Gói vay trả lương lãi suất 0%: Đừng để người sử dụng lao động phải “leo cột mỡ”!

Thu Huyền

Gói cho vay tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% đang được nhiều doanh nghiệp trông chờ vì đây sẽ là cơ sở để giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quy định về thủ tục và tiến độ giải ngân được ví như “mỡ bôi vào cột”, hay nói cách khác là điều kiện đáp ứng gói vay này đang “ngáng chân” chính doanh nghiệp mong muốn được nhận hỗ trợ.

“Ma trận” tiêu chí, thủ tục

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến dành 16.000 tỷ đồng thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm và quá hạn là 12%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày NHNN giải ngân nguồn tái cấp vốn đối với NHCSXH.

Để được vay gói này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí như: Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên.

NHCSXH sẽ cho doanh nghiệp vay theo số lao động ngừng việc thực tế hằng tháng, nhưng mức vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4 - 6/2020). Thời hạn cho vay không quá 12 tháng với lãi suất 0%/năm.

Với mức vay trên, doanh nghiệp không phải thực hiện bảo đảm tiền vay nhưng có kế hoạch trả nợ và cam kết dùng các nguồn vốn, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp để trả nợ khi đến hạn. Nếu quá hạn, tiền vay sẽ tính lãi suất 12%/năm.

Về thủ tục cho vay, doanh nghiệp cần có sự xác nhận của UBND cấp huyện, tỉnh phê duyệt danh sách người lao bị ngừng việc. Sau đó, gửi chi nhánh NHCSXH cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Số tiền khách hàng vay được NHCSXH nơi cho vay chi trả hằng tháng đến người lao bị ngừng việc trên cơ sở danh sách được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt hàng tháng và theo đề nghị của khách hàng.

NHCSXH sẽ thực hiện chuyển khoản hoặc chi trả bằng tiền mặt đến người lao động. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.

Doanh nghiệp kêu “mỡ bôi vào cột”

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Sao Việt - cho biết: “Hơn 3 tháng dịch Covid-19 hoành hành, công ty sụt giảm gần 80% doanh thu, tuy nhiên chúng tôi không cắt giảm nhân sự mà vẫn cố gắng duy trì và hỗ trợ trả lương cho nhân viên. Thông tin về doanh nghiệp được thực hiện gói vay tại NHCSXH với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động tôi có biết đến.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất vẫn chính là hồ sơ, thủ tục tiếp cận gói vay không đơn giản chút nào. Thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã sa thải người lao động thì chính sách nên khuyến khích những doanh nghiệp cố gắng giữ việc cho công nhân”.

Ông Bằng cũng cho rằng, những điều kiện đưa ra như đang “ngáng chân” chính những doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ để vực dậy nguồn kinh tế.

Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn – thì lại chưa nhận được thông báo gì về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Ông Sơn nhận định, các chính sách hỗ trợ được Chính phủ công bố khá nhiều nhưng khi đến tay doanh nghiệp thì còn chậm.

Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bắc Giang – khẳng định: Các ngân hàng chính sách luôn quan tâm đến cơ chế cho vay, cơ chế giám sát để chính sách hỗ trợ hướng đến đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người lao động, nhằm tránh các trường hợp trục lợi.

Vị này cho biết, NHCSXH tỉnh đã nhận được văn bản hướng dẫn nhưng vẫn đang trong quá trình chờ sở LĐ-TB&XH tỉnh và các ngành liên quan để thống kê danh sách các doanh nghiệp cần vay, từ đó mới có cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp. “Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hầu hết đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thống kê sơ bộ thì có khoảng 30 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng” - Ông Quát nói.

Ngoài ra, vị Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bắc Giang cũng nhận định: “Những gói hỗ trợ giải ngân tiền nhanh chóng là đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn đối với những hộ lao động tự do, hay doanh nghiệp, việc thống kê danh sách thì các đơn vị ngành liên quan lại phải thống kê từ các cơ sở và phải được UBND huyện, tỉnh xác nhận. Dựa trên cơ sở đó thì chúng tôi mới có thể cho vay được”.

Ông Hồ Sỹ Lĩnh - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh – mong muốn: Điều quan trọng hơn cả là các chính sách cần phải được triển khai nhanh trong thực tế để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

T.H