo đuổi nghệ thuật hội họa cao siêu”.

Giữa Sài Gòn rộng lớn cho những nỗi nhớ thương của riêng mình, giữa những thanh âm biến chuyển liên tục của đời sống giải trí, ba từ “diễn viên vẽ” đủ để biết bà vẫn còn tiếc nuối và “quấn quít” với điện ảnh lắm.

Vẽ tranh cũng là cách bà "đi" lại dọc chiều dài đất nước, những nơi mà bà đã dừng chân để hóa thân vào vai diễn của mình.

Những bức tranh của bà cũng như những vai diễn và cũng là chính cuộc đời bà, ở vào lứa tuổi nào, thời điểm nào cũng nhẹ nhàng, duyên dáng và điềm tĩnh.

Bà khiến chúng ta trân trọng về những thành quả nghệ thuật đầy dấu ấn của một thời vang bóng.