doanh nhân Trần Văn Lê

Người Đưa Tin (NĐT): Bắt đầu tìm kiếm sự nghiệp trong những ngày đầu đất nước Đổi mới, có lẽ khó khăn mà ông gặp phải nhiều hơn cả những thuận lợi. Ông đã đi những bước đường đó như thế nào?

doanh nhân Trần Văn Lê

Ông Trần Văn Lê: Tôi không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa được học hành bài bản hay có người thân quen nâng đỡ. Tốt nghiệp cấp ba xong, tôi nhập ngũ, trở thành một người lính thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Những năm quân ngũ cho tôi nhiều trải nghiệm nhất là ý thức về tinh thần kỷ luật.

Vì điều kiện kinh tế khó khăn, tôi xin ra quân, hành trang vào đời vẫn là một chú lính trẻ nhà quê đặc sánh. Để lo gia đình, tôi lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, mê mải kiếm sống, nhưng vẫn nghèo. Về sau, tôi xin đi làm thuê cho một ông chủ chuyên “đánh” các mặt hàng máy móc, đồ cơ điện cũ. Trong những lần đi bốc hàng, anh có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật. Về sau, vì thời cuộc, ông chủ bỏ nghề, tôi lại trở thành người được thừa kế “gia tài đồng nát” đó.

doanh nhân Trần Văn Lê
doanh nhân Trần Văn Lê

Thời đó, người ta đánh từng lô đồ cũ về rồi lại bán theo kiểu “tàu nhanh” để ăn chênh lệch. Không ít người giàu lên nhờ cách “hớt váng” như thế, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi tự hỏi, tại sao không sửa chữa lại, làm tăng giá trị của hàng hóa để bán giá cao hơn. Tôi bắt đầu với máy bơm, quạt gió, motor cũ... Chuyện kinh doanh của đời “đồng nát” bắt đầu như thế.

NĐT: Từ việc tái chế hàng đồng nát, cơ duyên nào lại đưa ông đến với quạt công nghiệp, để trở thành “vua quạt đất Bắc” như ngày nay?

Ông Trần Văn Lê: Qua những lần tự tìm, thu mua các loại quạt công nghiệp thải lại, động cơ, mô tơ điện cũ về tháo lắp, bảo dưỡng, tân trang lại rồi bán ra, tôi thấy rằng nhu cầu ngày càng cao của thị trường với các chủng loại quạt thông gió công nghiệp. Thế là tôi quyết định con đường của mình không chỉ dừng lại ở việc tân trang, buôn bán đồ cũ, mà đi xa hơn, đó là chuyên sản xuất, cho ra đời những sản phẩm “Made in Vietnam”.

Tôi nghĩ rất đơn giản: “Thế giới làm được, người ta làm được, thì mình cũng làm được” cùng với kinh nghiệm trong những năm tháng làm thợ, gắn bó với từng cái ốc vít, motor và có ít nhiều hiểu biết về thị trường nên tôi tự tin chuyển hướng.

Thế là vào năm 2000, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Linh được thành lập (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện vàThương mại Phương Linh). Với số lượng công nhân ban đầu chỉ vỏn vẹn khoảng 10 người, doanh nghiệp chỉ hướng tới chuyên sản xuất các loại quạt công nghiệp đơn giản.

doanh nhân Trần Văn Lê

Sau hơn 22 năm xây dựng và trưởng thành, chúng tôi có thể tự tin rằng mình là một trong những nhà sản xuất và thương mại quạt công nghiệp, máy - hệ thống hút lọc bụi công nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay. Các sản phẩm của chúng tôi không chỉ có mặt ở hầu hết mọi miền đất nước, đặc biệt ở những công trình trọng điểm quốc gia, mà còn tiếp cận được với nhiều thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Về danh xưng “Vua quạt đất Bắc” không phải là tôi tự nhận, mà do cố Đại tá Lưu Vinh - nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân gọi như vậy trong bài viết ở cuốn sách “Doanh Nhân Việt Nam nụ cười và nước mắt” mà ông chủ biên. Bác có dặn tôi rằng cố gắng để sau mấy năm nữa Bác sẽ viết “Trần Văn Lê Vua quạt Việt Nam.” Giờ Bác đã đi xa rồi, thật luyến tiếc và vô cùng cảm ơn Bác Lưu Vinh vì chính từ ý nguyện của Bác mà tôi đã nỗ lực để ngày hôm nay những sản phẩm của tôi và cộng sự đã có mặt trên mọi miền của Tổ Quốc. Hành trình “vua quạt” của tôi vẫn sẽ tiếp tục là thế.

doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Về bản lĩnh, với một người từng khoác áo lính như ông có lẽ không cần bàn cãi. Nhưng những kiến thức về kinh doanh, về quản trị, về thị trường, ông đã rèn luyện cho bản thân như thế nào để có một sự nghiệp vững vàng như hiện nay?

Ông Trần Văn Lê: Khi mới bước ra đời, tôi mê mải kiếm sống nhưng vẫn cứ nghèo. Tôi biết rằng đó là vì mình thiếu nhiều thứ quá mà thiếu nhất là kiến thức. Rồi tôi quyết định sẽ đi học. Năm 1991, tôi quyết định đến trường Kinh tế quốc dân đăng ký học lớp Quản trị kinh doanh dành cho Giám đốc. Không ít người nghĩ tôi gàn, kiếm ăn không lo lại thích “trưởng giả học làm sang”. Tôi mặc kệ, bởi tôi nghĩ: “Muốn làm Giám đốc thì phải có suy nghĩ của Giám đốc”.

Rồi tôi đăng ký thêm các khóa học ngắn hạn được nhiều đơn vị tổ chức. Chính từ những buổi học ấy đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi. Tôi đã biết thế nào là hàng hóa, là marketing, thế nào là thị trường, thế nào là khách hàng… Trước đây, buôn thúng bán mẹt cũng chỉ để lấy tiền chỗ này đổ vào chỗ kia mà thôi. Nhưng chính nhờ những ngày ngồi cổng chợ kết hợp với những kiến thức, tư duy kinh doanh được học mà tôi dám chuyển hướng, không đi theo lối mòn và có thành quả như ngày hôm nay.

Nhưng để nói về nguồn kiến thức lớn nhất mà tôi có được, phải kể đến sách. Tôi đọc sách rất nhiều, đọc của những học giả hàng đầu về kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách hằng ngày từ 1-2 tiếng. Sách mở ra cho tôi nhiều thứ, những tư duy về kinh doanh, về quản trị doanh nghiệp về thị trường của tôi một phần lớn là từ sách mà ra.

doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Nếu để lựa chọn ra một yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất quyết định đến sự thành công như ngày nay của ông, ông nghĩ đó sẽ là yếu tố gì?

Ông Trần Văn Lê: Điều làm tôi được bạn bè, đối tác tin yêu và cũng là thứ khiến tôi tự tin khi bước ra đời đó là tính trung thực. Có câu chuyện thế này, khi tôi còn tại ngũ, công tác ở Binh đoàn 11, bấy giờ được đơn vị giao quản lý kho vật liệu xây dựng. Đến ngày lấy vợ, mà trong tay còn chưa có gì, thậm chí giày không có, quần áo cưới cũng không. Ngày mai lấy vợ mà đêm trước đó, tôi còn trực đến 2h sáng. Nhiều anh em biết vậy đến nói nhỏ với tôi để tính toán tuồn xi măng, sắt thép ra ngoài bán.

doanh nhân Trần Văn Lê

Hồi đó chỉ cần 2 bao xi măng là tôi đủ tiền để có một đôi giày da xịn. Hoặc cuốn 1 tạ thép thì tôi thừa sức có 2 bộ comple. Bấy giờ cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, anh em công nhân lại đa phần cùng quê, tôi có thể thừa sức để những điều đó nhưng tôi kiên quyết từ chối.

Sự chính trực trong con người không cho phép tôi làm điều đó. Người ta đã tin mình thì đừng vì chút lòng tham mà đánh đổ đi niềm tin đó. Có người đùa bảo tôi “bônsêvich” quá, tôi không dám nhận điều đó, nhưng trung thực là con người của tôi.

NĐT: Khi đó ông đang là một người lính và phẩm chất trung thực của một người lính rất dễ hiểu. Nhưng khi làm kinh doanh rồi mà bảo là trung thực liệu có phải là quá lý tưởng và phi thực tế không?

