Bán bè là cách nhiều người chọn để xử lý khủng hoảng nợ nần trước mắt, để dứt áo từ bỏ nghề nuôi cá. Nhưng, có lẽ họ cũng đau đớn lắm khi phải từ bỏ cái nghề đã gắn bó hằng chục năm trời.

Rớt nước mắt bán bè để lên bờ

Đặt chân đến làng bè La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai vào một ngày cuối tháng Năm, nước trên sông La Ngà cạn trơ đáy, nên nhìn làng bè khô khan, nhếch nhác đến đau lòng. Đáng buồn hơn là nhiều người làng bè sau sự cố 1.000 tấn cá chết hôm 16/5 vừa qua đã bỏ lại mọi thứ, bán bè lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Nhiều người dù buồn, dù không muốn quay lưng lại với những gì đã gây dựng, nhưng nợ nần chồng chất, sự cố liên tục khiến họ không thể cố gắng ở lại được nữa.

La Ngà

Khi PV bước lên một chiếc ghe cũ kỹ của anh Nguyễn Văn Khoái, ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, là lúc anh Khoái đang chuẩn bị ăn bữa cơm cuối trên bè, để chia tay bè lên bờ đi làm ăn. Anh Khoái cho biết, gia đình anh gắn bó với nghề nuôi cá bè trên sông La Ngà đến nay đã hơn 14 năm.

Trước đây, ai cũng kháo nhau “giàu nuôi cá - khá nuôi heo”. Những năm trước đây việc nuôi cá diễn ra khá thuận lợi. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh cũng đỡ vất vả hơn. Thời gian đó, nếu cá chết thường cũng chỉ là chết ít con vì ngạt hay những sự cố nhẹ. Ấy vậy mà hai năm nay, tai họa ập xuống liên tục khiến người nuôi cá trở tay không kịp.

“Năm ngoái cũng chết cá chưa vực lại cuộc sống, nợ nần đang chồng chất, cứ nghĩ lứa cá năm nay sẽ giúp gia đình ổn lại. Vậy mà chỉ sau một đêm dài tỉnh dậy đã không thể tưởng tượng nổi trước mắt mình là gì. Cá chết trắng bè, hàng trăm triệu đồng đang nổi trắng bụng hết cả, chẳng còn gì, mất hết. Nợ cũ, nợ mới, bao nhiêu dự định, bao nhiêu hứa hẹn coi như chấm hết, chẳng thể làm gì, bất lực”, anh Khoái buồn bã nói.

Theo anh Khoái, vì cá mà đến nay tổng cộng gia đình anh đang nợ hơn 400 triệu đồng chưa biết phải lấy đâu xoay xở để trả. “Mất trắng rồi, gia đình tôi không còn biết bấu víu vào đâu, không còn gì để phấn đấu và chăn nuôi nữa. Cả gia tài giờ chỉ còn cái bè này, nhưng bán rồi, chiều qua người ta mới giao tiền. Ăn nốt bữa cơm này là tôi phải bàn giao lại bè cá cho người ta rồi lên bờ đi thuê nhà ở, làm thuê, làm mướn”, anh Khoái buồn rầu chia sẻ.

Anh Khoái cho biết, khoản tiền bán bè cá được 80 triệu đồng chỉ gần đủ tiền vay mượn bên ngoài đã đến hạn trả. Còn khoảng 300 triệu đồng đang thiếu nợ của đại lý thức ăn cho cá, anh chưa biết lấy nguồn ở đâu để trả.

Nợ cũ chồng nợ mới

Chung cảnh ngộ với anh Khoái có gia đình ông Võ Văn Thảo, ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán. Ông Thảo cho biết, năm 2018 gia đình ông cũng bị thiệt hại 200 tấn cá là khoảng 6 tỷ đồng. Sau đó, ông cố vay mượn để nuôi lại bè mong đợt này vớt vát kiếm tiền trả nợ.

“Mong là lứa cá này trả hết nợ, nhưng rồi người tính không bằng trời tính, và lại mất hết. Trước khi sự cố lần này xảy ra, bè tôi có gần 10 tấn cá đã đến tuổi xuất bán. Tôi hẹn thương lái đến cân rồi, nhưng thương lái chưa kịp đến cân thì cá đã chết trắng bè”, ông Thảo buồn rầu nói.

La Ngà

Ông lo lắng nói thêm: “Gần 30 tấn cá đi sạch sau một đêm và giờ mất hết, nợ cũ nợ mới chồng lên nhau chẳng biết phải sống thế nào nữa. Không có đồng tiền nào, cá mất sạch vậy mà tiền tỷ phải lo, nợ đã lên con số bạc tỷ. Giờ cũng chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố nguyên nhân khiến cá chết, để dựa vào đó bồi thường hoặc hỗ trợ cho chúng tôi, rồi giúp chúp tôi cố gắng làm ăn trở lại”, ông Thảo tâm sự.

