Ký ức phượt thủ 66 tuổi đi qua 39 nước về thăm lại trường cũ

Phương Dung

Mong muốn về thăm lại trường cũ cách đây hơn 40 năm ông theo học, phượt thủ 66 tuổi cùng hành trình đi qua 39 nước với nhiều thử thách thăm lại chốn xưa. Điều đặc biệt chuyến đi lần này, lão phượt thủ đã phải viết di chúc để lại vì không xác định ngày trở về…

Hồi ức của 6 tháng trước

Ngồi hàn huyên với chúng tôi, lão phượt thủ già Trần Lê Hùng (66 tuổi, tại phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn còn cảm giác rùng mình khi nhớ lại cảm giác của 6 tháng về trước. Khi đặt chân về đất mẹ, ông mới biết mình còn sống.

Vốn đam mê phượt từ hồi trẻ, cùng với vợ mình trên con xe Honda 67 đã vượt qua không biết bao nhiêu cung đèo ở Việt Nam. Là một kĩ sư, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, được ngắm nhìn trời mây non nước, ông hiểu rằng, Việt Nam mình tuyệt đẹp.

Trong một lần “bắt gặp” những bức ảnh của chàng phượt thủ với giấc mơ đi vòng quanh thế giới Trần Đặng Đăng, lão kĩ sư già ước ao rằng "Giá một ngày nào đó, ông cùng chiếc 67 của mình được đỗ tại những địa điểm đó thì sướng biết bao".

Rồi một ngày điều đó cũng thành hiện thực!

Nhớ lại cảm giác chuẩn bị cho chuyến phượt dài ngày, ông vẫn rõ như in từng chi tiết. Để chuẩn bị cho hành trình xuyên châu Á và châu Âu, ông Hùng mua một con xe phân khối mới - Honda CB500X có trọng lượng 200kg, loại xe dành cho người mét 7, mét 8, không phù hợp với những ai chỉ cao mét 6, nặng 50kg như ông. Từ mùa đông 2018 tới hè 2019 ông tìm mọi cách “thuần phục” con xe để dành riêng cho mình.

Phượt thủ Trần Lê Hùng với vóc người nhỏ bé đã chinh phục được 39 nước và 40 vùng lãnh thổ.

“Từ hạ độ xe, thay ghi – đông,... rồi mang sang trung tâm dạy lái xe tập luyện mỗi ngày, kết hợp rèn luyện sức khỏe cho chuyến đi dài ngày này, tôi tập võ, tập bơi, chạy bộ, tập làm quen với xe, tập chạy trong mưa, chạy ban đêm, trên đủ loại địa hình... Có những hôm dù lạnh 10 độ hay dưới 10 độ, tôi vẫn trầm mình ở hồ bơi Quảng Bá hoặc sông Hồng. Cuối cùng là học các kỹ năng đọc bản đồ, tìm hiểu về tôn giáo, chính trị các nước sẽ đi qua. Đến gần ngày xuất phát, tôi tự tin bản thân đã đủ sức khoẻ để lên đường"- ông Hùng chia sẻ.

Ngày 2/7/2019, lão phượt thủ Trần Lê Hùng lên đường cùng bạn đồng hành dẫn tour, ông Hùng giao lại công việc cho người thân, bắt đầu hành trình cùng những người bạn. Không liên hoan, không tiệc chia tay, không cần con cái đưa tiễn, ông chỉ bảo với vợ: "Anh lên đường!" rồi thôi. Tour không hẹn ngày về, có thể là 6 tháng hoặc hơn, ông đều chấp nhận, với tâm thế thoải mái nhất!

“Khó khăn nhất là biết chuyến đi không xác định ngày trở về, chỉ biết đi trong vòng 6 tháng hoặc hơn, qua gần 40 nước hoặc hơn nữa. Tôi bắt buộc viết bản di chúc vì sợ rằng đi đường có gì bất trắc xảy ra. Khó khăn khi đặt bút kí vào giấy, tôi dứt khoát lên đường”- người phượt thủ già bồi hồi nhớ lại.

