Khởi tố vụ án tại phòng khám Maria

Khởi tố vụ án tại phòng khám Maria

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Có ý kiến cho rằng, nếu được xử lý kịp thời, truyền nhầm máu hay sốc thuốc vẫn có thể cứu chữa.

Cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1977, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) tại phòng khám Maria không chỉ gây bức xúc dư luận trong hơn 1 tháng qua, mà đến nay vẫn còn thu hút sự quan tâm của những người hành nghề y dược. Theo kết luận của viện Pháp y Quân đội nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Phong là sốc phản vệ do dị ứng thuốc Levofloxacin.

Xã hội - Khởi tố vụ án tại phòng khám Maria

Vụ việc xảy ra tại phòng khám Maria khiến người mất niềm tin vào phòng khám tư

Quá lơ là theo dõi bệnh nhân

Theo một bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nặng, tác động rất lớn trên cơ thể. Sốc phản vệ xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng vài giây, nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Nguyên nhân chính của sốc phản vệ là do tốc độ truyền dịch quá nhanh làm cho cơ thể không thích ứng được.

Về vấn đề trên, trao đổi với Người đưa tin, thạc sỹ chuyên khoa cấp 2 Quách Văn Thìn - nguyên Trưởng khoa gây mê hồi sức (Bệnh viện Xanh Pôn) nêu quan điểm: "Việc phát hiện, theo dõi, chẩn đoán bệnh tại phòng khám Maria là không sâu sát, xử lý không tức thì, không kịp thời nên dẫn đến cái chết thương tâm của bệnh nhân Phong. Trên thực tế, có không ít trường hợp bác sỹ truyền nhầm máu cho bệnh nhân mà vẫn cứu chữa được, vì được xử lý kịp thời. Theo tôi, nội bộ phòng khám Maria phải tự kiểm điểm sự việc này. Cái chết của bệnh nhân Phong là hồi chuông cảnh báo về trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức của các bác sỹ, nhân viên y tế làm việc tại các phòng khám bệnh tư nhân".

Còn theo Dược sĩ - Chuyên khoa II Bùi Văn Uy, tuyến y tế nào cũng có thể gặp phải sốc phản vệ. Có thuốc chống sốc trong tay nhưng không hiểu biết đầy đủ, dùng không đúng lúc, đúng cách cũng có thể làm cho sốc phản vệ nặng hơn, dễ tử vong. Cần biết rõ triệu chứng sốc phản vệ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Riêng điều dưỡng viên, người trực tiếp xử lý thì phải thuần thục. Nếu chậm trễ, thao tác lóng ngóng... sẽ dẫn đến tử vong. Để chủ động tránh sốc phản vệ, phải khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân, tránh dùng thuốc, ăn hay tiếp xúc với các loại dị nguyên từng gây dị ứng…".

Bác sĩ Cao Đức Chinh - hiện đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho rằng: "Cần nghi ngờ đề phòng sốc phản vệ khi thấy bệnh nhân đột ngột khó chịu, ớn lạnh hoặc nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa như: Nổi ban đỏ ngứa, ngạt mũi, khó thở, đau bụng, buồn nôn hoặc đau đầu, tức ngực, chóng mặt, tụt huyết áp... Trong đó, thuốc Adrenaline là quan trọng nhất để điều trị cấp cứu sốc phản vệ, lúc nào cũng phải có sẵn trong quá trình truyền thuốc, truyền dịch, gây tê gây mê…đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra".

Xã hội - Khởi tố vụ án tại phòng khám Maria (Hình 2).

Hình ảnh quảng cáo của phòng khám Maria trên truyền hình

Chuyện sốc thuốc không phải là hiếm

Theo số liệu thống kê, ở một số nước, tỷ lệ sốc phản vệ hàng năm là 0,005%. Còn ở Việt Nam, theo GS. Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Dị ứng miễn dịch lâm sàng, có khoảng 8,5% dân số từng bị dị ứng thuốc, trong số này có 10% bị sốc phản vệ.

