Giãn cách xã hội: Nếu không có biện pháp xử lý mạnh sẽ có nguy cơ “vỡ trận”!

Thanh Lam

Bước sang ngày thứ 17 cũng là ngày thứ 2 trong thực hiện giai đoạn 2 của cách ly xã hội, nhưng theo ghi nhận của PV, người dân ra đường tại các thành phố lớn như Hà Nội rất đông. Vậy, làm thế nào để có thể duy trì nghiêm quy định về giãn cách xã hội?

Người dân lo ngại

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Dù đang bước vào giai đoạn 2 của việc thực hiện giãn cách xã hội, thế nhưng theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, ngày 17/4 lượng người dân đổ ra đường đông dần ở TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Trước thực tế này, không ít người dân bày tỏ sự lo ngại về khả năng dịch bệnh có thể sẽ quay trở lại nếu chúng ta không thực hiện tốt giãn cách xã hội.

Anh Nguyễn Quân (Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay, tôi ngồi ở nhà nhìn ra đường mà thấy đường phố mỗi lúc một đông. Chúng ta đang thực hiện giai đoạn 2 giãn cách xã hội mà nhiều người đổ ra đường như vậy tôi e rằng dịch bệnh lại có nguy cơ cao”.

Trong khi đó, chị Thu Hà (Hà Nội) bày tỏ thêm: “Biết là ở nhà ai cũng bí bách, bản thân gia đình tôi đã chấp hành nghiêm túc chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết, 16 ngày qua, chúng tôi cùng các con học tập, ăn uống và tập thể dục trong chính căn nhà của mình. Nhưng, hôm nay nhìn thấy mọi người ra đường đông tôi cũng cảm thấy hơi lo lắng, nếu không hạn chế ra đường thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát hoặc quay trở lại bất cứ lúc nào. Tôi chỉ mong mọi người hạn chế ra ngoài càng nhiều càng tốt để thực hiện tốt giãn cách xã hội đến hết ngày 22/4”.

Vi phạm cần xử lý nghiêm

Trong cuộc trao đổi với PV, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 tàn phá sự sống chết của con người rất lớn, trên thế giới chúng ta đã nhìn thấy điều đó. Còn tại Việt Nam chúng ta chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, mầm bệnh cũng rất nguy cơ, không lường trước sắp tới đây dịch bệnh sẽ tới mức như thế nào. Nhưng, qua Chỉ thị 16 Chính phủ Việt Nam đã rất kiên quyết, quyết liệt trong việc phòng ngừa, giãn cách xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất người dân không bị lây nhiễm, không bị bệnh”.

Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 16, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng: “Những ngày đầu và những ngày cuối thực hiện Chỉ thị 16 trong 15 ngày thì người dân thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, một vài ngày cuối cũng có một số nơi như TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội người dân đổ xô ra đường, mức độ so với ngày thường còn hạn chế. Nhưng, nguyên nhân tôi cho rằng về mặt chủ quan người dân cho rằng dịch bệnh chưa đến mức quá nguy hiểm, còn về mặt khách quan người dân nghĩ rằng ở trong nhà nhiều ngày liên tục cũng bứt rứt nên muốn ra ngoài”.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, mặc dù vậy, nhưng theo đánh giá của Chính phủ chúng ta không lường trước được sắp tới dịch bệnh sẽ như thế nào. Nhưng, khả năng lây lan, phát triển thêm dịch thì Việt Nam có thể phòng được.

“Vì vậy, ở giai đoạn 2 giãn cách xã hội, Chính phủ đã đưa ra kết luận những nơi có nguy cơ cao vẫn tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn những nơi ở mức nguy cơ thấp thì thực hiện theo Chỉ thị 15. Vì vậy, theo tôi đánh giá người dân ra đường ở những tỉnh có nguy cơ cao là có thể họ đánh giá dịch chưa ở mức cực kỳ nguy hiểm, có ý nghĩ chủ quan”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, trước thực trạng người dân ra đường thì các cơ quan chức năng, công quyền, chính quyền cần tiếp tục cương quyết thực hiện Chỉ thị 16.

“Nếu ai vi phạm sẽ có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và mức cao nhất là xử phạt. Còn nếu chống người thi hành công vụ là công chức, viên chức thì phải xử lý nghiêm minh, còn đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu cho dù người đó có là ai đi chăng nữa. Như vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ nghiêm và tốt hơn. Còn nếu không có biện pháp xử lý mạnh sẽ có nguy cơ vỡ trận”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ mong muốn: “15 ngày trước muốn kiếm một quán ăn, quán cà phê cũng khó, nhưng mấy ngày nay tôi thấy đã bắt đầu thấy có quán ăn, quán cà phê. Trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, vậy chỉ còn vài hôm nữa tôi mong người dân có ý thức chấp hành để cùng đẩy lùi dịch bệnh. Nếu vài hôm nữa, tình hình tốt lên thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đời sống trở lại bình thường sẽ tốt hơn.

Chúng ta xác định, sinh mạng sức khoẻ của con người là trên hết không ai thay thế được, nếu mất đi không thể nào tìm lại được. Vì vậy, mỗi người dân ý thức và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, có biện pháp ngăn ngừa, xử phạt nghiêm minh thì tôi nghĩ rằng việc giãn cách xã hội sẽ diễn ra nghiêm, đúng quy định”.

T.L