Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguyễn Thị Phương Thảo

Nắm giữ nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp lớn như công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, CTCP Sovico, ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) nhưng hình ảnh của bà Thảo gắn bó nhất với hãng hàng không giá rẻ VietJet Air.

Nguyễn Thị Phương Thảo
Là CEO nữ hiếm hoi của ngành hàng không khu vực, bà Thảo được nhìn nhận là người đang “làm thay đổi thị trường hàng không Việt Nam”. Nhìn vẻ ngoài nữ tính, dịu dàng của bà Thảo người ta tự hỏi: Một người phụ nữ duyên dáng, dịu dàng thế kia bằng cách nào có thể trở thành CEO của một lĩnh vực khó nhằn như hàng không?

Đáp án chính là lời nhận xét của John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus: “CEO VietJet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung. Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem”.

Có lẽ bà Thảo không chỉ có tư duy sắt bọc nhung, tôi nghĩ thế, mà bà còn có hẳn một hệ tư duy như thế.

Sở dĩ nói vậy vì tại sự kiện Forbes Vietnam Women’s Summit 2017, khi được hỏi về quan điểm bình đẳng giới, bà Thảo, bằng tư duy mềm như nhung có nói đại ý thế này: Cái đích của em trong công tác bình đẳng giới là hãy cho đi và đừng mong chờ mình nhận lại điều gì. Khi mình cho đi bằng cái tâm và sự bao dung, dịu dàng thì đối tác, cộng đồng sẽ ghi nhận đóng góp của mình và chúng ta sẽ đạt đến sự bình đẳng.

Tuy nhiên, “tư duy sắt” của “nữ tướng” ngành hàng không cũng không ít lần được dịp thể hiện, nhất là khi bà thẳng thắn chia sẻ quan điểm trước cán bộ nhân viên Vietjet rằng: “Ở đây không có phái yếu. Ở đây chỉ có phái mạnh và cực mạnh”!

Bằng tư duy “lạt mềm buộc chặt”, bà Thảo đã dẫn dắt Vietjet, từ hãng hàng không giá rẻ khởi nghiệp ban đầu với số tàu bay ít ỏi đã vươn lên ngoạn mục, trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á, vượt qua ông lớn Vietnam Airlines và cả AirAsia, chỉ chấp nhận xếp sau Singapore Airlines.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguyễn Thị Phương Thảo là một nữ doanh nhân cực kỳ chăm chỉ. Đối với bà, những ngày làm việc trải dài từ 5h sáng tới 2h đêm hôm sau không phải thứ gì quá bất thường hay không tưởng. Khi được hỏi về khối tài sản của bản thân, bà trả lời Bloomberg: "Tôi chưa bao giờ ngồi và tính toán tài sản của bản thân cả. Tôi chỉ tập trung vào việc tăng trưởng công ty, tăng lương trung bình cho anh chị em nhân viên và chèo lái VietJet tới mục tiêu chiếm nhiều thị phần hơn và nhanh chóng dẫn đầu”.

Chăm chỉ thôi chưa đủ, chữ TÍN mới chính là giá trị cốt lõi bà Thảo tạo ra cho doanh nghiệp của mình. Với bà, ngoài chăm chỉ thì trung thực là đức tính giúp bà thành công như ngày hôm nay. Kể về những ngày tháng khởi nghiệp đầy khó khăn trong quá khứ, bà cho biết:

“Tôi đã từng làm việc chăm chỉ và cố gắng xây dựng niềm tin của các nhà cung cấp bằng cách trung thực với họ. Ngày đó, tôi không có nhiều tiền, chính nhờ niềm tin này mà họ cung cấp cho tôi nhiều sản phẩm hơn và cho phép tôi được thanh toán chậm hơn”.

Tỷ phú - CEO Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tại Forbes Vietnam Women's Summit 2017

Kể từ khi “cất cánh” vào năm 2011, đến nay sự thay đổi lớn nhất mà bà Thảo tạo ra được trên thị trường là hiện thực hoá “giấc mơ” mọi người đều có thể tiếp cận với dịch vụ hàng không hiện đại. Theo thống kê chưa đầy đủ có tới hơn 30% hành khách của Vietjet đã chọn bay cùng hãng hàng không này là hành khách lần đầu đi máy bay.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Đội tàu bay của Vietjet tính tới 31/12/2018 bao gồm 64 tàu bay hiện đại với tuổi trung bình trẻ nhất, chỉ 2,82 năm.Trung bình cứ hơn một tháng thì hãng này mở ra một đường bay mới và mỗi ngày, hãng vận hành trên 300 chuyến bay. Hiện tại, Vietjet đang áp đảo thị trường hàng không nội địa.

