Người Đưa Tin (NĐT): Từ ngày 1/8, tất cả tuyến cao tốc trên toàn quốc đã chính thức triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng. Sau hơn 4 tháng, xin ông cho biết hiện nay việc vận hành thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc đã thu được kết quả như thế nào?

Ông Hồ Trọng Vinh: Sau hơn 4 tháng triển khai hoàn toàn thu phí không dừng ETC tại các tuyến cao tốc trên toàn quốc, hệ thống thu phí về cơ bản liên tục được tối ưu dịch vụ để mang lại những hành trình trọn vẹn nhất cho khách hàng. Đặc biệt, những giá trị to lớn mà dịch vụ thu phí không dừng mang lại đã được các chủ phương tiện tham gia giao thông nhận thức rõ ràng hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe cả nước là 5 triệu phương tiện, số lượng phương tiện đã dán thẻ ETC của hai nhà cung cấp dịch vụ chiếm hơn 85%. Trong đó, riêng số phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ VETC là gần 2,5 triệu khách hàng, chiếm gần 60% trên tổng số phương tiện dán thẻ ETC toàn quốc,

Đến nay, công tác vận hành ETC đã ổn định, các sự cố kỹ thuật đã được khắc phục hoàn toàn sau thời gian đầu đưa vào khai thác. Thực tế, thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6 - 7 lần so với hình thức thu phí một dừng. Các tuyến cao tốc đều giảm ùn tắc, lực lượng chức năng không còn phải căng mình để điều tiết giao thông hay các sự cố ùn ứ ngay trước trạm.

Nếu có hơn 1 triệu giao dịch thu phí theo cách truyền thống mỗi ngày, đồng nghĩa với việc hơn 1 triệu xe phải dừng lại tại các trạm thu phí khoảng 2-5 phút, lãng phí lớn về mặt thời gian và phát sinh nhiều khí thải. Chỉ vài yếu tố giảm bớt thời gian, hao mòn máy móc, hạn chế khí thải,... đã mang lại lợi ích lớn lao về môi trường, sức khỏe và đời sống dân sinh.

NĐT: Hiện tại thu phí không dừng có thể tạm gọi là đã triển khai thành công và không còn bàn cãi về sự tất yếu. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện từ khi bắt đầu, xin ông cho biết ý tưởng đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng của VETC được bắt nguồn từ đâu? Và đâu là lý do khiến doanh nghiệp quyết tâm đầu tư trong lĩnh vực này?

Ông Hồ Trọng Vinh: Ý tưởng đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng của VETC được bắt nguồn từ sự ùn tắc giao thông nghiêm trọng đang tang lên hàng ngày, trong khi những đánh giá về lợi ích mà hệ thống này mang lại rất lơn, đồng thời dựa trên thực tế thành công của nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kể từ khi hàng loạt dự án cao tốc, quốc lộ mới được đưa vào vận hành, bên cạnh những lợi ích to lớn cũng phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành như ùn tắc, lộn xộn trong hoạt động thu phí, sự thiếu minh bạch trong tính toán mức thu và khoản thu….Trước những vấn đề đó, VETC quyết tâm đầu tư trong lĩnh vực này với mong muốn mang đến giải pháp thu phí ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần tăng tốc cho sự phát triển chung của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

NĐT: Từ những thử nghiệm đầu tiên vào năm 2015 đến khi trở thành doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai hệ thống thu phí không dừng ở nước ta, VETC đã trải qua một hành trình như thế nào? Đâu là khó khăn gây cản trở nhất trong hành trình đó?

Ông Hồ Trọng Vinh: Dự án thu phí không dừng ETC được thí điểm tại Việt Nam từ 2015, quá trình triển khai gặp vô vàn khó khăn, nhiều lần trì hoãn và đình trệ kéo dài. Do hệ thống ETC lần đầu được thực hiện ở nước ta, có nhiều bên tham gia quản lý vận hành cộng với việc trước đó, các trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí một dừng cho nên quá trình chuyển đổi còn nhiều lúng túng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa triển khai vừa phải điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa giao thông Việt Nam.

