Người Đưa Tin (NĐT): Hana Ban Mê được biết đến là một trong những người trẻ mở đầu cho phong trào rời phố về quê ở Việt Nam, vậy động lực ở đâu khiến Hana quyết định thay đổi hoàn toàn để gắn mình với cuộc sống bình yên ở quê nhà? Liệu đây có phải là quyết định mang tính thời điểm hay không?

Hana Ban Mê: Mình đã xác định chọn cuộc sống gắn liền với quê hương từ khi mình là học sinh trung học. Từ hồi đó mình đã nghĩ rằng sau này sẽ sinh sống và làm việc tại quê hương. Mình chỉ xác định như vậy thôi, chứ chưa có kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì.

Suy nghĩ đó theo mình đến khi mình là sinh viên, xa gia đình, xa Tây Nguyên đến với bậc nhất đô thị - thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian ở thành phố là quãng thời gian mình dành cho việc học tập, trải nghiệm và thử thách bản thân. Cũng là thời gian mình dành cho sự chuẩn bị để tích lũy được kinh nghiệm và tài chính, mang theo hành trang để về “làm gì đó” có ích cho nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Điều mình muốn nói ở đây là việc chọn cuộc sống ở quê đã được hình thành trong mình từ rất lâu. Chỉ là mình không nghĩ nó sẽ diễn ra trong thời điểm sớm như vậy, hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của mình. Mình vẫn nghĩ rằng sẽ chờ khi nào mình lập gia đình và có đủ khả năng, đủ tiềm lực về tài chính thì mới về quê.

Mọi chuyện bắt đầu khoảng 2 năm trước, mình phải dừng lại công việc kinh doanh ở thành phố do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lúc đó mình đã rất stress. Mình quyết định về quê với mong muốn duy nhất là dành thời gian để tự xem xét, đánh giá lại bản thân và suy nghĩ về hành trình của bản thân. Điều mình đắn đo, tự hỏi đó lúc đó là “sống hạnh phúc là như thế nào?”.

Và không ngờ, để trả lời cho câu hỏi trên, mình đã “đánh đổi” bằng việc ở quê đến bây giờ. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, nhưng lại khớp với những điều mình đã ấp ủ từ lâu.

NĐT: Thời gian đầu khi thay đổi quyết định, cũng là bước ngoặt khá lớn của cuộc đời, đặc biệt là khi mọi thứ được diễn ra sớm hơn dự định. Hana đã gặp phải những khó khăn gì?

Hana Ban Mê: Vì mọi thứ đến với mình khá bất ngờ, nên mặc dù có xác định từ đầu sẽ gắn bó với quê hương nhưng mình chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc sẽ làm gì. Vậy nên, khó khăn đầu tiên của mình là việc định hình mình sẽ là “mảnh ghép” nào ở quê hương Tây Nguyên.

Tất cả những gì mình có khi rời phố về quê đều rất chênh vênh. Mình có những ước mơ lớn nhưng không biết bắt đầu từ đâu, nên mình đã chịu nhiều áp lực trong việc tìm ra đáp án cho bài toán định hướng về sự nghiệp và công việc.

Khó khăn thứ 2 là những áp lực từ phía gia đình. Khi mình bắt đầu việc quay clip trong mắt ba mẹ đó chỉ là điều “vớ vẩn” vì những thứ mình quay quá bình thường, đó là lên rẫy, hái bơ, hái sầu riêng, chăm gà,... Đi đâu cũng thấy mình cầm điện thoại đi quay và đêm nào cũng thức muộn để chỉnh video nên ba mẹ rất lo lắng cho tương lai của mình đặc biệt khi mình cũng đã khá lớn tuổi. Thú thật khoảng thời gian đầu, mỗi ngày ngồi ăn cơm, phải đối mặt với ba mẹ là thực sự rất áp lực.

Thứ 3 là khó khăn về tài chính, vì khi mà mình dừng công việc kinh doanh trên Tp.HCM, mình vẫn mang một khoản nợ. Trong túi mình thật sự không còn đồng nào. Thời điểm đó mình đã rất trầy trật. Vì đam mê đến đâu mà không có đủ tài chính thì cũng sẽ có rất ít lựa chọn và cơ hội.

NĐT: Đối mặt với những khó khăn trên, với một cô gái bé nhỏ quả là một điều không phải đơn giản, bạn đã đối mặt và vượt qua những khó khăn trên ra sao, điều gì đã giúp bạn có thể tiếp tục đi trên hành trình của mình đến ngày hôm nay?

