Hành trình vượt lên số phận bằng đôi chân kì diệu của cậu bé không tay

Đỗ Chang

Ôm 2 đứa con song sinh trong lòng, nhìn một đứa không có tay, mắt tròn xoe nhìn mẹ, chị Tuyên cắn chặt môi để ngăn những giọt nước mắt chảy xuống nhưng không thể. Chị khóc không phải than cho số phận bạc bẽo của mình mà chị xót thương cho cậu con trai bất hạnh ngay từ khi lọt lòng.

“Bao giờ tay con mọc ra hả mẹ?”

Có mặt tại làng Muối, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vào những ngày cuối tháng 3, phóng viên được người dân nơi đây nhiệt tình chỉ đường vào ngôi nhà nhỏ của cậu bé có biệt hiệu thật thân thương “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”. Tất cả mọi người đều nhắc đến tên em như một niềm tự hào của quê hương mình. Cậu bé đặc biệt đó là Nguyễn Tiến Anh (SN 2010).

Ngồi trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985) mẹ bé Tiến Anh bồi hồi nhớ lại hành trình cùng con vươn lên chiến thắng số phận nghiệt ngã. Chị Tuyên cho biết, vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó nên bản thân chị luôn luôn chăm chỉ làm việc, đỡ đần cha mẹ. Đến năm 20 tuổi, chị rạng rỡ lên xe hoa về nhà chồng. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, hôn nhân vỡ tan khi chị đã có cậu con trai đầu lòng. Đau xót, tủi nhục, chị bế đứa con còn nhỏ dại về xóm Muối nghèo trong lời bàn tán, dị nghị của bà con lối xóm.

Vài năm sau, ước mong có anh, có em, người mẹ trẻ quyết định sinh thêm nhưng không đi bước nữa. “Khi đi siêu âm, bác sĩ nói tôi mang thai đôi, tôi hạnh phúc vô cùng chỉ mong đến ngày sinh nở. Tuy nhiên, khi đến những tháng cuối, bác sĩ chẩn đoán, một trong hai bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay. Lúc ây, tôi choáng váng không nghe được gì nữa cả. Từ đó, ngày nào tôi cũng cầu mong con sẽ không sao. Tất cả chỉ là nhầm lẫn thôi” chị Tuyên xúc động nhớ lại.

Ngày vào viện sinh, bác sĩ sợ chị sốc nên đã cùng mẹ chị ngồi tâm sự, động viện chị trước khi cho gặp con. Ôm 2 đứa con song sinh trong lòng, một đứa không có tay, mắt tròn xoe nhìn mẹ, chị Tuyên cắn chặt môi để ngăn những giọt nước mắt chảy xuống nhưng không thể. Chị khóc không phải than cho số phận bạc bẽo của mình mà chị xót thương cho cậu con trai bất hạnh ngay từ khi lọt lòng. Nhưng khi nghe thấy con khóc, chị giật mình bừng tỉnh và quyết tâm lấy lại tinh thần làm chỗ dựa vững chắc cho các con của mình. Chị nở nụ cười nụ cười mãn nguyện hạnh phúc để chào đón bé đến với gia đình. Chị đặt tên cho đứa trẻ không tay ấy là Nguyễn Tiến Anh và người anh trai song sinh là Nguyễn Tuấn Anh.

Cuộc sống của bà mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con thật không dễ dàng với chị Tuyên. Để các con có cuộc sống như bao bạn bè trang lứa, chị không nề hà việc gì, kể cả công việc nặng nhọc chỉ dành cho nam giới. Cả hai cậu bé song sinh dường như biết hoàn cảnh của mẹ, lúc còn nhỏ ít khi ốm đau, quấy khóc, thường ở nhà với bà ngoại để mẹ đi làm. Chị Tuyên tâm sự: “Ngày ấy, nhiều người nói với tôi sao không bỏ Tiến Anh đi hoặc gửi tại những cơ sở dành cho người khuyết tật, tôi đều bỏ ngoài tai. Với tôi, Tiến Anh là máu, là cơ thể của tôi, tôi chỉ mong con khỏe mạnh, bình an, dù ai nói gì tôi cũng không để ý. Mỗi khi đi làm về mệt, nhìn chúng bụ bẫm đáng yêu là tôi lại hết mệt mỏi”.

