78 năm kể từ mùa thu Độc lập đầu tiên, Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Không những dựng xây hòa bình cho mình, Việt Nam còn chủ động, tích cực góp sức vào công cuộc dựng xây hòa bình cho khu vực và thế giới, trong đó một trong những hoạt động nổi bật là việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Nhìn lại những đóng góp của Việt Nam trong sứ mệnh này suốt gần một thập kỷ, Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng).

Người Đưa Tin (NĐT): Gần một thập kỷ, Việt Nam cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ). Từ kiến tạo hòa bình cho mình, Việt Nam đã chủ động, tích cực góp phần dựng xây hòa bình cho khu vực, cho thế giới. Xin ông điểm lại một số kết quả quan trọng của sứ mệnh này trong suốt những năm vừa qua?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình. Ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cam kết chính trị của Việt Nam là sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển, trong đó một trong những hoạt động nổi bật là việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Từ 2 sĩ quan đầu tiền triển khai đến Phái bộ Nam Sudan năm 2014, đến nay, Việt Nam đã cử 780 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 4 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ bằng cả hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở LHQ.

Từ tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác ba bên (Việt Nam, LHQ và một đối tác thành viên LHQ khác).

Sau quá trình triển khai, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn.

Kế thừa những kinh nghiệm trong việc triển khai các bệnh viện dã chiến, tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ UNISFA tại khu vực Abyei.

Sau 1 năm triển khai, Đội công binh Việt Nam được Chỉ huy Phái bộ đánh giá làm thay đổi diện mạo của Phái bộ GGHB LHQ tại Abyei. Hiện nay, Đội Công binh số 2 đã sang thay thế Đội Công binh số 1 bảo đảm an toàn và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo yêu cầu của LHQ.

NĐT: Thưa ông, từ việc triển khai nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, Việt Nam đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu nào?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Việc Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là cơ hội để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước và lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cán bộ, phục vụ nhu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đây cũng là cơ hội mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự và dân sự, góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện phức tạp, đa dạng, chiến tranh công nghệ cao, ứng phó có hiệu qủa các tình huống trong điều kiện chiến tranh hiện đại, thảm họa tự nhiên và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Những kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là cơ sở để Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương có phương án tối ưu để phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả công tác tuyển dụng, huấn luyện và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Đồng thời, đây là cơ sở để nghiên cứu, mở rộng triển khai một số hình thức khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

NĐT: Xin ông cho biết việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Từ tháng 6/2014 đến nay, các lực lượng của Việt Nam được cử đi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình đã, đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những thành quả đáng khích lệ trong hơn 9 năm qua đã góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời lan tỏa hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển của LHQ.

Các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn. Phó tổng thư ký LHQ và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp này.

Bên cạnh đó, dù chỉ mới triển khai từ tháng 5/2022, Đội công binh đầu tiên của Việt Nam được triển khai tại Abyei đã nhận được sự đánh giá cáo của Chỉ huy Phái bộ trong việc góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực đóng quân. Toàn bộ 184 cán bộ, nhân viên của Đội được Chỉ huy Phái bộ thay mặt Hội đồng Bảo an LHQ tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình LHQ, Tư lệnh Phái bộ gửi Thư khen vì đã có nhiều cống hiến, đóng góp trong nhiệm kỳ công tác, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu Phái bộ. Thị trưởng khu vực Abyei gửi Thư cảm ơn Đội Công binh Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân nơi đây tu sửa nhà cửa, sửa chữa đường xá, thực hiện các công trình thiện nguyện và ổn định tình hình dân cư,...

Bên cạnh đó, các sĩ quan cá nhân sau khi kết thúc nhiệm kỳ đều được LHQ đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lực lượng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

NĐT: Một trong những sứ mệnh của chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam khi tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người và người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Xin ông cho biết lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Tại các Phái bộ gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi, khu vực Abyei, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được các đồng chí sĩ quan thực hiện nhiệm vụ theo hình thức cá nhân cũng như đơn vị Đội Công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 giới thiệu, lan toả đến đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Từ tác phong làm việc chuyên nghiệp, môi trường làm việc chính quy cho đến việc trực tiếp thông qua các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân, các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tiêu biểu trong năm 2022, các lực lượng tại Phái bộ đã triển khai 8 chiến dịch ra quân tổng dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường, phát động chương trình và triển khai trồng hơn 3000 cây xanh tại khu vực làm việc của Đội Công binh tại khu vực Abyei, Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan, sửa sang hàng chục km đường bộ, hỗ trợ địa phương khu vực đóng quân cải tạo Nhà cảnh sát, trường học, tổ chức 5 đợt khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người dân, 5 hoạt động đến thăm, tặng quà học sinh các trường tiểu học, trại trẻ mồ côi gần đơn vị đóng quân.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã chỉ đạo Lực lượng 47 thiết lập và phát triển các kênh trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube với số lượng thành viên tham gia đông đảo và rộng khắp, tạo ra hiệu ứng tích cực; từ đó tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc đến với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, dàn dựng các tiết mục văn nghệ, thi nấu ăn, giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam nhân các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Phái bộ, dân tộc các nước.

NĐT: Là một quốc gia từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì đối với các nước trên thế giới ngày nay vẫn đang còn tìm kiếm hòa bình?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Là quốc gia đã từng phải chịu đựng những đau thương, mất mát, sự tàn phá của chiến tranh, Việt Nam chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình, để luôn khao khát bảo vệ và lan tỏa giá trị ấy. Và cũng bởi vậy, Quân đội Nhân dân Việt Nam có thêm một lực lượng mới, có thêm một sứ mệnh mới: tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Việc Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết của Đảng; góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; từ đó tạo thêm điều kiện, môi trường quốc tế thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước; là biện pháp Chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

NĐT: Kế thừa những kết quả đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào? Có gì khác biệt so với giai đoạn trước đây?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Như đã nói ở trên, những kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là cơ sở để Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương có phương án tối ưu để phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả công tác tuyển dụng, huấn luyện và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Đồng thời, đây là cơ sở để nghiên cứu, mở rộng triển khai một số hình thức khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam theo Nghị quyết số 130/202/QH14 của Quốc hội như: Đơn vị Trực thăng, Đơn vị kiểm soát quân sự, Lực lượng vệ binh/bảo vệ, Tiểu đoàn Bộ binh, Đơn vị Cảnh sát,...

Để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao Tổng cục Chính trị chỉ đạo Cục Chính sách chủ trì, phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội nghiên cứu lập hồ sơ báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị Chính phủ cho chủ trương và triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về nhóm chức danh và nâng tỷ lệ % hưởng phụ cấp của LHQ đối với tập thể, đơn vị; Điều chỉnh chế độ, chính sách, tạo sức thu hút đối với lực lượng nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; Nghiên cứu bổ sung trợ cấp địa bàn phù hợp cho lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; Điều chỉnh công tác đảm bảo đối với tổ chức, đơn vị cho phù hợp với quy mô, loại hình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 02/09/2023 | 06:00