Trong phần lớn lịch sử thời hậu chiến, nước Đức là “ngọn hải đăng” của sự thịnh vượng. Nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang mắc kẹt trong một lối mòn: Xuất khẩu và sản lượng sản xuất đang suy giảm, lạm phát đang kìm hãm nhu cầu tiêu dùng và ngành xây dựng đang quay cuồng vì lãi suất cao.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông Rainer Dulger, người đứng đầu Liên đoàn các hiệp hội người sử dụng lao động Đức (BDA), cho biết hầu như “mọi nền kinh tế châu Âu đều đang phát triển, ngoại trừ Đức. Đó là tín hiệu rõ ràng chúng ta phải hành động”.

Khách hàng chờ mua đồ uống ở một quán cà phê ngoài trời, ở trung tâm thủ đô Berlin, Đức. Ảnh DW

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức là nền kinh tế G7 duy nhất suy giảm vào năm 2023, và chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 1,4% mà tổ chức này dự đoán cho các nền kinh tế tiên tiến nói chung vào năm 2024.

Trong bối cảnh hàng trăm chiếc máy kéo đổ về thủ đô Berlin để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới của chính phủ mà nông dân phải đối mặt, Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố những con số ước tính sơ bộ về sức khỏe của nền kinh tế Đức.

Theo Destatis, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% trong quý IV năm ngoái, và GDP cả năm 2023 được ước tính giảm 0,3% so với năm 2022.

“Sự phát triển kinh tế tổng thể ở Đức bị đình trệ vào năm 2023 trong một môi trường vẫn còn đặc trưng bởi các cuộc khủng hoảng”, bà Ruth Brand, người đứng đầu Destatis, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15/1.

Vậy, tại sao kinh tế Đức lại trì trệ? Theo đánh giá của nhà kinh tế học Carsten Brzeski tại ING Think, trên thực tế, kể từ năm 2020, đã có một danh sách dài các cuộc khủng hoảng và thách thức mà nền kinh tế Đức phải đối mặt.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp ô tô điện hybrid BMW i8 tại nhà máy Bayerische Motoren Werke AG ở Leipzig, Đức. Ảnh Bloomberg

Chúng bao gồm: Gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và xung đột ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, vai trò thay đổi của Trung Quốc – từ một điểm đến xuất khẩu đang phát triển trở thành một đối thủ cần ít sản phẩm của Đức hơn, và một số thiếu sót mang tính cơ cấu.

Cụ thể, các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng phải trả giá khí đốt tự nhiên cao hơn sau khi bị cắt đứt khỏi nguồn cung giá rẻ của Nga, và lạm phát bùng nổ đã làm “nhụt” nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, các công ty phàn nàn rằng họ không thể tuyển dụng được nhân sự cho các vị trí có tay nghề cao, và sự suy giảm sản xuất toàn cầu đã được cảm nhận rõ ràng ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất và thương mại như Đức.

Một chiếc container được chất lên tàu hàng trong bến cảng ở Frankfurt, Đức, ngày 13.12.2023. Ảnh Euronews

Lãi suất cao hơn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ấn định nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát đã cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản, bao gồm việc xây dựng các căn hộ và văn phòng mới.

Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, một tổ chức tư vấn, cho thấy 21,4% công ty xây dựng khu dân cư bị ảnh hưởng do các dự án bị hủy bỏ vào tháng 9 năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi tỉ lệ này bắt đầu được theo dõi vào năm 1991.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách sau khi Tòa Hiến pháp Liên bang ra phán quyết rằng việc tái phân bổ hàng chục tỷ Euro khoản quỹ chưa sử dụng từ thời đại dịch là vi hiến.

Phán quyết không những chỉ ra lỗ hổng tài chính trong kế hoạch chi tiêu năm 2024 của Chính phủ Đức, mà còn đặt ra những câu hỏi rộng hơn về tài trợ cho các dự án công nghiệp lớn lẽ ra phải được hỗ trợ bằng công quỹ.

Robert Habeck, Olaf Scholz và Christian Lindner, công bố kế hoạch ngân sách năm 2024, ngày 13.12.2023. Ảnh Yahoo Finance

Phán quyết còn khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu có một khởi đầu tồi tệ vào năm 2024, buộc Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Điều này, theo đó, gây ra sự phản đối gay gắt từ nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Khi Destatis công bố dữ liệu kinh tế mới nhất, những chiếc máy kéo đang tụ tập quanh Cổng Brandenburg ở Berlin. Nông dân Đức xuống đường để phản đối đề xuất cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sử dụng trong nông nghiệp, với nỗi sợ rằng những quyền lợi và ưu đãi trước đây được hưởng giờ sẽ không còn nữa.