Theo thời gian, hai đứa trẻ cứ thế lớn lên. Tuấn Anh lớn nhanh, biết lẫy rồi biết bò, còn Tiến Anh với cơ thể khiếm khuyết, cứ lăn tròn theo anh. Nhìn cảnh ấy, chị Tuyên đã nghĩ đến tình huống tệ nhất, có thể Tiến Anh không bao giờ đứng dậy đi lại được. Ôm con trong lòng, không biết bao đêm nước mắt người mẹ đã rơi. Chị không biết sẽ phải bù đắp những thiệt thòi cho Tiến Anh ra sao.

Song như có phép màu, khi anh trai song sinh tập đi thì Tiến Anh cũng tự đi men ven tường, ai đến giúp nhất định không chịu. Rồi một ngày, lúc đi làm về, chị Tuyên vỡ òa khi thấy cả ba đứa con cùng ra cổng đón mẹ.

Với chị Tuyên, con biết đi đã là niềm hạnh phúc lớn lao, giúp chị có thêm hy vọng. Chị không dám mơ, không dám nghĩ những điều xa vời hơn, chỉ mong con hãy luôn mạnh khỏe ngây thơ như thế. Chị sợ thời gian, sợ con lớn lên, sợ con sẽ mặc cảm với những khiếm khuyết của bản thân mình.

Những ngày sau đó, Tiến Anh lò dò đi khắp nhà. Vì không thể tự cân bằng cơ thể nên chỉ bị vấp nhẹ, cậu bé đã ngã sứt cằm. Phải mất thời gian khá dài, Tiến Anh mới biết ngóc đầu lên nếu bị ngã, khuôn mặt đỡ sứt sẹo.Chừng hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi, biết dùng chân chơi đồ chơi, tập xúc cơm ăn.

“Tiến Anh cứ thế lớn lên, con đã bắt đầu nhận thức được những khiếm khuyết của cơ thể mình. Tiến Anh hỏi tôi : Mẹ ơi, sao con không có 2 tay như anh Tuấn Anh? Bao giờ tay con mọc hả mẹ?. Nghe con hỏi, tôi bật khóc và giải thích cho con hiểu và chấp nhận mình sẽ không thể có đôi tay như bao người. Có lẽ hiểu được phần nào lời mẹ nói, Tiến Anh bắt đầu rèn luyện đôi chân và điều khiển theo ý mình, Và cũng từ giây phút ấy tôi nhận ra mình phải giúp con, cùng con vượt qua số phận để mạnh mẽ hơn” chị Tuyên chia sẻ.

Vượt lên số phận

Để con chủ động hơn trong cuộc sống, chị Tuyên bắt đầu dạy cho con cách sử dụng đôi chân để làm các công việc thường ngày. Chừng hơn 2 tuổi, Tiến Anh biết dùng chân chơi đồ chơi, tập xúc cơm ăn. Lớn lên chút nữa, Tiến Anh đã dùng đôi chân của mình để làm mọi việc trong sinh hoạt cá nhân một cách thành thạo.

“Tiến Anh rất tự lập. Mọi việc, Tiến Anh chỉ cần mẹ chỉ giúp một vài lần còn sau đó tự mình làm. Ngày đầu thấy con dùng chân xúc cơm còn vương vãi, tôi muốn giúp con nhưng Tiến Anh ngăn lại vì muốn tự mình làm. Lúc đó, tôi rất tự hào về con trai. Khi con làm được việc nào, tôi đều khen, và làm 1 bằng khen để Tiến Anh có động lực” chị Tuyên xúc động chia sẻ.