Hana Ban Mê: Mình thấy áp lực nhất là khi cả gia đình, mọi người xung quanh, trên mạng bàn tán về mình. Khi tất cả mọi người đều có ý kiến trái chiều đổ dồn về mình như thế thì liệu mình có thực sự “điên rồ” hay không. Đó là những thời điểm mình thậm chí không còn tin vào chính bản thân.

Nhưng may mắn lúc đó, bạn bè luôn bên cạnh động viên và lắng nghe mình. Ngoài ra thì trên mạng, bên cạnh những luồng suy nghĩ tiêu cực thì cũng có rất nhiều người ủng hộ, yêu thương và đồng hành mình. Khiến mình như cảm thấy như có chút ánh sáng le lói cuối đường hầm.

Hành trình rời phố về vườn của mình cũng nhận được sự đồng hành của rất nhiều anh chị làm trong ngành nông sản, đã từng trải qua những khó khăn khi làm nghề, giúp mình có thêm niềm tin, nhận ra được sự đồng điệu.

Hơn nữa, sau này ba mẹ dần dần cũng hiểu và ủng hộ mình hơn. Đó là động lực cho mình, dù sắp tới có thể có chông gai nhưng mình vẫn có thể bước tiếp được.

NĐT: Hành trình khởi nghiệp của cô gái trẻ “rời phố về vườn” gắn với những short-video (video ngắn) trên nền tảng mạng xã hội, bạn đã bén duyên với các nền tảng trên như thế nào?

Hana Ban Mê: Lúc đó, có rất nhiều trang thông tin nổi tiếng để mọi người chia sẻ video, đặc biệt là giới trẻ, mình cũng bị thu hút bởi những video đó. Mình cảm thấy việc tạo ra những video đó rất hay nên đã quay thử.

Quyết định về vườn của Hana là để trả lời cho câu hỏi mình sống để làm gì, rồi mình nhận ra mình muốn sống để cho bản thân mình hạnh phúc. Nên ban đầu mình quay video chỉ với mục đích đó sẽ là cuốn nhật ký giúp mình lưu giữ lại cột mốc “sống cho hạnh phúc của bản thân”.

Thời gian đầu mình làm clip thì hầu như không có ai xem, lâu lâu có 1-2 người xem là mình cũng thấy vui rồi. Rồi có một đêm, clip của mình được chạm mốc 3 nghìn người xem, mình thực sự vỡ oà, niềm vui này thực sự là rất lớn, mình gần như không tin vào mắt mình.

Sau đó nhiều bạn cũng để lại những bình luận, cũng có lời khen, đó là động lực của vì mình nhận ra là hoá ra những video mình làm nó có giá trị tinh thần, cũng được mọi người đón nhận.

Dần dần, khi được mọi người biết đến và ủng hộ, mình mới mở rộng, chỉn chu hơn trong cách quay. Chứ ban đầu clip của mình rất thô sơ và đơn giản.

NĐT: Quay trở lại câu chuyện rời phố về quê, cũng như Hana, rất nhiều bạn trẻ đã gặp nhiều khó khăn khi xa thành phố để về quê hương. Phải chăng, rời phố về quê là hành trình nhiều khó khăn, vất vả. Hana có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Hana Ban Mê: Mình phải khẳng định rằng, rời phố để về quê là hành trình không hề đơn giản và dễ chịu như mọi người vẫn tưởng. Không chỉ lập nghiệp ở quê mà làm gì cũng vậy, cũng sẽ có khó khăn, không đến lúc này thì sẽ đến lúc khác. Xác định gắn bó với quê hương, rời xa đô thị tấp nập thì trước hết sẽ phải xác định được ý chí, không sợ khó, sợ khổ.

Mình nghĩ rằng khi đưa ra quyết định, các bạn trẻ nên đặt ra câu hỏi có dám đánh đổi để có được hạnh phúc hay không, nếu câu trả lời là có thì cứ thực hiện, cứ dấn thân và đương đầu với khó khăn.

NĐT: Hana đã đề cập từ đầu về việc tìm câu trả lời cho hạnh phúc của bản thân. Vậy đối với Hana, hạnh phúc là gì?

Hana Ban Mê: Để định nghĩa chính xác hạnh phúc là gì thì có lẽ hơi khó, thậm chí quan niệm về hạnh phúc của mình nhiều khi cũng hơi “khác”. Nói một cách đơn giản, với mình hạnh phúc của mình là mình được hiểu bản thân, mình được sống theo đúng giá trị mà mình không muốn.

Mình cảm thấy mình có thể được tự do trong suy nghĩ, trong hành động, khi đưa ra quyết định và thoải mái đón nhận mọi cơ hội mà không có bất kỳ rào cản nào, thì đó là hạnh phúc.

