“Điểm đáng yêu, tuyệt vời nhất của học trò vùng cao, biên giới là nụ cười và sự tươi tắn, lễ phép. Thấy người lạ đi vào trường, chẳng biết là ai nhưng em nào em đấy chào thật to, cười thật tươi, có bạn còn khoanh tay. Thấy giơ máy ảnh, nhiều em giấu mặt đi, nhưng lại có em thả tim! Một đám học trò chạy lại, tíu tít hỏi chuyện…”

Những dòng nhật ký ghi vội về 5 ngày lên điểm thi nơi vùng cao, biên giới làm nhiệm vụ “gác thi” của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, giảng viên học viện Báo chí & Tuyên truyền, cũng là sự rung cảm chân thật nhất, chạm đến hàng triệu trái tim, nhất là trong giai đoạn nơi đây đang là “điểm nóng”.

sutit 1

Nhận nhiệm vụ “gác thi”, cô Giang cùng các đồng nghiệp lên đường từ ngày 23/6, vượt hàng trăm cây số, đến với điểm thi nằm “chênh vênh” giữa bạt ngàn mây núi của một tỉnh vùng biên.

“Khi biết chúng tôi về làm thi ở Sơn La, ai cũng bảo đi vào “điểm nóng”. Nhưng đặt chân đến Phiêng Khoài, Yên Châu lại mát rượi! Không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Nhà nghỉ cũng không cần thiết lắp điều hoà, nóng đến mấy cũng chỉ cần quạt trần, nửa đêm là phải vặn nhỏ quạt và đắp thêm chăn.

Cô Giang

“Cô ở đâu đến ạ?”; “Cô dạy ở trường nào?”; “Sao cô xinh thế!”; hay thậm chí “Cô đã bao giờ được gặp sếp Tùng (ca sĩ Sơn Tùng MTP - PV) của em chưa?”… là ngân hàng câu hỏi “bủa vây” lấy cô Giang khi vừa đặt chân đến Phiêng Khoài.

Chưa kịp cảm nhận không khí thân thiện và nhiệt tình của các em học sinh, cô Giang đã phải lắng nghe những bộc bạch hồn nhiên đến “nhói lòng”: “Nhưng mà em không đăng ký thi đại học cô ạ, em chỉ cần tốt nghiệp rồi về làm nông, phụ giúp bố mẹ thôi”; “Còn em thì lấy chồng cô ạ!”…

Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) là một xã vùng biên đặc biệt khó khăn. Tại điểm trường THPT Phiêng Khoài có 120 thí sinh dự thi tốt nghiệp, trong đó chỉ có 19 em đăng ký thi đại học (và chỉ có 3 em đăng ký thi môn tổ hợp Khoa học tự nhiên). 71 em là người dân tộc (Mông, Thái, Sán Dìu, Xinh Mun...), phần còn lại chủ yếu có bố mẹ gốc Thái Bình, Hưng Yên lên khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới...

sutit 1

Hầu hết các em là con nhà nông, động viên mãi mới chịu đi học hết cấp 3. Hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn là vấn nạn đeo bám, nan giải.

Vì vậy, hiện tượng học sinh yêu đương, tảo hôn khá phổ biến. Nhiều em “kết hôn” (nhưng chưa đăng ký, chờ khi nào đủ tuổi mới làm “giấy tờ”) vẫn tiếp tục đi học. Khoá này cũng có gần chục em như thế.

Năm trước, có hai em người Mông đang học lớp 11, yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm. Phút chốc dại dột, cả hai đã rủ nhau cùng lên rừng ăn lá ngón. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn! Nghe được câu chuyện đau lòng, giảng viên học viện Báo chí & Tuyên truyền không khỏi buồn thương, lo lắng cho những cô cậu đang ở cái tuổi, đáng lẽ, có thể dùi mài đèn sách, kỳ vọng vào một tương tươi sáng hơn và tận hưởng tuổi thanh xuân mơn mởn.

Nếu như ở thành thị và nhiều vùng miền khác, những ngày này, các cổng trường cấp 3 thường đông nghẹt phụ huynh đưa con đi thi, “trực chiến” cùng thí sinh, lo lắng, áp lực... thì ở vùng biên này, mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Học trò ở đây tự đến, tự về, hiếm khi thấy bóng dáng phụ huynh đưa con đến trường, hay “sốt ruột” mà đứng quanh điểm thi.

Có thí sinh đến làm thủ tục muộn, quần áo lem luốc, chân tay lấm lem, hớt hải tìm phòng thi. Giám thị hỏi vì sao đến muộn, em trả lời vội vã: “Mải tra ngô!”.

Các thầy cô bản địa giải thích rằng: “Nhiều phụ huynh còn không biết hôm nay con thi tốt nghiệp... Việc có tốt nghiệp hay không, đối với nhiều gia đình, nhiều phụ huynh và học sinh không mấy quan trọng, rồi cũng về làm ruộng, rồi đến tuổi cũng dựng vợ, gả chồng... Buồn quay quắt!”.

phục vụ thi

“Ở vùng đất Phiêng Khoài còn quá nhiều khó khăn vất vả, sự học của các em học sinh dân tộc vì thế cũng còn quá nhiều điều để nói. May mắn vì 19 em học sinh đã bày tỏ nguyện vọng muốn xét tuyển đại học để tránh được từng ấy trường hợp tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết. Con số đó đã cao hơn rất nhiều con số của chục năm về trước”, đó là chia sẻ của chị Vũ Thị Ánh, một người con của Phiêng Khoài, nay đã trở thành phóng viên trở về phục vụ tỉnh nhà, sau khi đọc được những dòng nhật ký “gác thi” của cô Giang.

