Ký ức về mẹ và những chiếc bánh Trung thu ngày cũ

Cô có một người mẹ - người không sinh ra cô nhưng lúc nào cũng coi cô như máu mủ ruột rà. Ở tuổi ngoài 50, cô với mẹ vẫn như một đôi bạn. Giữa cô và mẹ, không chỉ là sự đồng điệu về quan điểm, tâm hồn, tình yêu thương... mà còn có một sự kết nối đầy tinh tế từ chính những khuôn bánh Trung thu cổ.

Mấy ngày nay, phố đã rộn ràng mùi bánh nướng, bánh dẻo và ngập tràn hoa trái với hồng, cốm, bưởi, na... Bao nhiêu thanh âm, màu sắc, mùi vị của một mùa Trung thu mới đang hiện hữu, ùa về.

Còn trên các diễn đàn về nấu ăn, các chị, các mẹ đua nhau khoe bánh Trung thu với rất nhiều mẫu mã bắt mắt. Thế nhưng, tôi chỉ chú ý đến một tút nhỏ, viết vài dòng giản dị cùng tấm hình về những chiếc khuôn bánh Trung thu có số tuổi bằng với quá nửa đời người - 55 năm... Tôi lần trên facebook và tìm được chủ nhân của những khuôn bánh ấy. Cô là Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1967), hiện đang sinh sống ở thành phố Tân An, Long An.

24 tuổi, cái tuổi gần như đẹp nhất của người con gái, cô Thúy chật vật với những âu lo về cơm áo gạo tiền. Từ Tiền Giang, cô đạp xe lên Long An đi làm. Cả đi cả về ngót nghét 30 cây số. Niềm vui của cô ngoài công việc, là cô bạn nhỏ hơn mình nhiều tuổi tên An.

Một lần về nhà bạn chơi, qua trò chuyện, mẹ An biết cô mồ côi mẹ, phải đi làm xa, bươn chải cuộc sống nên đã nhận cô làm con nuôi. “Mẹ kêu tôi về xin gia đình ở lại đây để đi làm cho tiện. Tôi về xin bố và bố đồng ý. Kể từ đó, tôi coi người phụ nữ ấy là mẹ của mình”, cô Thúy bùi ngùi kể.

Ngày cô xuống nhà mẹ nuôi ở là vào tháng 4 oi bức. Thấy mẹ nấu nước đường, cô hỏi thì mẹ bảo để làm bánh Trung thu. Mẹ nói mọi năm mẹ nấu sớm, nước đường nấu để lâu bánh mới mềm. Cô háo hức chờ cho đến Rằm tháng 8.

Năm đó, cô được ăn bánh, cái bánh mà cô chưa từng được ăn, ôi sao mà ngon đến lạ. Nhưng những năm ấy khó khăn cơm áo gạo tiền nên cô chỉ được ăn bánh 2 năm.

“Mẹ học ở trường nữ công gia chánh của Pháp, các món Tây mẹ làm rất ngon và đặc biệt, bánh gì mẹ cũng làm được. Cứ đến Trung thu, mẹ tôi làm cả trăm cái bánh để bố đưa đi biếu người thân, bạn bè. Mẹ nói bánh mình làm ở nhà mới vệ sinh, ăn an toàn. Sau khi làm xong, bố thường mua hộp bánh của công ty Tân Tân - chỗ bán bánh Trung thu có tiếng ở Sài thành thời đó và cho bánh vào. Đây không phải là giả thương hiệu, mà bánh mẹ làm ngang tầm với thương hiệu”, gương mặt người phụ nữ ấy như hóa thanh xuân khi nói về mẹ, về những chiếc bánh cũ.

Mẹ gả chồng cho cô, gả chồng cho cả con gái mẹ. Những chiếc khuôn bánh Trung thu trở thành thứ đồ cũ kĩ. Cô có em bé nhưng nó không khỏe. Cô bận chăm sóc con, rồi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, không còn ai nhớ đến mấy khúc gỗ ấy.

Cho đến khi dọn nhà, mấy chiếc khuôn bánh Trung thu mối cắn, mẹ và anh định đem bỏ, mẹ nói giọng buồn bã: “Chứ không có đứa nào làm, giữ làm gì?”. Cô nói với mẹ để cho cô. Lúc đó, cô thấy mẹ vui lắm.

“Mẹ nói mẹ thử tụi mày thôi, kỉ niệm của bố mày mua cho mẹ, bao giờ mẹ chết thì tụi mày bỏ đi, chứ mẹ không bỏ. Thế là tôi mang về nhà mình. Mẹ nói, tự nhiên nhặt được mày, không đẻ mà giống y khuôn ham làm bánh, cuối cùng cũng có đứa giữ hộ mẹ kỉ niệm”, cô kể.

