Nhấc máy gọi cho anh Thái một tài xế chạy xe dịch vụ hỏi thăm tình hình công việc giữa thời kỳ mà người ta vẫn hay đùa nhau “mời nhau lít xăng”, anh Thái chán nản trả lời: “Anh bán xe được gần tháng nay rồi”. Hỏi kỹ mới rõ, xăng tăng và các chi phí tăng cao lại cộng với lượng khách không ổn định trước đó khiến bài toán trả nợ ngân hàng tiền mua xe ngày càng nan giải, gia đình cũng vì thế mà lục đục, anh T quyết định bán xe mà như cách anh nói là “cho nhẹ đầu”.

Năm 2019, sau 4 năm chạy xe ôm công nghệ, anh Thái dành dụm được gần 200 triệu đồng, anh quyết định mua xe ô tô trả góp để kiếm kế mưu sinh.

"Khi ấy, tôi thấy anh em chạy xe dịch vụ làm ăn rất tốt, có người bỏ túi 20 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi bàn với vợ, tôi quyết định mua xe ô tô hơn 700 triệu đồng, vay ngân hàng 500 triệu đồng, mỗi tháng trả góp khoảng 10 triệu đồng. Thời gian đầu, khi đó dịch dã chưa có, khách cũng tạm ổn, đến cuối tháng cũng có tiền đóng lãi và góp được ít để trả nợ ngân hàng. Chạy được vài tháng thì dịch ập tới, từ đó là chẳng có làm ăn gì được nữa", anh Thái nhớ lại.

Thời điểm dịch phải nghỉ chạy xe, anh Thái phải vay mượn khắp nơi để kiếm tiền trả ngân hàng. Việc túng thiếu trong chi tiêu khiến gia đình anh bức bối, phát sinh mâu thuẫn. Khi tình hình dịch được kiểm soát, những tưởng có thể bắt tay vào việc “cày cuốc trả nợ” thì việc giá xăng dầu lên cao khiến công việc chạy xe của anh Thái vẫn khó khăn hoàn khó khăn.

"Đành rằng là xe được chạy đã là may mắn hơn giai đoạn dịch nhưng xăng cứ tăng liên tục thì khó không đâu cho hết. Tăng giá thì khách chê, bỏ tìm mối khác. Bây giờ xe chạy cũng nhiều chứ có đâu riêng gì mình. Mà ở nhà thuê, con nhỏ, hàng trăm thứ chi tiêu, tiền cứ ít đi là kiểu gì vợ chồng cũng cãi nhau. Tháng vừa rồi, tôi bán xe, trả nợ ngân hàng xong coi như bắt đầu lại từ đầu”, anh Thái thở dài.

Những tài xế không còn mặn mà với nghề chạy xe như anh Thái không phải là ít, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng cao. Chia sẻ với Người Đưa Tin, tài xế Nguyễn Văn Hưng cho hay anh mới đăng ký chạy cho một hãng xe ôm công nghệ nhưng đã nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người”

“Mình cũng mới đăng ký chạy. Trước khi vào đã phải mất 5-6 triệu để lo tiền đóng trước cho app và hợp tác xã, rồi tiền định vị, đăng ký đổi biển, đổi đăng kiểm, bảo hiểm. Mà chạy được vài buổi mà thực sự nản luôn. Trừ 33% chiết khấu cho app rồi tiền xăng thì coi như hòa vốn, chạy không công. Chưa kể lại còn mất tiền dầu và hao mòn”, anh Hưng chia sẻ

Theo anh Hưng, từ khi xăng tăng giá, hãng xe công nghệ lên truyền thông nói sẽ hỗ trợ cho tài xế nhưng thực tế chưa có hỗ trợ nào. Khi xăng tăng giá, hãng xe có tăng giá cước vận chuyển nhưng phần trăm thu của tài xế vẫn không giảm. “Tâm lý của app là của người cầm chuôi: tài xế mua xe trả góp rồi, ngày nào mở mắt ra là mất tiền ngày đó, chạy hay không thì tùy”, anh Hưng thở dài.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều tài xế xe ôm công nghệ khác cũng đang rủ nhau bỏ nghề bởi ngoài mức giá xăng tăng cao trong khi đó mức chiết khấu cho các đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe như Grap, Be, Gocar cũng không hề thấp.

Bên cạnh những người bỏ nghề, tắt app, nhiều tài xế cũng đã kịp thời có những “giải pháp tình thế” để tiếp tục bám trụ với nghề.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Tiến Sơn một shipper ở địa bàn Hà Nội cho biết anh đã chuyển sang chạy cho app Be bởi app này có mức chiết khấu thấp hơn và không tăng giá cước nên dễ thu hút hành khách hơn. “Mức chiết khấu có thể chỉ kém nhau vài % nhưng quy ra số lượng lớn thì ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của tài xế, sau khi tham khảo nhiều bạn bè cùng chạy, tôi quyết định chuyển app đã được hơn 1 tháng nay.”