Đích đến ngôi trường cũ là động lực chính

“Tôi mong ước được trở lại mái trường xưa, thăm lại cô giáo mà ông xem là mẹ mình – đó là Xô Viết, tại Gruzia cách đây hơn 40 năm về trước tôi từng học tập”- động lực chính để ông Hùng trải qua 39 nước và 40 vùng lãnh thổ để đến nơi ông muốn.

"Tôi nhớ nước Nga nhiều lắm. Kể cả các bạn chưa từng đi Nga, nhưng lỡ nghe bài hát Nga, lỡ yêu những bức tranh về nước Nga, thì đều yêu quý và ngấm dần văn hoá Nga. Tôi có sang Nga 2 lần nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Lần này đã làm được điều đó!”- ông Hùng xúc động.

Hành trình đến đích thật vất vả, trải qua bao gian nan, có lúc tưởng chừng ông phải bỏ mạng nơi đất khách.

Ông Hùng trong một lần gặp tai nạn.

Vụ tai nạn đầu tiên khi ông mới xuất phát cuộc hành trình, vượt qua biên giới Lào chừng 50 km vào đoạn đường hiểm trở, ông bất cẩn ôm cua quá rộng và không thể điều khiển tay lái. Để tránh lao xuống vực, phượt thủ 66 tuổi buộc phải lao xe vào cột mốc bên đường. Xe bị gãy cổ trước, lốp bung khỏi vành, người bay khỏi đầu xe. Nhưng đây vẫn chưa thấm gì với những tai nạn, cũng như thử thách về thời tiết ông phải trải qua: Bão cát, đường gồ ghề, đường đèo, trời nóng trên 40 hay trời lạnh âm 16 độ. Sau tất thảy vẫn không là gì, không làm ý chí của người phượt thủ già đến với nơi cuối cùng nhụt chí.

“Tôi nhắm đến đích phía trước là trường cũ, có thể ngủ ven đường, có thể ăn món mình không quen. Nhưng vẫn không nản lòng vì ước nguyện lớn nhất của mình”- ông Hùng xúc động nhớ lại.

Rồi cảm xúc 44 năm trước vỡ òa khi ông đặt chân đến Gruzia, mọi thứ cảnh vật vẫn thế.

Đỗ xe trước cổng trường, bước xuống, cởi áo giáp, chạy ùa vào bãi cỏ trước sân, cảm giác đời người không bao giờ có lần thứ 2 như thế này. Hơn 40 năm về trước, cũng chính tại bãi cỏ này, mấy anh sinh viên rủ nhau chơi đá bóng, rồi vào rừng bên hái dâu. Giờ đây, mấy ai có được hạnh phúc này và liệu có ai dám đánh đổi hay không.

“Người tôi muốn gặp nhất là cô giáo đầu tiên dạy tiếng Nga, nhưng cô đã qua đời cách đây 3 năm. Nghe tin, tôi bật khóc như đứa trẻ. Suốt hành trình, trải qua những trận thừa sống thiếu chết tôi vẫn không rơi giọt lệ nào, ấy vậy mà nghe tin cô mất cảm giác như mất đi thứ gì quan trọng nhất đời mình”- ông gạt giọt lệ trên khóe mi.

Hành trình trở về cũng đầy gian nan và thử thách, kỉ niệm vui là ông bị bắt tại một tiểu bang của châu Âu do chạy quá tốc độ, nhưng rồi hành trình cứ thế tiếp tục. Ngày 19/12/2019 ông cùng con chiến mã đặt chân về đất mẹ, chỉ cách ngày sinh nhật tuổi 66 vài ngày, lúc ấy ông biết mình còn sống.

Tự hào khi được phượt thủ nước bạn ngưỡng mộ

“Nhớ nhất kỉ niệm khi đến đèo Trung Á, cũng có rất nhiều phượt thủ nước bạn khi nhìn thấy biển số xe Việt Nam họ đã xin được chụp ảnh lưu niệm. Lúc ấy lòng tự hào dân tộc trong lòng tôi rất khó tả, cảm giác được mang chính quê hương giới thiệu cho năm châu được biết rằng Việt Nam rất tươi đẹp! Vậy đó”- ông Hùng nhớ lại kỉ niệm ấn tượng.

P.D