Ngồi trong túp lều tạm rách bán nước bên bờ sông, đưa ánh mắt mệt mỏi nhìn ra phía sông nơi bè cá của mình hàng ngày neo đậu, nhưng giờ chỉ còn lại mặt nước đục ngầu, vì toàn bộ cá đã chết sạch, một số dèo nuôi cá đã bị gãy chìm xuống sông, anh Huỳnh Văn Sang (47 tuổi) một ngư dân có gần 30 năm thâm niên nuôi cá bè tại đây rầu rĩ cho biết, trong đợt này toàn bộ 6 dèo cá diêu hồng và một bè cá lăng được bốn tháng tuổi của gia đình đều bị chết hết, thiệt hại khoảng 32 tấn cá các loại.

"Năm ngoái, gia đình tôi cũng có khoảng 70 tấn cá bị chết. Năm nay gia đình chúng tôi lại trắng tay. Cá chết không còn một con, không những vậy phần lớn dèo nuôi cá cũng bị gãy và chìm xuống sông. Toàn bộ vốn liếng hàng trăm triệu đồng bỏ vào đây, gia đình tôi đều phải vay mượn đã tiêu tan theo cơn mưa đầu mùa, giờ không biết lấy đâu ra mà trả”, anh Sang nói.

Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Trí (người dân nuôi cá gần 20 năm trên sông La Ngà) cũng cho hay: “Trong 2 năm trở lại đây, những hộ dân nuôi cá ở dưới khu vực suối Tam Bung bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, vì cá liên tục bị chết hàng loạt. Còn một số hộ ở phía trên thượng nguồn thì hầu như không bị thiệt hại nhiều".

"Tình trạng cá chết liên tục khiến người dân chúng tôi trắng tay, nếu chính quyền địa phương không tìm ra nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, thì người dân chúng tôi đành bỏ nghề thôi chứ đâu dám đầu tư tiền mua cá giống về nuôi. Từ năm ngoái đến nay cá nuôi trên sông La Ngà đã chết bất thường đến 3 lần. Người dân chúng tôi trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…”, anh Trí lo âu.

Ngoài ông Thảo, anh Khoái, anh Sang, anh Trí, còn rất nhiều người gặp cảnh ngộ này, giờ đây họ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Giữ bè cũng không có vốn làm ăn, bán bè thì coi như mất trắng không biết gia đình sẽ đi đâu, về đâu…

Rời sông, PV lên bờ dọc theo Quốc lộ 20 về trung tâm huyện Định Quán, gặp lãnh đạo huyện nhằm nắm bắt thêm tình hình hiện tại. Qua trao đổi với PV, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, tình trạng cá nuôi bè chết thường xuyên xảy ra vào dịp giao mùa, khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa.

La Ngà

Thời điểm này nước sông xuống cạn, khi xảy ra mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống, cộng với lượng bè nuôi dày, khiến lượng ô xy hòa tan trong nước tụt giảm dẫn đến hiện tượng cá chết. Sự cố cá chết xảy ra, huyện đã nhanh chóng báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài nguyên Môi trường.

Ngay sau đó cán bộ chuyên môn đã về bè cá tiến hành khảo sát thực tế và lấy 12 mẫu nước đi phân tích. Đến thời điểm này chưa có kết quả phân tích. “Hiện tại vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm và khi có thì sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất”, ông Tài nói.

1.000 tấn cá chết vì… thiếu ô xy

Trước đó, rạng sáng ngày 16/5, sau cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, hàng chục hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà đoạn qua 2 xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) bất ngờ phát hiện cá chết hàng loạt. Sau khi rà soát, xác định tổng trọng lượng cá chết lên đến khoảng 1.000 tấn.

Sau khoảng 10 ngày xác minh điều tra, đến cuối chiều ngày 27/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, hiện ngành chức năng đã xác định nguyên nhân dẫn đến 1.000 tấn cá chết.

Khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá ở làng bè La Ngà, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân khiến 1.000 tấn cá chết là do thiên tai, giống với nguyên nhân khiến gần 2.000 tấn cá chết vào cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, thời điểm cá chết hàng loạt, nguồn nước sông La Ngà ở khu vực xảy ra sự việc “có nồng độ ô xy hòa tan (DO) ở mức thấp, chỉ 2.6-3.2 mg/lít (mức thông thường phải từ 4 mg/lít trở lên), nồng độ Amoni và Nitrite vượt ngưỡng cho phép từ 10-20 lần.”

La Ngà

Ông Chánh cho biết, khu vực nuôi cá được UBND tỉnh quy hoạch và có khuyến cáo, tuyên truyền trước mỗi mùa mưa. “Vào mùa này, mực nước ở sông La Ngà rất thấp. Khi mưa lớn đột ngột đổ xuống, nhiều tạp chất, rác thải từ thượng nguồn đổ về khiến lượng ô xy thiếu hụt dẫn đến cá chết hàng loạt. Do năm nay rất nhiều hộ dân bán cá trước, nên thiệt hại chỉ còn nửa so với năm ngoái”, ông Chánh nói.

Cũng theo ông Chánh, việc người dân cho rằng cá chết do ô nhiễm là không chính xác. “Dọc sông La Ngà có nhiều nguồn xả thải ra sông, nhưng lâu nay được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống quan trắc đầy đủ. Khi sự việc xảy ra, lực lượng cảnh sát cũng vào cuộc, nhưng chưa thấy dấu hiệu cá chết do xả thải gây ô nhiễm. Hiện, đã xác định rõ nguyên nhân, nên vài ngày tới chúng tôi sẽ công bố cho người dân”, ông Chánh nói.