“Gót chân Asin” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19

Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 này, có những mặt trận còn gian nan và cần kíp hơn đương đầu trực tiếp với virus Corona chủng mới.

Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số lượng bệnh nhân tăng lên đến thời điểm này đã là 47, các cơ quan chức năng còn phải “đau đầu” để đối phó với “đại dịch” tin giả, vẫn đang xuất hiện từng ngày trên mạng xã hội, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ không cần thiết.

Từ khi bắt đầu xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, thông tin sai lệch trở nên phổ biến đến mức, dường như cứ mỗi cập nhật về tình hình diễn biến mới nhất của dịch Covid-19 Việt Nam, lại bị “đính kèm” những tin giả “xấu xí”. Mặc dù đã được xử lý nhưng chưa thể khẳng định đã triệt để.

Điều nguy hiểm, là những tin giả này mang nội dung tiêu cực, định hướng sai lệch khiến những người đọc, nếu không đủ bình tĩnh, tỉnh táo sẽ tin đó là sự thật.

Từ những phương pháp dân gian, “mẹo” chữa đơn giản để diệt virus Corona, đến những thông tin về ca nhiễm, về bệnh nhân dương tính mới, về lộ trình di chuyển, tiếp xúc và những nguồn nguy cơ mới,… tất cả đều bị kẻ gian “chế biến” thành một “món ăn” cực kỳ nguy hiểm cho cộng đồng. Kẻ gian lợi dụng sự “nhẹ dạ cả tin” của một số người để tiếp tay cho thông tin sai lệch, khiến xã hội tiếp tục bị “tấn công”, trở nên nhiễu loạn giữa những ngày “chiến trường chống dịch” đang nóng bỏng, gây sự bất an trong xã hội.

Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, mang tính chất giật gân câu views theo kiểu xâm phạm đời tư của những người nhiễm bệnh, bị đào bới, lan truyền, thậm chí xúc phạm, thóa mạ... một cách thiếu ý thức và vi phạm nghiêm trọng.

Chưa kể, có những thông tin “phóng đại” nguy cơ lây lan của virus, khiến không ít người chưa được trang bị kỹ kiến thức về Covid-19 trở nên lo lắng thái quá, hoang mang, rồi sinh ra những hành vi không đúng với tình hình, mà biểu hiện lớn nhất là kỳ thị.

Hôm trước, tôi có nghe một câu chuyện “nực cười” ngay giữa nội thành Hà Nội. Có lẽ chỉ vì thiếu thông tin, hoặc đọc được những thông tin sai lệch, mà câu chuyện này mới xảy ra ngay giữa Thủ đô văn minh... Khi một Viện thuộc diện “có nguy cơ” tạm đóng cửa, một nhân viên đã tự cách ly, chỉ ở trong nhà không ra ngoài, nhưng sáng hôm sau thức giấc, thấy hàng xóm nhét giẻ bịt kín các lỗ hở thông khí trên tường. Tổ trưởng tổ dân phố, người phải đưa quyết định cách ly cũng chỉ gọi điện thông báo, rồi cầm quyết định nhét qua khe cửa và chạy vội về...

Không những thế, ở một số nơi, loa phường liên tục đọc tên những người đang cách ly cùng giọng điệu: “Đề nghị bà con chú ý các đối tượng, không để các đối tượng ra khỏi nơi cư trú…”.

Chính vì vậy, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải nêu rõ, không được gọi các trường hợp cách ly là đối tượng, không được để người trong diện phải cách ly cảm thấy bức xúc… để ngăn chặn tình trạng trên.

Thực tế, những bệnh nhân mắc Covid-19 vì lý do này hay lý do khác, cũng là nạn nhân của dịch bệnh toàn cầu, phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý. Trong khi cả hệ thống chính trị, cả đội ngũ chiến sỹ, bác sỹ đang ngày đêm nỗ lực để trả về cho người bệnh những tờ xét nghiệm âm tính, cộng đồng có lý do gì để “đeo thêm gông vào cổ” họ, với những căn bệnh tinh thần không đáng có nữa?

Những trường hợp khai báo thiếu trung thực, chủ quan, vô tình mắc bệnh mà chưa kịp cách ly với cộng đồng gây lây lan bệnh dịch, sẽ có cơ quan chức năng xử lý theo quy định tuỳ theo mức độ vi phạm. Những lời lẽ chỉ trích hay thóa mạ trên mạng xã hội sẽ chẳng giúp ích được gì...

Trái lại, việc kỳ thị, bới móc đời tư, thóa mạ đối với bệnh nhân mới là hành vi đáng lên án. Bởi lẽ, làm như vậy sẽ gieo rắc tâm lý sợ hãi đến cộng đồng, khiến người nghi mình nhiễm bệnh có tâm lý e sợ, rụt rè, không đi khai báo; người bệnh cũng sợ hãi không muốn công khai đến các cơ sở y tế, vì sợ bị săm soi, bới móc... Điều này mới thật nguy hiểm vô cùng!

Luật an ninh mạng, luật y tế đã quy định rõ ràng về những hành vi vi phạm pháp luật, nếu không tỉnh táo, nhiều người sẽ rất dễ sa chân vào những sai lầm “đắt giá”.

Người bệnh đáng thương bao nhiêu thì những hành vi dẫn dắt, xúi bẩy, kỳ thị, soi mói đời tư và thóa mạ người bệnh càng đáng trách, đáng lên án bấy nhiêu, bởi nó sẽ gieo rắc tâm lý sợ hãi, khiến công tác chống dịch khó càng thêm khó.

Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus từng tuyên bố: “Đây là thời gian cho sự thật, không phải cho nỗi sợ hãi; là thời gian của khoa học, không phải của tin đồn; là thời gian cho sự đoàn kết, không phải sự kỳ thị”.

Tại Việt Nam, số người nghi nhiễm đang được kiểm soát chặt chẽ, số lượng người cách ly cũng dần tăng, khiến cho công tác phòng chống dịch phải “căng mình” hết sức mới chiến thắng được dịch bệnh.

Để chung tay cùng cộng đồng, để chia sẻ với những gian nan, vất vả của đội ngũ chiến sỹ, y bác sỹ..., mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc thông tin, kiểm chứng thông tin và có cách hành xử phù hợp với cộng đồng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Không thể bỏ lỡ: Lịch trình của ca nhiễm Covid-19 số 45, Tiếp tục lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020

Thứ 6, 13/03/2020 | 20:32
Tin nóng thời sự xã hội ngày 13/3: Lịch trình của ca nhiễm Covid-19 thứ 45; Tiếp tục lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020; Đã có kết quả xét nghiệm 217 người tiếp xúc với 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, 2 bệnh nhân người Anh nhiễm Covid-19 có kết quả âm tính khi xét nghiệm lần 2.

Cụ ông 90 tuổi tặng máy thở cho UBND phường để chiến đấu với dịch Covid-19

Thứ 6, 13/03/2020 | 19:19
Nhằm góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, gia đình một cụ ông ở Quảng Ninh đã mang tặng thiết bị y tế cá nhân cho chính quyền địa phương.

Kỳ thi THPT Quốc gia tiếp tục lùi lại đến thời điểm nào?

Thứ 6, 13/03/2020 | 16:00
Mới đây, Bộ trưởng bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2).