Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 ở mức 8,83% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong vòng 12 năm qua, Bộ trưởng nói rằng, đây chính là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn - những “con sếu đầu đàn” trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Người Đưa Tin (NĐT): Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vậy thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết quan điểm của ông đối với việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn trong thời kỳ mới?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động theo cơ chế thị trường là một tất yếu khách quan, là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Các Nghị quyết số 10, Nghị quyết số 12 định hướng những chủ trương lớn về phát triển doanh nghiệp. Trong đó, Đảng ta đã đưa ra chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Việt Nam chúng ta đang thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh để có thể dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Tôi cho rằng đây chính là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc xác định, xây dựng và phát triển những doanh nghiệp lớn - “những con sếu đầu đàn” cũng như các chính sách cần thiết để hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tàu này dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và đi đúng hướng là bài toán không dễ giải quyết được trong ngắn hạn và cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan có liên quan, hơn hết là sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Là người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng nghĩ gì về quan điểm, đã là “sếu đầu đàn” dẫn dắt, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thì không nên phân biệt thành phần kinh tế tư nhân hay Nhà nước?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hùng cường, chúng ta cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Với quan điểm này, tôi cho rằng chúng ta phải đánh giá được doanh nghiệp quy mô lớn Việt Nam đang ở đâu, thế mạnh của các doanh nghiệp này là gì để từ đó có những định hướng, quyết sách phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Từ góc nhìn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn khu vực tư nhân Việt Nam” và đang nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.

Đề án và Báo cáo của Bộ đã đưa ra quan điểm và các giải pháp tập trung vào các doanh nghiệp quy mô lớn trong nước là xu thế tất yếu để góp phần hiện thực khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Như Bộ trưởng vừa đề cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng, đề xuất phát triển một số DNNN thành “sếu đầu đàn”. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, tiêu chí nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn các doanh nghiệp đầu đàn?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18 ngày 26/2/2020 và Nghị quyết số 68 ngày 12/5/2022 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quy mô lớn và xác định đây là một Đề án quan trọng với nhiều nội dung phức tạp gắn với việc chúng ta định vị vai trò, sứ mệnh của DNNN như thế nào trong thời kỳ, bối cảnh mới.

Với quan điểm đó, khi xác định đối tượng điều chỉnh của Đề án, chúng tôi đưa ra 6 tiêu chí để xác định DNNN quy mô lớn xét trên các góc độ: Quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành lĩnh vực hoạt động, tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ và tính bền vững của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Xét về quy mô, để thực hiện được vai trò mở đường dẫn dắt, DNNN cần có tiềm lực về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi dự kiến doanh nghiệp cần có tổng tài sản lớn, hoặc có kết quả tài chính ổn định và có năng lực hấp thụ và làm chủ khoa học công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.

Xét về thị trường, DNNN quy mô lớn phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài. Đây là một tiêu chí rất quan trọng với hàm ý DNNN lớn của Việt Nam không chỉ có thế mạnh trên sân nhà mà còn cần vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Xét về quản trị, DNNN lớn cần thực sự có hệ thống quản trị chuyên nghiệp hiện đại với việc áp dụng các nguyên tắc quản trị DNNN của OECD.

Xét về ngành, lĩnh vực, chúng tôi chỉ quan tâm đến những DNNN lớn trong những ngành, lĩnh vực mới hoặc có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: Cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, cung cấp kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc.

Xét về loại hình doanh nghiệp, chúng tôi tập trung vào Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại công ty mẹ, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, đi đầu trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và quá trình giảm thải khí carbon.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: “7 sếu đầu đàn” được lựa chọn dễ nhận ra điểm chung lớn nhất, đều là những DNNN có lợi thế về thị phần, có vai trò dẫn dắt với vị trí số 1 trong lĩnh vực từng lĩnh vực. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, việc lựa chọn 7 doanh nghiệp này dựa trên những tiêu chí như trên, vậy cơ chế chính sách riêng biệt đã thực sự đủ mạnh chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi khi xây dựng Đề án là không quá tập trung vào việc phải lựa chọn được các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bởi cách tiếp cận này đòi hỏi cần có nguồn lực, thời gian để lựa chọn gắn với từng chiến lược phát triển của doanh nghiệp và ngành kinh tế.

Vấn đề cốt lõi, trọng tâm của Đề án là phải đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói cho DNNN nói chung và DNNN quy mô lớn nói riêng, để DNNN được chủ động, phát triển trong một môi trường kiến tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Muốn vậy, tôi cho rằng phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý đối với DNNN. Đã có quan điểm cho rằng quản lý DNNN hiện đang nặng về kiểm soát khiến DNNN không được quyền tự chủ để đối phó với những thay đổi trong phương thức sản xuất. Do vậy, cần thay đổi tư duy quản lý, cần chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để DNNN thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình.