Hạnh phúc còn là việc mình được thấy ba mẹ thay đổi cái nhìn về mình, từ việc nghi ngờ chuyện mình làm chuyển sang ủng hộ, tin tưởng và tự hào về mình. Chia sẻ một chút là từ khi mình trở về quê, không phải ai cũng hiểu những gì mình đang làm, đôi khi họ chỉ cảm thấy khó hiểu khi một đứa có nhiều năm lăn lộn tại Sài Gòn lại về bám vườn, lên rẫy và cầm điện thoại tự nói một mình. Có rất nhiều người hỏi ba mẹ mình rằng tại sao mình không đi làm ở công ty, có phải mình thất nghiệp hay không. Mặc dù câu trả lời của ba mẹ mình ra sao, nhưng thời điểm hiện tại mình chắc chắn rằng, ba mẹ mình tin mình và biết mình đang thực sự nghiêm túc với cuộc đời, với sự nghiệp của mình.

Mình rất thích câu nói “Go big or go home” (một câu nói động viên người khác can đảm hơn khi đưa ra quyết định – PV), đến bây giờ khi có sự tiếp sức của ba mẹ là nền tảng, mình sẵn sàng với mọi thử thách, mọi khó khăn. Hạnh phúc của mình chỉ nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng như vậy là đủ rồi.

NĐT: Trước Hana, có rất nhiều bạn trẻ đã trở thành những nhà sáng tạo nội dung với những video vui nhộn, mang tính cập nhật với xu hướng, phần nào thể hiện cuộc sống “nhanh" hiện nay. Tuy nhiên những gì Hana truyền tải tới mọi người lại mang một nét khác, đó là sự nhẹ nhàng, bình yên, giản dị của cuộc sống “cây nhà lá vườn". Lý do gì khiến bạn chọn hướng đi phát triển những nội dung trên?

Hana Ban Mê: Mình có quan niệm là “nông dân có gì nói đó", vậy nên thay vì chọn theo những thứ bắt kịp xu hướng thì mình muốn tập trung về những thứ xung quanh bản thân mình hơn. Mình có cái gì, mình làm cái đó.

Mình rất thích tạo những thước phim liên quan đến quê hương Tây Nguyên, đến cuộc sống ba mẹ mình và mình nhận thấy mọi thứ đều có vẻ đẹp riêng mà đôi lúc bị lãng quên. Đó là cảnh mẹ rang tiêu, lựa từng hạt lạc, là cảnh ba vác cuốc lên rẫy hay là cảnh các cô bác xung quanh vui cười trồng khoai, sắn. Bức tranh cuộc sống hàng ngày giản dị thôi, nhưng đối với mình lại mang một nét đẹp mà không đâu có được.

Mình tự nhận một “nhiệm vụ” là lưu lại những khoảnh khắc bình dị, chất phác đó cho nơi mình sinh ra và lớn lên. Thật sự nhiều khi xem lại những thước phim đã quay, mình vẫn bị rung động bởi vẻ đẹp của chính quê hương mình. Đây cũng là lý do mình muốn lan toả, chia sẻ nó đến với mọi người.

Những video liên quan đến cuộc sống người nông dân, nông sản ban đầu có thể sẽ kén người xem, nhưng mình đang hướng tới xây dựng nội dung gần gũi hơn để nhận được sự đón nhận nhiều hơn của mọi người.

NĐT: Các nhà sáng tạo nội dung luôn phải đổi mới mình, đó là điều chắc chắn. Bạn đã có những dấu mốc thành công đầu qua những clip giới thiệu về nông sản của Tây Nguyên, về cuộc sống trồng trọt, chăn nuôi hay về những khó khăn trong các vụ mùa của người nông dân Việt. Trong thời gian sắp tới, bạn có dự định sẽ tiếp tục phát triển nội dung theo hướng trên hay đi theo một hướng đi mới?

Hana Ban Mê: Mình cảm thấy rất vui khi có thể góp phần cho việc giúp nhiều người biết tới cuộc sống của nhà nông nói chung và nông nghiệp Tây Nguyên nói riêng, đặc biệt khi có thể chia sẻ về những điều ít người biết về vùng đất cao nguyên nắng gió quê mình.

Ví dụ như mọi người thường biết đến hương vị đặc biệt của cafe khi thưởng thức, nhưng ít người được biết đến rằng hoa cafe cũng mang một vẻ đẹp đến nao lòng, những bông hoa trắng nở rộ như tuyết rơi giữa núi rừng Tây Nguyên. Khoảnh khắc được đi dưới rừng hoa cafe, với hương thơm đặc trưng, là điều mà mình rất muốn được chia sẻ với mọi người.

