Kể chuyện thú vị cắt dán ảnh 2D thành 3D

Kể chuyện thú vị cắt dán ảnh 2D thành 3D

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Một Hà Nội thương mại hóa được tái hiện bằng những hình nổi cắt dán và tạo khối mô hình hiện đại

Tác phẩm Nhà mặt phố của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là một sáng tạo được chú ý. Đây là lần đầu tiên nó tái hiện cuộc sống bằng nghệ thuật nhiếp ảnh 3D được áp dụng cho một triển lãm ảnh. Ý tưởng được khơi nguồn từ chính các biển quảng cáo - 2D - có hình nổi khổng lồ che phủ hầu khắp không gian mặt phố Hà Nội.

Lạ & Cười - Kể chuyện thú vị cắt dán ảnh 2D thành 3D

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và gia đình

"Văn hóa" lồng ghép

Câu chuyện Nhà mặt phố của Nguyễn Thế Sơn phản ánh bộ mặt của Hà Nội thời kỳ có những quy hoạch mới với đặc trưng: Mặt tiền nhỏ hẹp kéo dài. Sau năm 2006, xuất hiện làn sóng quảng cáo của Trung Quốc tràn vào, thì hình thức quảng cáo cắt chữ đề can thành một trào lưu văn hóa mới nổi lên gọi là "văn hóa" mặt tiền và vỉa hè. Những quảng cáo "thập cẩm" từ cửa hàng ăn uống, thư giãn đến những ngân hàng, trung tâm điện máy, thời trang... đều bám lấy mặt đường.

Trong tác phẩm Nhà mặt phố của Sơn, người xem bất ngờ với những góc nhìn đi sâu vào những tiểu tiết rất phổ biến trong "văn hóa" quảng cáo của Việt Nam: "Viết biển quảng cáo bằng tiếng Anh "khủng bố", che khuất chữ tiếng Việt. Trong số đó chiếm phần lớn là những quảng cáo thiên về làm đẹp, thời trang nhằm mục đích tân trang bộ mặt con người hiện đại, nhưng lại dùng hình ảnh cô gái nước ngoài để làm đại diện" - họa sĩ Sơn nói. Họa sĩ nhấn mạnh: "Tôi không chủ ý tô hồng hay bôi đen hiện tượng nào mà chỉ nhằm mục đích tái hiện cuộc sống hiện đại, không thiên vị."

Đặc trưng phổ biến là các biển quảng cáo đều có xu hướng chiếm lĩnh không gian công cộng bắt đầu từ tầng hai. Chiều cao của tấm biển quảng cáo có thể ngang bằng hoặc có thể che lấp vượt quá chiều cao thực tế của ngôi nhà. Dường như con mắt của ngôi nhà cùng đường lưu thông ánh sáng, không khí bị chặn hoàn toàn khiến những ngôi nhà mặt phố trở thành "ốc đảo" khép kín. Một xu hướng "văn hóa" khác được lồng ghép trong quảng cáo đó là đua tranh, biển sau to hơn biển trước. Tất cả các con số, ký tự, hình ảnh đều được thiết kế nổi hết cỡ, hình thành xu hướng 3D hóa từ 2D.

"Ngoài đối tượng chính là Nhà mặt phố, "văn hóa" mặt tiền, hiện tượng bịt mặt, bọc kín bởi các tấm biển quảng cáo, tôi còn hướng vào những người đi trên đường phố, những con người nhỏ bé của đủ các thành phần trong xã hội để sáng tác" - họa sĩ Sơn cho biết.

Trong một Hà Nội thu nhỏ, chủ nhân của nó, những người thường xuyên phải sống trên phương tiện xe máy, xe lam, xe thồ đã được chụp lại, "bắt cứng" trong một khoảnh khắc "chết lặng" vĩnh viễn về thời gian, đối nghịch hoàn toàn với cảm thức thường trực về chuyển động hỗn loạn bất tận của giao thông, thì tác phẩm Nhà mặt phố chính là một hiện tượng được tập hợp từ rất nhiều lớp hiện tượng chồng đè, trực tiếp giữa 2 seri "văn hóa" quảng cáo và "văn hóa" giao thông của Việt Nam nhằm phản ánh một hiện thực khách quan như những thước phim lịch sử của thời đại mới.