Đồng thời, cần đưa ra những giải pháp đặc thù, riêng biệt cho từng doanh nghiệp để tận dụng được những lợi thế và nguồn lực của doanh nghiệp.

Trong Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn đưa ra các giải pháp mới, mang tính đột phá để khơi thông nguồn lực cho DNNN quy mô lớn.

Trong đó, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý theo mục tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực cho các DNNN quy mô lớn trên cơ sở cho phép giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc một phần lợi nhuận sau thuế để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh các giải pháp chung về cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu từ dự kiến sẽ nghiên cứu, xây dựng giải pháp riêng cho từng doanh nghiệp nhắm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc để phát huy nguồn lực của doanh nghiệp, như quy định về việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm trong các doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo xu thế mới, khuyến khích đầu tư vào kết cấu hạ tầng mang tính chất trọng yếu về quốc phòng và trọng điểm kinh tế...

Tôi hy vọng những giải pháp đồng bộ, cụ thể, mang tính chiến lược đột phá của Đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò mở đường, dẫn dắt trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NĐT: Các nước khu vực lân cận đều có các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt, đóng vai trò cánh chim đầu đàn. Đơn cử như Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Toyota... Nhìn về Việt Nam, Bộ trưởng có suy nghĩ gì?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bất kể một quốc gia nào cũng đều mong muốn xây dựng được những doanh nghiệp lớn mạnh. Đối với Việt Nam, tôi cho rằng cần có những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh trên nền tảng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Các doanh nghiệp này cần trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với thành phần kinh tế khác, đi đầu trong việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và quá trình giảm thải khí carbon theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đồng thời, kinh nghiệm của các quốc gia thành công cho thấy cần đặt mục tiêu xuất khẩu, phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng của Việt Nam để tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng được các chuỗi giá trị bền vững, trong đó doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia được vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn như Vingroup, Sun Group, VietJet… Các doanh nghiệp này hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam đều có đặc điểm chung là tự thân phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đối với các DNNN lớn, chúng ta đã có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có thương hiệu lâu đời như EVN, PVN, Viettel, VNPT, Vietcombank, BIDV...

Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là chưa có sự gắn kết, phối hợp giữa doanh nghiệp quy mô lớn của Nhà nước và tư nhân cũng như giữa các doanh nghiệp lớn này với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng lĩnh vực vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững.

Thực trạng này càng khiến chúng ta cần đổi mới tư duy quản lý, cần chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, khơi gợi khát vọng làm giàu và xây dựng đất nước để Việt Nam có các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc gia và đại diện cho dân tộc để tạo nên kỳ tích như Hàn Quốc, Nhật Bản.

NĐT: Vậy Bộ trưởng có thể cho biết kỳ vọng của ông về những con “sếu đầu đàn” sẽ phải tạo ra khả năng lan toả, tạo động lực cho “những con sếu con” phát triển theo?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn tới các nền kinh tế đang phát triển là khá rõ ràng. Tiềm lực kinh tế, năng lực quản trị và tư duy nghĩ lớn của doanh nhân đã tạo ra doanh nghiệp lớn. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, vai trò của doanh nghiệp lớn càng được thể hiện rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Về nguyên tắc, doanh nghiệp lớn, hay những con sếu đầu đàn chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động kinh tế của các quốc gia sẽ góp phần tăng trưởng trong GDP, đóng góp vào tạo việc làm, tăng trưởng ngân sách.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 và những căng thẳng của các cuộc chiến thương mại đòi hỏi chúng ta cần có những thay đổi chiến lược để tăng khả năng thích ứng và tự chủ của nền kinh tế, trong đó, tự chủ về kinh tế là phải tự chủ về khoa học - công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Tại Đề án, chúng tôi đã đánh giá, làm rõ vai trò, vị trí của DNNN trong thời kỳ mới để từ đó xây dựng cơ chế đột phá cho cải cách DNNN và đổi mới quan điểm, phương thức quản lý đối với các doanh nghiệp này.

Theo quan điểm của chúng tôi, DNNN lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới tập trung vào R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đồng thời, DNNN lớn cũng cần thực hiện vai trò dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ thông qua những thay đổi về cấu trúc tổ chức, quản lý, hiệu quả và tiếp cận tài chính và lan tỏa tri thức, thông qua liên kết chuỗi và dịch chuyển lao động.

Đó là động lực thay đổi, tạo tác động lan tỏa quan trọng tới toàn nền kinh tế, đặc biệt là tới các doanh nghiệp nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng của mình.

Cuối cùng, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tôi xin chúc cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, kinh doanh thành công, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

NĐT: Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian chia sẻ!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 13/10/2022 | 07:00