Bên cạnh đó, anh Sơn cũng cho biết bản thân anh và nhiều tài xế cũng có cách thức khác để “lách luật”. Theo đó, sau khi được sự giới thiệu của bạn bè, anh đã tham gia vào hội nhóm chia sẻ đơn, ghép đơn. Theo đó, khi khách có nhu cầu di chuyển hoặc giao hàng, thay vì mở ứng dụng, họ sẽ đăng lên các hội nhóm (group) trên facebook.

Các tài xế có thể lựa chọn các cuốc xe gần với lộ trình đang di chuyển để thương lượng với khách về giá tiền. Thông thường giá của một cuốc xe sẽ tính theo số kilomet của chuyến đi. Như vậy tài xế có thể ghép nhiều đơn hàng cùng lúc và nhận trọn vẹn chi phí của chuyến đi.

Việc cánh tài xế công nghệ bỏ dùng app, tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ các cuốc xe, không ít người dùng dịch vụ băn khoăn về những vấn đề phát sinh có thể xảy ra giữa khách hàng với tài xế về thái độ phục vụ, cách tính tiền…

Lý giải về điều này, anh Linh – một lái xe công nghệ khác cho hay: “Có rất nhiều hội nhóm chia sẻ đơn và liên kết với nhóm chat trên ứng dụng zalo. Mỗi nhóm như vậy sẽ có cá nhân quản lý và điều phối đơn. Tài xế muốn tham gia các nhóm này sẽ phải nộp hình ảnh các giấy tờ tuỳ thân (Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe…) và đảm bảo các quy tắc ứng xử chung.

Tất nhiên là tài xế muốn nhận đơn thì vẫn sẽ mất phí nhưng mức phí thấp hơn rất nhiều so với nhiều app xe ôm công nghệ hay giao hàng khác. Ví dụ như một nhóm tôi tham gia thì mức chi phí là 20.000 đồng/1 ngày, còn chạy bao nhiêu cuốc thì tài xế nhận bấy nhiêu.

Nếu tài xế nào bị khách hàng phàn nàn hoặc gian lận sẽ có các hình thức xử phạt tương ứng. Trong "trường hợp xấu nhất", tài xế sẽ bị cấm mọi hoạt động. Quản lý của các nhóm đều có liên kết với nhau, do đó nếu bị cấm khỏi 1 nhóm thì cũng bị đuổi khỏi tất cả các nhóm khác. Vả lại cùng đi kiếm cơm, mọi người đều cố gắng giữ gìn cả.”

Bên cạnh đó, anh Linh cho biết: “Chạy kiểu này thì ai cũng xác định là nếu có va quệt hoặc sự cố thì người lái xe phải tự chịu trách nhiệm lấy tuy nhiên thực tế thì với kiểu “tự làm tự ăn” như thế này, tôi vừa có thể đảm bảo được sức khoẻ vừa đảm bảo được thu nhập. Chứ làm bằng App đã không có thời gian nghỉ, mỗi cuốc xe còn phải chia lại 33% phí cho công ty thì không biết đến bao giờ mới trả góp xong cho cái xe này”.

Xăng tăng, nhiều tài xế nghỉ việc hoặc tắt app đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của nhiều hành khách.

Thường xuyên phải gọi người vận chuyển để giao hàng cho khách, chị Hạnh - kinh doanh thực phẩm online ở địa bàn Hà Nội cho biết những ngày gần đây chi phí ship hàng tăng khoảng 10% giá cước. Giá ship nhiều cung đường trước đây chỉ hết khoảng 15.000-20.000 đồng, nay đã lên khoảng 25.000-30.000 đồng. Nhiều khi phí ship báo nhận đơn còn cao hơn cả tiền hàng khách đặt, để giữ khách quen, nhiều khi chị Chi đã phải hỗ trợ phí ship cho khách.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe hoặc giao hàng trên các app công nghệ phàn nàn về việc khó gọi được shipper hoặc phải chờ rất lâu mới có người nhận cuốc.

Chị Ngọc Mai (Cổ Nhuế), cho biết, do điều kiện công việc bận rộn nên thường phải đặt món đồ trên trên các ứng dụng như GrabFood, ShopeeFood… Mấy ngày nay, có ngày chị phải đặt tới lần thứ 3 mới thấy tài xế nhận đơn. Theo chị Mai, trước đây, việc tìm tài xế của các hãng này rất dễ dàng, nhanh chóng, nhưng nay khó khăn hơn dù phí ship cũng tăng cao khoảng 10% so với trước, từ 5.000-10.000 đồng. “Để tiết kiệm chi phí, tôi đành chọn phương án tự nấu tại nhà hoặc đặt đồ ăn gần văn phòng để khỏi mất tiền phí giao hàng”- chị Mai chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc, chị Lệ Hà - nhân viên văn phòng có trụ sở trên đường Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội) - cho biết rất khó đặt xe qua app, thậm chí tài xế hủy cuốc với khoảng cách 4 - 5km.

