Từ ngày 12 đến 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm không chỉ ghi dấu ấn nổi bật, tạo điểm nhấn quan trọng đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc mà còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai.

Để làm rõ những kết quả và ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, người có nhiều năm nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú. Là người nhiều năm theo dõi quan hệ 2 nước, ông đánh giá như thế nào về kết quả của chuyến thăm này?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Khi đánh giá về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm của một nhà lãnh đạo chúng ta có thể nhìn vào 2 phương diện. Một là lễ tân, nghi lễ đón tiếp và hai là nội dung cụ thể đạt được thông qua chuyến thăm.

Ở phương diện thứ nhất, việc đón tiếp của Việt Nam dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lần này phải nói là hết sức trọng thị, ở mức cao nhất của nghi lễ đối ngoại nhưng vẫn thể hiện sự thân tình, gắn bó. Việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đón, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp tiễn ở sân bay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đồng chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng cũng như nhiều chi tiết lễ tân khác là điều hiếm có so với các chuyến thăm thường thấy. Điều này chứng minh Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng như thể hiện tầm vóc của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại.

Ở phương diện thứ hai, nội dung của chuyến thăm lần này cũng được đánh giá hết sức thành công, được thể hiện rõ nhất thông qua Tuyên bố chung giữa hai nước. Tuyên bố chung đã đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô đến những vấn đề vi mô, chi tiết. Phạm vi rất rộng, từ tầm cao chiến lược, tư tưởng chỉ đạo cho đến cụ thể về các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân…Điểm đặc biệt, đây là một Tuyên bố chung rất dài, phá kỷ lục các Tuyên bố chung từ trước đến nay giữa hai nước. Nếu như Tuyên bố chung năm ngoái nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dài hơn 6.000 chữ thì Tuyên bố chung lần này dài hơn 8.000 chữ.

Bên cạnh đó, nhân chuyến thăm này, đã có tới 36 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Đây là một số lượng chưa từng có và thực tế chúng ta chưa bao giờ đạt được số văn kiện hợp tác nhiều đến thế trong một chuyến thăm với bất kỳ nước nào. Trong đó có 4 thỏa thuận về chính trị - ngoại giao, 4 thỏa thuận về an ninh - quốc phòng, 24 thỏa thuận liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…và 4 thỏa thuận giữa các địa phương. Chính số lượng cụ thể của các thỏa thuận được ký kết đã phản ánh trực quan nhất chất lượng của chuyến thăm, đồng thời truyền đi thông điệp cho thấy: Độ tin cậy về chiến lược giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã lên cao rất nhiều so với trước đây.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng.

Đó là chưa kể, về tính thời điểm, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ diễn ra đúng sau một năm kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 10/2022), mà còn diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm xác lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Với phương diện cá nhân, từ ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1991), duy nhất chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình 3 lần thăm Việt Nam trên cương vị đó và có thể chưa phải là lần cuối cùng. Điều này chứng tỏ, ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam.

NĐT: Một trong những điểm đáng chú ý của chuyến thăm nay là hai nước đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào kết quả cụ thể này?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi cho rằng nội hàm cụ thể của Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc là điều sẽ được làm rõ thông qua các trao đổi và hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều có thể nhìn thấy ngay về Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc là mục tiêu và nguyên tắc hoạt động đã được lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước định vị. Đó là vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Rõ ràng, đây chính là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.

NĐT: Từ những kết quả nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm 1 năm trước đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo 2 nước cuối cùng đều đạt được những nhận thức chung quan trọng. Chính nhận thức chung đó sẽ đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, bao trùm cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, thực tế tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực vẫn còn rất lớn, nhất là trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, giáo dục đào tạo, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân. Sau những đỉnh cao đã đạt được, trên tinh thần nhận thức chung và sự tin cậy chiến lược, quan hệ hai nước trên các lĩnh vực sẽ tiếp tục vươn đến những tầm cao mới vượt bậc hơn.

Một ví dụ điển hình mà chúng ta có thể thấy, nếu như năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 420 triệu USD thì sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc và 2 nước ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng thì còn số này của năm 2023 là 2,3 tỷ USD, tức là tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021. Trong khi đó, trao đổi thương mại của hai nước là rất phong phú với nhiều mặt hàng khác nhau, như vậy để khẳng định rằng tiềm năng, dư địa cho quan hệ Việt – Trung là rất lớn.

Có thể nói, trên nền tảng quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện tốt đẹp, tôi tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có phạm vi rộng hơn, chất lượng hợp tác cao hơn, lợi ích thực tế sâu hơn, cánh cửa giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng rộng hơn.

NĐT: Trong nội dung Tuyên bố chung, cũng như được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt – Trung, hai bên đều rất quan tâm và kỳ vọng đến vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của quan hệ Việt – Trung? Ông nhìn nhận và đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Năm 1999, trước thời điểm chuyển giao thế kỷ, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã xác lập phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Như vậy để thấy hai bên đã nhất trí rằng, muốn quan hệ “ổn định lâu dài” là phải tính đến tương lai, mà tương lai ở đây không ai khác chính là thế hệ trẻ của hai nước.

Để quan hệ Việt – Trung tiếp tục duy trì được đà phát triển, điều cần thiết là phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giao lưu nhân dân. Đây là điều được lãnh đạo cả 2 nước đều rất quan tâm và coi trọng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng.

NĐT: Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm xác lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nhìn lại 15 năm đó, ông cho rằng đâu là nét nổi bật của quan hệ Việt – Trung?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Từ phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", năm 2008, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhằm định hình khuôn khổ của quan hệ song phương. Trong 15 năm qua, trong quan hệ 2 nước vẫn có những khác biệt, vấn đề chưa thể giải quyết, tạo ra những bất ổn, tuy nhiên xu thế chung vẫn là quan hệ phát triển đi lên. Điểm nổi bật là sự tin cậy chính trị ngày càng cao, hợp tác được mở rộng và thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Phải khẳng định, việc lựa chọn quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại là hết sức đúng đắn, không chỉ góp phần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam mà còn đóng góp trực tiếp vào hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển của khu vực.

15 năm Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc, động lực cho chặng đường tiếp của quan hệ Việt – Trung trong thời gian tới.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 20/12/2023 | 15:51