Nhìn vào quá trình phát triển công nghệ ETC của các nước tiên tiến và thành công nhất trên thế giới, việc vận hành thực tế của họ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đơn cử như Đài Loan (Trung Quốc) đã phải mất khoảng 13 năm mới vận hành trơn tru. Rất nhiều vấn đề phát sinh của hệ thống ETC ở nước ta đang gặp phải cũng chính là những sự cố từng được xử lý tại thị trường ETC Đài Loan. Và ở mỗi giai đoạn, những vấn đề phát sinh là không thể tránh khỏi.

Tại Việt Nam, có rất nhiều vấn đề phức tạp khi triển khai ETC như: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tín dụng ngân hàng, xe không chính chủ, xe mua đi bán lại nhiều, gây khó khăn cho việc thu phí trả sau,... Công tác tuyên truyền cho lái xe ngay từ ngày đầu cũng là công tác phức tạp và rất khó khăn. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai ETC là khi chúng tôi đề xuất triển khai và thực hiện ban đầu thì gần như không ai hiểu về cách thức vận hành. Khi đó nói đến khái niệm 4 giai đoạn thu phí không dừng (hiện nay đang là giai đoạn 1) gần như mọi người rất mù mờ.

Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh sao cho phù hợp văn hóa và phù hợp trong hoạt động thu phí ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng các chủ phương tiện sẽ thích nghi nhanh chóng sau khi nhận thấy các lợi ích ETC mang lại, từ đó tham gia sử dụng dịch vụ một cách tự nhiên, tự nguyện.

NĐT: Từ nay đến năm 2030 và xa hơn nữa, Việt Nam sẽ có thêm hàng nghìn km đường cao tốc mới với yêu cầu triển khai thu phí không dừng. Doanh nghiệp đã có chuẩn bị, kế hoạch cụ thể như thế nào để đón đầu, đáp ứng tốt nhu cầu mới đặc biệt để tránh gặp phải những sự cố trong việc vận hành một hệ thống ngày càng rộng lớn hơn?

Ông Hồ Trọng Vinh: Về mặt chính sách, trong tương lai gần sẽ hàng nghìn km đường cao tốc sắp được hình thành và đưa vào sử dụng với yêu cầu sử dụng thu phí tuy nhiên điều này vẫn cần chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Về mặt doanh nghiệp, là một trong hai đơn vị hiện cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, VETC luôn sẵn sàng để tiếp tục mở rộng việc cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho các tuyến cao tốc, quốc lộ mới trong tương lai. Để chuẩn bị cho những nhu cầu phía trước, VETC đã liên tục tối ưu hệ thống, tăng tốc triển khai công nghệ và coi hạ tầng công nghệ, bảo mật an toàn thông tin là mũi nhọn để tập trung phát triển, đón đầu và đáp ứng vượt trên sự mong đợi cho khách hàng, đối tác.

Hiện tại, hệ thống VETC mỗi ngày có khoảng 1,5 triệu giao dịch/ngày. Tuy nhiên trong thiết kế thì hệ thống VETC có thể phục vụ với công suất tối đa tới 10 triệu giao dịch/ngày. Như vậy với dự báo phát triển hệ thống cao tốc trong 5 -10 năm tới, hệ thống của VETC vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, công nghệ lõi mà VETC sở hữu có thể xử lý được các bài toán phức tạp của thu phí không dừng đặc thù ở Việt Nam như nhiều mức phí, phí cho từng địa phương, phí theo khung thời gian,...

Trong tương lai xa hơn, VETC sẵn sàng với mục tiêu chuyển dịch thu phí ETC tại Việt Nam sang giai đoạn 4 – bỏ Barrier và bỏ đảo thu phí: Các phương tiện được lưu thông tự do, chỉ có hệ thống camera treo trên giá long môn giúp tăng tiện ích tối đa cho người dân cũng như giảm rất nhiều chi phí cho xã hội.