Kể từ ngày cô Thúy có mẹ, cô hiểu, những chiếc khuôn bánh là một phần cuộc sống của mẹ nuôi cô.

“Bố tôi hơn mẹ 25 tuổi nhưng họ có tình yêu rất đẹp. Ngày ấy, chỉ còn 1 tháng nữa là bố sang Pháp với mẹ thì bố đột ngột qua đời. Lúc đó mẹ còn trẻ nhưng không đi bước nữa, ở vậy nuôi 2 anh em. Còn những chiếc khuôn bánh, giờ chẳng ai còn dùng những mẫu cũ đó, nhưng thời xưa, bố nhờ người đóng rồi tặng cho mẹ, giá cả mấy chỉ vàng. Nó thấm đẫm tình yêu thương của 2 ông bà dành cho nhau”.

Trong kí ức của cô Thúy, hình ảnh mẹ nướng bánh bằng cái nồi gang vừa đẹp, vừa thương. Đến năm 2012, mẹ cô ra Đà Lạt, thấy người em bỏ không cái lò nướng, mẹ xin về và tặng cho cô. Từ năm đó, cô bắt đầu học làm bánh. Những cái khuôn gỗ cứ thế mòn vẹt theo năm tháng.

Kể từ khi trở thành “truyền nhân” của mẹ, cô Thúy sinh sống bằng nghề bán bánh. Mỗi mùa Trung thu đến, cô lại rục rịch làm bánh trước đó gần 2 tháng. Năm nay cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, mẹ cô luôn nhắc cô nấu nước đường từ đầu năm, bởi, nước đường nấu trước thì bánh mới ngon.

“Mẹ nói, làm bánh là phải cảm nhận bằng mắt và tay, hiện tại tôi làm nhưng lúc nào cũng có mẹ kề bên. Tôi chưa đủ điều kiện nên khuấy bột bằng tay. Tôi khuấy thì bà bỏ bột, bà chỉ nhìn và sờ ngón tay là biết bột đã đủ hay chưa. Còn về công thức bánh, mẹ nói nó là phương tiện để có bước chuẩn chứ không dập khuôn, cứng nhắc. Phải mất hơn 3 mùa trăng, tôi mới ổn”, cô Thúy chia sẻ.

Cô Thúy cũng luôn tự hào khi nói về cái tâm của mẹ mình khi làm bánh: “Tôi ở Long An, nhưng phải lên tận chợ Bến Thành mua nguyên liệu ở Châu Út Muội, quầy 870. Bà nói chỗ đó bán uy tín, chất lượng, chứ nhất định không chịu mua chỗ khác. Mẹ nói mình làm ăn hay bán cũng vậy phải có tâm, không xài hóa chất, chất bảo quản”.

Bánh của mẹ cô ngày xưa là công thức bánh vỏ giòn, nhân nhiều mỡ, ăn vào rất ngọt. Khéo góp ý với mẹ, cô phải nhờ bạn đến mua bánh và nói hộ. Rồi cô tham gia vào hội những người làm bánh. Hàng ngày, cô đọc cho mẹ nghe những bình luận trên đó. Mẹ cô nghe và khuyên, cứ tiếp thu cái mới để làm và bán bánh được nhiều hơn.

Trung thu năm nay, cô cũng bán được 500 cái bánh. Trong đó có khoảng 200 bánh được làm bằng những khuôn cũ. Mẫu bánh truyền thống chủ yếu được người có tuổi lựa chọn.

Những chiếc khuôn bánh Trung thu không còn nét nhiều, mẹ nhắc cô mua khuôn nhựa làm cho đẹp, hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thế nhưng, bánh để cúng gia tiên và bố, cô vẫn làm bằng khuôn gỗ của mẹ.

“Mỗi lúc đặt bánh lên bàn thờ bố, mẹ chắp đôi bàn tay run run nói: “Bánh tui vẫn làm bằng khuôn mà anh tặng cho tui”, cô Thúy bồi hồi kể lại.

Mỗi mẻ bánh ra lò từ những chiếc khuôn này, cô Thúy vui lắm. Cô hạnh phúc vì đã làm cho mẹ vui.

Sau mỗi mùa Trung thu, cô Thúy lại ngâm khuôn bằng nước cơm vo gạo, quét sạch hết bột bám ở kẽ khuôn rồi đem phơi nắng. Đợi khuôn khô, cô đem vào để nguội rồi bọc ni-lông cất đi. Lâu lâu, cô bỏ những chiếc khuôn ra kiểm tra mối mọt. Cô gìn giữ những chiếc khuôn bánh như một tài sản quý giá được mẹ, được cuộc đời ban tặng.