Khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, nhiều người khó có thể làm một công việc ở mức khởi đầu. Thế nhưng, nhiếp ảnh gia Hoàng Trưởng – người được mệnh danh “Vua ảnh lịch” - lại không nghĩ và làm như vậy. Ông không chấp nhận sống trong nghèo đói trên đỉnh vinh quang chính mình tạo ra. Ông coi việc chụp hình cưới, hình thẻ đều đòi hỏi tâm và sức như việc chụp ảnh nghệ thuật, chân dung…

sutit 1

Gần đây, tôi thấy anh cập nhật nhiều bức ảnh của các diễn viên, người mẫu, hoa hậu… nổi tiếng của những năm 1990. Anh tiếc nuối thời vàng son của mình hay muốn gửi đến những người đẹp một thời như một món quà nhắc nhớ về kỷ niệm, nhắc nhớ về những vinh quanh đã đi qua?

Hoàng Trưởng

Mới đây, tôi dọn studio trên đường Võ Thị Sáu để trả lại mặt bằng thì vô tình nhìn thấy những bức ảnh cũ. Tôi chụp lại bằng điện thoại rồi úp lên trang cá nhân với mục đích gợi lại kỷ niệm gần 30 năm làm nghề. Đồng thời, tôi muốn gợi lại ký ức cho các người mẫu, diễn viên, hoa hậu sống và làm việc ở những năm 1990.

Tôi thấy những bức ảnh ấy đơn giản nhưng đẹp không thể diễn tả hết bằng lời. Chắc hẳn anh có một đam mê chụp ảnh chân dung và đã dày công nuôi dưỡng nó?

Ngày trước, tôi mê chụp ảnh chân dung mà đâu có sách vở hay internet để tham khảo. Vì vậy, tôi thường lê la các hàng quán để quan sát. Thấy cô bé nào, tôi cũng để ý ngắm nhìn. Một hôm, tôi vào quán cà phê thấy một cô bé đẹp quá. Tôi ngồi chìm đắm và ghi nhận vào đầu những động tác tạo dáng của cô bé. Dù những động tác đó hầu như ai cũng có nhưng cô bé đó thể hiện lại đẹp. Và tôi cố tìm hiểu, suy nghĩ tại sao và rút ra kinh nghiệm cho bản thân, áp dụng vào nghề.

Hoặc, tôi thường đến sạp báo trên đường Lê Lợi. Nơi đây có trưng bày, bán những tạp chí thời trang nổi tiếng của thế giới. Tôi tìm đến đây để đọc và xem cách tạo dáng thời trang của các cô người mẫu, rồi ghi nhớ trong đầu.

Có một kỷ niệm vui, khi đi vào một quán kem, tôi đoán được quán vừa có tạp chí mới. Tôi tìm xem thì thấy một bức ảnh đẹp quá. Trong cuốn tạp chí đó có bao nhiêu hình đẹp, tôi lấy hết, rồi đem về đóng thành nguyên một xấp, tôi có nhiều xấp như vậy.

Hay nữa, khi ra đường thấy nữ sinh mặc áo dài trắng chạy xe đạp ngược sáng, tôi chạy theo quan sát và thầm thốt lên “trời ơi sao đẹp thế”.

Chính sự tìm tòi và ghi nhớ ấy giúp tôi biết cách thể hiện hết nét đẹp của người mẫu dù họ diện thời trang phương Tây hay áo dài nữ sinh.

Lần đầu tiên anh khẳng định khả năng chụp ảnh chân dung diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào?

Phải nhắc lại từ đầu, lý do tôi đến với nhiếp ảnh. Quả thật, nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề. Lúc đó, tôi đang học cơ khí, có vài người bạn trong hội nhiếp ảnh nói: “Ngày xưa, lúc đi học, mày chụp hình đẹp lắm đó. Mày chơi nhiếp ảnh đi”. Tôi cũng vào học thử, không ngờ tôi tiếp thu rất nhanh và mê nhiếp ảnh.

Hoang Truong

Hình như, trời cho tôi một cái nhìn, sự nhạy bén về cái đẹp. Từ năng khiếu, tôi học bổ sung thêm nhiều kiến thức về thẩm mỹ, kỹ thuật. Tôi có 2 người thầy nhiếp ảnh. Nhiều người dạy nhưng dạy trực tiếp có 2 người là thầy Nguyễn Mạnh Đan và Phạm Văn Mùi.