Với nền tảng như vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong công cuộc đồng bộ hạ tầng giao thông số toàn quốc.

NĐT: Ngoài dịch vụ thu cước, phí, VETC có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình đối với các mảng dịch vụ khác không? Kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới được tính toán như thế nào?

Ông Hồ Trọng Vinh: Trong những năm tới, khi hệ thống VETC đã hoàn thiện và tinh chỉnh ổn định, chúng tôi hướng tới phải nâng cấp giá trị gia tăng cho khách hàng bằng việc thêm tính năng trung gian thanh toán của tài khoản giao thông. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng tài khoản giao thông như một ví điện tử trực tiếp, bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC còn được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, giao thông thông minh... Bản thân VETC khi đó sẽ là một trung tâm thanh toán. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tối ưu tiện ích cho khách hàng trên một tài khoản để khách hàng có được trải nghiệm tốt hơn. Đây là kế hoạch ngắn hạn trong 1-3 năm tới. Hiện nay VETC đang tích cực làm việc với cơ quan Nhà nước để triển khai các kế hoạch trên.

Về dài hạn, chúng tôi xác định sẽ mở rộng cung cấp sản phẩm và dịch vụ giao thông thông minh, hướng tới hình thành một hệ sinh thái toàn diện, rút ngắn tối đa các khâu trung gian và cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng bằng việc kết hợp với các đối tác lớn về xe ô tô. Ngoài ra tạo thêm các sân chơi phù hợp với nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội.

NĐT: Hiện nay trong việc triển khai thu phí không dừng chỉ có duy nhất hai đơn vị thực hiện. Liệu việc quá ít sự lựa chọn có dẫn đến tình trạng trì trệ, chậm chuyển đổi, chậm nâng cao chất lượng dịch vụ hay không?

Ông Hồ Trọng Vinh: Động lực để không ngừng tiến lên của chúng tôi là trải nghiệm của người dùng chứ không phải sự cạnh tranh, ganh đua với các đơn vị khác. Chúng tôi mong muốn sẽ không ngừng tối ưu hóa trải nghiệm cho người sử dụng, tăng cường tính tiện ích cho hệ thống để ngày càng đa nhiệm. Do đó chúng tôi phải không ngừng cập nhật, tự thay đổi mình để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và người dân. Đó là động lực.

VETC cũng không có khái niệm cạnh tranh với VDTC vì thực tế hiện nay có 2 đơn vị thực hiện và để nâng cấp chất lượng dịch vụ của ETC thì rõ ràng 2 đơn vị đó phải phối hợp với nhau, đơn vị kia có tốt thì mình cũng mới tốt lên được. Bản thân dù muốn hay không, giữa VETC và VDTC cũng phải chia sẻ và dùng chung với nhau nhiều thứ từ công nghệ cho đến hạ tầng, do đó không có lý do gì phải cạnh tranh mà cần phối hợp với nhau để cùng phát triển.

NĐT: Việc triển khai thành công mô hình thu phí không dừng mang lại giá trị thế nào cho xã hội, và bản thân doanh nghiệp?

Ông Hồ Trọng Vinh: Dự án thu phí không dừng là dự án triển khai theo phương thức đối tác công tư PPP, lợi nhuận không thể tính toán như dự án kinh doanh bên ngoài. VETC không có lãi trong việc triển khai dự án này mà lãi ở trong phương án tài chính Bộ GTVT trả trên vốn chủ sở hữu cho nhà đầu tư. Nếu phương án tài chính của dự án tốt thì sẽ hoàn vốn cho dự án sớm và giai đoan cuối dự án thì Nhà đầu tư mới được nhận lãi.

Đối với dự án này tiền thu về được bao nhiêu, lãi bấy nhiêu theo phương án tài chính, đấy là để hoàn vốn cho dự án chứ không phải là lợi nhuận của Nhà đầu tư. Theo phương án tài chính thì dự kiến thời gian hoàn vốn của dự án này là 20 năm.