Ông Trần Văn Lê: Có người vẫn nghĩ nghề buôn là nghề lừa gạt, chẳng làm gì mà vẫn tạo ra giá trị gia tăng. Nhưng đó là sai lầm, nghề buôn để tạo ra được giá trị phải trải qua trăm đáng ngàn cay, vạn lần mất mát, cũng phải lao động thực sự mới có thể tồn tại chứ nếu chỉ dựa vào lừa gạt thì không thể lừa người ta mãi. Tôi quan điểm rõ ràng như vậy nên kể cả khi kinh doanh tôi vẫn chấp nhận nói thật với khách hàng, đối tác của mình. Giá trị gia tăng trong sản phẩm mà chúng tôi làm nên phù hợp với sức lao động và trí tuệ chúng tôi bỏ ra.

Trong xã hội của chúng tôi, có cả một giai đoạn ai ai cũng vươn lên để làm giàu, khi đó “con rồng, con hồ” cũng có mà những “con cáo” cũng nhiều. Nhưng rồi theo thời gian, sự lừa đảo, sự thiếu trung thực trong kinh doanh sẽ dần dần bị loại bỏ hoặc không thể tồn tại. Tôi tin vào điều đó.

doanh nhân Trần Văn Lê
doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Nhưng làm thế nào để phân biết được “con rồng, con hổ” với “những con cáo” giữa rất nhiều người đang cùng làm kinh doanh như ngày nay?

Ông Trần Văn Lê: Tôi nghĩ không cần nhọc công để phân biêt, để chỉ mặt đặt tên làm gì cả, sự vận hành của thị trường, của cuộc sống sẽ chứng minh điều đó. Nếu anh làm giàu bằng sự khuất tất, sai trái, không sớm thì muộn, cuộc chơi cũng sẽ loại anh. Và khi đấy, điều cần nói đến là sự lựa chọn của người làm kinh doanh, anh muốn mình làm “rồng” làm “hổ” hay muốn mình làm “cáo”.

Con người ta tồn tại là để sống, học tập, làm việc, yêu thương và để lại di sản. Còn điều kiện để làm nên một doanh nhân bền vững chắc chắn là tài năng và đạo đức. Đã là lãnh đạo thì anh phải phục vụ, phụng sự tổ chức của anh mà rộng lớn hơn là phụng sự xã hội và đất nước. Còn nếu làm lãnh đạo mà chỉ để oai oách thì anh cũng chỉ là ông kễnh con mà thôi, quyền lực đó cũng chỉ trong chốc lát.

Tất nhiên, làm kinh doanh không thể không nói đến lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận đó nên là đến từ một sản phẩm tốt, dịch vụ tốt với biên độ lợi nhuận được thị trường chấp nhận. Chúng ta phải nói rõ với nhau thực tế như vậy.

doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Tính chất chung của người xứ Nghệ là cương trực, khí phách, không dễ bị khuất phục. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận được ít nhiều điều đó vận vào con người của ông. Liệu có phải vậy không?

Ông Trần Văn Lê: Đất Nghệ An nghèo bởi vậy người quê tôi thường giỏi chịu khó, chịu khổ và giàu nghị lực, luôn nỗ lực để vươn lên. Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi.

Và để thoát cái nghèo, cái khổ, mà người Nghệ cũng chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học. Tôi được thừa hưởng những yếu tố của đất và người của quê hương mình.

NĐT: Ngoài như vậy, hình như tôi thấy còn có không ít người gọi anh là “vua liều”?

Ông Trần Văn Lê: Tôi có liều thật nhưng đó chính xác là dám nghĩ, dám làm, bởi nói thật nếu không liều thì bây giờ tôi vẫn mãi mãi chỉ là “ông chủ đồng nát” mà thôi.