Học lực của đa số học sinh nơi đây chỉ ở hạng trung bình và kém. Số thí sinh làm được bài rất ít, hiếm hoi mới có em xin thêm giấy, làm sang tờ thứ 2 môn Ngữ văn. Còn các môn thi trắc nghiệm, hầu hết đều tô không bỏ sót câu nào nhưng phần nhiều là kết quả của trò may rủi, có em tung cục tẩy thay xúc xắc để chọn đáp án…

Chỉ từng đó những nét phác thảo, người “gác thi” đến từ “miền xuôi” trong mấy ngày ngắn ngủi qua đã ký họa nên một tác phẩm khá chân thực về diện mạo giáo dục nơi đây, với những mảng sáng tối dập dờn, mà có lẽ, mảng tối đang dần lấn lướt những mảng sáng le lói.

Cũng chẳng riêng gì Phiêng Khoài, nhiều xã khác, huyện khác tại Sơn La, hay thậm chí, tại nhiều tỉnh vùng cao, giáp biên khác, giáo dục cũng mang một nét buồn tương tự. Nhiều gia đình chỉ cần con lao động chân tay từ tấm bé, kiếm ra tiền, lập gia đình, thế là ổn định!

Chẳng mấy ai muốn con đi học chữ nhiều, thầy cô bản địa đến tận nhà vận động mãi cũng chỉ cho con đi học hết cấp 2, hay cố lắm là hết cấp 3 thì nghỉ. Học sinh quyết định học đại học, hoặc được gia đình đồng ý cho học đại học cũng chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay…

sutit 1

Bù lại những thiếu thốn tình cảm, quan tâm của gia đình vì miếng cơm manh áo, các học trò nơi đây nhận được tình yêu thương và lo lắng của thầy cô đến mức khó tin với người lần đầu chứng kiến. Đầu mỗi buổi thi, các thầy phân công nhau điểm danh, xem thí sinh nào còn chưa đến để gọi điện hoặc đi đón... Buổi thi nào không có học sinh nào đến muộn, bỏ thi là cả hội đồng thở phào, nhẹ nhõm.

phục vụ thi

Có thí sinh bị tai nạn giao thông, tưởng phải bỏ thi, nhưng thầy cô đến động viên gia đình, cho mượn phòng trọ gần trường để sinh hoạt trong các ngày thi. Nhiều thầy cô thuộc “nằm lòng” hoàn cảnh, lý lịch của học sinh”.

Những người thầy, người cô như thế chẳng phải là một dấu ấn rất đỗi bình dị mà tỏa ánh sáng đẹp trong bức tranh giáo dục nước ta hay sao?

Cô Giang chia sẻ thêm: “Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nên bữa sáng thường không được để tâm đến nhiều, không ít học sinh vốn không có thói quen ăn sáng.

Thương các em đến trường thi mà bụng đói, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Đội cảnh sát giao thông đóng trên địa bàn xã đã chuẩn bị các suất ăn mỗi sáng cho các em trong suốt mấy ngày thi. Mỗi em được phát một hộp xôi có ruốc, một chai nước, một hộp sữa và khăn lạnh”.

học sinh

“Tình người Phiêng Khoài khiến mỗi cán bộ làm thi đến từ nơi xa đều cảm thấy ấm lòng... Tình người cũng ấm áp và ngọt ngào như men rượu nơi đây, rượu càng uống càng ngấm, tình người càng ở càng say!”, nữ giảng viên vẫn còn man mác khi chia tay điểm thi trở về Thủ đô sau khi kỳ thi THPT Quốc gia chính thức khép lại.


Liên quan vụ án gian lận thi cử tại Sơn La, đến nay Công an tỉnh Sơn La đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tỉnh Sơn La truy tố 8 bị can.

Trong số này có hàng loạt lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, từ Phó giám đốc sở Trần Xuân Yến, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Nguyễn Thanh Nhàn, chuyên viên Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng Chính trị - tư tưởng Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La).

Trong quá trình điều tra vụ án, công an còn phát hiện hàng loạt cán bộ của Sở GD-ĐT có liên quan tới việc nhờ vả nâng điểm cho con em, từ phó giám đốc sở, chánh thanh tra sở, trưởng Phòng giáo dục trung học... và hàng chục trường hợp phụ huynh khác đang là cán bộ, giáo viên công tác trong ngành giáo dục - đào tạo Sơn La có con trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm.

Trong quá trình điều tra, ông Trần Xuân Yến đã khai báo về 8 trường hợp nâng điểm do chính Giám đốc sở Hoàng Tiến Đức "nhờ vả".

Mới đây nhất, ngày 28/6, UBND tỉnh Sơn La thông báo thu hồi và hủy bỏ quyết định nghỉ hưu của ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, để xử lý rốt ráo các vi phạm của ông này liên quan vụ gian lận thi cử năm 2018.