Trong khi đó, chúng tôi có một “lợi ích” khổng lồ là những giá trị vô hình tạo ra cho xã hội từ dự án này. Đó là thời gian, công sức, nhân sự thực thi, sự tiện lợi trong quản lý và vận hành và nhất là sự minh bạch vốn đang rất được xã hội đề cao. Cách đây 7 năm khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã tính toán nhờ dự này mà xã hội có thể tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.

NĐT: Hiện nay, VETC đang quản lý một kho dữ liệu khổng lồ liên quan đến hàng triệu phương tiện giao thông trên toàn quốc. Việc quản lý, khai thác và bảo mật kho dữ liệu trên là một trong những vấn đề được người dùng hết sức quan tâm. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Hồ Trọng Vinh: Chúng tôi có hẳn một đơn vị đối tác làm nhiệm vụ bảo mật cho kho dữ liệu, họ thiết lập công cụ quản lý, các hàng rào bảo vệ, đánh giá độ bảo mật và khuyến cáo định kỳ để chúng tôi có sự thay đổi. Về sử dụng dữ liệu, chúng tôi chỉ sử dụng cho mục đích triển khai hệ thống thu phí không dừng và các vấn đề liên quan đến tiện ích của chủ tài khoản giao thông. Đối với các cơ quan chức năng trong trường hợp cần trưng cầu sử dụng các dữ liệu đó cũng có quy định rõ ràng, phải có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền thì chúng tôi mới cung cấp.

NĐT: Việc triển khai thành công thu phí không dừng ở nước ta càng cho thấy việc áp dụng công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng KHCN vào thực tiễn mà cụ thể ở đây là giao thông dù là một xu hướng tất yếu nhưng vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm chính trị lớn chứ không đơn thuần là yếu tố công nghệ hay tài chính. Từ góc nhìn thực tiễn của doanh nghiệp, xin ông đánh giá về vấn đề này?

Ông Hồ Trọng Vinh: Dự án thu phí không dừng ETC đã gặp muôn vàn khó khăn từ những ngày đầu thực hiện. Để đạt được thành công như hiện tại, tôi cho rằng có 3 yếu tố mang tính then chốt và quyết định.

Trước hết, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp còn có vai trò rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, thể hiện bằng quyết tâm chính trị và khát vọng đồng bộ hóa hạ tầng thanh toán điện tử. Hành lang pháp lý cho thu phí không dừng ETC dần hình thành với Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định 19 của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển và đặt ETC vào đúng vai trò và vị trí tương xứng của nó. Về chỉ đạo thực tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT đã trực tiếp chủ trì hàng loạt cuộc họp để xử lý các tình huống phát sinh, nhằm đưa mục tiêu hoàn tất việc phủ sóng thu phí không dừng về đích đúng mốc 1/8/2022.

Bên cạnh đó, sự thành công của ETC không thể không kể đến quá trình thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Thực sự đây là một quá trình lâu dài và đầy khó khăn. Từ chỗ không biết, còn nhiều nghi ngờ và ngần ngại trong việc sử dụng, qua tuyên truyền và trải nghiệm thực tế người dân đã biết được những giá trị và lợi ích mà thu phí không dừng mang lại, từ đó chuyển đổi phương thức sử dụng. Tất nhiên cũng phải tính đến việc chúng ta biến thu phí không dừng trở thành một quy định bắt buộc giống như quy định với mũ bảo hiểm trước đây. Nếu vẫn để thu phí hỗn hợp thì càng gậy bức xúc cho chủ phương tiện có sử dụng ETC phía sau phải chờ xe thanh toán bằng tiền mặt phía trước,

Ngoài ra, có thể xem giai đoạn đại dịch Covid-19 như một giai đoạn mang tính bứt phá đối với thu phí không dừng. Ở thời điểm đó mọi người hạn chế ra đường và đã ra đường thì rất hạn chế tiếp xúc với nhau, hạn chế sử dụng tiền mặt do đó các dịch vụ tự động, tránh tiếp xúc có cơ hội để phát triển mạnh mẽ và chứng minh giá trị.

NĐT: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 20/02/2023 | 10:32