Tôi bắt đầu chụp ảnh chân dung từ buổi chụp hình cho cuốn trang điểm của bà Tường Vi. Bà ấy mời tôi chụp hình chân dung cho cô Diễm My. Đáng tiếc, số hình chụp Diễm My đến nay tôi vẫn chưa tìm ra.

y phụng

Tôi thích Diễm My lắm. Diễm My lúc đó đẹp vô cùng. Bộ ảnh tôi chụp Diễm My quá đẹp. Từ đó, tôi thành công với bộ ảnh đầu tiên. Bộ ảnh lịch Diễm My gây chấn động trong làng sách ảnh lịch năm đó.

Và từ đó, anh được mệnh danh là “Vua ảnh lịch” phải không?

Tôi thống trị làng ảnh lịch và được mệnh danh “Vua ảnh lịch” trong khoảng hơn 10 năm, bắt đầu từ khoảng năm tôi 33 tuổi. Một năm, tôi cung cấp trên 200 ảnh chân dung người đẹp để làm lịch là bình thường. Mỗi cuốn lịch 6 tờ, tức sẽ có 40 đầu lịch sử dụng hình ảnh của tôi. Thời điểm đó, tôi cung cấp hình ảnh tràn ngập, các nhà xuất bản tìm đến tôi xem hình và lựa mua tấp nập.

Con đường Nguyễn Thị Minh Khai có rất nhiều nhà sách, nhà xuất bản. Nhà xuất bản nào mua ảnh của tôi làm lịch đều trúng đậm và giàu luôn.

Và, tôi cũng có cái duyên, người mẫu nào đến chụp hình với tôi, năm đó hình ảnh tràn ngập trên sách lịch và họ nổi tiếng nhanh chóng. Bởi thời đó không có báo mạng, chỉ có tạp chí, ảnh lịch phổ biến toàn quốc. Hình ảnh của các cô tràn ngập thì những nhà làm phim thấy và mời về đóng phim. Từ nhiều yếu tố, người ta mới gọi tôi là “Vua ảnh lịch”.

sutit 1

Muốn có ảnh chân dung đẹp, tạo được tiếng vang, theo anh là do người mẫu hay nhiếp ảnh quyết định?

Với chụp ảnh chân dung, người mẫu phải có nét mặt ăn ảnh, không cần như búp bê sắc sảo, chỉ cần đôi mắt, gương mặt hài hòa. Nhiều người đẹp nhưng không có thần, tôi phải tìm cái thần của họ, tìm cái duyên trong nét đẹp. Tôi nổi tiếng nhờ chụp người đẹp, câu này đúng nhưng cũng không đúng. Người đẹp đứng trước ống kính nhưng nhiếp ảnh không biết khai thác trái hay phải, thấp máy hay cao máy, biết cách tạo tâm lý cho người mẫu, biết cách nói chuyện, biết tạo ra những khoảnh khắc quyết định thì chưa thể nói là thành công. Người đẹp chưa chắc chụp ra bức ảnh đẹp.

Người nhiếp ảnh quyết định một bức ảnh đẹp. Bởi, họ là người chọn bối cảnh, chọn ánh sáng, góc máy, sử dụng ống kính nào, tiêu cự nào, … Ngày trước, người chụp ảnh sử dụng máy cơ, bằng phim nên phải có trình độ, kỹ thuật vững vì không thể xóa, không thể kiểm tra.

Người chụp ảnh phải có khả năng tương tác với người mẫu, từ chỗ hai người không quen biết phải hỏi nói chuyện, chỉ cần nói chuyện là biết người mẫu cười đẹp, người mẫu không cười vẫn đẹp, người phải cúi xuống chút mới đẹp.

Ví dụ, lúc tôi tìm Việt Trinh để chụp ảnh, cô ấy cũng chưa nổi tiếng. Nhưng sau đó, Việt Trinh nổi nhiều phim. Khi chụp ảnh, tôi không cho Việt Trinh cười. Bởi mắt cô ấy rất có hồn, đã lột tả được hết. Cô phải lạnh như vậy mới đẹp.

Hoàng Trưởng

Người mẫu không cười, lạnh mà ảnh lại đẹp liệu có vận vào số phận của họ?   

Không. Nếu tin như vậy tội cho người ta. Một nhà nhiếp ảnh giỏi, một nhà làm phim giỏi phải biết khai thác cái đẹp của diễn viên. Người nhiếp ảnh là người nhạy trong việc nắm bắt góc cạnh đẹp của người mẫu. Có người cười đẹp, có người không cười đẹp, có người cả hai đều đẹp. Tùy!