Ngoài ra, tình trạng trì trệ ở Đức cũng được cho là đến từ việc thiếu đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường sắt và Internet tốc độ cao khi Chính phủ tập trung cân đối ngân sách theo sửa đổi Hiến pháp năm 2009 nhằm hạn chế thâm hụt chi tiêu.

Máy chụp cắt lớp vi tính (CT) trên dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Siemens Healthineers ở Forchheim, Đức. Ảnh Bloomberg

Nhưng có một số thách thức mà quốc gia Tây Âu phải đối mặt mang tính dài hạn hơn. Ví dụ, các công ty ngày càng phàn nàn về gánh nặng thủ tục hành chính, cũng như chi phí kinh doanh ngày một tăng ở Đức – hậu quả của chính sách khí hậu, thuế cao và năng lượng đắt đỏ.

Các chuyên gia tại Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) cho biết, họ lo ngại về các vấn đề mang tính cơ cấu, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động và sự thất bại của nhiều công ty trong việc hiện đại hóa đầy đủ.

Hội đồng gồm 5 chuyên gia kinh tế có ảnh hưởng, thường được gọi là “các nhà hiền triết kinh tế”, cho biết dân số già của Đức có thể khiến tình trạng thiếu lao động trở nên tồi tệ hơn, trong khi ngành công nghiệp của đất nước chậm nắm bắt công nghệ số và các công ty có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ quốc tế.

Họ cảnh báo những vấn đề như vậy có thể kéo nền kinh tế đi xuống trong nhiều thập kỷ, trừ khi chính phủ hành động.

Trung tâm sản xuất của gã khổng lồ hóa chất BASF tại Ludwigshafen, Đức. Ảnh WSJ

Ông Peter Bofinger, cựu cố vấn kinh tế cho Chính phủ Đức, cho rằng điều không hề thông minh ở Đức hiện nay là việc kiềm chế chi tiêu, vì việc thắt chặt hầu bao sẽ không giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu vượt qua những thách thức dài hạn hơn, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng ọp ẹp và nhu cầu số hóa khi dân số già đi nhanh chóng.

Thêm vào đó, sự trỗi dậy của xe điện – với việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định “khai tử” ngành kinh doanh xe xăng từ năm 2035 và những bước tiến của Trung Quốc trên thị trường xe điện châu Âu – đang đe dọa ngành công nghiệp ô tô nội địa vốn từ lâu đã là trụ cột cho thành công kinh tế của Đức.

“Trước rất nhiều thách thức, điều an ủi là nền kinh tế Đức chỉ bị mắc kẹt trong tình trạng trì trệ và đã tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn. Và thực sự, mọi chuyện có thể đã tồi tệ hơn”, chuyên gia Brzeski của ING Think cho biết. “Nhưng đây không phải là lý do cho bất kỳ sự tự mãn nào. Ngược lại, ngay cả khi tình trạng suy yếu tâm lý tồi tệ nhất dường như đã qua đi, thực tế kinh tế khó khăn có vẻ không mấy khả quan”.

Theo vị chuyên gia, nhìn về phía trước, ít nhất là trong những tháng đầu năm 2024, nhiều lực cản tăng trưởng gần đây vẫn còn tồn tại và trong một số trường hợp, sẽ có tác động thậm chí còn mạnh hơn so với năm 2023.

“Chỉ cần nghĩ đến tác động vẫn đang diễn ra về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB, khả năng nền kinh tế Mỹ chậm lại, sự bất ổn mới xuất phát từ những tai ương tài chính gần đây hoặc những gián đoạn mới trong chuỗi cung ứng do xung đột quân sự ở Biển Đỏ và Kênh đào Suez”, ông Brzeski nói.

Nhà kinh tế học kỳ cựu cho rằng một minh họa gần đây về tác động lâu dài của giá năng lượng, lãi suất cao hơn và sự thay đổi cơ cấu kinh tế, là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngày càng gia tăng kể từ giữa năm 2022.

