Hành trình đi bộ xuyên Việt quyên góp hơn 127 triệu đồng của chàng trai 23 tuổi

Lê Liên

Mong muốn vượt qua chính mình để tìm thấy mục đích mới, chàng trai 23 tuổi đã nảy sinh ý tưởng đi bộ gây quỹ từ thiện. Kết quả, sau chuyến đi anh đã quyên góp được 127 triệu đồng dành tặng trẻ em vùng cao.

Muốn thử những điều bản thân chưa từng

Sinh ra và lớn lên tại xã La Phìn (huyện Chưprông, Gia Lai) rồi vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, chàng trai Bùi Ngọc Quý (SN 1997) cho biết, trước chuyến đi, Quý làm nhân viên cho một shop bán hoa với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chàng trai 23 tuổi luôn suy nghĩ về những gì đang diễn ra, Quý muốn thử thách bản thân với một việc chưa từng làm, hơn nữa đây cũng là đam mê của anh. Thế rồi, cuối tháng Tư, anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc và lên kế hoạch cho chuyến hành trình dài ngày.

“Từ bỏ một công việc ổn định, bản thân mình chỉ muốn thử thách bản thân và trải nghiệm một cuộc sống khác, muốn gặp gỡ những tấm lòng nhân ái… đó là tất cả những điều mình muốn có trong chuyến đi”, Quý trải lòng.

Chúng tôi gặp Quý tại Hà Nội lúc tối muộn ngày 9/7 - ngày cuối cùng trong chuyến hành trình 45 ngày đi bộ. Qua 20 tỉnh thành với chiếc túi rỗng chẳng một đồng xu, Lăng Bác là điểm cuối chàng trai đặt chân đến. Thấy chúng tôi, chàng trai cao khoảng chừng 1m6, làn da cháy nắng, vai khoác một balo, đầu đội chiếc mũ tai bèo, gương mặt nhễ nhại mồ hôi rảo chân bước nở nụ cười thật tươi, thật sáng. Không tiền, không vali, không lếch thếch đồ đạc cho chuyến đi dài ngày, chàng trai 23 tuổi chỉ mang theo 5 đôi tất, 2 đôi giày, 3 bộ đồ, mũ, điện thoại, pin sạc dự phòng và ba lô. Quý vừa hoàn thành thử thách bản thân đặt ra về chuyến đi bộ xuyên Việt từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội từ ngày 25/5.

Quý kể, 4 giờ sáng 25/5, Quý bắt đầu chuyến đi của mình hướng về Hà Nội. Dù thường xuyên chạy bộ để rèn luyện thể chất, thậm chí có ngày chạy gần 40 km nhưng bước thực tế lại vô cùng khó khăn.

Ngày đầu tiên, mọi chuyện suôn sẻ. Nhưng đến ngày thứ hai, rồi thứ ba,… đôi chân Quý bắt đầu phồng rộp, đau rát và nhức mỏi các cơ khiến bước chân trở nên chậm chạp hơn, nhưng điều đó cũng không làm Quý có suy nghĩ bỏ cuộc.

Đặt mục tiêu 50 ngày sẽ đi bộ đến Hà Nội. Chính vì thế, thường ngày, anh dậy từ 3 – 4h sáng để di chuyển, đến 7 – 8h sáng sẽ vào các quán ăn, hoặc nhà dân để chia sẻ về chuyến hành trình của bản thân và xin ăn. Sau đó, tiếp tục chuyến hành trình của mình, đến khoảng 11 – 12h sẽ tìm quán để nghỉ trưa và tiếp tục đi đến 19-20h sẽ tìm quán ăn hoặc nhà người dân để xin nghỉ lại. Trong trường hợp không thể xin ngủ lại nhà dân, Quý tiếp tục di chuyển đến 22h30 và tìm một cây xăng để xin tắm và ngủ qua đêm.

Đi ba ngày, anh sẽ nghỉ một hôm để lấy sức. Để đạt kế hoạch, trung bình một ngày anh đi từ 12 – 15 tiếng, có hôm phải vượt qua đèo Cả, anh đi bộ suốt 22 tiếng (gần 80 km/ ngày).

“Chuyện không xin được ngủ nhờ cũng thường xuyên như cơm bữa, vì mọi người không biết mình là aivà còn dè chừng. Trong hoàn cảnh ấy, mình sẽ ngủ lại ở ghế đá, công viên, trước thềm nhà hoặc cà phê võng…”, Quý tươi cười nhớ lại.