Đứng trước người mẫu, mình phải làm sao cho họ đẹp nhất bằng cách cười hay không cười. Với ảnh lịch, thì không được buồn. Người ta treo trong nhà một năm, người ta sợ xui lắm.

Mỹ Uyên

Anh có thể kể những cái tên nổi tiếng mà anh đã từng chụp ảnh?

Tôi chụp nhiều lắm. Đa số, tôi chụp họ khi chưa nổi tiếng hoặc chỉ mới ở dạng “nghe nhắc đến, có triển vọng”. Tôi chụp Việt Trinh, Y Phụng, Kim Khánh… khi chưa nổi tiếng, hay Diễm My, Diễm Hương, Thanh Mai, Hoàng Mến, Minh Anh… khi họ có chút tên tuổi. Ngoài ra, tôi còn làm việc với các hoa hậu Kiều Khanh, Lý Thu Thảo, Thu Thủy…

Anh thích chụp ảnh ai nhất trong số những người đã từng làm việc?

Tôi thích làm việc với Diễm My - Hoa hậu không vương miện. Trời cho Diễm My năng khiếu biết tạo dáng, biết làm đẹp. Vốn dĩ, cô ấy đẹp sẵn rồi, mà làm việc lại không biết mệt, không mắc bệnh ngôi sao, than thở. Dù có người trang điểm đi theo nhưng cô ấy luôn tự làm hết. Mà không chỉ Diễm My, người mẫu thời đó làm việc là làm việc, không đòi hỏi, câu nệ khó khăn.

Sau này, tôi có làm việc với một số người mẫu nhưng thấy không thích nữa. Năm 2010, tôi thỉnh thoảng vẫn làm ảnh lịch cho khách yêu cầu. Thế nhưng, khi làm việc, các người mẫu thường nghe điện thoại liên tục, hẹn đến không đúng giờ, làm việc không nghiêm túc.

Có bao giờ, anh bị người khác bình luận là nhờ người mẫu đẹp chứ khả năng chụp ảnh của anh chưa chắc đẹp?

Chưa. Người ta kiếm tôi, chứ tôi ít khi đi tìm họ. Có những gia đình, người ta gửi con đến nhờ tôi chụp. Bởi, thời đó, lăng-xê nổi tiếng nhanh nhất là lên sách báo và lịch. Người mẫu, hoa hậu hay bất cứ ai nghe tôi mời họ rất thích.

sutit 1

Anh có nói, anh rất thích ngắm nữ sinh mặc áo dài trắng lúc tan trường. Có nghĩa, anh cũng thích chụp trang phục áo dài?

Với tôi, trang phục áo dài là trang phục rất gợi cảm. Chụp ảnh chân dung là sở trường nhưng mê nhất là chụp áo dài. Tôi có nhiều bộ lịch chụp mẫu mặc áo dài nổi tiếng như bộ chụp ở Mũi Né. Ngày trước không ai biết đến Mũi Né, sau bộ ảnh của tôi, rất nhiều người muốn khám phá nơi đây.

Anh gặp nhiều khó khăn không khi quyết định chụp ảnh áo dài ở Mũi Né – nơi mà chưa ai biết đến?

Tôi quyết định đến Mũi Né chụp một bộ ảnh áo dài. Tôi cũng hơi liều trong việc đưa người mẫu đi xa. Tôi mời nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng, trang điểm Lê Dũng đi cùng 4 người mẫu Thanh Mai, Hoàng Mến, Minh Anh, Hoàng Hoa. Chúng tôi đến ở nhờ nhà dân, ngủ trên nền gạch.

Muốn đến địa điểm chụp ảnh, từ nhà dân, chúng tôi phải đi bộ băng qua mấy làng, cơm thì gánh theo, đi bộ phải xách dép. Tới nơi, muốn thay quần áo phải chui vô bụi. Tất cả sinh hoạt đều diễn ra ngoài trời.

Lúc đó, tôi có mua một máy cassette nhỏ. Tôi sợ người mẫu không đi bộ nổi đoạn đường hơn 2km. Tôi mở cassette và đi trước. Khi tới chỗ có bóng râm, tôi dừng lại để tiếng nhạc dẫn dắt họ theo sau. Điều này tạo một tâm lý thoải mái khiến họ quên mệt. Khi nghe chụp ảnh áo dài trên đồi cát, một việc chưa có nhiếp ảnh nào dám làm, các cô lấy làm thích thú.