Nhưng cái liều của tôi đã được tính toán kỹ. Khi cơ hội đã chín được đến 2/3 thì phải chớp thời cơ mà chốt ngay. Bởi thị trường không chờ ai cả mà chuyển động từng giây, từng phút và thậm chí càng ngày càng mau lẹ hơn, mỗi sự chần chừ sẽ đồng nghĩa với rủi ro bởi sự cạnh tranh với đối thủ khác, không ít lần tôi đã chứng kiến việc suy tính quá cầu toàn mà dẫn đến cơ hội lọt vào tay người khác, đó là thị trường.

doanh nhân Trần Văn Lê

Tất nhiên cái liều tôi cũng phải có sự cân nhắc, tính toán, phân tích cán cân cơ hội – rủi ro, biết rõ năng lực của bản thân, nhu cầu và tính cạnh tranh thị trường chứ không phải là liều theo kiểu ném tiền qua cửa sổ. Tôi hiểu được trách nhiệm đối với quyết định của mình bởi vì phía sau tôi còn là hàng trăm người lao động và gia đình của họ. Ông Giám đốc Trần Văn Lê có thể lỗ đến nhiều tỷ đồng thậm chí phá sản nhưng người lao động chỉ cần 1 tháng không có lương, họ sẽ rất khổ.

doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Để có thể liều như vậy hẳn là ông có niềm tin rất mãnh liệt vào bản thân?

Ông Trần Văn Lê: Có một nguyên tắc mà tôi rất thích đó là tự kỷ ám thị. Ngay từ khi còn bé tôi đã luôn nghĩ mình sẽ trở thành Giám đốc, sẽ trở nên giàu có. Tất nhiên là vì cái nghèo mà mình nghĩ vậy nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt vào điều đó. Ngay cả khi đi làm thuê, lăn lộn đủ nghề, kể cả lúc nghèo khó nhất, tôi vẫn tin vào điều đó. Thế nên khi mới là anh thợ, tôi mới quyết để đi học về quản trị kinh doanh, học về tư duy của người giám đốc. Cái tư duy tỉ phú đường dài là như vậy, tôi luôn nghĩ là mình sẽ giàu có, tôi tin vào điều đó và tới giờ điều đó là có thật.

Nhưng đó còn là Luật nhân quả, anh không thể chỉ có niềm tin mà không chịu nỗ lực làm việc, nỗ lực vượt lên. Niềm tin của anh sẽ trở thành hiện thực nếu anh thực sự quyết liệt hành động.

doanh nhân Trần Văn Lê

NĐT: Đi lên từ hai bàn tay trắng và những số 0 tròn trĩnh, ngày nay ông đã làm nên nhiều thứ. Ông đang hướng đến những mục tiêu nào tiếp theo cho cuộc đời và sự nghiệp nào của mình?

Ông Trần Văn Lê: Với tự thân, tôi không cần gì nhiều. Dù là chủ doanh nghiệp, nhưng cuộc sống của tôi rất đời thường, sáng tập thể dục, ăn cơm vợ, trưa ăn cơm cặp lồng hoặc cơm hộp, tranh thủ ngủ một chút rồi chiều làm việc. Cuộc sống dân giã như một người lao động bình thường. Tôi không cần nhiều gì hơn.

Còn điều mong muốn lớn nhất của tôi là thế hệ kế tiếp của mình và cộng đồng Phương Linh phải làm được những điều tốt đẹp hơn cho bản thân doanh nghiệp, người lao động và xã hội. Để phát triển bền vững, tôi nghĩ rằng đất nước cần phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất hơn nữa. Và chúng tôi sẽ tiếp tục góp phần thực hiện nhiệm vụ đó.

doanh nhân Trần Văn Lê

Cá nhân tôi luôn mong muốn có thể thành lập một quỹ để phục vụ phúc lợi xã hội. Trong đó, tập trung giải quyết 2 vấn đề là xóa đói giảm nghèo và đầu tư cho giáo dục. Hiện nay tôi đang trong quá trình thực hiện dự định này.

Tôi cũng mong muốn truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm trong kinh doanh của tôi cho thế hệ trẻ. Tôi đã mở ra các lớp đào tạo nội bộ do chính mình đứng lớp cũng như phối hợp với các trường đại học để chia sẻ, hỗ trợ các bạn sinh viên khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm và định vị bản thân trong cuộc việc. Tôi mong rằng những nỗ lực đó sẽ góp phần giúp là đất nước ta có được một lực lượng doanh nhân đúng nghĩa của nó là đi bằng đôi chân thật của mình trong tương lai.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 02/05/2023 | 09:30