Nhiều năm công tác tại bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, bác sỹ Trần Thị Xuân Dung cho biết: Bác sỹ chỉ định truyền dịch là bác sỹ quyết định điều trị cho bệnh nhân. Trong quá trình truyền dịch, bác sỹ chỉ định phải chú ý theo dõi xem bệnh nhân của mình có bị sốc thuốc hay không? Cơ địa mỗi người có sự phản ứng với nước dịch khác nhau. Có người vừa truyền thuốc B1 vào người được vài giây đã có phản ứng sốc thuốc. Nếu bác sỹ điều trị không trực tiếp theo dõi bên giường bệnh, để bệnh nhân sốc khoảng 10 đến 15 phút là nguy hiểm đến tính mạng (chết lâm sàng, suy tim, suy thận, suy hệ thống hô hấp). Do vậy, theo quy định của ngành y tế, khi truyền dịch, bác sỹ phải thường xuyên theo dõi toàn bộ quá trình truyền dịch. Khi phát hiện bệnh nhân bị sốc thuốc, bác sỹ sẽ chống sốc ngay theo phác đồ cấp cứu chống sốc phản vệ. Việc bác sỹ can thiệp kịp thời sẽ giúp bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Trong quá trình truyền dịch, chuyện sốc thuốc phản vệ là bình thường và rất nhiều bệnh nhân đã tử vong trong quá trình truyền dịch. Theo tôi, trong quá trình truyền dịch, cần sự có mặt của người nhà để chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân theo hướng dẫn của các bác sỹ.

Không chỉ giới y bác sỹ mới quan tâm đến cái chết thương tâm của bệnh nhân Phong mà bạn đọc của Người đưa tin cũng bày tỏ sự bức xúc về việc này. Qua điện thoại, anh Hà Tú ở quận Đống Đa (Hà Nội) nói: "Chúng tôi là người dân, khi bị đau ốm phải đi khám bệnh. Nghe người quen giới thiệu, hoặc xem quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng phòng khám nọ, bệnh viện kia có bác sỹ giỏi, cơ sở khám chữa bệnh hiện đại thì đến khám. Trên thực tế, các bệnh viện của Nhà nước thường quá tải, nên người dân chúng tôi thường chọn giải pháp đến phòng khám bệnh tư nhân cho nhanh gọn. Dù phí thăm khám ở đây cao hơn nhiều so với bệnh viện công nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, thông tin mà báo chí phản ánh gần đây về nhiều trường hợp đã tử vong tại các phòng khám tư, chúng tôi thực sự thấy hoang mang. Đã đến lúc Bộ Y tế phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, kiểm tra gắt gao về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Nếu cơ sở nào hoạt động sai, bác sỹ trình độ chuyên môn yếu kém, thì nên thu giấy pheá́p hoạt động. Những trường hợp bị xử phạt hành chính từ 2 lần trở lên cũng nên mạnh dạn thu hồi giấy phép để răn đe. Theo tôi, phải xử nghiêm người đứng đầu phòng khám Maria và các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân Phong. Có như vậy, những người mặc áo blu trắng mới thấy rõ trách nhiệm của mình với người bệnh".

Lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết, sau sự việc này, sẽ phối hợp với các lực lượng tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các phòng khám trên địa bàn, đặc biệt là những phòng khám có yếu tố nước ngoài. Nếu cơ sở nào vi phạm sẽ đề nghị các cấp quản lý xử lý thật nghiêm.

Chiều qua (30/8), trao đổi với Người đưa tin, đại tá Bùi Văn Đại, trưởng Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, cơ quan này vừa ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh xảy ra tại phòng khám Maria 65-67 Thái Thịnh, phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội). Chiều cùng ngày, Viện KSND quận Đống Đa đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên. Vì vụ việc có yếu tố nước ngoài nên sau khi khởi tố vụ án, cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.

Chí Công - Anh Tuấn