Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô.

Người Đưa Tin (NĐT): Từ mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng trước đây, ngày nay Điện Biên đang không ngừng nỗ lực, khoác lên mình một diện mạo phát triển mới. Xin ông cho biết, Điện Biên xác định chiến lược và cách làm cụ thể như thế nào cho chặng đường phát triển tiếp theo?

Ông Lê Thành Đô: Trải qua gần 70 năm kể từ Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn không ngừng nỗ lực để từng bước đưa tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Trên cơ sở những bước tiến đã đạt đươc, tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2030 là trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá, trung tâm du lịch, dịch vụ của trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái quốc gia. Người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc.

Với mục tiêu phát triển đột phá, nhanh và bền vững trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đang tập trung thực hiện những chương trình lớn sau đây:

Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển mạnh diện tích cây mắc ca ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chính sách chung của tỉnh là gắn kết giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết với người dân thông qua đại diện của người dân là mô hình hợp tác xã.

Thứ hai, đưa du lịch của Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột, trong đó quan trọng nhất là bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.

Thứ ba, phát triển về kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với việc phát triển đô thị. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, kết cấu hạ tầng được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ phần kết cấu hạ tầng về nông thôn như đường, điện, trường, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân được tiếp cận sớm với những dịch vụ thiết yếu.

NĐT: Doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, mang tính then chốt cho sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp ở Điện Biên còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, tỉnh có quan điểm và cách làm như thế nào để phát triển đội ngũ doanh nghiệp?

Ông Lê Thành Đô: Hiện nay, Điện Biên là một trong những tỉnh vùng Tây Bắc có số lượng doanh nghiệp được thành lập ở mức tăng trưởng khá, với trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong những năm qua, nhờ việc chính quyền các cấp thay đổi tư tưởng, tác phong làm việc từ “cấp phép” sang “phục vụ” đã góp phần khuyến khích và hỗ trợ tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay vì 3 ngày làm việc theo quy định, hiện nay đã rút xuống còn 2 ngày làm việc và ít hơn. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, năm 2023 tỉ lệ này đạt đến trên 90%.

Trong thời gian tới, Điện Biên xác định việc phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp là chiến lược lâu dài, nhất quán xuyên suốt và mang tính đột phá đòi hỏi các cấp, các ngành thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt, trong đó chú trọng làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là về miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, Điện Biên sẽ đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế có uy tín và năng lực về đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.

Thứ tư, với đặc thù là tỉnh có lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, tỉnh sẽ tăng cường công tác tư vấn, định hướng và hỗ trợ, phát triển mạnh mẽ các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng tập trung.

Thứ năm, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường, chuyển đổi số, kinh tế số.

Thứ sáu, duy trì và đa dạng hóa hình thức tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo sự đồng thuận, gần gũi đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện các thủ tục đầu tư, đầu tư xây dựng và khai thác vận hành các dự án theo quy định của pháp luật.

NĐT: Đối với từng địa phương sẽ xác định những lĩnh vực đặc thù để thu hút các nhà đầu tư nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển cũng như tạo sự riêng biệt và cạnh tranh so với các địa phương khác. Với Điện Biên, tỉnh xác định “bộ lọc” đối với các nhà đầu tư, các dự án như thế nào?

Ông Lê Thành Đô: Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời là tỉnh giàu tiềm năng du lịch và tiềm năng về đất đai, với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng phong phú và thuận lợi về giao thương quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc.

Vì vậy, tỉnh định hướng thu hút đầu tư vào 5 ngành, lĩnh vực quan trọng bao gồm: Nông- Lâm nghiệp; Du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Thương mại - Dịch vụ; Công nghiệp chế biến và năng lượng. Trong đó: Nông - Lâm nghiệp là nền tảng; Xây dựng là động lực; Du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phát triển tỉnh.

Với định hướng của tỉnh là phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh xây dựng cho mình “bộ lọc”, trong đó ưu tiên thu hút đối với một số nhóm nhà đầu tư.

Một là, thu hút các nhà đầu tư, dự án đầu tư có hiệu quả, phát triển bền vững.

Hai là, các nhà đầu tư với các dự án đầu tư nhằm phát triển dịch vụ, thị trường bất động sản lành mạnh.

Ba là, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bốn là, các nhà đầu tư vào đầu tư khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp.

Cuối cùng là, các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, đảm bảo sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

NĐT: Trong bối cảnh các địa phương đều chuyển động, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư để cạnh tranh thu hút đầu tư, Điện Biên sẽ làm như thế nào để vừa duy trì mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư vừa thu hút được những dự án có chất lượng, thưa ông?

Ông Lê Thành Đô: Hằng năm, UBND tỉnh đều xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư có mục tiêu, các dự án trọng tâm, trọng điểm phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Điện Biên sẽ xác định một tinh thần sẵn sàng đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong qua trình triển khai thực hiện dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tăng cường xây dựng và hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với xúc tiến đầu tư; phát triển Chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu mở hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tỉnh sẽ phát huy vai trò và sự phối hợp của Hiệp hội danh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xem đây là một kênh thông tin quan trọng để tiếp nhận, xử lý những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đồng thời cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của tỉnh trở lại với các doanh nghiệp.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc cho “đường xuân” của Điện Biên ngày càng rộng mở.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 26/04/2024 | 09:00