Chị Hà kể mới đây đặt xe 4 chỗ qua app của Be, trên màn hình báo đang tìm tài xế dù giá cước cho quãng đường từ công ty về nhà ở đường Chùa Láng (quận Đống Đa) lên 90.000 đồng, thay vì 55.000 đồng như trước đây. "Giá cước xe đang đắt hơn rất nhiều mà tìm kiếm tài xế khó quá, mọi khi chưa đầy 1 phút đã có tài xế gọi lại rồi. Nay phải chờ khá lâu", chị Hà nói.

Lý giải về tình trạng này, tài xế Tiến Sơn cho rằng: "Nhiều tài xế tắt app, hủy cuốc rồi lên mạng thỏa thuận với khách hoặc chào mời khách kiểu truyền thống nên nhiều khách hàng khó đặt được xe như trước là điều dễ hiểu".

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết việc giá xăng dầu tăng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều đối tượng khác nhau. Trực tiếp là, những người tiêu dùng xăng trực tiếp như vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, những người lao động sử dụng phương tiện đi lại… Còn gián tiếp là người dân phải mua hàng hóa giá cao hơn do tác động của giá xăng, doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh do giá đầu vào tăng cao…

Cho rằng cần có chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính như lái xe tải, ông Long cũng lưu ý để làm được, chúng ta phải xem nguồn lực có hay không, cách hỗ trợ như thế nào?

Bên cạnh đó, TS. Ngô Trí Long cũng đặt câu hỏi “Đã làm thì phải giảm cho nhiều đối tượng chịu tác động nhưng giảm bao nhiêu là hợp lý, công bằng, bởi có đối tượng sử dụng nhiều xăng dầu, sẽ tác động nhiều hơn”.

Còn với lái xe tải, cần phải đưa ra mục tiêu là giảm cho lái xe để góp phần giảm cước xe tải, từ đó giảm chi phí đầu vào, còn nếu chỉ hỗ trợ họ, thì vừa lãng phí nguồn lực vừa không có ý nghĩa hỗ trợ…

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, giảm tác động đến người dân, theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT), giải pháp trước mắt và lâu dài là cả nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện quyết liệt chiến lược sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, gắn với giảm suất tiêu hao xăng dầu trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng xăng dầu thông qua các biện pháp cụ thể.

Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng khác có thể thay thế được mà nước ta có lợi thế như nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo,…

Ngoài những giải pháp tự thân, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ, gỡ bỏ các rào cản hành chính không hợp lý, bình ổn giá.

Ngoài ra, có thể tính tới giải pháp chính sách an sinh xã hội trong đó có chính sách trợ giá cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính, các đối tượng yếu thế khi giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay. Trong đó cần chủ ý tới tài xế xe công nghệ bởi đây là những người sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp sớm nhất với những biến động về giá xăng dầu.

“Đây cũng là cách làm năm 2008, khi giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ đã quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân khai thác hải sản trên biển”, ông Thái nói và cho biết, khi áp dụng biện pháp trợ cấp trực tiếp, phải đảm bảo tính kịp thời về thời gian. Thủ tục xét duyệt, cấp phát phải đơn giản, cách làm phải công khai, công tác kiểm tra giám sát phải chặt chẽ…

Trao đổi với báo chí về vấn đề xăng dầu tại cuộc họp báo quý II/2022 chiều 16/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định trong 3 biện pháp bình ổn giá xăng dầu, bên cạnh việc sử dụng quỹ bình ổn và công cụ thuế, cần chú trọng giảm tác động của việc tăng giá xăng dầu bằng chính sách an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động.

Trao đổi với Người Đưa Tin từ góc độ kinh tế vĩ mô, TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT lại cho rằng việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp không tối ưu thay vào đó nên tập trung vào việc giảm các loại thuế. Bên cạnh đó, chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.

Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT cũng cảnh báo một trong những hậu quả của giá xăng tăng cao là lạm phát do chi phí đẩy. Đối với người dân, lạm phát sẽ tác động mạnh nhất đến những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong một khoảng thời gian dài.

"Cho nên khi lạm phát xảy ra (giá cả hàng hóa tăng lên) thì số lượng hàng hóa mà họ mua được sẽ ít đi với cùng một mức lương cố định đó. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi. Đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất trong thời bão giá", ông Tùng nói.

Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, ông Tùng cho rằng, người dân có thu thập thấp và trung bình cần phải hết sức cẩn thận trong việc chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương. Họ cần phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Việc cần thiết là phải bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát.

Việc thứ hai là tránh đầu tư dàn trải trong thời kỳ lạm phát. Đối với những người có thu nhập thấp và trung bình, đầu tư không phải là việc cần làm trong thời kỳ lạm phát. Đi vay cũng là một điều không nên trong thời kỳ bão giá đối với các đối tượng kể trên.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 26/06/2022 | 07:00