Công nhân đổ kim loại lỏng tại một xưởng đúc sắt ở thị trấn Eisenberg, bang Thuringia, Đức. Ảnh Financial Times

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel đã bác bỏ những ý kiến cho rằng Đức là “con bệnh của châu Âu” hay một quốc gia đang trong quá trình “phi công nghiệp hóa”, và tin tưởng nền kinh tế sẽ thích nghi.

Ông Nagel lập luận rằng các công ty Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng khí đốt một cách tốt đẹp, đầu tư mạnh vào các biện pháp hiệu quả để cắt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của họ. Họ đã chứng tỏ mình là người “có khả năng thích ứng cao”, ông Nagel nói, ca ngợi sự khéo léo của “những nhà vô địch tiềm ẩn” của đất nước và sức mạnh của các Mittelstand – các công ty vừa và nhỏ tạo thành “xương sống” của nền kinh tế Đức.

Một nhà máy hóa chất ở Frankfurt. Các ngành thâm dụng năng lượng từng thịnh vượng nhờ khí đốt giá rẻ, giờ gặp khó trong việc duy trì tính cạnh tranh. Ảnh DW

Sự kiên cường của họ đã khiến người đứng đầu Ngân hàng Trung ương của nền kinh tế lớn nhất châu Âu lạc quan. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, ‘Made in Germany’ sẽ tiếp tục là một thương hiệu thành công và được săn đón”.

Về lâu dài, Đức cũng đang có những bước tiến lớn trong việc xây dựng các ngành công nghiệp mới. Bị thu hút bởi các khoản trợ cấp khổng lồ, Intel và TSMC đang xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Magdeburg và Dresden, thể hiện sự thay đổi về địa lý công nghiệp của Đức từ Nam sang Đông. Các nhà máy sản xuất pin cho xe điện đang mọc lên khắp nơi và các công ty lâu đời như Thyssenkrupp đang đầu tư hàng tỷ USD để khử carbon trong quá trình sản xuất của họ.

Còn theo Bộ trưởng Lindner, “nước Đức không phải là con bệnh ốm yếu” – mà chỉ là một người bị thiếu ngủ, và một liều “caffeine kinh tế” sẽ đủ để đưa đất nước đứng vững trở lại.

Liên doanh sản xuất chip mới bên ngoài thành phố Dresden giữa nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan và các công ty chip châu Âu là NXP (Hà Lan) và Infineon và Bosch (Đức). Ảnh Techspot

Phát biểu tại ngày cuối cùng của hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm 19/1, ông Lindner nói: “Sau giai đoạn rất thành công kể từ năm 2012 và những năm khủng hoảng này, nước Đức mệt mỏi sau một đêm mất ngủ. Bây giờ chúng tôi đã có một tách cà phê ngon, là cải cách cơ cấu, và sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục thành công về mặt kinh tế”.

Giống như Dự báo mùa thu của Ủy ban châu Âu (EC), cả ông Nagel và ông Lindner đều kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2024, nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và lạm phát giảm sẽ cho phép mọi người được hưởng mức lương thực tế tăng.

Nhưng những diễn biến vào đầu năm nay cho thấy bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể mất thời gian. Thương mại toàn cầu đã giảm 1,3% trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng ở Biển Đỏ gây tổn hại cho hoạt động vận tải biển, Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) đưa ra ước tính hôm 11/1.

Một điểm tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gần Wilhelmshaven, bang Niedersachsen (Lower Saxony), Đức. Ảnh Getty Images

“Điều này cũng được phản ánh qua số liệu thương mại sụt giảm của Đức và EU”, ông Julian Hinz, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại tại Viện Kiel, cho biết.

Trong cuộc họp báo, các quan chức của Destatis cho biết còn quá sớm để nói liệu những rắc rối ở Biển Đỏ có ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức vào cuối năm ngoái hay không. Các cuộc khảo sát kinh doanh như Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Standard & Poor’s chỉ ra sự sụt giảm liên tục trong hoạt động.

“Nói chung, chúng tôi cho rằng tình trạng trì trệ và suy thoái nhẹ hiện nay sẽ tiếp tục. Trên thực tế, nguy cơ năm 2024 sẽ lại là một năm suy thoái nữa là rất cao. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ đầu những năm 2000, Đức trải qua một cuộc suy thoái kéo dài 2 năm, mặc dù nó có thể chỉ là một cuộc suy thoái nông”, ông Brzeski cho biết thêm.

Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) sẽ công bố ước tính định kỳ đầu tiên về GDP của Đức trong quý IV/2023 vào ngày 30/1.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 26/01/2024 | 08:30