Liên tiếp vỡ hụi tiền tỷ tại nhiều địa phương: Trắng tay vì “mật ngọt” lãi suất cao

HÀ NHÂN

Bằng hình thức góp hụi, rất nhiều người dân đã đóng số tiền từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cho các dây hụi để hy vọng hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, tình trạng vỡ hụi, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang trở thành điểm nóng tại nhiều địa phương.

Điêu đứng vì góp tiền chơi hụi

Chỉ trong thời gian ngắn, tình trạng vỡ hụi liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương phía Nam. Điển hình như tại tỉnh Vĩnh Long, vụ bể hụi xảy ra trên địa bàn thị xã Bình Minh do bà N.T.T, 50 tuổi; ngụ khóm Đông Bình B, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh làm chủ hụi đang khiến nhiều người mất ăn mất ngủ.

Là một thành viên của dây hụi này, bà N.T.M.H, 42 tuổi; ngụ xã Thuận An, thị xã Bình Minh cho biết: “Trong khóm Đông Bình B có khoảng 40 người tham gia 20 dây hụi do bà T. làm chủ, mỗi dây từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Tôi tham gia đủ 20 dây hụi trên với số tiền 700 triệu đồng. Vào ngày 22/4 là ngày hốt dây hụi 40 triệu đồng thì vào khuya 21/4, cả nhà bà T. đã bỏ đi biệt tăm”.

Bà T. bỏ đi, để lại bức thư tay “tạm biệt một thời gian” vì nợ nần nên hết khả năng chung hụi. Các hụi viên kéo đến nhà chủ hụi này thì mới vỡ lẽ có người tham gia đóng hụi nhưng không có tên trong sổ, có người không tham gia chơi hụi thì lại ghi tên vào sổ. Theo tính toán của nhiều hụi viên, tiền mà hụi viên đóng cho bà T. gần 5 tỷ đồng.

Bà L.T.H., 38 tuổi, ngụ khóm Đông Bình B cho hay, đa số hụi viên trong xóm đều là lao động nghèo, sống nhờ nghề ươm mầm rau giống. Do bà T. là người cùng xóm nên ai cũng tin tưởng, nhưng không ngờ bị gạt mất trắng. Hiện, vụ việc đang được Công an tỉnh Vĩnh Long thu thập tài liệu, chứng từ để tiến hành truy xét.

Các vụ việc vỡ hụi đều có giá trị tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

Tương tự, Công an tỉnh Trà Vinh cũng vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam vào ngày 1/5 đối với Nguyễn Thị Ngọc Nhàn, 31 tuổi; ngụ xã Tân Bình, huyện Càng Long để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, năm 2014, Nhàn đứng ra làm chủ hụi và mở các dây hụi từ 200.000-500.000 đồng để hưởng hoa hồng, có nhiều người tham gia chơi. Đến năm 2018, để có tiền trả lãi ngân hàng và tiêu xài, Nhàn “chơi lớn” khi mở nhiều dây hụi lên đến 5 triệu đồng.

Để chiếm đoạt tiền của hụi viên, Nhàn kê tên khống vào các dây hụi để hốt. Không dừng lại ở đó, chủ hụi này tự ý lấy tên hụi viên hốt hụi và bán hụi khống để chiếm đoạt tài sản.

Đến ngày 5/12/2019, Nhàn tuyên bố vỡ hụi và tại thời điểm này còn 159 dây hụi chưa kết thúc. Cơ quan điều tra xác minh làm rõ 20 dây hụi, Nhàn có hành vi chiếm đoạt 835 triệu đồng.

Nhiều vụ vỡ hụi đều có chung kiểu mẫu quen thuộc. Ban đầu, chủ hụi cố tình phô trương tiềm lực kinh tế, tìm mọi cách để các hụi viên tin tưởng. Khi đó, các thành viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán lãi đầy đủ, đúng hẹn.

Nhiều người thấy lãi cao, lại được thanh toán sòng phẳng nên đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được hay tìm mọi cách vay mượn để có tiền đóng hụi. Cho đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ thì những nạn nhân này mới biết mình bị lừa.

Chỉ với chiêu trò đơn giản những đã có hàng nghìn nạn nhân sập bẫy, lâm vào cảnh điêu đứng, kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Ngoài ra, các nạn nhân thường kéo đến các cơ quan chức năng để tố cáo, kiện tụng… gây mất trật tự tại địa phương.

Đòi lại tiền: Bắc thang lên hỏi ông trời...

Theo luật sư Võ Tuấn Anh, đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 471 BLDS 2015, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Nhiều người dân lao đao khi chủ hụi ôm tiền tỷ rồi biến mất.

Còn đối với tình trạng vỡ hụi, thạc sĩ Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cho biết, theo Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì có thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi khởi kiện cần cung cấp đầy đủ các chứng cứ liên quan đến sự tồn tại của hụi như các bản cam kết, thỏa thuận, văn bản thỏa thuận về hụi được công chứng, sổ hụi (nếu có)...

“Trong trường hợp chủ hụi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên. Căn cứ theo quy định này, nếu chủ hụi có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp khác dẫn đến không còn khả năng chi trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài trách nhiệm pháp lý mà chủ hụi phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, đối với những thành viên tham gia hụi, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh hụi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh hụi theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở hụi; phần không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia”, thạc sĩ Chung trình bày.

Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả từ những vụ vỡ hụi trong thực tế lại phức tạp hơn thế. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, pháp luật hiện tại chỉ quy định những người khi tham gia chơi hụi có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng nên rất rủi ro. “Khi người chơi thỏa thuận đóng hụi với nhau qua lời nói, hoàn toàn không có một văn bản pháp lý nào cả thì khi tranh chấp xảy ra thì rất khó giải quyết, thiếu căn cứ, nên việc bảo vệ quyền lợi cho người bị chiếm đoạt tài sản là rất khó”, ông Hiếu phân tích.

Việc đòi lại tiền cho người bị hại trong những vụ vỡ hụi là gần như không thể.

Còn theo một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Tháp, chủ hụi chỉ bị cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các trường hợp: Lập danh sách khống hụi viên để hốt hụi, chiếm đoạt tiền của hụi viên khác; bán hụi khống, tức không có hụi viên nhưng dùng nó “bán” cho người có nhu cầu mua hụi chót để lấy tiền.

Ngoài các trường hợp đó thì còn lại là xử lý bằng con đường dân sự. Nhưng thông thường sau khi tòa tuyên án, khả năng thu hồi lại tiền không quá 30%. Vì một khi bể hụi, tài sản người chơi, chủ hụi đã không còn gì, không có khả năng thi hành bản án.

Ngăn chặn biến tướng trở thành “tín dụng đen”

Đại tá Phan Thanh Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đánh giá: “Những năm vừa qua ở Gia Lai xảy ra một số vụ vỡ hụi lớn, những vụ việc này đa phần không đủ căn cứ để xử lý cho vay lãi nặng. Mà vụ việc chủ yếu xử lý hướng lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo. Hầu như các hụi lớn trong đó có việc huy động tiền với lãi suất vượt lên trên quy định nhà nước thì đều có dấu hiệu biến tướng thành hoạt động “tín dụng đen”. Để đảm bảo không xảy ra những vấn đề vỡ hụi như trước đây thì người dân tham gia chơi phải có cam đoan, cam kết và khống chế lãi suất để không biến tướng thành hoạt động tín dụng đen”, đại diện Công an tỉnh Gia Lai cho hay.

H.N