Xúc động vì làm được điều ý nghĩa

Đi bộ khoảng được gần một tuần, trong đầu Quý nảy sinh ý tưởng nên kết hợp điều gì đó ý nghĩa cho xã hội. Qua những lần thiện nguyện, Quý biết được điều kiện học tại của học sinh tại Mù Cả - xã nghèo của huyện Mường Tè (Lai Châu) vô cùng khó khăn. Nghĩ là làm, chàng trai 23 tuổi quyết định kết hợp đi bộ xuyên Việt và gây quỹ để xây dựng phòng sinh hoạt chung giúp học sinh học tập và sinh hoạt tốt hơn.

Sau khi phát động chiến dịch quyên góp, Quý đã liên hệ phòng giáo dục của huyện Mường Tè và bắt đầu đăng bài lên Facebook với tựa đề “Đi bộ xuyên Việt gây quỹ ủng hộ trẻ em miền núi”.

Ban đầu anh nghĩ kêu gọi được 40 triệu đồng là quá nhiều. Nhưng sau 10 ngày, số tiền quyên góp đã lên tới con số 120 triệu đồng. Toàn bộ tiền đều được chuyển vào tài khoản thay vì nhận trực tiếp vì anh sợ không an toàn.

Thời gian đầu khi đăng bài viết, ngoài sự ủng hộ, chàng trai Gia Lai cũng gặp không ít những suy nghĩ trái chiều, thậm chí có người nghĩ Quý lừa đảo. Đọc những bình luận tiêu cực, anh buồn và có suy nghĩ muốn bỏ về.

“Nhưng nếu muốn từ bỏ hãy nhớ về lý do mình bắt đầu, bản thân mình dặn lòng cứ tiếp tục hành trình để chứng minh cho những lời nghi ngờ. Nhưng không ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình đến vậy”, anh cười nhớ lại quá trình của mình.

200 nghìn đồng là số tiền đầu tiên Quý nhận được sau khi đăng bài viết. Khi ấy, anh chàng 23 tuổi vui đến nỗi nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. “Đã có người đặt niềm tin cho mình”, Quý hét lớn.

Nhưng sau 3 ngày, số tiền vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến anh không giấu khỏi sự lo lắng. Đến ngày thứ 12, tài khoản của Quý tăng vọt lên 126 triệu đồng khiến anh không ngừng dụi mắt. Đó cũng là lần duy nhất chàng trai quê Gia Lai khóc vì cảm động trong suốt chuyến đi. Đến ngày cuối cùng con số đã lên hơn 128 triệu đồng. Điều chàng trai chưa được hưởng cảm giác bao giờ.

Nhìn lại chặng đường suốt 45 ngày, quyết định không mang theo tiền là một thử thách khó khăn nhất với chàng trai trẻ vì mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và cảm nhận lòng tốt đến từ những người xa lạ.

Theo lời Quý, thời điểm đầu, anh còn rất ngại và sợ bị từ chối, nhưng đến lúc vừa đói và mệt thì bỏ qua tất cả mọi sĩ diện của bản thân để xin ăn, uống và ngủ. “Thường mình sẽ đến xin các bữa ăn tại các quán, sau đó phụ giúp họ những việc vặt để “trả tiền ăn”, nhưng có nhiều gia đình cho mình ăn miễn phí mà không cần anh giúp đỡ” - Quý nhớ lại.

Suốt chuyến đi, có những lúc suýt bị giật điện thoại hay chẳng thiếu những lần đi ngược đường hơn 1 giờ đồng hồ… nhưng sau tất cả anh chưa từng hối hận bởi “mọi thứ đến đều có lý do của chúng”.

Đối với Quý, không quan trọng bạn từng là ai, bạn từng như thế nào, chúng ta sống để mỗi ngày trôi qua là một ngày có ý nghĩa. Bạn không cần phải là một người vĩ đại để làm những điều to lớn, hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất, hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Chia tay chàng trai trẻ với khát vọng vượt qua bản thân, chúng tôi mỗi người một suy ngẫm về cuộc sống: Liệu rằng mấy ai được như chàng trai ấy, dám vứt bỏ rào cản để làm điều mình thích?

Trong một vài ngày tới chàng trai Gia Lai sẽ tiếp tục di chuyển lên Mường Tè (Lai Châu), để có thể trao tặng số tiền đã quyên góp được trong suốt 45 ngày để giúp các em học sinh có cơ sở vật chất tốt hơn.

L.L