Hành trình về quê của mình, ngoài xây dựng cho mình một công việc, một hướng đi thì đây cũng là quá trình mình học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Về vườn với nhiều bạn quan niệm sẽ là trồng rau nuôi cá. Nhưng với mình thì khác. Mình coi bản thân là người song hành cùng những người nông dân như ba mẹ mình, lan tỏa giá trị của nông sản đến nhiều người biết hơn, đó là nhiệm vụ của mình. Không chỉ nông sản của Tây Nguyên mà còn nhiều nông sản trên đất nước.

Bên cạnh những video mà mình quay, mình muốn mở rộng đến những câu chuyện phía sau của nhà nông, chẳng hạn như những câu chuyện dân nhà vườn tạo ra quả bơ mất nhiều công sức ra sao và phải chặt đi vì mất mùa như thế nào. Đó là dự định trong thời gian tới của mình, được đồng hành cùng nông sản Việt.

NĐT: Nông nghiệp vẫn là điều gì đó xa lạ với người trẻ, Hana nghĩ như thế nào về cái nhìn của người trẻ hiện nay?

Hana Ban Mê: Ban đầu mình có đặt ra câu hỏi rằng, liệu mọi người, nhất là người trẻ có thực sự quan tâm đến nông nghiệp hay không.

Nhưng rồi mình đã được gặp nhiều người và được nghe nhiều chia sẻ của họ về làm nông nghiệp. Mình nhận ra, bản thân sâu trong mỗi người, chắc chắn đều muốn góp sức cho việc phát triển nông nghiệp quê hương. Họ rất sẵn sàng ủng hộ cho các sản phẩm của nước ta, đúng theo câu nói “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Giống như hành trình của mình, rồi một lúc nào đó, sẽ ngày càng nhiều người trẻ bỏ qua sự phân vân và đặt niềm tin vào nông nghiệp Việt Nam.

NĐT: Hiện nay Hana đang tận dụng nền tảng số cho việc quảng bá các sản phẩm nông sản tại Tây Nguyên, bạn cảm thấy cách tiếp cận này đem lại những thay đổi gì cho nền nông nghiệp Việt Nam?

Hana Ban Mê: Cá nhân mình nghĩ, thời điểm hiện tại sự thay đổi chưa quá lớn, nhưng nó đánh dấu những cột mốc. Đó là nhờ vào các nền tảng số mà nông sản Việt sẽ được đến tận tay người tiêu dùng dễ dàng hơn, khâu vận chuyển cũng có nhiều thuận lợi hơn. Mọi thứ được kết nối trực tiếp với nhau, hạn chế phải thông qua nhiều khâu trung gian. Ngoài ra, qua những gì được chia sẻ trên mạng xã hội, người tiêu dùng sẽ phần nào hiểu và thấu cảm hơn với bà con nông dân trong câu chuyện làm sao tạo ra được nông sản sạch, an toàn.

Ví dụ như khi mua một gói cafe, ngoài giao dịch mua bán ra thì người tiêu dùng còn được hiểu về quy trình từ chăm sóc cây đến khu thu hoạch và tạo ra những hạt cafe như thế nào. Mình tin rằng người mua hàng không chỉ hiểu được giá trị đằng sau những gói cafe mà còn cảm thấy tự hào khi được đồng hành cùng bà con, đồng hành cùng nông sản Việt.

NĐT: Sự thành công của một số người đi trước trong hành trình rời phố về vườn đang tiếp thêm động lực cho các người trẻ. Bạn có thể nhắn nhủ của bạn đối với các bạn trẻ đang mang trong mình dự định khởi nghiệp, đặc biệt với những người muốn được trở về gắn bó với quê hương, những người có ước mong được đồng hành cùng nông sản Việt?

Hana Ban Mê: Đầu tiên, về câu chuyện gắn bó với nông sản Việt đi, thì khởi nghiệp với nông sản không có nghĩa là bạn phải rời phố về vườn, sẽ có rất nhiều cách khác nhau. Thành phố đôi khi cũng là cánh tay nối dài của bà con nông dân. Quan trọng là hãy luôn mang trong mình sự quyết tâm và khát khao chiến thắng.

Gửi đến các bạn trẻ, hãy tin tưởng vào bản thân, vào quyết định của mình. Đồng thời không ngừng học tập để năng cao trình độ, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của cơ chế thị trường.

NĐT: Xin cảm ơn bạn về phần trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 05/11/2022 | 07:00