Dưới sự điều hành của “nữ tướng” Nguyễn Thị Phương Thảo, năm 2018 doanh thu vận tải hàng không tăng trưởng tới gần 50%, mang về doanh thu 33.815 tỷ đồng, vận chuyển 23 triệu lượt hành khách trên gần 120.000 chuyến bay. Tổng lượng khách vận chuyển trong năm 2019 được dự báo sẽ còn tăng 24% lên 29 triệu lượt.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Chỉ trong năm 2018, Vietjet với tầm nhìn xa trông rộng của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đã mở thêm 10 đường bay quốc tế mới, tiếp tục mở rộng mạng bay tới khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc...

Nguyễn Thị Phương Thảo

Ngày hôm nay, khi trái ngọt đã được hưởng, “Niềm tự hào mang tên Vietjet” được bà Phương Thảo định nghĩa là: “Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành công của mọi kế hoạch, chiến lược hay tham vọng của doanh nghiệp. Chúng tôi tự hào là thành viên của tổ chức của mình”.

Ẩn trong người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ấy lại là một tư duy lớn không tưởng. “Trầy da tróc vẩy” tìm đường IPO cho Vietjet, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc, thế nhưng với quyết tâm làm việc tới cùng, bà Thảo không ngần ngại tới từng cơ quan ban ngành trình bày nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.

Trái ngọt tới sớm khi ngay ngày đầu tiên lên sàn, cổ phiếu VJC không chỉ giúp bà Thảo một bước trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt, mà còn giúp Vietjet Air ngay lập tức gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ USD.

Nhưng sau ngọn núi này còn những đỉnh núi khác cần chinh phục và mục tiêu ấy của bà Thảo là một ngày không xa cổ phiếu Vietjet sẽ có tên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ).

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, lãnh đạo Vietjet mà cụ thể là chính bà Phương Thảo đứng ra ký kết những hợp đồng lịch sử hàng chục tỷ USD. Mới đây nhất là ký hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ Đô la Mỹ nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Trước đó là hợp đồng thuê, mua 100 tàu bay của Boeing trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam và hợp đồng mua hơn 100 tàu bay Airbus trong đó có 20 tàu bay trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Việt Nam.

Không có gì tự nhiên mà đến, Vietjet có vị thế ngày hôm nay nói không ngoa là đến từ sự nhìn xa trông rộng của “nữ tướng hàng không”. Như bà Thảo từng tiết lộ sự phát triển của Vietjet vốn nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo: “Tôi nghĩ vì hàng không hơi gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả… Tăng trưởng của hãng hàng không Vietjet không nằm ngoài kế hoạch của tôi”.

Không chỉ nổi tiếng ở cương vị CEO Vietjet mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là linh hồn của chiến lược đổi mới, tăng tốc toàn diện của HDBank từ năm 2008, thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2021. Với HDBank, bà phải chuẩn bị tới 8 năm nhưng tăng trưởng gấp 15 lần, doanh nghiệp tài chính tiêu dùng tăng 600%.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Mô hình hàng không bà Thảo kiến tạo và đang theo đuổi là một mô hình lai giữa giá rẻ và truyền thống, bà gọi đó là “hàng không thế hệ mới”. Nhìn lại qua 11 năm đi vào hoạt động, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt với Vietnam Airlines cùng các hãng hàng không khác như Jetstar,… thành công của Vietjet Air chính là nhờ đổi mới không ngừng trong cách tư duy và không ngần ngại ứng dụng những tiện ích, những công nghệ mới nhất nhằm phục vụ khách hàng toàn diện nhất.

Tư duy hiện đại, quyết liệt và trẻ trung của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là yếu tố giúp Vietjet Air liên tiếp đạt được những con số ấn tượng trong doanh thu và lượng người yêu thích.   

Nguyễn Thị Phương Thảo

Mang triết lý hàng không phục vụ đại chúng, bà chủ Vietjet Air, Nguyễn Thị Phương Thảo không ngại ngần chia sẻ mục tiêu xây dựng Vietjet là Emirates của châu Á. Người sáng lập hãng bay này khẳng định: “Tôi xây dựng Vietjet không chỉ nhằm cung cấp vé rẻ hơn cho các khách hàng có thu nhập thấp mà còn mang đến cho họ trải nghiệm Skyboss tiêu chuẩn cao”.