Những cực khổ của mấy anh em được đáp lại bằng sự thành công của bộ ảnh. Các người mẫu đều nổi tiếng và địa danh Mũi Né cũng được nhiều người biết đến.

Sau lần chụp áo dài ở Mũi Né, anh còn tiếp tục chụp ảnh áo dài không?

Tôi còn đem người mẫu ra Huế chụp ảnh với áo dài nữa. Lúc đó, chưa có máy bay, tôi phải thuê xe ra đó. Chúng tôi ở đó 7 ngày thì mưa đủ 7 ngày, cứ hễ đem máy ra là mưa. Mỗi ngày chi phí một tăng, không ai tài trợ. Nhìn cảnh đó, tôi muốn khóc luôn.

sutit 1

Tôi được biết vài năm gần đây, anh chuyển sang chụp ảnh cưới. Anh có cho đây là một bước lùi trong sự nghiệp?

Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người. Thế nhưng, tôi có 2 lý do để bước lùi. Thứ nhất, tôi phải đảm bảo kinh tế cho gia đình. Thứ hai, tôi đã chứng kiến nhiều người bạn trong giới “chết” với lối suy nghĩ "lên tới đỉnh là phải sống trên đỉnh, không muốn đi làm những việc khác”.

Diễm Hương

Một họa sĩ không thể mở tiệm vẽ chân dung thuê, một ông đạo diễn phim nổi tiếng không thể đi quay phim minh họa karaoke. Nhiếp ảnh thì không có ai giàu, toàn là nghèo, thậm chí nghèo đến nỗi gia đình thiếu ăn. Tôi mới suy nghĩ tại sao phải sống vậy? Tôi mới tự nhủ: “Thôi đã đến lúc đi kiếm tiền, không là nghèo giống mấy người kia”.

Trong nghệ thuật, tôi quan niệm không có đỉnh. Hôm nay, ai đó có thể đang ở đỉnh cao nhưng hôm sau đã có người thay thế.

Trong mắt tôi, chụp cái gì cũng là một câu chuyện, chụp ảnh cưới cũng vậy. Xin lỗi, nhiếp ảnh nghệ thuật được giải quốc tế chưa chắc chụp được ảnh cưới. Với tôi, ngay cả chụp hình thẻ cũng không đơn giản. Những cái nhỏ mà mình chưa làm được thì đừng nghĩ gì đến những chuyện khác.

Tôi không say mê trong chiến thắng. Ra đường, không ai biết tôi làm nhiếp ảnh, máy ảnh của tôi cũng nằm trong ba lô nhỏ khép kín lại.

Chơi nghệ thuật phải khiêm tốn. Bất cứ nghề gì mà liên quan đến “sĩ” và nghệ thuật thì ta nên khiêm tốn. Khiêm tốn là hay nhất, đừng có tự cao quá. Nhiều người chưa là gì mà đã tự cách biệt ra với mọi người, chiếu trên chiếu dưới. Đừng thấy mình có giải thưởng rồi tạo ra khoảng cách, cách xa với đồng nghiệp. Chính sự cách xa đó khiến họ bị đào thải.

Dường như anh bị ám ảnh bởi cái nghèo?

Thời của tôi, cha mẹ đi kinh tế mới. Không tiền, tôi phải tự lo tất cả. Lớn lên lấy vợ, đồng tiền làm ra chỉ vận hành đủ. Chụp hình nghệ thuật phải giấu, vào công viên Tao Đàn chụp hình dạo ở hội Hoa xuân để kiếm thêm. Nhiều lúc tranh thủ rửa hình, làm nguyên đêm, thiếu ăn dẫn đến mắc bệnh lao, ho ra máu.

Sau này, tôi chụp ảnh quảng cáo mới có tiền. Pepsi, Cocacola hồi mới đến Việt Nam là tôi chụp hình quảng cáo. Tôi lấy chụp quảng cáo để nuôi chụp ảnh chân dung, nuôi tên tuổi, nuôi sự nghiệp.

Hiện tại, anh có dự tính gì không? Nghỉ ngơi hay phiêu lưu sang một lĩnh vực mới?

Hiện tại, studio của tôi đang tạm dừng để tìm địa điểm mới. Tôi chưa tính chuyện nghỉ ngơi. Nghệ thuật không có tuổi mà chỉ tính có sức làm hay không thôi.

Xin cảm ơn anh đã dành cho báo những chia sẻ chân thành!