Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Trẻ dễ bị rối loại tâm thần, cần xử lý nghiêm!

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Trẻ dễ bị rối loại tâm thần, cần xử lý nghiêm!

Nguyễn Thị Bích Ngà

Nguyễn Thị Bích Ngà

Thứ 6, 15/03/2024 15:25

Mong pháp luật xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em. Đây thực sự sẽ là ác mộng tuổi thơ của những đứa trẻ.

Bạo hành trẻ bằng vũ lực và lời nói

Bạo hành trẻ em, dù là bằng vũ lực hay lời nói cũng để lại ám ảnh tâm lý nặng nề và phải mất thời gian dài mới có thể phục hồi.

Mạng xã hội không ngừng chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé trai bị người đàn ông đánh đập dã man trong phòng khách. Dù bé trai đã ôm đầu khóc lóc xin tha nhưng người này vẫn không ngừng lao tới dùng chân đạp mạnh vào người bé.

Đoạn video ngay sau khi được lan truyền khắp các trang MXH đã khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ trước hành vi bạo lực của người đàn ông cũng như xót xa cho cậu bé.

Vụ việc diễn ra tại tỉnh Bình Phước, Công an Tp.Đồng Xoài đã tạm giữ hình sự đối tượng Lê Đức Thắng (SN 1982, trú tại phường Tân Thiện, Tp.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) để điều tra về hành vi đánh đập con riêng của vợ. Nạn nhân là cháu Lê Tấn A. (9 tuổi).

Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu A., Tiến sĩ Bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia (Bệnh Viện Bạch Mai), cho rằng trường hợp này là một hành vi bạo lực với trẻ cả về thể chất và tinh thần.

Những vết thương phần mềm trên cơn thể bé A. có lẽ sẽ nhanh chóng được chữa lành. Vậy nhưng, vết thương trong lòng, những ám ảnh tâm lý gây ra bởi người cha dượng có lẽ sẽ mãi theo bé rất lâu về sau.

Trước đó, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, mà kẻ bạo hành là những người cha dượng, mẹ kế, thậm chí là cha mẹ ruột, khiến dư luận bàng hoàng.

Đầu năm 2022, vụ việc bé gái 8 tuổi tại Tp.HCM bị “mẹ kế” bạo hành đến chết khiến dư luận dậy sóng, phẫn nộ.

Ngay sau đó là vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong hồi tháng 1.2022.

Trước đó là vụ bé gái 3 tuổi ở tỉnh Kiên Giang bị cha dượng hành hạ dã man như châm thuốc vào miệng bé, dốc đầu bé dẫn đến chết.

Đó là hồi chuông báo động về vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn, có thể những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ở đâu đó, hằng ngày vẫn có những đứa trẻ khác bị bạo hành nhưng chưa được phát hiện.

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, hàng loạt vụ trẻ em bị bạo hành, đánh đập tàn bạo liên tiếp xảy đến, gây chấn động dư luận.

Theo thống kê của UNICEF, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Theo số liệu của Bộ Công an, riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, 97% trong số đó, kẻ gây hại đều là người thân, quen với nạn nhân. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần do nhiều vụ chưa được phát hiện hoặc còn bị che giấu.

Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em.

Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Trao đổi với Lao Động, TS.Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này xuất phát từ sự thiếu kiến thức về giáo dục, nhất là từ gia đình.

Trình độ hiểu biết và nhận thức của những kẻ bạo hành hạn chế; không biết cách kiềm chế cảm xúc; hành động theo quan điểm, quán tính; không có những kiến thức của phương pháp giáo dục hiện đại; thiếu hiểu biết về pháp luật…

Xã hội - Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Trẻ dễ bị rối loại tâm thần, cần xử lý nghiêm!

Cha dượng bạo hành bé trai 9 tuổi ở Bình Phước.

Trẻ bị bạo hành dễ bị rối loạn tâm thần

Đối với vấn đề trên, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Đặng Minh Khuê - Chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý tại Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) và cũng là chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên cho biết, việc bị bạo hành sẽ làm gián đoạn sự phát triển của não bộ, thậm chí gây ra hiện tượng thoái lui trong tâm lý và hệ thần kinh.

Trẻ bị bạo hành sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần như căng thẳng hậu sang chấn, trầm cảm, lo âu, nghiện,... nghiêm trọng hơn nữa là tự hủy hoại và tự sát.

Ngoài ra, trẻ bị bạo hành khi lớn lên có khả năng tiếp tục rơi vào các mối quan hệ độc hại, hoặc trở thành người gây bạo lực cho người khác.

Chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết thêm, khi bị bạo lực, bạo hành, trẻ thường không muốn tiếp xúc với mọi người, xa lánh, thu rút các mối quan hệ, bỏ học, có những ý nghĩ tiêu cực, học hành sa sút, kém tập trung. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm về sau trong cuộc đời, ảnh hưởng đến việc học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội.

Tội danh nào đối với người bố dượng?

Dưới góc độ pháp lý, Ts.Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Việc cơ quan chức năng nhanh chóng tạm giữ hình sự đối tượng để phục vụ công tác điều tra là hết sức cần thiết. Bất cứ ai khi xem clip vụ việc trên đều cảm thấy rùng mình, phẫn nộ trước hành vi của người bố dượng với bé trai 9 tuổi.

Trong thời hạn tạm giữ đối tượng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả có thể xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với hành vi đá, đạp, giẫm chân liên tục, nhiều lần vào mặt, đầu, cổ (những vùng hiểm yếu trên cơ thể) của cháu bé mới 9 tuổi thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định, hành vi có thể dẫn đến chết người thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng này về tội "Giết người" theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, Bộ luật Hình sự) với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi, cho dù nạn nhân không tử vong).

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, chưa có căn cứ xác định hành vi có thể dẫn đến chết người, nhưng hậu quả cháu bé đã có thương tích xảy ra, thì dù thương tích dưới 11 % vẫn xử lý đối tượng này về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 (Bộ luật Hình sự), bởi hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Nếu kết quả xác minh chưa đủ căn cứ để khởi tố đối tượng này về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người" thì vẫn có thể xử lý đối tượng này về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự, với hình phạt có thể tới 3 năm tù.

Có thể thấy rằng hành vi của đối tượng này thể hiện qua clip là vô cùng tàn ác, hết sức nguy hiểm với đứa trẻ vô tội. Ở độ tuổi này cháu bé hoàn toàn không có khả năng tự vệ, hành vi kêu khóc càng kích thích bản năng tàn bạo của đối tượng gây án. Nếu hành vi tiếp tục tái diễn thì cháu bé hoàn toàn có thể mất mạng bất kỳ lúc nào.

Sự việc cho thấy tính chất côn đồ, hung hãn, ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Có thể đối tượng say rượu, bị ảo giác do sử dụng chất ma túy hoặc do tính cách côn đồ, ý thức coi thường pháp luật nên đã thực hiện hành vi phạm tội... Bất kể vì lý do gì, thì hành vi của đối tượng này cũng rất đáng lên án và cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Bởi vậy, ngoài việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với kẻ hành hạ trẻ em thì cần phải có những giải pháp tích cực, đặc biệt là cần phải có thống kê phân loại những trẻ em yếu thế (những trẻ em sống trong gia đình không có hạnh phúc, sống cùng bố dượng, mẹ kế bất hoà, nghiện ngập cờ bạc, có lối sống sa đọa...) để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, tránh các em trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành.

Quỳnh Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.