Tháng 8/2012, vì tổ chức sự kiện biểu diễn bikini trên chuyến bay từ TP.HCM đi Nha Trang , Vietjet Air bị phạt 20 triệu đồng và bị dư luận tẩy chay. Trước vấn đề này, bà Thảo chỉ nói, người ta có quyền mặc bất cứ thứ gì người ta thích, dù cho đó là bikini hay tà áo dài truyền thống. “Chúng tôi không cảm thấy phiền nếu người ta gắn Vietjet với trang phục bikini. Nếu chuyện này làm người ta thấy vui thì chúng tôi cũng vui”.

Người giàu không tự nhiên mà giàu và tất nhiên, họ cũng có lý lẽ của họ. Chỉ câu trả lời này cũng quá đủ để minh họa cho sự cứng rắn, đanh thép của bà Thảo, rằng không ai có quyền cướp đi sở thích của người khác chỉ vì mình không thích. Thêm vào đó, nên nhớ ngoài cương vị là “linh hồn” làm nên Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là một người phụ nữ nên có lẽ, việc dùng bikini để tôn lên nét đẹp của phụ nữ cũng có lý lẽ riêng của bà.


Nguyễn Thị Phương Thảo

Cứng rắn trên thương trường, kiên định trong từng bước đi nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại được đồng nghiệp nam nể trọng, đồng nghiệp nữ ái mộ bởi không chỉ chăm lo cho đời sống nhân viên “từ xa” mà còn rất gần gũi, không bao giờ từ chối chụp ảnh chung với nhân viên dù đó là người giản dị nhất trong hàng chục nghìn lao động đang làm việc trong tập đoàn.

Lãnh đạo cùng lúc cả hãng hàng không Vietjet, ngân hàng HDBank và nhiều doanh nghiệp khác, đối với nhiều người có lẽ đã là quá sức tưởng tượng, thời gian cho gia đình hẳn là xa xỉ. Thế nhưng, với nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, gia đình vẫn là chốn đầm ấm đi về.

Đáp trả những nghi hoặc đâu đó, bà Thảo từng vô tư chia sẻ rằng bà vẫn dành thời gian lo cho con, đi xem phim cùng con lớn, tắm và bế bồng, hát ru cho con nhỏ...

Nguyễn Thị Phương Thảo

Trước đó, vào năm 2015 bà Thảo cũng gây chú ý khi báo chí ghi lại được khoảnh khắc Tổng giám đốc Vietjet bế một em bé là con của một hành khách lần đầu tiên đi tàu bay. Nhìn nụ cười tươi cùng ánh mắt hạnh phúc ấy, người ta hiểu rằng sau những phút cứng rắn trên thương trường, “người phụ nữ có bàn tay sắt” này cũng là một người mẹ, người vợ tràn đầy tình yêu thương.

Bà Thảo cũng được biết đến là một CEO rất quan tâm tới các hoạt động xã hội, từ thiện. Công việc bận rộn là vậy nhưng bà Thảo vẫn gác lại mọi công việc, dành thời gian thăm và tặng quà, chung vui với gần 600 em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM). Đích thân bà xuống sân khấu, tới tận nơi trao quà cho các bé. Bất ngờ hơn, nữ CEO của Vietjet còn bắt nhịp cho bọn trẻ cùng hát bài “Đàn gà trong sân”, “Năm ngón tay ngoan”.

30 năm chinh chiến trên thương trường có lẽ đã cho bà không ít kinh nghiệm sống còn. Rằng với bất cứ ai, dù đi đâu làm gì, gia đình vẫn là thứ thiêng liêng nhất phải gìn giữ, quý trọng. Trên thương trường có thể là cuộc chiến cân não, gay cấn nhưng bỏ qua tất cả, trở về ngôi nhà thân yêu, bỏ lại đằng sau cánh cửa tất cả những lo toan bộn bề, những người phụ nữ lại thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, giữ gìn tổ ấm của mình.

Tin rằng, với những gì mà bà và tập thể Vietjet Air đã cống hiến “sẽ có một tương lai tốt đẹp cho thế giới này và chúng tôi không ngừng nỗ lực để tương lai đó đến gần hơn”.

Nguyễn Thị Phương Thảo