Kỳ công kỹ thuật 3D hóa nhiếp ảnh

Để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật táo bạo 3D hóa nhiếp ảnh, họa sĩ Sơn đã mất hơn 2 năm khảo sát, ghi chép lại hình ảnh những ngôi nhà mặt phố độc đáo ở Hà Nội. Chỉ riêng việc chụp ảnh, anh đã mất khoảng 1 năm. Có được số ảnh tư liệu quý giá đó, họa sĩ Sơn phải sử dụng máy ảnh chuyên dụng từ máy ảnh chụp kiến trúc đến máy kỹ thuật số có độ phân giải lớn; tốc độ của máy phải cao để "bắt đứng" hình của người đi đường. Khâu hậu kỳ được xử lý bằng máy tính. Ảnh chụp sau đó sẽ được cắt, rửa theo bố cục cao hẹp, kích thước trung bình 40x160cm. Đó là bước tái tạo hiện thực trong không gian hai chiều quen thuộc, phổ biến.

Sáng tạo của họa sĩ này ở chỗ, anh quyết định biến tất cả những tấm ảnh chụp lại thành ảnh 3D hay còn gọi là phù điêu ảnh nhằm tái cấu trúc không gian bằng chiều sâu thực. Anh tâm sự: "Trong quá trình hoàn thành tác phẩm, tôi đang cố gắng sử dụng một khái niệm mới "nhiếp ảnh phù điêu" khi sử dụng chính công nghệ in ấn quảng cáo đang thịnh hành và sử dụng chính những người thợ trong ngành quảng cáo trực tiếp tham gia vào quá trình "thi công" còn mình ở vị trí là một tổng đạo diễn."

Đặc biệt, họa sĩ Sơn đã dùng chính công nghệ làm biển chữ hộp quảng cáo đang thịnh hành để thử nghiệm. Ngoài phần nhiếp ảnh, anh mời thêm 3 người thợ chuyên về quảng cáo tham gia. Theo giải thích của họa sĩ Sơn, mục đích của sự kết hợp trên là biến thứ công nghệ rẻ tiền, tầm thường trở thành một hình thức nghệ thuật mới lạ. Các công đoạn được thực hiện là người phụ trách đồ nét những chi tiết trong bức ảnh, sau đó cắt laser; 2 người phụ trách bồi ảnh vào phooc-mếch, sau đó dùng dao trổ cắt tất cả các chi tiết kiến trúc trong bức ảnh ra.

Cuối cùng là điều chỉnh độ cao thấp của các chi tiết để dựng lại thành một bức phù điêu giả lập những ngôi nhà mặt phố. Những công đoạn phức tạp sẽ được thực hiện tại xưởng vẽ. Muốn có một bộ phù điêu ảnh như ý, người nghệ sỹ phải tỉ mỉ và kỳ công, nếu để "lọt lưới" một chi tiết nhỏ, nghĩa là chủ nhân buộc phải thực hiện lại từ đầu các công đoạn từ chụp đến đồ nét, cắt laser...

Một điều thú vị nữa là địa điểm trưng bày tác phẩm Nhà mặt phố tại viện Gothe lại nằm ngay trên con phố được mệnh danh là phố quảng cáo của Hà Nội. Lựa chọn này mang nhiều ý nghĩa và không đơn thuần là sự trở về của những tấm biển quảng cáo mà còn là sự trở về của nghệ thuật. Tác phẩm Nhà mặt phố có kích thước hẹp và cao, tượng trưng cho sự vươn lên và tạo ra một sản phẩm nghệ thuật dễ tiếp cận, không chán khi công chúng xem nó. Đứa trẻ xem Nhà mặt phố, chúng sẽ hình dung nó giống như những mô hình đồ chơi. Người nước ngoài xem thì nó đơn thuần chỉ là biển quảng cáo hỗn độn nhưng mang hơi hướng của nghệ thuật sắp đặt. Với người Hà Nội, Nhà mặt phố chắc chắn phải gắn liền với những gì đó vô hình trong tâm thức của họ.

Tuệ Linh