Khi Tiến Anh đến tuổi đi học mầm non, để con không bị bỡ ngỡ mặc cảm, vào mỗi buổi chiều, chị Tuyên lại đưa con đến trường để quan sát, làm quen. Đến khi Tiến Anh tự tin, chuyện đi học lại khiến cậu bé vô cùng thích thú. “Những ngày đầu, khi Tiến Anh đến trường, bạn bè đều nhìn con với ánh mặt kì lạ. Thấy bạn bè chỉ trỏ, trêu đùa con sợ hãi, bám chắt mẹ. Giấu nước mắt vào trong, tôi lại động viên trò chuyện với con. Nói với con mọi người đang quan tâm con, con hãy vui đùa, trò chuyện với các bạn thật nhiều. Và thật may mắn, Tiến Anh đã hòa nhập, làm được tất cả những việc mà bạn bè trang lứa đang làm” chị Tuyên nhớ lại.

Có lẽ với sự truyền lửa của mẹ, Tiến Anh đã tự tin, xóa bỏ được mặc cảm. Chị Tuyên chia sẻ: “Hành trình dạy Tiến Anh tập viết, tôi không bao giờ quên. Con quyết tâm lắm. Mỗi ngày, Tiến Anh đều tập luyện. Có những buổi sáng mùa đông giá rét, ai nấy đều đi tất, Tiến Anh phải bỏ tất ra để tập viết dù ngón chân tê cứng. Rồi có những hôm con bị ốm, nhưng vẫn cố gắng dậy luyện chữ vì lo nếu không rèn, chân cứng lại khó viết. Từ lúc viết còn nguệch ngoạc nay chữ con không thua kém bạn nào trong lớp cả”.

Hiện, Tiến Anh đang là học sinh tiểu học. Các cô giáo từng dạy Tiến Anh đều nhận xét em viết chữ đẹp, hăng hái phát biểu và tiếp thu bài khá nhanh. Ở trên lớp, cậu học trò nhỏ thường ngồi một bàn có thiết kế riêng để viết bằng chân cho thuận tiện. Các thầy cô quan tâm, muốn bố trí anh trai Tuấn Anh ngồi gần để hỗ trợ nhưng Tiến Anh từ chối và khẳng định em có thể học tập như các bạn. Em muốn được như tất cả các bạn trong lớp, tự làm mọi việc.

Nở nụ cười rạng rỡ, Tiến Anh chia sẻ: “Giờ em có thể làm được mọi việc. Mọi sinh hoạt cá nhân từ mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt em đều dùng đôi chân, không phiền đến mẹ và anh. Những buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em sang đơn vị quân đội ở gần nhà chơi đá bóng với các chú bộ đội. Lúc mẹ nấu cơm, em có thể phụ giúp được bên cạnh. Em chỉ mong giúp đỡ được mẹ thật nhiều”.

Tiến Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ. Mỗi lần vẽ xong, em vui vẻ khoe với mẹ, với các anh những bức tranh mang màu sắc thật tươi sáng về mẹ, về mái trường thân yêu nơi em đang theo học, về những người bạn của em,… Em vẽ tất cả những điều xung quanh em dưới ngòi bút được điều khiển bằng đôi chân kỳ diệu. Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 do hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải triển vọng (khu vực Hà Nội). Chia sẻ về ước mơ này, cậu bé Tiến Anh cho biết: “ Em cũng không biết từ khi nào lại thích vẽ tranh đến thế. Ban đầu, vì muốn thể hiện tình cảm với mẹ nên em đã vẽ tranh, sau đó thấy cảnh đẹp hay yêu thích điều gì em đều thể hiện qua nét vẽ”.

Chúng tôi chia tay cậu bé Tiến Anh trong xúc động. Sự vô tư và nghị lực phi thường của em khiến chúng tôi vô cùng nể phục và tin rằng bằng đôi chân kỳ diệu của mình, em đã đang và sẽ vẽ nên bức tranh cuộc đời thật tươi sáng.

Đ.C